Bổn mạng: Thánh Phêrô.
Ngày kính: 29.6 hằng năm.
Giáo dân: 2.402 người.
Địa chỉ: Q37/ Tổ 4, Phước Hiệp, Phước Tỉnh, H. Long Điền, T. BR-VT
Địa giới: Đông giáp xứ Tân Phước / Tây giáp sông Cửa Lấp / Nam giáp Biển Đông / Bắc giáp ấp Phước Hương.
Điện thoại: 0254. 3842907.
* Sáng: 04g30 (Thứ Hai, Thứ Ba, Thứ Tư, Thứ Năm, Thứ Sáu, Thứ Bảy)
* Chiều: 17g40 (Thứ Tư, Thứ Năm)
2/ GIỜ LỄ CHÚA NHẬT:
* Thứ 7: 17g30
* Chúa nhật: 04g30, 06g30
3/ CHẦU THÁNH THỂ: 19g00 (Chúa nhật) – Chầu LTX: 15g00 Thứ Sáu đầu tháng.
4/ LỊCH LÀM VIỆC KHÁC:
– Rửa tội trẻ em: Sau lễ chiều Thứ Bảy đầu tháng chẵn.
– Giải tội: trước và sau lễ ngày thường và bất kỳ ngày giờ nào trong ngày tại Nhà Xứ.
– Thủ tục hôn phối: bất kỳ ngày trong tuần (ngoại trừ chiều Thứ 7 và sáng CN)
– Rước lễ bệnh nhân: 05g00 Thứ Bảy hàng tuần.
QUÁ TRÌNH HÌNH THÀNH & PHÁT TRIỂN
Năm 1954, một số dân vùng biển từ Bùi Chu di cư vào Nam và định cư trên các vùng Bời Lời, Tây Ninh, Hố Nai…Vì điều kiện sinh sống không phù hợp nên họ về Sài Gòn gặp cha Giám Đốc Chủng Viện G.B.M Trần Ngọc Hưởng để xin ngài lo liệu cho được về miền biển sinh sống.
Cha Hưởng cùng người em là cha GioanB. Trần Ngọc Hương đã đi thăm dò các địa điểm và cuối cùng chọn vùng đất Phước Tỉnh. Lúc ấy, ở vùng này đã có khoảng 60 gia đình sinh sống bằng nghề đánh bắt cá ven bờ và đốn củi. Sau khi được chính quyền địa phương chấp thuận, ngày 13.12.1954, di dân đã quy tụ về đây với con số ban đầu khoảng 1.200 người. Giáo xứ được thành lập từ đó.
Cha G.B.M Trần Ngọc Hương đã bắt tay ngay vào việc tổ chức xứ đạo và lo kế sinh nhai cho con chiên. Ban đầu, các tên xứ đạo gốc được giữ lại như sau: Phạm Pháo, Nghĩa Dục, Tang Điền, Xuân Hà, Thức Hóa, Thịnh Long, Lác Môn, Hạ Trại, Quất Lâm, Quần Vinh, Phát Diệm và Thái Bình. Đến năm Thánh Mẫu 1958, số giáo dân đã tăng, nên cha cố đã dựa theo khu vực địa dư để chia thành 5 họ: Thăng Thiên, Toàn Mỹ, Lộ Đức, Mân Côi, Sao Mai.
Suốt lịch sử hình thành và phát triển, Giáo xứ đã được hướng dẫn bởi quý Cha:
G.B.Maria Trần Ngọc Hương, chánh xứ tiên khởi: 1954-1975.
Đaminh Trần Đức Tuấn, phó xứ: 1955-1956.
Đaminh Phạm Đức Huyên (Sự), phó xứ : 1956-1957.
Gioan B. Nguyễn Trinh Đoàn, phó xứ: 1959-1960.
Antôn Phan Sĩ Nguyên, phó xứ: 1960-1961.
Giuse Phạm Quang Thiều, phó xứ: 1962-1963.
Giuse Phạm Chí Cường, phó xứ: 1964-1966.
Giuse Trần Văn Hàm, phó xứ: 1967-1968.
Antôn Nguyễn Văn Thục, phó xứ: 1968-1972.
Đaminh Nguyễn Đính, phó xứ: 1972-1973.
Giuse Nguyễn Văn Hậu, phó xứ: 1974-1975.
Dom. Trần Văn Liêm, chánh xứ: 1975-1991.
G.B.M. Trần Ngọc Hương, chánh xứ: 1991-1999.
Giuse Đoàn Như Nghĩa, quản nhiệm: 1999-2001.
Vinhsơn Nguyễn Xuân Minh, chánh xứ: 2001 -2010.
Vinhsơn Nguyễn Huy Quang, chánh xứ: 04.2010 – 4.2018.
Antôn Ngô Đình Cảnh, chánh xứ: 28.4.2018 – nay.
CƠ SỞ VẬT CHẤT VÀ SINH HOẠT GIÁO XỨ
Ngay từ những ngày đầu lập xứ, một ngôi nhà nguyện nhỏ đã được hình thành để có chỗ sinh hoạt phượng tự. Vài năm sau, nhà thờ được xây dựng kiên cố hơn và được đặt dưới sự bảo trợ của Đức Mẹ Vô Nhiễm Nguyên Tội, còn giáo xứ vẫn nhận Thánh Phê-rô làm bổn mạng theo truyền thống của những người dân vùng biển.
Khi đời sống giáo dân đã ổn định và phát triển, cha cố quyết định xây dựng một thánh đường khang trang hơn. Lễ khởi công được cử hành vào ngày 15.8.1963 và Đức Tổng Giám Mục Phaolô Nguyễn Văn Bình đã về làm phép ngày 26.7.1964. Ngôi thánh đường này bên ngoài vẫn còn nguyên trạng cho đến ngày nay nhưng bên trong đã được trùng tu, tôn tạo.Một bàn thờ bằng đá được thánh hiến ngày 28.2.2008 thay cho bàn thờ cũ.
Ngày 01.5.1971 giáo xứ đã khánh thành ngôi trường tiểu học Mẫu Tâm, nay là nhà giáo lý của giáo xứ. Khu vực nhà xứ được sửa chữa nhiều lần, lần cuối là vào năm 1994, nhân kỷ niệm 40 năm thành lập giáo xứ.
Trong khuôn viên nhà thờ có một Đài Đức Mẹ Lộ Đức do Cha cố G.B.M Trần Ngọc Hương xây dựng cùng với hoa viên. Đài Đức Mẹ được làm phép vào ngày 02.02.2008.
Kề bên Đức Mẹ có bức phù điêu lớn Các Thánh Tử đạo Việt Nam. Nhân dịp Năm Thánh Tử đạo, Cha Antôn Ngô Đình Cảnh đã thực hiện việc trùng tu và được Đức cha Emmanuel làm phép vào ngày 21.7.2019.
Đa số giáo dân Phước Tỉnh chuyên nghề biển, một số ít buôn bán. Đời sống kinh tế khá ổn định đã phần nào giúp giáo xứ dễ thực hiện các chương trình bác ái. Tuy nhiên hiện nay, do tác động xấu của vấn đề biển Việt Nam (formosa), nghề biển của ngư dân trong xứ cũng bị ảnh hưởng rất nhiều. Một số gia đình không thể tiếp tục với nghề biển nữa nên đã chuyển xứ đến nơi khác lập nghiệp. Hầu hết những người trẻ buộc phải xa quê để tìm kiếm công ăn việc làm. Những người lớn tuổi phải trụ lại xứ nhà cũng gặp nhiều khó khăn.
Mọi hoạt động mục vụ và tổ chức các giới, các đoàn thể được duy trì và phát triển với sự cộng tác đắc lực của quý nữ tu Dòng Đaminh Thánh Tâm, và Tu hội Gia đình Mẹ Maria Thăm Viếng.