KINH TRUYỀN TIN VỚI ĐỨC THÁNH CHA
Chúa nhật 1 Mùa Vọng năm B
TỈNH THỨC GẶP GỠ CHÚA GIÊSU NƠI MỖI ANH CHỊ EM
“Đây là một chương trình tốt cho Mùa Vọng: gặp gỡ Chúa Giêsu đến trong mỗi anh chị em đang cần chúng ta và chia sẻ với họ những gì chúng ta có thể: lắng nghe, thời gian, giúp đỡ cụ thể”. Đó là lời mời gọi của Đức Thánh Cha trong buổi đọc Kinh Truyền Tin Chúa Nhật I Mùa Vọng năm B, hôm Chúa Nhật 03/12/2023, và đồng thời ngài nhắc nhở rằng sự tỉnh thức Kitô giáo không phải là sợ hãi, nhưng là khao khát gặp Chúa đang đến, bằng cầu nguyện và lòng bác ái.
Dưới đây là bài suy niệm của Đức Thánh Cha:
Anh chị em thân mến, chào anh chị em!
Hôm nay cũng vậy, tôi sẽ không thể đọc được mọi thứ: tôi đã khá hơn, nhưng giọng nói của tôi vẫn chưa tốt. Đức ông Braida sẽ đọc bài giáo lý.
Hôm nay, Chúa Nhật thứ nhất Mùa Vọng, trong bài Tin Mừng ngắn mà Phụng vụ đề nghị cho chúng ta (x. Mc 13, 33-37), Chúa Giêsu ba lần đưa ra một lời huấn dụ đơn giản và trực tiếp cho chúng ta: “Hãy tỉnh thức” (c. 33, 35, 37).
Vì vậy, chủ đề là tỉnh thức. Chúng ta nên hiểu nó như thế nào? Đôi khi chúng ta nghĩ về nhân đức này như một thái độ được thúc đẩy bởi nỗi sợ hãi về ngày tận thế sắp xảy ra, như thể một thiên thạch sắp rơi từ trên trời xuống và đe dọa chôn vùi chúng ta, nếu chúng ta không tránh kịp thời. Nhưng chắc chắn đây không phải là điều mà sự tỉnh thức của Kitô giáo hướng tới!
Chúa Giêsu minh họa nó bằng một dụ ngôn, nói về người chủ sẽ trở lại, và về những đầy tớ đang chờ đợi ông (x. câu 34). Người đầy tớ trong Thánh Kinh là “người được tin cậy” của ông chủ, người thường có mối quan hệ hợp tác và yêu thương. Chẳng hạn, hãy nghĩ đến việc ông Môsê được định nghĩa là tôi tớ của Thiên Chúa (x. Ds 12, 7), và ngay cả Đức Maria cũng nói về mình: “Này tôi là tôi tớ Chúa” (Lc 1, 38). Vì vậy, sự tỉnh thức của các tôi tớ không phải là sự tỉnh thức sợ hãi mà là sự tỉnh thức khao khát, chờ đợi ra đi để gặp Chúa đang đến. Họ vẫn sẵn sàng đón Ngài trở về vì họ quan tâm đến Ngài, vì họ nghĩ rằng khi Ngài trở về, họ sẽ làm cho Ngài tìm được một ngôi nhà chào đón và ngăn nắp; họ rất vui khi được gặp Ngài, đến mức họ mong chờ sự trở lại của Ngài như một bữa tiệc dành cho cả đại gia đình mà họ là thành viên.
Chính với niềm trông đợi tràn đầy tình cảm này mà chúng ta cũng muốn chuẩn bị đón tiếp Chúa Giêsu: vào lễ Giáng Sinh, lễ mà chúng ta sẽ cử hành trong vài tuần nữa; vào ngày tận thế, khi Ngài sẽ trở lại trong vinh quang; mỗi ngày, khi Chúa đến gặp chúng ta trong Bí tích Thánh Thể, trong Lời Ngài, nơi anh chị em chúng ta, đặc biệt là những người túng thiếu nhất.
Vì vậy, một cách đặc biệt trong những tuần lễ này, chúng ta hãy cẩn thận chuẩn bị ngôi nhà tâm hồn sao cho nó ngăn nắp và hiếu khách. Thực ra, tỉnh thức có nghĩa là giữ cho tâm hồn luôn sẵn sàng. Đó là thái độ của người lính canh, người mà trong đêm tối không bị cám dỗ bởi sự mệt mỏi, không ngủ quên, nhưng vẫn thức chờ đợi ánh sáng sắp tới. Chúa là ánh sáng của chúng ta và thật tốt khi chuẩn bị tâm hồn để chào đón Ngài bằng lời cầu nguyện và đón tiếp Người bằng lòng bác ái, hai sự chuẩn bị đó, có thể nói, làm cho Ngài cảm thấy thoải mái. Về vấn đề này, câu chuyện kể rằng thánh Martinô thành Tours, một người cầu nguyện, sau khi tặng một nửa chiếc áo choàng của mình cho một người nghèo, đã mơ thấy Chúa Giêsu mặc chính phần áo choàng mà ngài đã tặng. Đây là một chương trình tốt cho Mùa Vọng: gặp gỡ Chúa Giêsu đến trong mỗi anh chị em đang cần chúng ta và chia sẻ với họ những gì chúng ta có thể: lắng nghe, thời gian, giúp đỡ cụ thể.
Các bạn thân mến, hôm nay thật tốt cho chúng ta để tự hỏi làm thế nào chúng ta có thể chuẩn bị một tâm hồn đón tiếp Chúa. Chúng ta có thể làm như vậy bằng cách đến gần sự tha thứ của Ngài, Lời của Ngài, Bàn Tiệc của Ngài, tìm không gian để cầu nguyện, chào đón những người túng thiếu. Chúng ta hãy vun trồng sự trông đợi Ngài mà không để mình bị phân tâm bởi quá nhiều điều vô ích, và không lúc nào cũng phàn nàn, nhưng hãy giữ cho tâm hồn chúng ta tỉnh táo, nghĩa là khát khao Ngài, tỉnh thức và sẵn sàng, nôn nóng gặp Ngài.
Xin Đức Trinh Nữ Maria, người nữ trông đợi, giúp chúng ta đón nhận Người Con sắp đến của Mẹ.
Sau Kinh Truyền Tin :
Anh chị em thân mến,
Ở Israel và Palestin, tình hình rất nghiêm trọng. Chúng ta đau lòng vì thỏa ước ngừng bắn đã bị phá vỡ: điều này có nghĩa là chết chóc, hủy diệt, đau khổ. Nhiều con tin đã được giải thoát nhưng nhiều người vẫn còn ở Gaza. Chúng ta hãy nghĩ về họ, về gia đình của họ, những người đã nhìn thấy ánh sáng, niềm hy vọng được ôm lấy những người thân yêu của mình một lần nữa. Ở Gaza có nhiều đau khổ; thiếu những nhu yếu phẩm cơ bản. Tôi hy vọng rằng tất cả những người liên quan có thể đạt được một thỏa thuận ngừng bắn mới càng sớm càng tốt và tìm ra các giải pháp khác ngoài vũ khí, cố gắng đi theo những con đường can đảm dẫn đến hòa bình.
Tôi muốn đảm bảo lời cầu nguyện của mình cho các nạn nhân của vụ tấn công xảy ra sáng nay ở Phi Luật Tân, nơi một quả bom phát nổ trong Thánh lễ. Tôi gần gũi với các gia đình và người dân Mindanao, những người đã phải chịu đựng rất nhiều đau khổ.
Dù ở xa, nhưng tôi rất chú ý theo dõi công việc của COP 28 ở Dubai. Tôi gần gũi. Tôi nhắc lại lời kêu gọi của mình về việc ứng phó với biến đổi khí hậu bằng những thay đổi chính trị cụ thể; chúng ta hãy thoát ra khỏi tình trạng rắc rối của chủ nghĩa địa phương và chủ nghĩa dân tộc, những tư duy của quá khứ, và đón nhận một tầm nhìn chung, tất cả nỗ lực ngay bây giờ, không chậm trễ, cho một sự hoán cải toàn cầu cần thiết.
Hôm nay là Ngày Quốc tế Người Khuyết tật. Việc chào đón và bao gồm những người trải qua tình trạng này giúp toàn thể xã hội trở nên nhân đạo hơn. Trong gia đình, giáo xứ, trường học, nơi làm việc, trong thể thao: chúng ta hãy học biết trân trọng mỗi người bằng những phẩm chất và khả năng của họ, không loại trừ ai.
Tý Linh
Chuyển ngữ từ : vatican.va
Nguồn: xuanbichvietnam.net (04.12.2023)