40 ngày Chay Thánh cùng Chân phước Gioan Phaolô II:
Thứ Tư tuần IV Mùa Chay:
Công Việc Và Gia Đình Tham Dự Vào Hoạt Động Của Thiên Chúa
Ta đã đặt ngươi làm giao ước với dân để phục hồi xứ sở. (x.Is 49: 8-15)
Chúa nhân hậu và từ bi. (x.Tv 144)
“Cha tôi vẫn làm việc và tôi vẫn làm việc”. (x.Ga 5: 17-30)
Hình tượng bác thợ làng Nazareth, bạn của Mẹ Thiên Chúa và là Đấng gìn giữ Con Đấng Tối Cao, đầy ý nghĩa đối với Giáo hội, một cộng đoàn được mời gọi sống viên mãn mầu nhiệm nhân loại, một sự viên mãn – như Công đồng Vatican II khẳng định – chỉ được trọn vẹn trong Chúa Kitô. Như vậy, một cách đặc biệt, thân mẫu Chúa Giêsu và thánh Giuse đưa mầu nhiệm Ngôi Lời nhập thể đến gần những vấn đề nền tảng của cuộc sống con người.
Về cơ bản, đó là vấn nạn giữa hai thực tại; gia đình và công việc, không phải là hai thực tại biệt lập, nhưng liên lết với nhau trong mối tương quan gần cận, hỗ tương.
Đó là đời sống Nazareth trong 30 năm mà thánh sử đã tóm tắt bằng một câu: “Đức Giêsu đi xuống với các Ngài (Mẹ Maria và thánh Giuse), trở về Nazareth và vâng phục các ngài” (Lc 2:51).
Tuy nhiên, một kiểu nói vắn tắt đã nhấn mạnh rất rõ ràng mối tương quan giữa gia đình và công việc.
Gia đình và công việc! Trong ánh sáng của Tin mừng và trong truyền thống Giáo hội, được diễn tả không ngừng trong giáo huấn liên tục của Giáo hội mà còn trong thực tế đời sống và luân lý của Kitô hữu, hai thực tại nhân loại quan trọng này chiếu giãi ánh sáng lên trật tự riêng của các giá trị; hai thực tại ấy nhấn mạnh rằng quyền tối thượng thuộc về con người xét như một nhân vị và như một cộng đồng nhân vị; vì thế, trước hết, thuộc về gia đình. Tất cả mọi công việc, nhất là lao động thể lý, ràng buộc con người vào thế giới sự vật, vào “trật tự” toàn thể của sự vật. Thế giới đã được trao cho nhân loại như một nhiệm vụ từ Đấng tạo hóa, như một công việc trên trần gian: “Hãy khai khẩn mặt đất” Lời sách Sáng thế (x, 1:28) chỉ rõ sự vật tùy thuộc vào con người. Thế giới hữu hình này là “cho con người”. Sự vật là cho con người.
Mong rằng người ta hiểu và tôn trọng trật tự này! Mong rằng trật tự này không bao giờ bị xâm phạm, thậm chí không bị đảo lộn! Tiến bộ hiện đại, như chúng ta có thể thấy rõ, chính nó có sự nguy hiểm. Nền văn hóa “tiến bộ”, ngoại trừ những dự án thực sự nhằm đến con người, tất cả đều dễ dàng trở thành nền văn hóa của sự vật thay vì của con người. Có nhiều sự vật có thể làm được, có những lời mời mọc của quảng cáo và rao hàng liên tục, đến nỗi có một mối nguy nếu chịu khuất phục. Người ta có thể kết thúc bằng cách trở thành nô lệ cho sự vật và nô lệ ước muốn chiếm hữu – thậm chí trái cả ý mình. Chủ nghĩa gọi là tiêu thụ lại không tiêu biểu cho kiểu nói “trật tự” (hay đúng hơn là “hỗn độn”) trong đó “có” lại quan trọng hơn “là” đó sao? Các bạn không phải là nô lệ cho sự sở hữu ích kỷ, nhưng là tôi tớ của sự sẻ chia trong liên đới! Hãy lấy con mắt tinh thần chăm chú nhìn ngắm Thánh gia, và nhờ lời chuyển cầu của thánh Giuse, hãy đưa ra quyết tâm, một quyết tâm được soi sáng nhờ đức tin, lòng can đảm và kiên trì làm việc thiện!
Bài giảng, Fabriano (Italy), 19-03-1991