40 ngày Chay Thánh cùng Chân phước Gioan Phaolô II:
Thứ Hai tuần IV Mùa Chay:
Cầu Nguyện Cho Bệnh Nhân
Người ta sẽ không còn nghe thấy tiếng than khóc kêu la. (x.Is 65:17-21)
Lạy Chúa con sẽ ca ngợi Chúa, vì Chúa đã cứu con. (x.Tv 29)
“…Ông đến và xin Người xuống cứu chữa con ông, vì nó sắp chết. (x.Ga 4:43-54)
Hiệp nhất với Đức Maria, người lữ hành trong đức tin, chúng ta được mạnh sức để xác tín rằng mọi giây phút trong cuộc đời đều là những khoảnh khắc quí báu của ân sủng, những khoảnh khắc ấy dạy cho chúng ta biết đón nhận Chúa Giêsu là niềm hy vọng chắc chắn của chúng ta.
Trong tông thư Đau khổ cứu độ, tôi đã nhận xét rằng Đức Maria rất thánh, “là chứng nhân cuộc khổ nạn của người Con bằng sự hiện diện, và là người tham dự vào cuộc khổ nạn ấy bằng sự đồng cảm, đã góp phần đặc biệt vào Tin mừng về sự đau khổ… Mẹ thực sự có một danh hiệu đặc biệt đễ có thể nói rằng Mẹ đã “hoàn tất nơi thân thể Mẹ” cũng như đã hoàn tất trong tâm hồn Mẹ ‘những gì còn thiếu trong những đau khổ của Chúa Kitô’” (s, 25).
Lúc này, chúng ta hiệp nhất trong lời cầu nguyện và dâng những đau khổ của chúng ta với tất cả những người đã cảm nghiệm nơi thân thể họ gánh nặng của bệnh tật và những bất tiện mà bệnh tật gây ra…
Dẫn đầu đoàn dân Thiên Chúa trong cuộc lữ hành đức tin, Đức Maria đi trước chúng ta trong mọi sự: cầu nguyện, tạ ơn, khẩn nài… Một lời cầu nguyện giữ chúng ta mở ra trước những bất ngờ của Thiên Chúa, kể cả những bất ngờ về đau khổ; một kinh nguyện giúp chúng ta sống tinh thần chia sẻ huynh đệ… đại gia đình tín hữu mong muốn lấy tình âu yếm đặc biệt mà ôm ấp mọi gia đình con người bị tác động bởi đau khổ. Những gia đình này, là những giáo hội tại gia thu nhỏ, được đặc biệt giao phó tất cả cuộc sống con người, mạnh khỏe hay yếu đau từ khởi đầu cho tới kết thúc. Ngoài ra, gia đình Kitô giáo còn mở ra với thế giới: noi gương Đức Trinh nữ, gia đình trở thành đền thờ của Thiên Chúa và thánh thiện của giao ước, nơi đó có lễ vật tín trung của đau khổ hằng ngày. Hiệp nhất với hy lễ Thánh thể cho ơn cứu độ nhân loại. Hiểu biết về ơn gọi căn bản của mình, tức là trở nên một cách thức hiệp thông trong sự liên đới với những người đau khổ ở gần và ở xa, là điều không bao giờ thiếu với gia đình biết cầu nguyện.
Anh chị em thân mến, sự thinh lặng của kinh nguyện giúp chúng ta nghe được lời kêu xin khôn tả của Chúa Kitô; lời kêu xin của những người “đang làm trọn trong tâm hồn họ những gì còn thiếu trong những đau khổ của Chúa Kitô” (xc. Cl 1:24).
Bao nhiêu người đang bị đau khổ vì đủ thứ bệnh tật, nhất là trẻ em, người già, những người cô thế cô thân và những nạn nhân của mọi thứ độc ác của con người! Cùng với Chúa Kitô, họ nói lên “lời kêu cầu mạnh mẽ” cho thế giới và những sự dữ lớn lao đang hủy hoại thế giới. Đó là lời cầu xin đễ tình yêu chiến thắng hận thù, hòa bình chiến thắng chiến tranh; đó là tiếng nói mạnh mẽ cất lên vì công lý và hòa bình…
Cùng với Đức Maria, Thân mẫu Chúa Kitô, Đấng đứng dưới chân thập giá (xc. Ga 19:25), chúng ta dừng lại bên tất cả thập giá của những con người hiện đại (Đau khổ cứu độ, s.31). Chúng ta biết rằng mọi đau khổ hiệp nhất với thập giá của Đấng Cứu chuộc đều là nguồn sức mạnh cho Giáo hội và cho nhân loại.
Nguyện xin Đức Mẹ Vô Nhiễm, “Sức khỏe của kẻ yếu đau” , hướng dẫn, bảo vệ và an ủi chúng con. Amen.
Bài giảng, 11-02-1994