Tiếp kiến chung 28-10-2020: Chúa Giêsu luôn cầu nguyện với và cho chúng ta
Sáng thứ Tư 28/10/2020, Đức Thánh cha Phanxicô đã tiếp kiến chung gần 1.000 tín hữu hành hương, tại Đại thính đường Phaolô VI ở nội thành Vatican.
Các tín hữu trong thính đường đều đeo khẩu trang, và cả nhiều nhân viên khác cũng vậy. Đức Thánh cha tôn trọng các biện pháp tránh lây nhiễm coronavirus, đi thẳng tới chỗ của ngài trên bục cao trong thính đường và bắt đầu buổi tiếp kiến, chứ không đi giữa hành lang chính để chào các tín hữu.
Nghe Lời Chúa
Buổi tiếp kiến mở đầu với bài đọc ngắn bằng tám thứ tiếng.
Trong bài huấn giáo tiếp đó, Đức Thánh cha trình bày bài thứ 11 trong loạt bài về việc cầu nguyện.
Mở đầu bài huấn dụ, Đức Thánh cha nói:
Anh chị em thân mến, chào anh chị em!
Hành trình giáo lý của chúng ta về kinh nguyện, sau khi tiến qua Cựu ước, bây giờ chúng ta đi tới Chúa Giêsu. Khởi đầu sứ vụ công khai của Chúa diễn ra với phép rửa ở sông Giordan. Các thánh sử Tin mừng đều dành cho biến cố này một tầm quan trọng cơ bản. Các vị kể lại như thể toàn dân đang tụ họp nhau cầu nguyện, và xác định rõ cuộc tập họp này có đặc tính thống hối rõ ràng (xc. Mc 1,5; Mt 3,8).
Chúa Giêsu chịu phép rửa như trong một buổi cầu nguyện
“Vì thế, hành vi công khai đầu tiên của Chúa Giêsu là sự tham dự một buổi cầu nguyện chung của dân, một kinh nguyện thống hối, trong đó tất cả nhìn nhận mình là người tội lỗi. Vì thế, thánh Gioan Tẩy Giả muốn chống lại và nói: “Chính tôi mới là kẻ cần được Ngài rửa cho, vậy mà Ngài đến xin tôi sao?” (Mt 3.14). Nhưng Chúa Giêsu giải thích hành động của Ngài là một hành vi tuân phục thánh ý Chúa Cha (v.15), một hành vi liên đới với thân phận phàm nhân. Chúa cầu nguyện với những kẻ có tội trong dân Chúa. Ngài không ở lại trên bờ sông đối diện, để nêu bật sự khác biệt và xa cách với dân bất tuân phục, nhưng trái lại, Ngài dìm chân trong cùng nước thanh tẩy.
Chúa Giêsu chia sẻ thân phận phàm nhân tội lỗi
Chúa Giêsu không phải là một Thiên Chúa xa xăm, và Ngài không thể như vậy. Sự nhập thể của Ngài biểu lộ điều ấy một cách trọn vẹn và vượt quá sự tưởng tượng của loài người. Qua đó, khi khai mạc sứ vụ, Chúa Giêsu dẫn đầu một dân tộc thống hối, như thể đảm nhận trách vụ mở ra một cánh cửa, qua đó tất cả chúng ta phải có can đảm theo Ngài để bước qua. Sách Giáo lý của Giáo hội Công giáo giải thích rằng đó là sự mới mẻ khi thời gian viên mãn. Sách dạy: “Kinh nguyện con thảo mà Chúa Cha chờ đợi từ các con cái của Người, sau cùng đã được chính Con Duy Nhất của Người, trong nhân tính, cùng thực hiện với loài người và cho loài người” (n.2599).
Vì thế trong ngày ấy, bên bờ sông Giordan, có toàn thể nhân loại, với những khát vọng âm thầm cầu nguyện. Nhất là có dân tội lỗi: những người nghĩ mình không thể được Thiên Chúa yêu thương, những người không dám bước qua ngưỡng cửa đền thờ, những người không cầu nguyện vì họ cảm thấy bất xứng đáng. Chúa Giêsu đã đến cho tất cả mọi người, cho cả họ, và bắt đầu liên kết với họ.
Bầu khí cầu nguyện trong biến cố Chúa chịu phép rửa
Nhất là Tin mừng theo thánh Luca làm nổi bật cầu không khí cầu nguyện của biến cố Chúa Giêsu chịu phép rửa: “Trong lúc toàn dân được rửa thì Chúa Giêsu, cũng chịu phép ấy, và trong lúc Ngài cầu nguyện, thì trời mở ra” (3,21). Khi cầu nguyện, Chúa Giêsu mở cửa trời, và từ cánh cửa ấy Chúa Thánh Linh ngự xuống. Rồi từ trên cao, một tiếng nói công bố chân lý tuyệt vời: “Con là Con Ta yêu dấu: Ta hài lòng vì Con” (v.22). Câu đơn sơ này gói gọn một kho tàng bao la: giúp chúng ta trực giác một cái gì đó của mầu nhiệm Chúa Giêsu và của con tim Ngài luôn hướng về Chúa Cha. Trong xáo trộn của cuộc sống và của thế gian sẽ kết án Ngài, cả trong những kinh nghiệm cam go và đau buồn nhất mà Ngài sẽ phải chịu, cả khi Ngài cảm thấy không có chỗ gối đầu (xc. Mt 8,20), cả khi quanh Ngài bùng lên oán ghét và bách hại, Chúa Giêsu không bao giờ thiếu nơi nương náu: Ngài đời đời ở trong Chúa Cha.
Sự kết hợp của Ba Ngôi
Đó là sự cao cả có một không hai trong kinh nguyện của Chúa Giêsu: Chúa Thánh Linh chiếm hữu bản thân của Ngài và tiếng nói của Chúa Cha làm chứng rằng Ngài được yêu thương, là người Con trong đó có phản trọn vẹn Chúa Cha.
Kinh nguyện của Chúa Giêsu là mẫu gương cho mọi tín hữu
Kinh nguyện này của Chúa Giêsu, bên bờ sông Giordan hoàn toàn từ bản thân – và trọn cuộc sống trần thế của Ngài cũng như vậy – trong biến cố Chúa Thánh Linh Hiện Xuống, kinh nguyện ấy sẽ trở thành kinh nguyện của tất cả các tín hữu chịu phép rửa trong Chúa Kitô, nhờ ơn thánh. Chính Ngài đã đạt được ơn ấy cho chúng ta và mời gọi chúng ta cầu nguyện như Ngài đã cầu nguyện.
Kinh nguyện của Chúa Giêsu trở thành kinh nguyện của chúng ta
Đức Thánh cha nhắn nhủ rằng: “Vì thế, nếu một buổi tối, chúng ta cảm thấy mệt mỏi và trống rỗng, nếu chúng ta có cảm tưởng cuộc sống hoàn toàn vô ích, trong lúc ấy chúng ta phải cầu khẩn để kinh nguyện của Chúa Giêsu cũng trở thành kinh nguyện của chúng ta. Khi ấy chúng ta sẽ nghe thấy một tiếng nói từ trời, mạnh mẽ hơn tiếng nói nảy sinh từ thâm tâm chúng ta, thì thầm những lời nói dịu dàng: “Bạn là người được Thiên Chúa Thương yêu, bạn là con, là vinh quang của Chúa Cha trên trời”. Chính vì cho chúng ta, cho mỗi người chúng ta mà lời nói của Chúa Cha vang vọng: cho dù chúng ta bị mọi người xua đuổi, là tội nhân nặng nhất. Chúa Giêsu không xuống dưới sông Giordan cho bản thân Ngài, nhưng cho tất cả chúng ta. Ngài đã mở trời cao, như Môisê đã mở nước Biển Đỏ, để tất cả chúng ta có thể đi qua, sau Ngài. Chúa Giêsu đã tặng cho chúng ta chính kinh nguyện của Ngài, là cuộc đối thoại yêu thương với Chúa Cha. Chúa đã ban cho chúng ta kinh nguyện ấy như một hạt giống của Chúa Ba Ngôi, muốn bén rễ trong tâm hồn chúng ta. Chúng ta hãy đón nhận hạt giống ấy.”
Chào thăm các tín hữu
Sau bài giáo lý bằng tiếng Ý trên đây, tám linh mục thông dịch viên lần lượt tóm tắt bài huấn giáo và những lời chào thăm của Đức Thánh cha qua các sinh ngữ chính. Ngài lên tiếng kêu gọi hòa bình và hòa hợp tại Camerun sau vụ thảm sát một số em học sinh.
Bằng tiếng Ba Lan, Đức Thánh cha đặc biệt nhắc nhở rằng: “Ngày 22/10 vừa qua, chúng ta đã cử hành lễ nhớ thánh Gioan Phaolô II, trong năm kỷ niệm 100 năm sinh nhật của ngài. Thánh nhân luôn nhắn nhủ hãy ưu tiên yêu thương những người rốt cùng và vô phương thế tự vệ và hãy bảo vệ mỗi người, từ lúc mới thụ thai cho đến lúc chết tự nhiên. Nhờ lời chuyển cầu của Mẹ Maria chí thánh và thánh Giáo hoàng Ba Lan, tôi cầu xin Chúa khơi lên trong tâm hồn mọi người lòng tôn trọng sinh mạng của anh chị em chúng ta, đặc biệt là những người mong manh yếu đuối và vô phương thế tự vệ nhất, cũng như ban sức mạnh cho những người đón nhận và săn sóc họ, cả khi điều này đòi phải có một tình yêu thương anh dũng. Xin Chúa chúc lành cho tất cả anh chị em.”
Sau cùng, với các tín hữu nói tiếng Ý, Đức Thánh cha nói: “Hôm nay Giáo hội mừng lễ kính thánh Simon và Giuda Tadeo tông đồ. Tôi nhắn nhủ anh chị em hãy noi gương các ngài, luôn đặt Chúa Kitô ở trung tâm đời sống anh chị em, để trở thành những chứng nhân đích thực về Tin mừng của Chúa trong xã hội chúng ta.
Sau cùng, như mọi khi, tôi nghĩ đến những người già, người trẻ, các bệnh nhân, các đôi tân hôn. Tôi cầu chúc mỗi người được tăng trưởng hằng ngày trong sự chiêm ngắm lòng nhân lành và sự dịu dàng chiếu tỏa từ con người của Chúa Kitô.”
G. Trần Đức Anh, O.P.
nguồn: Đài Chân Lý Á Châu