Sứ điệp của Đức Thánh Cha Phanxicô
nhân Ngày Thế giới Truyền giáo 2020
(sẽ được cử hành vào Chúa nhật 18/10/2020)
“Dạ, con đây, xin sai con đi” (Is 6,8)
Anh chị em thân mến,
Tôi xin dâng lời tạ ơn Thiên Chúa vì toàn thể Giáo hội đã dấn thân sống Tháng Truyền giáo Ngoại thường trong năm vừa qua (10/2019). Tôi tin rằng việc này đã góp phần thúc đẩy nhiều cộng đoàn hoán cải trong việc loan báo Tin Mừng, theo định hướng của chủ đề “Chịu phép rửa và được sai đi: Giáo hội của Chúa Kitô thi hành sứ vụ truyền giáo trên thế giới”.
Với những đau khổ và thách đố do đại dịch Covid-19 gây ra, năm nay toàn thể Hội thánh tiếp tục thực hiện định hướng truyền giáo này nhờ ánh sáng soi dẫn của những lời sau đây trong trình thuật về ơn gọi của tiên tri Isaia: “Dạ, con đây, xin sai con đi” (Is 6,8). Lời đáp trả này cứ mãi mới mẻ trước câu hỏi của Chúa: “Ta sẽ sai ai đây?” (nt.). Lời mời này đến từ con tim Thiên Chúa, đến từ lòng xót thương của Người, chất vấn cả Hội thánh lẫn nhân loại đang trong cơn khủng hoảng toàn cầu. “Như các môn đệ trong bài Tin Mừng, chúng ta bị cơn bão bất ngờ và hung bạo vùi dập. Chúng ta nhận ra mình đang trên cùng một con thuyền. Tất cả đều mong manh mất phương hướng nhưng đồng thời đều quan trọng và cần thiết. Tất cả đều được mời gọi cùng nhau chèo chống. Mọi người cần khích lệ lẫn nhau. Tất cả chúng ta… đều trên chiếc thuyền này. Như các môn đệ đã lo lắng và đồng thanh thốt lên: “Chúng ta chết mất” (x. Mc 4,38), chúng ta cũng nhận ra rằng không thể một thân một mình tiến tới nhưng phải đồng lòng thì mới có thể” (Suy niệm tại Quảng trường Thánh Phêrô, 27/03/2020). Chúng ta thực sự hoảng sợ, mất phương hướng và khiếp đảm. Qua đau khổ và cái chết chúng ta cảm thấy con người thật mong manh, nhưng đồng thời cũng nhận ra rằng tất cả chúng ta đều mang ước muốn sâu xa là được sống và được giải thoát khỏi sự dữ. Trong bối cảnh này, tiếng gọi đón nhận sứ vụ cũng là lời mời ra khỏi chính mình vì tình yêu Thiên Chúa và tha nhân, được xem như cơ hội để chia sẻ, phục vụ và chuyển cầu. Đây là sứ vụ mà Thiên Chúa giao phó cho mỗi người, khiến chúng ta đi từ cái tôi sợ hãi và khép kín đến cái tôi tìm lại được mình và được đổi mới vì đã trao ban chính mình.
Trong hiến tế thập giá, khi Chúa Giêsu hoàn thành sứ vụ (x. Ga 19,28-30), Thiên Chúa cho thấy tình yêu của Ngài là tình yêu dành cho mỗi người và mọi người (x. Ga 19,26-27). Ngài yêu cầu mỗi người chúng ta phải sẵn sàng để được sai đi, bởi vì Thiên Chúa là Tình yêu, một tình yêu luôn năng động vì sứ vụ, luôn ra khỏi chính mình để trao ban sự sống. Vì yêu thương nhân loại, Thiên Chúa Cha đã sai Chúa Giêsu Con của Ngài đến thế gian (x. Ga 3,16). Chúa Giêsu là Vị Thừa Sai được Chúa Cha sai đi: Ngài sống và hành động hoàn toàn theo ý Chúa Cha (x. Ga 4,34; 6,38; 8,12-30; Hr 10,5-10). Đến lượt mình, khi chịu đóng đinh và phục sinh vì chúng ta, Chúa Giêsu lôi cuốn chúng ta vào chuyển động tình yêu của Ngài, nhờ Thánh Thần của Ngài, Đấng làm cho Hội thánh sống động, Đấng làm cho chúng ta trở thành môn đệ của Chúa Kitô và sai chúng ta thi hành sứ vụ loan báo Tin Mừng cho mọi người trên toàn thế giới.
“Sứ vụ ‘Hội thánh đi ra’ không là một chương trình phải thực hiện, một ý định phải cụ thể hóa qua nỗ lực của ý chí. Chính Chúa Kitô làm cho Hội thánh ra khỏi chính mình. Trong sứ vụ loan báo Tin Mừng, anh chị em ra đi vì được Chúa Thánh Thần thúc đẩy và đưa dẫn” (Senza di Lui non possiamo far nulla, LEV-San Paolo, 2019, 16-17 [Không có Thầy chúng con không thể làm gì, nxb Thánh Phaolô, 2019, tr. 16-17]). Thiên Chúa luôn yêu thương chúng ta trước và với tình yêu này, Ngài đến kêu gọi chúng ta. Ơn gọi của mỗi người xuất phát từ việc chúng ta là con cái Thiên Chúa trong Hội thánh, là gia đình của Ngài, là anh chị em trong tình yêu thương mà Chúa Giêsu đã tỏ ra cho chúng ta. Tuy nhiên, tất cả đều có phẩm giá con người, vì được Thiên Chúa mời gọi để trở nên con của Ngài, nghĩa là để trở thành những gì đã luôn hiện diện trong con tim Thiên Chúa, qua bí tích Thánh tẩy và sự tự do của đức tin.
Sự sống, đã nhận được cách nhưng không, mặc nhiên trở thành lời mời tự hiến với tất cả sự năng động của nó. Sự sống, nơi những ai đã chịu Phép rửa, như hạt giống khi đạt đến độ sung mãn, sẽ đảm nhận lời đáp trả của tình yêu trong bậc sống hôn nhân hay trong đời sống khiết tịnh vì Nước Thiên Chúa. Sự sống nơi con người phát xuất từ tình yêu của Thiên Chúa, lớn lên trong tình yêu đó và hướng về tình yêu đó. Không ai bị loại trừ khỏi tình yêu của Thiên Chúa, và trong hiến lễ thánh của Con Thiên Chúa, là Chúa Giêsu, trên Thánh giá, Thiên Chúa đã chiến thắng tội lỗi và sự chết (x. Rm 8,31-39). Đối với Thiên Chúa, sự ác – ngay cả tội lỗi – trở thành một thách thức yêu thương, yêu thương ngày một hơn (x. Mt 5,38-48; Lc 23,33-34). Do đó, trong Mầu nhiệm Vượt qua, lòng thương xót của Thiên Chúa chữa lành vết thương căn nguyên của nhân loại và tuôn đổ chan hòa vũ trụ. Hội thánh, là bí tích phổ quát tình yêu Thiên Chúa đối với thế giới, tiếp tục sứ mạng của Chúa Giêsu trong lịch sử và sai chúng ta đi khắp nơi để qua việc loan báo Tin Mừng và chứng tá đức tin của chúng ta, Thiên Chúa vẫn có thể bày tỏ tình yêu của Người và như thế có thể chạm đến và biến đổi trái tim, tâm trí, thể xác, xã hội và văn hóa ở mọi nơi và mọi thời.
Sứ vụ này là lời đáp trả tự do và ý thức trước tiếng gọi của Thiên Chúa. Nhưng chúng ta chỉ có thể cảm nhận được lời kêu gọi này khi chúng ta sống mối tương quan tình yêu cá vị với Chúa Giêsu, Đấng vẫn luôn sống động trong Hội thánh của Người. Xin hãy tự hỏi: Chúng ta có sẵn sàng đón nhận sự hiện diện của Chúa Thánh Thần trong cuộc đời chúng ta hay không? Chúng ta có sẵn sàng lắng nghe lời kêu gọi loan báo Tin Mừng, trong đời sống hôn nhân, đời sống thánh hiến hay đời sống linh mục, và nói chung trong đời sống hàng ngày hay không? Chúng ta có sẵn lòng đến mọi nơi được sai đến để làm chứng cho đức tin vào Thiên Chúa là Cha giàu lòng thương xót, để loan báo Tin Mừng cứu độ của Chúa Giêsu Kitô, để chia sẻ sự sống thần linh của Chúa Thánh Thần bằng cách xây dựng Hội thánh hay không? Như Đức Maria, Mẹ Chúa Giêsu, chúng ta có sẵn sàng phục vụ ý muốn của Thiên Chúa cách vô điều kiện hay không (Lc 1,38)? Sự sẵn sàng nội tâm này rất quan trọng vì phải sẵn sàng thì mới có thể thưa với Thiên Chúa: “Dạ, con đây, xin sai con đi” (x. Is 6,8). Và thái độ sẵn sàng nay không phải là sẵn sàng cách trừu tượng, nhưng cụ thể trong chính hôm nay giữa lòng Giáo hội và lịch sử.
Hiểu được những gì Thiên Chúa đang nói với chúng ta trong thời đại dịch này cũng là một thách đố cho sứ mạng của Hội thánh. Bệnh tật, đau khổ, sợ hãi và tình trạng cách ly chất vấn chúng ta. Nỗi khốn cùng của người phải chết trong cô đơn, của người bị bỏ rơi đơn độc, của người bị mất việc làm và lương bổng, của người không có nhà cửa và thực phẩm chất vấn chúng ta. Khi bị buộc phải cách ly và ở nhà, chúng ta được mời gọi tái khám phá nhu cầu về tương quan xã hội cũng như tương quan của cộng đoàn với Thiên Chúa. Thay vì thêm nghi ngại và lãnh đạm, tình trạng này phải làm chúng ta chú ý hơn đến cách chúng ta sống các mối tương quan với người khác. Và việc cầu nguyện, mà nhờ đó Thiên Chúa chạm đến và lay động trái tim của chúng ta, phải làm chúng ta mở lòng ra nhận biết các nhu cầu về tình yêu, phẩm giá và tự do của anh chị em chúng ta, cũng như trách nhiệm của chúng ta trong việc chăm sóc mọi vật thụ tạo. Việc chúng ta không thể tập hợp lại như Hội thánh để cử hành Bí tích Thánh Thể cho phép chúng ta chia sẻ tình trạng của nhiều cộng đoàn Kitô hữu không thể cử hành Thánh lễ mỗi Chúa nhật. Trong bối cảnh này, câu hỏi mà Thiên Chúa đặt ra: “Ta sẽ sai ai đây?” lần nữa lại được hỏi và chờ đợi lời đáp trả quảng đại và quả quyết từ chúng ta: “Dạ, con đây, xin sai con đi” (Is 6,8). Thiên Chúa tiếp tục tìm kiếm những người Ngài có thể sai đến mọi nơi trên thế giới để làm chứng cho tình yêu của Ngài, làm chứng rằng Ngài cứu con người khỏi tội lỗi và cái chết, giải thoát họ khỏi mọi điều ác hại (x. Mt 9,35-38; Lc 10,1-12).
Cử hành Ngày Thế giới Truyền giáo cũng có nghĩa là tái khẳng định rằng việc cầu nguyện, suy tư và những trợ giúp vật chất được chúng ta dâng cúng chính là cơ hội để tích cực tham gia vào sứ mạng của Chúa Giêsu trong Giáo hội của Người. Nghĩa cử bác ái được thể hiện khi quyên góp trong các buổi cử hành phụng vụ vào Chúa nhật tuần thứ ba của tháng 10 tới đây, có mục đích hỗ trợ công cuộc truyền giáo được các Hội Giáo hoàng Truyền giáo thực hiện nhân danh tôi, nhằm đáp ứng nhu cầu tinh thần và vật chất của các dân tộc và các Giáo hội trên khắp thế giới, vì ơn cứu độ của tất cả mọi loài.
Xin Đức Trinh Nữ Maria rất thánh, Ngôi sao loan báo Tin Mừng và Đấng An ủi người sầu khổ, môn đệ truyền giáo của Chúa Giêsu, con Mẹ, tiếp tục cầu thay nguyện giúp và nâng đỡ chúng ta.
Tại Roma, Đền thờ thánh Gioan Lateranô, ngày 31 tháng 5 năm 2020, Đại lễ Chúa Thánh Thần Hiện Xuống
Phanxicô
Bản dịch của Linh mục Phaolô Nguyễn Quốc Hưng
WHĐ (17.10.2020)
#sứđiệpcủađứcthánhcha #NgàyThếgiớiTruyềngiáo2020