Đại Chủng viện Huế
LƯỢC SỬ ĐẠI CHỦNG VIỆN HUẾ
Công cuộc đào tạo linh mục luôn là một bận tâm lớn của các vị hữu trách trong Giáo hội và đóng vai trò quan trọng vào sự phát triển của Giáo hội địa phương, trong quá khứ cũng như hiện tại. Những bài học từ quá khứ có thể giúp nảy sinh nhiều hoa trái hiện tại. Với ý thức như vậy, chúng tôi xin cũng cung những thông tin vắn gọn liên quan đến cội nguồn, cũng như một vài sinh hoạt hiện tại của Đại Chủng viện Huế.
1. Giai đoạn ban đầu
Có thể nói công việc đào tạo linh mục tại Đàng Trong đã bắt đầu với việc 10 thày giảng tuyên thệ sống theo ba lời khuyên Phúc Âm vào ngày 31-7-1643. Sau khi hai Đại Diện Tông Toà (Đàng Ngoài và Đàng Trong) được thiết lập năm 1658, vào năm 1664, Đức cha Lambert de la Motte và Đức cha François Pallu đã nhóm họp công đồng địa phương tại Juthia, Thái Lan, quyết định thiết lập chủng viện tại chính nơi tổ chức công đồng nhằm đào tạo hàng linh mục địa phương.
Hoa trái cụ thể và rõ nét của những công việc trên đây là vào năm 1668, cha Hainques, một trong hai thừa sai đầu tiên của Hội Thừa Sai Paris tại Đàng Trong, đã gửi hai thày giảng sang Juthia, Thái Lan, gặp Đức cha Lambert de la Motte để chịu chức linh mục. Thày Giuse Trang chịu chức linh mục ngày 31.03.1668. Thày Luca Bền cũng chịu chức linh mục sau đó vài tháng. Năm 1672, Đức cha Lambert truyền chức linh mục cho thày Manuel Bổn cũng tại Thái Lan. Lễ truyền chức linh mục cho thày Louis Đoan vào khoảng năm 1676 là lễ truyền chức đầu tiên tại Đàng Trong.
Những năm sau đó, do nhiều lý do, việc truyền chức cho người địa phương trở nên rất hiếm hoi. Do vậy, đến khoảng năm 1740, địa phận Đàng Trong không còn một linh mục người địa phương nào.
2. Chủng viện ở Huế – thăng trầm theo dòng thời gian
Trong chuyến kinh lý vào năm 1739-1741, nhận khi thấy nhu cầu mục vụ quá lớn, vượt xa khả năng của các thừa sai ngoại quốc, Đức cha Elzéar des Achards de la Baume, Khâm Sứ Toà Thánh, cho rằng ngay lập tức phải bắt tay vào việc đào tạo hàng linh mục địa phương. Đức cha đã cho xây Trường thánh Carôlô tại Thợ Đúc, nay là Phường Đúc. Công việc vừa mới bắt đầu, Đức cha Elzéar des Achards de la Baume đã qua đời vào ngày lễ Phục Sinh (03.04.1741). Do khó khăn về nhiều mặt, dường như chủng viện này chưa kịp đào tạo ra linh mục địa phương nào. Chủng viện bị giải tán trong cuộc bách hại vào năm 1750 dưới thời Đức cha Lefèbvre.
Vào thời kỳ tiếp theo, vì hoàn cảnh ở Huế khó khăn, Đức cha Labartette đã quyết định thành lập Chủng viện ở hai làng Hòa Ninh – Di Loan (1784-1787). Từ năm 1787 đến 1797, hoàn cảnh bó buộc Đức cha Labartette và cha Longer phải tổ chức một kiểu chủng viện di động. Có lẽ chủng viện di động này vẫn còn được tiếp tục những năm sau đó. Từ năm 1798 cho tới tháng 02 năm 1800, Đức cha Labartette đã truyền chức linh mục cho ba thày người địa phương. Cho tới tháng 11 năm 1800, số linh mục ở Đàng Trong là 20, gồm 8 thừa sai và 12 người Việt Nam. Từ năm 1802, chủng viện được mở lại, không phải ở vị trí tại Hòa Ninh – Di Loan trước đây, nhưng tại một mảnh đất thuộc làng An Ninh, vùng Đất Đỏ, Cửa Tùng, Quảng Trị. Mảnh đất chủng viện là món quà vua Gia Long dành cho Đức cha Labartette. Chủng viện này bị giải tán vào năm 1828, dưới thời Đức cha Taberd.
Từ năm 1829 đến 1833, Đức cha Taberd cho mở chủng viện tại làng Dương Sơn và đặt cha Jaccard làm giám đốc. Sau thời gian ở Dương Sơn, Chủng viện tiếp tục được di dời và thành lập tại Di Loan (1837-1838), rồi ở Kẻ Sen, Quảng Bình (1847-1856), sau đó trở lại Di Loan (1848-1862).
Sau năm 1862, Đức cha Sohier (Bình) quyết định lập chủng viện cạnh Tòa Giám Mục (lúc đó nằm ở Kim Long), đó là Chủng viện Kim Long.
Thiết tưởng cũng cần phải nói thêm rằng các chủng viện khác nhau từ năm 1740 cho tới năm 1879 thường là tiểu chủng viện, dù đôi khi các môn thần học cũng được dạy ở những chủng viện này. Kể từ năm 1664, các Đại chủng sinh được gửi qua Chủng viện Juthia (Thái Lan), sau này là chủng viện Pénang.
Khi được chọn làm Đại Diện Tông Toà Bắc Nam Kì, Đức cha Antoine Caspar Lộc cho rằng đã tới lúc cần lập Đại chủng viện tại chỗ, nên năm 1880 Đức cha đã trao cho cha Allys Lý việc dạy thần học cho các ứng viên linh mục tại Kim Long. Năm 1882, công việc đào tạo này được trao cho cha Renault. Đức cha cũng quyết định lập Đại chủng viện tại Thợ Đúc. Từ năm 1888, Đức cha Caspar lại chuyển Đại chủng viện qua Phú Xuân, là Đại chủng viện Huế ngày nay. Mảnh đất này do Trưởng Công chúa An Thạnh, con gái vua Thiệu Trị, bán lại.
Những năm 1953-1962, Tiểu chủng viện An Ninh bị tàn phá, các tiểu chủng sinh vào học tại Chủng viện Phú Xuân, còn các đại chủng sinh được gửi học tại Chủng viện Sài Gòn.
Từ năm 1962-1975, Đại chủng viện Huế được Đức cha Phêrô Ngô Đình Thục giao cho các linh mục Xuân Bích điều hành. Thời này, Chủng viện Huế thâu nạp các chủng sinh từ các giáo phận thuộc Tổng giáo phận Huế, tức các giáo phận Huế, Đà Nẵng, Quy Nhơn, Kontum, Nha Trang và Ban Mê Thuột.
Sau năm 1975, Đại chủng viện Huế bị tạm ngưng hoạt động một thời gian dài, mãi đến năm 1994 mới được mở cửa trở lại, thu nhận các ứng viên linh mục đến từ 3 giáo phận của Huế, Đà Nẵng và Kontum. Đức Tổng Giám mục Têphanô Nguyễn Như Thể tiếp tục mời các linh mục Xuân Bích điều hành chủng viện.
3. Nhân sự hiện nay
Ban Giám Đốc Đại chủng viện Huế hiện nay gồm 13 thành viên, tất cả đều thuộc Hội Các Linh Mục Xuân Bích, tỉnh hội Pháp. Từ ngày 24.06.2013, linh mục Giuse Hồ Thứ là Giám đốc Đại chủng viện; phó Giám đốc là linh mục Phêrô Phan Tấn Khánh. Ngoài các giáo sư nội trú, Đại chủng viện Huế còn mời thêm 34 giáo sư ngoại trú tham gia giảng dạy. Kể từ năm 1994 đến nay, Đại chủng viện Huế đã góp phần đào tạo khoảng gần 250 linh mục cho các giáo phận Huế, Đà Nẵng và Kontum, cùng với một số linh mục và tu sĩ thuộc hai dòng Thánh Tâm và Thiên An. Các chủng sinh nhập trường niên khoá 2017-2018 thuộc khoá 17. Tổng số chủng sinh niên khóa 2017-2018 là 213 (183 chủng sinh nội trú + 30 chủng sinh thuộc Năm Thử, đang thực tập mục vụ ở các giáo phận). Cộng đoàn chủng viện được bốn nữ tu Dòng Thánh Phaolô thành Chartres và 12 nhân viên tham gia giúp đỡ việc nấu ăn cũng như nhiều việc trợ giúp khác.
4. Các vị Giám đốc tiền nhiệm
Chúng tôi xin được tạm kể ra các vị Giám đốc kể từ khi Đức cha Antoine Caspar Lộc (1880) thiết lập cơ cấu Đại chủng viện một cách chính thức và ổn định hơn:
– Cha Allys Lý: 1880-1882
– Cha Renauld Đồng: 1882-1888
– Đức cha Caspar Lộc: 1888-1890
– Cha Girard Hoà: 1890-1893
– Cha Izarn Ý: 1893-1908
– Cha Barthélemy Mỹ: 1908-1918
– Cha Chabanon Giáo: 1918-1931
– Cha Roux Ngôn: 1931-1945
– Cha Phaolô Lê Văn Đẩu: 1945-1947
– Cha Simon Hoà Nguyễn Văn Hiền: 1947-1953
– Cha Gastine Tín, PSS : 1962-1964
– Cha Đaminh Trần Thái Đỉnh, PSS: 1964-1966
– Cha Batôlômêô Nguyễn Sơn Lâm, PSS: 1966-1975
– Cha Giuse Nguyễn Chính Duyên, PSS: 1975
* Thời gian tạm ngưng hoạt động
– Cha Augustinô Hồ Văn Quý: 1975-1977
– Cha Antôn Ngô Văn Vững, SJ: 1977-1994
* Thời gian Hội Xuân Bích trở lại Đại chủng viện Huế
– Cha Phaolô Nguyễn Bình Tĩnh, PSS: 1994-2000
– Cha Antôn Trần Minh Hiển, PSS: 2000-2005
– Cha Đaminh Trần Thái Hiệp, PSS: 2005-2007
– Cha Gioan Baotixita Nguyễn Văn Đán, PSS: 2007-2009
– Cha Anphong Nguyễn Hữu Long, PSS: 2009-2013
5. Đường hướng đào tạo
Cũng giống như các Đại chủng viện khắp nơi trên thế giới, công việc đào tạo chủng sinh tại Đại chủng viện Huế hiện nay theo sát những văn kiện được Toà Thánh hướng dẫn. Các chủng sinh được đào tạo theo bốn chiều kích: nhân bản, trí thức, tâm linh và mục vụ (theo Tông huấn Pastores dabo vobis). Dựa theo bản Ratio Fundamentalis Institutionis Sacerdotalis ban hành ngày 08.12.2016, công cuộc đào tạo được xem là “một hành trình đào tạo người môn đệ truyền giáo thống nhất và không gián đoạn”(số 51), với các đặc tính thống nhất, toàn vẹn, cộng đoàn và truyền giáo (dẫn nhập Ratio 2016).
Bên cạnh đó, việc đào tạo tại Đại chủng viện Huế cũng mang nét riêng biệt của đường hướng sư phạm của Hội Linh mục Xuân Bích, xem chủng viện như một cộng đoàn giáo dục có tính cách gia đình, ưu tiên cho việc đào tạo thiêng liêng, lấy việc linh hướng làm phương thế quan trọng để giúp chủng sinh nhận ra ơn gọi và tự do đáp lại. Mọi nỗ lực đều dồn vào cuộc sống bác ái và tín nhiệm giữa chủng sinh và Ban Giám Đốc. Các linh mục Xuân Bích trong Ban Giám Đốc giáo đều là linh mục linh hướng (trừ Cha Giám Đốc) và các chủng sinh được tự do chọn vị linh hướng của mình. Hội Xuân Bích làm việc theo đường lối sư phạm hướng tới tự do, với tinh thần tập thể và đồng trách nhiệm.
ĐCV Huế, ngày 18.10.2017