Tiếp kiến chung (30/10)- ĐTC Phanxicô:
Thêm Sức không phải là Bí tích chia tay Giáo hội nhưng bắt đầu đời sống trong Giáo hội
***
Trong bài giáo lý tại buổi tiếp kiến chung sáng thứ Tư ngày 30/10/2024 Đức Thánh Cha đã suy tư về ơn Chúa Thánh Thần mà chúng ta nhận được trong Bí tích Thêm Sức. Trong bí tích này, thông qua việc đặt tay, chúng ta nhận được Ấn tín không thể xóa nhòa của Chúa Thánh Thần, thúc đẩy chúng ta truyền bá và bảo vệ đức tin như những nhân chứng thực sự của Chúa Kitô trên thế giới. Ngài lưu ý rằng Thêm Sức không phải là Bí tích chia tay Giáo hội nhưng bắt đầu đời sống tích cực trong Giáo hội.
Đức Thánh Cha nói rằng Bí tích Thêm Sức tăng cường và củng cố thêm sức sống của Chúa Thánh Thần đã ban xuống cho chúng ta trong Bí tích Rửa tội và khuyến khích chúng ta tích cực tham gia vào cuộc sống và sứ mạng của Giáo hội. Ngài mời gọi các tín hữu cầu nguyện xin Chúa Thánh Thần hướng dẫn những người trẻ tuổi nhận được bí tích này hướng tới một cuộc gặp gỡ cá nhân sâu sắc hơn với Chúa và một sự dấn thân quảng đại hơn đối với việc truyền bá Tin Mừng trong tương lai.
Sau khi Đức Thánh Cha làm Dấu Thánh Giá và chào phụng vụ, cộng đoàn cùng nghe đoạn sách Công vụ Tông đồ (Cv 8,14-17):
Các Tông Đồ ở Giêrusalem nghe biết dân miền Samari đã đón nhận lời Thiên Chúa, thì cử ông Phêrô và ông Gioan đến với họ. Khi đến nơi, hai ông cầu nguyện cho họ, để họ nhận được Thánh Thần. Vì Thánh Thần chưa ngự xuống một ai trong nhóm họ: họ mới chỉ chịu phép rửa nhân danh Chúa Giêsu. Bấy giờ hai ông đặt tay trên họ, và họ nhận được Thánh Thần.
Sau đó Đức Thánh Cha bắt đầu bài giáo lý
Anh chị em thân mến, chào anh chị em!
Hôm nay chúng ta tiếp tục suy tư về sự hiện diện và hoạt động của Chúa Thánh Thần trong đời sống của Giáo hội thông qua các bí tích.
Chúa Thánh Thần thánh hóa chúng ta trên hết thông qua hai kênh: Lời của Thiên Chúa và các Bí tích. Và trong số tất cả các Bí tích, có một Bí tích, thật sự là Bí tích của Chúa Thánh Thần, và hôm nay tôi muốn tập trung vào Bí tích này. Đó là Bí tích Thêm Sức.
Chúa Thánh Thần được ban thông qua việc đặt tay
Trong Tân Ước, ngoài Bí tích Rửa Tội bằng nước, có đề cập đến một nghi thức khác, đó là việc đặt tay, nhằm mục đích thông ban Chúa Thánh Thần cách rõ ràng và theo đặc sủng, với các ơn tương tự như những ơn được ban cho các Tông đồ vào Lễ Ngũ Tuần. Sách Công vụ Tông đồ đề cập đến một sự kiện quan trọng về vấn đề này. Khi biết rằng một số người ở Samaria đã đón nhận Lời Chúa, các Tông đồ từ Giêrusalem đã gửi ông Phêrô và ông Gioan đến đó. Bản văn Kinh Thánh nói: “Đến nơi, [hai ông] cầu nguyện cho họ nhận được Chúa Thánh Thần; vì Thánh Thần chưa ngự xuống một ai trong nhóm họ: họ mới chỉ chịu phép rửa nhân danh Chúa Giêsu. Bấy giờ hai ông đặt tay trên họ, và họ nhận được Thánh Thần”.
Ấn tín không thể xóa bỏ của Chúa Thánh Thần
Thêm vào những điều này là những điều Thánh Phaolô viết trong thư thứ hai gửi các tín hữu Côrintô: “Chính Thiên Chúa, Đấng củng cố chúng tôi cùng với anh em trong Đức Kitô và đã xức dầu cho chúng ta. Chính Người cũng đã đóng ấn tín trên chúng ta và đổ Thần Khí vào lòng chúng ta làm bảo chứng” (1,21-22). Chủ đề Chúa Thánh Thần như là “ấn tín vương giả” mà Chúa Kitô dùng để ghi dấu đoàn chiên của Người là nền tảng của học thuyết về “đặc tính không thể xóa bỏ” được trao ban qua nghi lễ này.
Bí tích Thêm Sức củng cố sự kết hợp với Chúa Kitô và Giáo hội
Theo thời gian, nghi lễ xức dầu có hình thức như một Bí tích theo đúng nghĩa, có các hình thức và nội dung khác nhau trong các thời đại khác nhau và trong các nghi lễ khác nhau của Giáo hội. Đây không phải là lúc để lược lại câu chuyện rất phức tạp này. Bí tích Thêm Sức, theo sự hiểu biết của Giáo hội, đối với tôi, được mô tả theo cách đơn giản và rõ ràng bởi Giáo lý dành cho những người trưởng thành của Hội đồng Giám mục Ý. Sách Giáo lý này viết: “Bí tích Thêm Sức đối với mọi tín hữu giống như Lễ Ngũ Tuần đối với toàn thể Giáo hội. […] Bí tích củng cố sự kết hợp với Chúa Kitô và Giáo hội nhờ Bí tích Rửa tội và sự thánh hiến cho sứ vụ ngôn sứ, vương đế và tư tế. Bí tích thông truyền các ân huệ phong phú của Chúa Thánh Thần […]. Vì vậy, nếu Bí tích Rửa tội là Bí tích khai sinh, Bí tích Thêm Sức là Bí tích của sự tăng trưởng. Vì thế, Bí tích này cũng là Bí tích của chứng tá, bởi vì điều này được liên kết chặt chẽ với sự trưởng thành đời sống Kitô giáo”[1].
Lãnh nhận Bí tích Thêm Sức không có nghĩa là không còn tham gia vào Giáo hội
Vấn đề là làm thế nào để trong thực hành, Bí tích Thêm Sức không bị giảm thành “nghi thức cuối cùng”, nghĩa là, Bí tích “rời bỏ” Giáo hội. Người ta gọi Bí tích này là bí tích chia tay bởi vì một khi lãnh nhận Bí tích này thì những người trẻ rời bỏ Giáo hội và chỉ trở lại khi cử hành Bí tích Hôn Phối. Người ta nói thế. Nhưng chúng ta phải làm cho Bí tích này trở thành Bí tích bắt đầu tham gia, một sự tham gia tích cực vào đời sống của Giáo hội. Đây là một mục tiêu dường như không thể đối với chúng ta, xét theo tình cảnh hiện tại trong khắp Giáo hội, nhưng điều này không có nghĩa là chúng ta ngừng theo đuổi mục tiêu đó. Đây sẽ không phải là trường hợp của tất cả những người lãnh nhận Bí tích Thêm Sức, trẻ em hoặc người lớn, nhưng điều quan trọng là ít nhất đối với một số người sau đó sẽ là người linh hoạt của cộng đoàn.
Vì mục đích này, việc được giúp đỡ bởi giáo dân, những người đã có một cuộc gặp gỡ cá nhân với Chúa Kitô và đã có một kinh nghiệm thực sự về Chúa Thánh Thần, để chuẩn bị lãnh nhận Bí tích có thể là điều hữu ích. Một số người nói rằng họ đã sống kinh nghiệm như một sự bừng nở của Bí tích Thêm Sức mà họ đã nhận được khi còn là trẻ em.
Sử dụng các ơn Chúa Thánh Thần
Nhưng điều này không chỉ liên quan đến những người lãnh nhận Bí tích Thêm Sức trong tương lai; nó liên quan đến tất cả chúng ta và mọi lúc. Cùng với Bí tích Thêm Sức và xức dầu, Thánh Tông đồ đảm bảo với chúng ta rằng chúng ta cũng nhận được bảo chứng của Chúa Thánh Thần mà nơi khác ngài gọi là “các hoa quả đầu tiên của Thánh Thần” (8,23). Chúng ta phải “sử dụng” bảo chứng này, thưởng thức những hoa quả đầu tiên này, không chôn vùi các đặc sủng và tài năng đã nhận được vào lòng đất.
Hồi sinh ngọn lửa Chúa Thánh Thần trong tâm hồn
Thánh Phaolô đã khuyến khích môn đệ Timôtêô “hồi sinh món quà của Thiên Chúa, đã nhận được qua việc đặt tay” (2 Tm 1,6), và động từ được sử dụng gợi lên hình ảnh của người thổi vào ngọn lửa để hồi sinh ngọn lửa. Đây là một mục tiêu tốt đẹp cho Năm Thánh! Hãy loại bỏ tro tàn của thói quen và việc không muốn dấn thân tham gia, để trở thành, giống như những người mang ngọn lửa ở Thế vận hội, những người mang ngọn lửa của Chúa Thánh Thần. Xin Chúa Thánh Thần giúp chúng ta tiến tới một vài bước theo hướng này!
Buổi tiếp kiến kết thúc với Kinh Lạy Cha và phép lành Đức Thánh Cha ban cho mọi người.
[1] Chân lý sẽ giải thoát anh em. Giáo lý cho người trưởng thành. Nhà xuất bản Vatican 1995, trang 324.
nguồn: Vatican News Tiếng Việt
#tiepkienchung #ducthanhchatiepkienchung