HOÁN CẢI
Có hai anh em ruột kia rất thương nhau, thông cảm nhau, và cùng có một mơ ước cao đẹp là sẽ sống một cuộc đời hết sức thánh thiện.
Lớn lên, người anh cưới vợ, sinh con, chăm chỉ làm ăn và cũng không quên những bổn phận đạo đức hàng ngày. Còn người em thì đi tu, thành một thầy dòng ngày ngày đi khắp nơi giảng đạo và giúp đỡ những người nghèo.
Rồi một ngày kia người em làm thầy dòng trở về quê thăm lại anh mình. Hai anh em nói chuyện với nhau thật nhiều về cuộc sống và tâm tư của mình. Người anh khám phá ra rằng ngày xưa hai anh em tâm đầu ý hiệp như thế, mà sao bây giờ lại khác nhau quá xa: người em thì vẫn thích thánh thiện như xưa và còn thánh thiện hơn xưa nữa, còn mình thì sao quá tầm thường không còn chút mơ ước nào về lý tưởng thánh thiện ngày xưa nữa.
Người anh tìm đến một vị ẩn sĩ để hỏi cho biết nguyên do sự khác biệt ấy. Vị ẩn sĩ không trả lời thẳng mà dùng những hình ảnh thiên nhiên để giải thích cho anh:
– Trước tiên là đám mây trên trời: thường thường bầu trời ngày nào cũng có những đám mây, nhưng không có đám mây ngày nào giống đám mây ngày trước. Cũng là mây, nhưng mây ngày nay khác mây ngày hôm qua.
– Kế đến là một cái cây xanh: nó vẫn luôn luôn là cây thông xanh rì, nhưng năm trước nó nhỏ hơn, năm nay nó đã lớn hơn và cao hơn một tí, năm sau nó sẽ lớn và cao hơn tí nữa. Có nhiều cái lá của năm trước mà năm nay không còn, và có nhiều chiếc lá của năm nay sẽ rụng vào năm tới để thay bằng những chiếc lá khác.
– Và sau cùng chính là thân xác con người: các tế bào trong thân xác con người luôn luôn thay đổi: có cái chết đi và có cái sinh ra thêm. Khoa học tính rằng cứ sau 7 năm thì thân xác ta hoàn toàn đổi mới không còn một tế bào nào của 7 năm trước đây nữa: sợi tóc, móng tay, làn da của ta năm nay hoàn toàn không chứa một tế bào nào của sợi tóc, móng tay và làn da của 7 năm trước.
Và tới lúc đó vị ẩn sĩ mới kết luận: tâm hồn con người cũng thế: muốn lớn lên, muốn tươi trẻ mãi, muốn hăng say sinh động thì mỗi ngày cũng phải bỏ những yếu tố xấu và đồng thời thu vào những yếu tố tốt. Không đào thải đi và không thu nhận vào thì nó sẽ chết khô như một thân cây chết cứng chứ không còn là một thân cây sống động vươn lên nữa. Cái diễn trình đào thải và tiếp nhận ấy chính là cuộc hoán cải, cần phải hoán cải liên tục. Sở dĩ người anh cảm thấy mình tầm thường, khô cằn vì anh ta bấy lâu nay đã tự mãn với những cái mình đang có, không muốn bỏ đi cái nào và cũng không mong thu thêm cái nào nữa.
Câu chuyện tới đây kể ra cũng đủ kết thúc. Nhưng người anh còn muốn tìm hiểu rõ ràng hơn nên hỏi tiếp:
– Làm thế nào để loại bỏ những cái xấu trong tôi? Nó nhiều quá và nó đã bám quá chặt vào con người tôi? Vị ẩn sĩ trả lời: quan hệ nhất là đức tin và tư tưởng: tuy đời mình có nhiều tội lỗi, nhưng ta đừng quá chú ý tới nó, đừng để mình bị nó ám ảnh, đừng nghĩ nhiều tới nó. Nếu lỡ phạm tội hãy sám hối, tin tưởng vào sự tha thứ của Chúa, rồi bỏ quên nó đi, phải coi thường nó. Đầu óc mình sẽ được thanh thản khỏi những điều xấu.
– Còn làm thế nào để thu nhận những điều tốt, người anh hỏi tiếp? Vị ẩn sĩ cũng trả lời: cũng quan trọng ở đức tin và tư tưởng: phải quí chuộng những điều tốt, phải luôn nghĩ tới nó, phải để cho nó ám ảnh tâm trí mình và phải mơ ước thực hiện cho kỳ được những điều tốt, và tin rằng Thiên Chúa sẽ giúp mình thực hiện được.
Người anh trong câu chuyện trên phản ảnh tâm trạng của chúng ta:
– Cuộc sống của chúng ta có thể nói là cứ mãi mãi ở thế bình bình: chúng ta không đến nỗi xấu lắm mà cũng không được tốt lắm. Cái thế lình bình đó khiến chúng ta giống như một thân cây bị chai: không chết khô mà cũng không có sức sống vươn lên.
– Tại vì mỗi ngày chúng ta không biết cố gắng loại bớt khỏi ta những gì là xấu, là khuyết điểm, là tội lỗi và đồng thời cũng không cố gắng đón nhận những gì là tốt, là cao, là lý tưởng hơn. Nghĩa là vì chúng ta không chú ý thực hiện sự hoán cải hằng ngày cho nên hết ngày này sang ngày khác cuộc đời của chúng ta vẫn cứ chai lì, tầm thường, vô vị.
– Muốn cho cuộc sống có đà vươn lên thì phải thực hiện sự hoán cải ấy:
Mỗi ngày loại dần những cái xấu bằng cách đừng nghĩ tới nó, đừng tiếp xúc với nó, đừng mơ tưởng tới nó.
Mỗi ngày đón nhận thêm những điều tốt bằng cách đi tìm nó, chú trọng tới nó, mơ ước nó và cố gắng chiếm đoạt nó.
Bấy nhiêu thôi xét ra cũng đủ là một chương trình dài hạn cho chúng ta chẳng những trong mùa chay này mà còn trong suốt cả cuộc đời chúng ta.
(Trích trong Sợi Chỉ Đỏ)