40 ngày Chay Thánh cùng Chân phước Gioan Phaolô II:
Thứ Sáu Tuần II Mùa Chay:
Đau Khổ Của Đức Giêsu Bộc Lộ Tình Yêu Của Thiên Chúa Đối Với Chúng Ta
“Thằng chiêm bao đang đến kìa;
chúng ta hãy giết nó đi” (St 37:3-4, 12-13, 17-28).
“Hãy nhớ lại những kỳ công Chúa đã làm” (Tv 104).
“…chúng bắt lấy cậu, quăng ra ngoài vườn nho và giết đi” (Mt:39).
Nếu chân lý về Chúa Giêsu Kitô là Người Con được Chúa Cha gửi đến được trình bày đặc biệt rõ ràng trong các bản văn của Gioan, thì cũng hàm chứa trong các tin mừng nhất lãm. Chẳng hạn, chúng ta thấy, Chúa Giêsu nói: “Tôi còn phải rao giảng nước trời cho các thành khác nữa; vì tôi được sai đến vì mục đích ấy” (Lc 4:43). Đặc biệt quan trọng là dụ ngôn những tá điền độc ác. Họ đối xử tàn tệ với các đầy tớ do ông chủ vườn nho gửi đến “gặp các người làm thuê để thu hoa lợi từ vườn nho” (Mc 12:2), và giết một số người. Cuối cùng, ông chủ vườn quyết định sai chính con trai của mình, “Ông chỉ còn một người nữa là người con yêu dấu: người này là người cuối cùng ông sai đến gặp họ; ông nói: ‘Chúng sẽ nể con ta.’ Nhưng bọn tá điền ấy bảo nhau: ‘Đứa thừa tự đây rồi! nào ta giết quách nó đi, và gia tài sẽ về tay ta.’ Thế là họ bắt cậu, giết chết rồi quăng ra bên ngoài vườn nho” (Mc 12:6-8). Khi giải thích dụ ngôn này, Chúa Giêsu nhắc lại thánh vịnh 117 về viên đá bị thợ xây loại bỏ; chính viên đá này đã trở nên viên đá góc tường (x. Tv 117:22)
Dụ ngôn người con được sai đến với những người thuê vườn nho được tất cả các Tin mừng nhất lãm ghi lại (x, Mc12:1-12; Mt 21:43-46; Lc 20:9-19). Từ dụ ngôn đó phát xuất chân lý rõ ràng về Chúa Giêsu được Chúa Cha sai đến. Thực vậy, dụ ngôn nhấn mạnh khá sinh động đặc tính hy sinh và cứu chuộc trong sứ mạng. Người con quả thực là “người mà Chúa Cha thánh hiến và sai vào thế giới” (Ga 10:36). Như vậy, “trong những ngày sau hết này,” Thiên Chúa không chỉ “nói với chúng ta qua người Con” (x. Dt 1:1-2), mà còn ban người Con cho chúng ta, trong một hành vi không thể thấu hiểu, bằng cách gửi Người đến trong thế giới.
Với những thuật ngữ này, Tin mừng Gioan cũng nói một cách hết sức cảm động, “Thiên Chúa đã yêu thương thế giới đến nỗi trao ban người Con Một, để những ai tin vào người thì không hư mất nhưng được sống đời đời” (Ga 3:16). Và ngài thêm, “Thiên Chúa sai Con của Người đến thế gian để cứu thế gian” (c. 17). Ở chỗ khác, Gioan viết, “Thiên Chúa là tình yêu…Tình yêu của Thiên Chúa đối với chúng ta được biểu lộ như thế này: Thiên Chúa đã sai Con Một đến thế gian để nhờ Con Một của Người mà chúng ta được sống. Tình yêu cốt ở điều này; không phải chúng ta đã yêu mến Thiên Chúa, nhưng chính Người đã yêu thương chúng ta, và sai con của Người đến làm của lễ đền tội cho chúng ta” (1Ga 4:7-10). Vì thế ngài nói thêm rằng khi chấp nhận Chúa Giêsu, chấp nhận tin mừng của Người, cái chết và sự sống lại của Người, “chúng ta biết và tin vào tình yêu của Thiên Chúa đối với chúng ta, và ai ở trong tình yêu thì ở trong Thiên Chúa, và Thiên Chúa ở trong người ấy” (x, 1Ga 4:16). Tiếp kiến chung, 27-06-1984
Người con trở thành “trưởng tử giữa nhiều anh em” (Rm 8:29); qua cái chết của Người, Chúa Cha chuyển thông sự sống mới cho chúng ta (1Pr 1:3; Rm 8:23; Ep 1:3), nhờ đó trong Chúa Thánh Thần chúng ta có thể kêu lên Người với cùng một danh hiệu mà Chúa Giêsu đã dùng: “Cha ơi” (Rm 8:15; Gl 4:6). Thánh Phaolô giải thích mầu nhiệm này thêm khi nói rằng “Chúa Cha… làm cho chúng ta đủ tư cách chia sẻ sản nghiệp của các Thánh trong ánh sáng. Người đã giải thoát chúng ta khỏi quyền lực tối tăm và đưa vào vương quốc của người Con chí ái của Người” (Cl 1: 12-13).
Tiếp kiến chung, 10-03-1999