GIÁO LÝ VỀ THÓI XẤU VÀ NHÂN ĐỨC
Bài 11: THỰC HÀNH NHÂN ĐỨC
Vatican News (13.03.2024) – Trong bài giáo lý tại buổi tiếp kiến chung sáng thứ Tư ngày 13/3/2024, Đức Thánh Cha đã nói tổng quát về nhân đức. Sách Giáo Lý của Giáo Hội Công Giáo dạy rằng “nhân đức là một khuynh hướng thường xuyên và kiên định để làm điều tốt” (số 1803). Đức Thánh Cha nói rằng sự trợ giúp đầu tiên mà chúng ta nhận được để thực hiện nhân đức chính là ân sủng của Thiên Chúa, ân sủng tác động trong chúng ta qua Chúa Thánh Thần.
Đức Thánh Cha giải thích rằng sự kiên định và sẵn sàng làm điều tốt là đặc tính của nhân đức để hành động của chúng ta không tùy tiện và ngẫu hứng, nhưng là kết quả của việc luyện tập và rèn luyện đòi hỏi nỗ lực và hy sinh, để những khuynh hướng này trở thành một thói quen. Có thể nói nhân đức là một sự thiện được sinh ra từ sự trưởng thành chậm rãi của con người cho đến khi nó trở thành một trong những đặc tính nội tâm của họ.
Đức Thánh Cha mời gọi các tín hữu cầu xin Chúa ban ơn khôn ngoan để học biết thánh ý của Chúa và để thánh ý Chúa định hình mọi quyết định của chúng ta khi chúng ta cố gắng làm cho cuộc sống của mình phù hợp hơn bao giờ hết với kế hoạch đầy ân sủng và yêu thương của Người dành cho gia đình nhân loại của chúng ta.
Sau khi Đức Thánh Cha làm Dấu Thánh Giá và chào cộng đoàn, mọi người cùng nghe đoạn thư Thánh Phaolô gửi tín hữu Philipphê (4,8-9):
Ngoài ra, thưa anh em, những gì là chân thật, cao quý, những gì là chính trực tinh tuyền, những gì là đáng mến và đem lại danh thơm tiếng tốt, những gì là đức hạnh, đáng khen, thì xin anh em hãy để ý. Những gì anh em đã học hỏi, đã lãnh nhận, đã nghe, đã thấy ở nơi tôi, thì hãy đem ra thực hành, và Thiên Chúa là nguồn bình an sẽ ở với anh em.
Do Đức Thánh Cha vẫn còn bị cảm nên Cha Pierluigi Giroli đã đọc bài giáo lý thay ngài.
Toàn văn bài giáo lý của Đức Thánh Cha
Anh chị em thân mến, chào anh chị em!
Sau khi kết thúc phần tổng quan về các thói xấu, giờ đây là lúc chúng ta hướng ánh nhìn của chúng ta vào bức tranh đối xứng, đối lập với kinh nghiệm về sự ác. Trái tim con người có thể chiều theo những đam mê xấu xa, có thể lắng nghe những cám dỗ có hại được ngụy trang dưới lớp vỏ thuyết phục, nhưng nó cũng có thể chống lại tất cả những điều này. Dù điều này có khó khăn đến đâu, con người được tạo ra vì điều tốt lành, điều thực sự làm cho họ được viên mãn, và họ cũng có thể thực hành nghệ thuật này, và giúp cho một số khuynh hướng trở nên bền vững trong con người họ. Việc suy tư về khả năng tuyệt vời này của chúng ta tạo thành một chương cổ điển của triết học đạo đức: chương về các nhân đức.
Các triết gia La Mã gọi nhân đức là virtus, các triết gia Hy Lạp gọi nó là aretè. Thuật ngữ Latinh nhấn mạnh trên hết rằng người nhân đức là người mạnh mẽ, can đảm, có khả năng kỷ luật và khổ hạnh tiết độ; do đó việc thực hành các nhân đức là kết quả của một quá trình nảy mầm lâu dài, đòi hỏi nỗ lực và thậm chí cả đau khổ. Trong khi đó, từ ngữ Hy Lạp, aretè, chỉ một điều gì đó vượt trội, một điều gì đó nổi bật, khơi dậy sự ngưỡng mộ. Vì vậy, người nhân đức là người không bị hư hỏng bởi sự sai trái, nhưng trung thành với ơn gọi của mình và nhận thức đầy đủ về chính mình.
Tái khám phá và thực hành nhân đức
Chúng ta sẽ sai lầm nếu nghĩ rằng các vị thánh là trường hợp ngoại lệ của nhân loại: một nhóm chỉ gồm những nhà vô địch sống vượt trên những giới hạn của loài người chúng ta. Ngược lại, theo quan điểm về các nhân đức mà chúng ta vừa giới thiệu, các vị thánh là những người trở thành chính mình một cách trọn vẹn, hoàn thành ơn gọi dành cho mỗi người. Thật là một thế giới hạnh phúc nếu trong đó công lý, sự tôn trọng, lòng nhân từ đối với nhau, tinh thần rộng mở, hy vọng là những điều bình thường được chia sẻ chứ không phải là một điều bất thường hiếm có! Đây là lý do tại sao chương về hành động nhân đức, trong thời kỳ đầy bi kịch này của chúng ta khi chúng ta thường phải đối mặt với những điều tồi tệ nhất của nhân loại, nên được mọi người khám phá lại và thực hành. Trong một thế giới bị biến dạng, chúng ta phải nhớ đến hình dáng mà chúng ta đã được tạo nên, hình ảnh của Thiên Chúa đã in sâu trong chúng ta mãi mãi.
Nhân đức là thói quen chọn điều đúng đắn
Nhưng chúng ta có thể định nghĩa khái niệm nhân đức như thế nào? Sách Giáo Lý của Giáo Hội Công Giáo đưa ra cho chúng ta một định nghĩa chính xác và súc tích: “Nhân đức là một khuynh hướng thường xuyên và kiên trì để làm điều thiện” (số 1803). Do đó, nó không phải là một sự thiện đột xuất và có phần ngẫu nhiên, thỉnh thoảng từ trên trời rơi xuống. Lịch sử cho chúng ta biết rằng ngay cả những tội phạm, trong một khoảnh khắc tâm hồn trong sáng, cũng đã làm được việc tốt; chắc chắn những hành động này đã được viết trong “cuốn sách của Chúa”, nhưng nhân đức lại là một điều khác. Đó là một điều thiện phát sinh từ sự trưởng thành chậm rãi của con người cho đến khi nó trở thành một đặc tính nội tâm. Nhân đức là thói quen của sự tự do. Nếu chúng ta tự do trong mọi hành động và mỗi khi được kêu gọi lựa chọn giữa điều thiện và sự ác thì chính nhân đức là điều giúp chúng ta có thói quen hướng tới sự lựa chọn đúng đắn.
Ơn Chúa trợ giúp chúng ta đạt được nhân đức
Nếu nhân đức là một món quà tốt đẹp như vậy, một câu hỏi ngay lập tức nảy sinh: làm thế nào để có thể có được nhân đức? Câu trả lời cho câu hỏi này không đơn giản, nhưng phức tạp.
Đối với người Kitô hữu, sự trợ giúp đầu tiên là ân sủng của Thiên Chúa. Thực tế là Chúa Thánh Thần tác động trong chúng ta, những người đã được rửa tội. Người hoạt động trong tâm hồn chúng ta để hướng dẫn tâm hồn chúng ta đến một đời sống nhân đức. Biết bao Kitô hữu đã đạt được sự thánh thiện qua nước mắt, nhận ra rằng họ không thể khắc phục được một số điểm yếu của mình! Nhưng họ đã cảm nghiệm rằng Thiên Chúa đã hoàn thành công việc tốt đẹp đó, điều mà họ không thể hiểu rõ. Ơn Chúa luôn đi trước sự dấn thân đạo đức của chúng ta.
Xin ơn khôn ngoan
Hơn nữa, chúng ta không bao giờ được quên bài học rất phong phú từ sự khôn ngoan của người xưa; bài học đó dạy chúng ta rằng nhân đức phát triển và có thể được trau dồi. Và để điều này xảy ra, ơn đầu tiên mà chúng ta cần phải cầu xin Chúa Thánh Thần chính là sự khôn ngoan. Con người không phải là một lãnh thổ tự do để chinh phục những thú vui, cảm xúc, bản năng, đam mê mà không thể làm bất cứ điều gì để chống lại những thế lực này, đôi khi hỗn loạn, đang ngự trị trong họ. Món quà vô giá mà chúng ta sở hữu đó là tâm trí cởi mở, đó là sự khôn ngoan biết học hỏi từ những sai lầm để hướng dẫn cuộc sống cách tốt đẹp. Sau đó, chúng ta cần có thiện chí: khả năng lựa chọn điều tốt, rèn luyện bản thân bằng cách thực hành khổ hạnh, tránh xa những điều thái quá.
Anh chị em thân mến, đây là cách chúng ta bắt đầu hành trình nhân đức, trong vũ trụ thanh bình này, một vũ trụ có vẻ đầy thử thách nhưng lại có tính quyết định đối với hạnh phúc của chúng ta.
Sau các lời chào các nhóm tín hữu thuộc các nhóm ngôn ngữ khác nhau, Đức Thánh Cha cùng cộng đoàn hát kinh Lạy Cha bằng tiếng Latinh và sau đó ngài ban phép lành cho tất cả mọi người.
Vatican News
Nguồn: vaticannews.va/vi
#tiepkienchung #ducthanhchatiepkienchung