SỰ CHẾT:
BÀI 2. KITÔ HỮU VÀ SỰ CHẾT
1. Suy tư về cuộc Thương khó – Tử nạn của Đức Giêsu
Kitô hữu suy nghĩ gì về sự chết của Đức Giêsu và có thái độ nào trước cái chết đang chờ đợi mình ở cuối đời ?
a. Yêu đến cùng
Thương khó – Tử nạn của Đức Giêsu không bắt nguồn từ phía lòai người nhưng nằm trong ý định của Thiên Chúa (1Cr 15,3 : đúng như Lời Thánh Kinh; x. Lc 24,26-27). Đó là vì yêu thương mọi người và yêu đến tận cùng. Nhập thể – Thương khó – Tử nạn là bằng chứng hiển nhiên cho tình yêu đến cùng (Ga 13,1:Người yêu thương họ đến cùng; Ga 10,18 : Mạng sống Tôi không ai lấy đi được, chính Tôi tự hy sinh mạng sống mình; Ga 18,11 : Chén đắng Cha ban, chẳng lẽ Thầy không uống ? Ga 17,19 : Lạy cha con xin thánh hiến chính mình con cho họ để nhờ sự Thật mà họ cũng được thánh hiến). Những cụm từ hy sinh mạng sống, uống chén, thánh hiến chính mình … đều diễn tả tình yêu đến cùng, đến vui lòng chết để minh chứng tình yêu : “Không có tình yêu nào cao cả cho bằng chết cho người mình yêu”(Ga 15,13).
b. Đức Giêsu tự nguyện đón nhận.
Thương khó và Tử nạn của Đức Giêsu không phải do định mệnh an bài hoặc như một đại họa khiến Đức Giêsu phải chấp nhận gánh vác, nhưng Đức Giêsu đã tự nguyện đón nhận vì yêu đến cùng. Tin mừng cho thấy Đức Giêsu luôn làm chủ mọi tình huống: “Giờ Tôi chưa đến”(Ga 2,4”; “Lạy Cha, Giờ đã đến” (Ga 17,1). Hơn ba lần Người báo trước cuộc thương khó. Trong vườn Giệtsêmani, trước những quân lính đến bắt Người, Người nói “Ta đây” khiến chúng phải lùi lại và ngã xuống đất (Ga 19,6).
c. Xin vâng ý Cha : món quà tuyệt hảo.
Trong bất cứ cái chết nào, đều có yếu tố đến từ bên ngòai ngược với ý muốn sống của mọi người, ví dụ : bệnh tật, thù hận, sát hại… Ngay cả nơi những người tự vẫn vì ham sống mà không vượt qua được trạng huống bi đát hiện tại của đời mình. Trong cuộc Thương khó – Tử nạn của Đức Giêsu, cũng có những yếu tố bên ngòai tấn công : Người ta kết án Ngài vì thái độ của Ngài đối với Lề luật và các Truyền thống tiền nhân (Sabbat, thanh sạch…); Họ kết án Ngài vì thái độ của Ngài đối với một tôn giáo vụ hình thức như bình phong che đậy nếp sống bất công, hưởng thụ, sa đọa; Họ kết án Ngài vì cách sống của Ngài hòa đồng với người tội lỗi, phường thu thuế, ân cần quan tâm đến những người nghèo và kịch liệt lên án thói giả hình, kiêu căng, vụ lợi của giới lãnh đạo, bọn biệt phái… Người ta còn kết án Ngài vì cho rằng Ngài lộng ngôn, và cuối cùng cáo buộc Ngài đã xúi dục dân làm lọan chống lại Hòang đế Rôma. Điều làm ta ngạc nhiên đó là trứơc mọi tố cáo, Đức Giêsu hòan tòan im lặng, một im lặng thẳm sâu dù Ngài rất lo sợ trứơc viễn tượng sự chết gần kề (tại vườn Giệtsêmani, trên Thập giá). Sự im lặng này chỉ phá vỡ khi Ngài thốt lên : “Con xin phó linh hồn trong tay Cha”, và “Mọi sự hòan tất”, như khúc khải hòan ca vì Ngài đã đi đến cùng sự Xin Vâng như món quà tuyệt hảo dâng về Cha (Pl 2,6-8). Thánh Phaolô nói tôi chết đi mỗi ngày, không phải sự chết kết thúc sự sống mà là cách thức sống hòan hảo, sống thật.
d. Chết để được sống
Trứơc khi có cái chết của Đức Giêsu, tất cả chúng ta đều bị sự chết đánh gục. Nhưng từ khi Đức Giêsu chết và sống lại, ta đi từ sự chết đến sự sống. Đức Giêsu đã khẳng định : “Ai yêu mạng sống mình thì sẽ mất, ai mất mạng sống vì Ta và vì Tin mừng sẽ được sống”(Mc 8, 35). “Nếu hạt lúa gieo vào lòng đất mà không chết đi, thì nó vẫn trơ trọi một mình, còn nếu chết đi, nó mới sinh được nhiều bông hạt”(Ga 12, 24-25). Tên gian phi trong giờ phút cuối đời đã được đi vào sự sống thật (Lc 23,43). Cái chết là hoa trái của cả đời người, nói cách khác cả đời sinh ra cái chết. Đức Giêsu đã chết, nhưng chết trong tình yêu, cho tình yêu và vì tình yêu. Đó là cái chết đã chín, tự nguyện, cái chết mang tên gọi tình yêu, nên ban lại sự sống dồi dào. Còn cái chết còn xanh được so sánh với trái cây xanh, đó là cái chết thiếu chuẩn bị, chưa sẵn sàng.
2. Ý nghĩa của sự chết
Trọn cuộc đời, Chúa Giêsu đã hòan tòan vâng phục thánh ý Chúa Cha và chu tòan sứ mệnh Cha đã trao phó. Ngài không hề tìm sự chết, nhưng một khi hòan tòan trung thành và đi đến cùng sứ mệnh, tất nhiên sự chết đến với Ngài như hậu quả của lòng trung thành tuyệt đối đó. Trong dòng Cựu ước, các ngôn sứ và các bậc chính nhân cũng đã từng chịu bách hại và giết chết. Tuy nhiên, đứng trước cái chết, Đức Giêsu hòan tòan tín nhiệm và phó thác vào Chúa Cha. Ngài bị kết án chết thập giá vì đã hòan tòan trung thành đến cùng với Chúa Cha. Do đó sự chết thập giá của Ngài trở thành hy tế cứu độ nhân lọai và căn nguyên sự sống cho mọi người. Cả một đời, Ngài hòan tòan sống cho (Chúa Cha và nhân lọai (pro-existence), thì cái chết cũng là chết cho Cha và mọi người. Tội Ađam gây nên sự chết cho mọi người, và cái chết của Đức Kitô đem lại sự cứu độ cho mọi người. Biến cố sự chết của Đức Kitô chỉ thật sự hữu hiệu cho những ai từ nay biết sống phù hợp với đời sống mới. Đó là điều mà Thánh Phaolô đã trình bày trong thư Roma, Ep. Cái chết của Đức Kitô mang giá trị tòan vẹn vì đem đến sự sống của Thiên Chúa; cho nên sự chết của mọi kẻ tin đạt ý nghĩa theo mức độ liên kết với sự chết của Đức Kitô.
Đức Giêsu chỉ cho các môn đệ biết con đường sự sống là hòan tòan từ bỏ. Ngài đòi hỏi những ai muốn theo Ngài phải triệt để bước theo Ngài, tức là ở với (avec) và ở trong (en) Ngài. Thánh Phaolô đã có kinh nghiệm này khi chiêm ngắm cái chết của Chúa Giêsu và khi đối diện với cái chết của chính mình. Chúa Giêsu, và sau đó thánh Phaolô, đều có chung một kinh nghiệm : nhìn sự chết với tất cả niềm tin tưởng và phó thác vào sự hiện diện sống động của Thiên Chúa.
Sớm muộn gì cái chết cũng đến với ta, tuy không biết lúc nào, hoàn cảnh nào và cách nào!Hãy đặt nó vào trung tâm cuộc sống. Cha André Manaranche, SJ , trong “Les premiers pas dans l’amour” 1989, đã suy viết : “ Cứ tin tôi đi, bạn sẽ chỉ thực sự là một người tự do khi bạn đã tháp nhập được cái chết vào đời sống bạn, bởi vì cái chết của bạn là phương tiện to lớn để sống viên mãn, là thành công đầy đủ và vĩnh viễn của bạn… Tôi không đi tìm sự sống sau cuộc sống để được hưởng cái thú tồn tại. Tôi ước mong một đời sống hòan tòan mới, hòan tòan khác, đến từ việc được diện kiến Thiên Chúa. Đó là sự sống vĩnh cửu. Tôi chờ đợi sự sống này, không như một tình huống có thể xảy ra nhưng như một lời đoan hứa”
3. Vẫn là một mầu nhiệm
Nói về sự chết, trước hết Đức Giêsu cho thấy đó là thân phận con người và trước viễn tượng sự chết đe dọa, Ngài nhắc nhở cần sẵn sàng tỉnh thức và hóan cải, đồng thời hướng mắt về với Đấng đang đến. Trong đời sứ vụ, Đức Giêsu đã từng đấu tranh chống sự chết và đau khổ, dù Ngài tuyệt đối trung thành với Cha và với sứ mệnh. Những phép lạ Ngài làm chữa lành bệnh tật, phục sinh kẻ chết, chứng tỏ cho thấy sự sống mạnh hơn sự chết và sự chết không phải là điểm cuối của sự sống. Đức Giêsu tin vào sự sống lại sau hết và hơn nữa Ngài biết Ngài sẽ sống lại. Sự chết mang khuôn mặt kép. Trong vườn Giệtsêmani, Đức Giêsu vừa run sợ trước cái chết gần kề, nhưng lại vừa sẵn sàng chấp nhận thánh ý Chúa Cha. Trên thập giá, Ngài vừa bộc lộ sự khắc khỏai vừa bày tỏ sự trung thành trong tiếng kêu Cha là Thiên Chúa của con.
Thánh Phaolô cũng đã cảm nghiệm khuôn mặt kép đó của sự chết, vừa đáng yêu vì được ở với Đức Kitô mà Ngài hằng khát khao, vừa đáng khiếp sợ mà chỉ có đức tin vào Đức Kitô mới giúp thắng vượt. Chết là một huyền nhiệm, không thể hiểu khi nhìn vào chính nó, nhưng tình yêu cho phép ta hiểu được nó, như thể nhờ ánh sáng mà hiểu được mặt trời. Chết không phải là hết, nhưng là một vượt qua từ cuộc sống trần gian tạm bợ tiến vào sự sống vĩnh cửu, là một biến đổi từ thân xác yếu hèn nên giống thân thể vinh quang của Đức Kitô. Chết là hậu quả của tội như một quyền lực đang họat động và dường như thể đang thắng thế. Chính tội đưa đến sự chết và sự chết là hậu quả của tội. Nơi Đức Giêsu, chết và sống lại là hai mặt của một mầu nhiệm duy nhất. Sự chết chỉ được soi sáng nhờ vào mầu nhiệm sự trung thành phó thác. Đức Giêsu không tìm cái chết như phương thế cứu độ. Ngài đón nhận sự chết vì hòan tòan vâng phục và trung thành với sứ mệnh Cha trao phó. Phaolô quả quyết mầu nhiệm sự chết và sự sống (tử nạn và Phục sinh) của Đức Kitô vẫn tiếp tục họat động trong thân xác. Kitô hữu không được mời gọi tiêu cực chấp nhận khổ đau nhưng đón nhận chịu đóng đinh để biểu lộ lòng trung thành đến cùng với Tin mừng. Cuộc sống tăng trưởng khi bứt mình khỏi vỏ cứng để mở ra cho tha nhân, điều đó đem đến đau khổ. Đàng khác, những đau khổ đều do tội. Sự chết chỉ đem lại ý nghĩa từ sự chết của Đức Kitô, cũng thế đau khổ chỉ có nghĩa trong mức độ kết hiệp với đau khổ của Đức Kitô. Bên kia đau khổ và sự chết, chính là sự sống sung mãn.
3. Kết luận
Khi mặc lấy bản tính lòai người, Đức Giêsu nhận lấy cái chết của chúng ta để cùng liên đới với thân phận tội lỗi của chúng ta. Là thủ lãnh nhân lọai mới, Ađam mới (1Cr 15,45; Rm 5,14), Người mang tất cả chúng ta trong Người khi chết thập giá; do đó trong cái chết của Người, tất cả đều chết (2 Cr 5,14). Bí tích Thánh tẩy liên kết chúng ta nên một với Chúa Kitô trên thập giá, được tẩy rửa trong cái chết của Người, được mai táng với Người trong sự chết ((Rm 6,3; Pl 3,10), và sự sống mới của chúng ta hiện đang tiềm ẩn với Đức Kitô nơi Thiên Chúa (Cl 3,3). Từ nay, chúng ta chết cho tội (Rm 6,11), cho con người củ (Rm 6,6), cho xác thịt (Gl 5,24), cho những gì thuộc thế gian (Cl 2,20), để sống con người mới (Cl 3,5tt; Ep 4,20tt) tức sống theo Thần Khí (Rm8)..
Nhờ Đức Kitô, chúng ta là những người trở về từ cõi chết (Rm 6,13), được giải thoát khỏi sự chết, “vì ai nghe lời Ta sẽ vượt qua cái chết mà được sống”(Ga 5,24) và “ dầu chết, sẽ được sống” ( Ga 11,25). Việc kết hợp cùng cùng cái chết của Đức Kitô đã thực hiện trong Phép Thánh tẩy vẫn thể hiện mỗi ngày trong đời sống, đó là chết cho tội, cho tình xác thịt (Rm8,13), cho những gì thuộc hạ giới (Cl 3,5). Cái chết từng ngày này hiện tại hóa cái chết của Đức Giêsu và kéo dài hiệu quả phong phú của mầu nhiệm tử nạn trong thân thể Người là Giáo hội.
Đức Kitô chết và sống lại là nên tảng cho niềm hy vọng được sống lại của tín hữu. Sự kết hợp với cái chết của Đức Kitô không những cho ta bây giờ được sống cuộc sống mới Rm 8,11), nhưng còn bảo đảm cho ta sự sống vĩnh cửu trong Trời mới Đất mới (Kh 21,4).
Lm GB Hoàng Văn Khanh