40 ngày Chay Thánh cùng Chân phước Gioan Phaolô II:
Thứ Năm tuần IV Mùa Chay:
Hãy Cởi Mở Với Sự Thật
Lạy Chúa, xin nguôi giận, và xin đừng hại dân Người. (x. Xh 32: 7-14)
Lạy Chúa, xin nhớ đến chúng con bởi lòng thương dân Người. (x.Tv 106)
“Tôi đã đến nhân danh Cha tôi, nhưng các người không chấp nhận tôi” . (x.Ga 5: 31-47)
Lời Chúa trong tin mừng Gioan hôm nay đưa chúng ta vào một trong những cuộc tranh luận giữa Chúa Giêsu và các người đồng thời về tính xác thực trong sứ mạng thiên sai của Người. Sự kiện diễn ra trong bối cảnh Chúa chữa lành một người què ở gần hồ Bethseda. Được thực hiện trong ngày Sabbath, việc chữa lành này đã gây ra phản ứng về phía những người giữ luật Môsê. Chúa Giêsu bênh vực lẽ phải trong việc làm của Người bằng cách biện luận rằng quyền năng của Thiên Chúa được tỏ lộ trong công việc đó, một quyền năng không thể bị giới hạn bởi chữ viết của Luật. Chính quyền năng này làm chứng cho Chúa Kitô. “Nếu tôi làm chứng về chính mình, thì lời chứng của tôi không thật. Có Đấng khác làm chứng về tôi, và tôi biết: “lời Người làm chứng về tôi là lời chứng thật” (Ga 5: 31-32).
Chúng ta thấy chính mình ở trung tâm của cuộc tranh luận giữa Chúa Giêsu và những người đồng thời, những người đại diện cho Israel. Hơn bất cứ ai khác, chính họ có thể nhận ra chứng từ của Thiên Chúa nơi Chúa Kitô. Thực tế, họ đã được chuẩn bị đặc biệt cho việc này. Chúa Kitô nói, “Các ông nghiên cứu Thánh kinh, vì nghĩ rằng trong đó các ông sẽ tìm được sự sống đời đời. Mà chính Thánh kinh lại làm chứng về tôi. Các ông không muốn đến cùng tôi để được sự sống” (x.Ga 5 :39-40).
Vì vậy, phụng vụ Lời Chúa Mùa Chay hôm nay bộc lộ cuộc tranh luận về chính nội dung thiên sai trong sứ mạng của Chúa Kitô.
Chúng ta có nên dừng lại ở điểm này không? Chúng ta có nên nhận thức loại lý luận này như một biến cố sáng ngời có liên quan đến quá khứ, cũng như lý luận của Môsê , người đã lãnh đạo dân khi ở trong hoang địa, liên quan tới một biến cố còn xa xưa hơn nữa không?
Không. Chúng ta không dừng lại ở đây. Bản văn phụng vụ luôn luôn làm cho chúng ta vượt qua từ quá khứ tới hiện tại. Thực vậy, liệu Chúa Kitô – ở đây và lúc này – nghĩa là trong kỷ nguyên của chúng ta, trong thế hệ của chúng ta – có lý luận với con người, với mỗi người một cách khác nhau, về nội dung thiên sai trong sứ mạng của Người không? Liệu Thiên Chúa của mặc khải có biện luận – trong Chúa Kitô, Đấng vẫn “là một hôm qua, hôm nay và mãi mãi” (Dt 13:8)., với mọi người về việc chấp nhận toàn bộ sự thật về điều này không?
Trong một thời đại mà thế giới dường như đóng lại trong chính mình và con người thì bị dóng lại trong thế giới đó, gợi lại cuộc đời của mình từ những nguồn mạch nền tảng của ý nghĩa cuộc đời, dường như Chúa Kitô nói với sức mạnh mới: “Tôi đã đến nhân danh Cha tôi, nhưng các ông không đón nhận. Các ông tôn vinh lẫn nhau và không tìm kiếm vinh quang phát xuất từ Thiên Chúa duy nhất, thì làm sao các ông có thể tin được?” (Ga 5: 43-44).
Vì vậy, anh chị em thân mến, trong suy niệm Mùa Chay này, chúng ta đụng chạm đến những điểm sâu xa nhất trong tương quan của chúng ta với Thiên Chúa trong Chúa Giêsu Kitô. Chúng ta hãy dừng lại ở những điểm sâu xa nhất này. Chúng ta hãy mở ra với Sự thật của Mặc khải Thiên Chúa. Chúng ta hãy thú nhận tội lỗi chúng ta trong bí tích Hòa giải. Chúng ta hãy hiệp nhất với Chúa Kitô trong Thánh thể. Chúng ta hãy bước vào thời gian hồng phúc của Phục sinh.
Bài giảng, 17-03-1983