Bổn mạng: Thánh Giacôbê
Ngày kính: 25.07 hằng năm
Giáo dân: 5.106 người (dân cư: 80.000 người).
Địa chỉ: 6 Thống Nhất, P.1, Tp. Vũng Tàu.
Địa giới: Đông và Đông Nam giáp Biển Đông / Tây giáp Bãi Dâu / Bắc giáp xứ Hải An.
Điện thoại: 0254.3810339.
QUÁ TRÌNH HÌNH THÀNH & PHÁT TRIỂN
Giáo xứ Vũng Tàu được các linh mục Thừa Sai người Pháp thành lập. Năm 1865, Cha Errard cũng là cha sở Bà Rịa cất một nhà tạm ở Bãi Trước để các linh mục đến có chỗ nghỉ mát. Giáo dân chỉ có một số rất ít là người địa phương và một số ít ngư dân từ miền Trung đến sinh sống, tránh gió bão, đợi biển êm rồi tiếp tục lên đường ra khơi đánh cá. Dần dần, khi Vũng Tàu trở thành thương cảng, bà con lương, giáo đến nhập cư ngày một đông hơn.
Năm 1889, Cha Sion được cử làm chánh xứ đầu tiên. Ngài xây dựng một nhà thờ khá rộng vừa để dâng Thánh Lễ, vừa làm việc mục vụ bác ái để qua đó Ngài dễ dàng tiếp xúc với dân địa phương. Ngài còn mời quí nữ tu dòng Thánh Phaolô về dạy học và công tác mục vụ. Số giáo dân lúc này khoảng 600 người, trong đó một nửa là người Pháp.
Ngày 17 tháng 03 năm 1907, Cha Tân (Asson) xây dựng một ngôi thánh đường khác và được Đức Cha Mossard về làm phép trọng thể.
Ngôi thánh đường kiên cố và có nhiều nét Á đông hiện nay được Cha Thommeret Thơm xây năm 1940, đã được đại tu, nâng cấp và tọa lạc tại trung tâm thành phố Vũng Tàu.
Giáo xứ Vũng Tàu, đúng ra phải gọi là giáo xứ Thánh Giacôbê, vì đây là tên đã được các thừa sai đặt làm quan thầy (không chỉ cho giáo xứ mà cả cho thành phố “Cap Saint Jacques”. Người Việt Nam đọc trại thành Ô-Cấp) và là tên để phân biệt với các xứ khác trong thành phố mới thiết lập sau này.
Vào những năm 1965 – 1975, vì nhiều trung tâm huấn luyện được hình thành tại đây, thu hút đông đảo người nước ngoài cũng như bản xứ gia nhập nên Vũng Tàu trở thành một giáo xứ đông đúc. Sau 1975, Vũng Tàu mang một sắc thái mới: một số rất đông giáo dân cũ đi nơi khác trong khi giáo xứ lại đón nhận rất nhiều giáo dân mới từ miền Bắc, miền Tây, các thành phố và các tỉnh lân cận đến nhập cư. Hiện nay, giáo xứ Vũng Tàu có khoảng 5.000 giáo dân.
Ngày nay, với số giáo dân trên dưới 5.000 người và vẫn còn tiếp tục giao động, vì lúc nào cũng có người mới đến và người cũ ra đi.
Các linh mục đã gắn bó với lịch sử giáo xứ Vũng Tàu:
Các linh mục chánh xứ:
Cha Sion, chánh xứ: 1889 – 1907.
Cha Tân (Asson), chánh xứ: 1907 – 1935.
Cha Giuse Thomeret, chánh xứ: 1935 – 1936.
Các cha Lộc, Tiên, San, chánh xứ: 1946 – 1954.
Cha Giacôbê Nguyễn Văn Mầu, chánh xứ: 1954 – 1956.
Cha Giuse Phạm Văn Thiên, chánh xứ: 1956.
Cha Phaolô Nguyễn Minh Tri: 1956 – 1975.
Cha Phêrô Trần Văn Huyên, phó xứ: 1975 – 1976; chánh xứ: 1976 – 2017.
Cha Gioan B. Nguyễn Văn Bộ: 30.6.2017 – nay.
Các linh mục phó xứ:
Cha Tôma Lâm Văn Kinh, phó xứ: 1967 – 1969
Cha Vinhsơn Phạm Liên Hùng, phó xứ: 1969 – 1970
Cha Đaminh Trần Văn Liêm, phó xứ: 1970 – 1975
Cha Gioan M. Vianney Lê Quang Tấn, phó xứ: 2006 – 09.2007
Cha Đaminh Mai Chiến Chinh, phó xứ: 2007 – 04.2010
Cha Giuse Đinh Phước Đaị, phó xứ: 04.2010 – 09.2011
Cha Antôn Nguyễn Minh Trí, phó xứ: 09.2011 – 5.2014
Cha Đaminh Trần Thế Huy, phó xứ, phụ trách núi Chúa Kitô Vua: 02.2013 – 11.2014
Cha Phanxicô X. Nguyễn Văn Đăng, phó xứ: 05.2014 – 6.2017
Cha Giuse Nguyễn Ngọc Thảo, phó xứ, phụ trách núi Chúa Kitô Vua: 01.2015 – nay.
Cha Phanxicô X. Phạm Văn Vỹ, phó xứ: 07.2017 – 02.2020.
Cha Giuse Nguyễn Văn Sơn, phó xứ: 07.2018 – 9.2019.
Cha Martino Trần Thanh Tuấn, phó xứ: 02.2020 – 20.5.2022.
Cha Phêrô Huỳnh Tấn Phát, phó xứ: 02.2020 – 19.5.2021.
Cha Phanxicô X. Nguyễn Văn Thương, phó xứ: 02.2022 – nay.
CƠ SỞ VẬT CHẤT & SINH HOẠT GIÁO XỨ
Cho đến nay, cơ sở vật chất của giáo xứ Vũng Tàu như nhà thờ, nhà xứ, nhà mục vụ đã tương đối ổn định. Trong giáo xứ, cộng đoàn nữ tu dòng thánh Phaolô phụ trách nhà trẻ, nuôi dạy gần 1.000 em.
Là một giáo xứ có điều kiện vật chất khá ổn định, nên những hoạt động Bác Ái Từ Thiện được giáo xứ quan tâm nhiều. Hằng năm, vẫn có nhiều đợt quyên góp để giúp những nơi cần được giúp đỡ.
MỘT SỐ HÌNH ẢNH CỦA GIÁO XỨ