Kinh Truyền Tin 14/08/2022: Đốt lên ngọn lửa chứng tá
Trong Kinh Truyền Tin trưa Chúa Nhật 14/08, Đức Thánh Cha đã có bài huấn dụ ngắn dựa trên bài Tin Mừng Chúa Nhật 20 thường niên. Ngài mời gọi các tín hữu để cho Lời Chúa soi sáng và làm bừng cháy lòng nhiệt thành, chứ không ngủ quên trong sự tĩnh tại dễ chịu.
Bài huấn dụ của Đức Thánh Cha trước khi đọc Kinh Truyền Tin
Anh chị em thân mến, chào anh chị em!
Trong Tin Mừng của phụng vụ hôm nay, có một diễn tả của Chúa Giêsu luôn đánh động và chất vấn chúng ta. Khi đang trên đường cùng với các môn đệ, Người nói: “Thầy đã đến ném lửa vào mặt đất, và Thầy những ước mong phải chi lửa ấy đã bùng lên” (Lc 12,49). Người đang nói về lửa nào? Và những lời này, ngọn lửa mà Chúa Giêsu mang đến, có ý nghĩa gì đối với chúng ta ngày nay?
Như chúng ta biết, Chúa Giêsu đã đến để mang Tin Mừng vào thế gian, tức là Tin mừng về tình yêu của Thiên Chúa dành cho mỗi người chúng ta. Vì vậy, Người nói với chúng ta rằng Tin Mừng giống như một ngọn lửa, bởi vì nó là một sứ điệp mà khi bùng lên trong lịch sử, nó sẽ đốt cháy trạng thái cân bằng cũ của cuộc sống, thách thức chúng ta thoát ra khỏi chủ nghĩa cá nhân, vượt thắng sự ích kỷ, thoát khỏi ách nô lệ của tội lỗi và sự chết để đến sự sống mới của Đấng Phục sinh. Nghĩa là, Tin Mừng không để mọi thứ như hiện tại, nhưng khơi gợi sự thay đổi và mời gọi sự hoán cải. Nó không tạo ra một nền hòa bình thân mật giả tạo, nhưng đốt lên sự bồn chồn khiến chúng ta lên đường, thúc đẩy chúng ta mở lòng với Thiên Chúa và với anh em của chúng ta. Nó giống như lửa: trong khi sưởi ấm chúng ta bằng tình yêu của Thiên Chúa, nó muốn đốt cháy lòng ích kỷ của chúng ta, soi sáng những mặt tối của cuộc sống, đánh tan những thần tượng giả tạo làm chúng ta bị nô lệ.
Theo dấu các ngôn sứ trong Kinh Thánh – ví dụ chúng ta hãy nghĩ về Êlia và Giêrêmia – Chúa Giê-su được nung nấu bởi ngọn lửa tình yêu Thiên Chúa và để làm cho ngọn lửa ấy bùng lên trong thế giới, Người tiêu hao chính mình, yêu thương đến cùng, đến cái chết và chết trên Thập giá (x. Pl 2,8). Người được đầy Thánh Thần, Đấng được so sánh với lửa, với ánh sáng và sức mạnh của mình, Người bày tỏ khuôn mặt nhân từ của Thiên Chúa và mang lại sự tràn đầy cho những người bị coi là hư mất, phá bỏ rào cản đẩy ra bên lề, chữa lành vết thương thể xác và linh hồn, canh tân một kiểu tôn giáo bị giảm xuống còn các thực hành bề ngoài. Do đó, ngọn lửa sẽ làm thay đổi và thanh luyện.
Vậy, những lời này của Chúa Giê-su có ý nghĩa gì đối với chúng ta? Nó mời gọi chúng ta nhóm lên ngọn lửa đức tin, để nó không trở thành một thực tại thứ yếu, hay một phương tiện cho lợi ích cá nhân, làm chúng ta trốn khỏi những thách đố của cuộc sống và khỏi sự dấn thân trong Giáo hội và xã hội. Thật vậy, một thần học gia đã nói rằng đức tin vào Chúa “đảm bảo cho chúng ta, nhưng không phải như chúng ta muốn, nghĩa là, không phải để đạt được ảo tưởng tê liệt hoặc sự thỏa mãn dễ chịu, nhưng để giúp chúng ta hành động” (Sulle vie di Dio, Milan 2008 (184). Nói tóm lại, đức tin không phải là một “bài hát ru” nâng niu chúng ta để làm cho chúng ta chìm vào giấc ngủ. Đức tin thật là ngọn lửa, ngọn lửa thắp sáng để chúng ta luôn tỉnh thức và sẵn sàng ngay cả trong đêm!
Vì vậy, chúng ta có thể tự hỏi: tôi có say mê Tin Mừng không? Tôi có thương xuyên đọc Tin Mừng không? Tôi có mang Tin Mừng theo mình không? Đức tin mà tôi tuyên xưng và cử hành đặt tôi trong sự tĩnh tại dễ chịu hay đốt lên nơi tôi ngọn lửa chứng tá? Với tư cách là một Giáo hội, chúng ta cũng có thể tự hỏi mình điều này: trong các cộng đoàn của chúng ta, ngọn lửa Thánh Thần có làm bùng cháy lên lòng say mê cầu nguyện và bác ái, niềm vui đức tin, hay chúng ta tự co mình trong sự mệt mỏi và thói quen, với khuôn mặt ủ rủ, than thở trên môi và nói hành mỗi ngày? Anh chị em thân mến, chúng ta hãy tự xét mình về điều này, để chúng ta cũng có thể nói như Chúa Giêsu: chúng ta được thắp lên bởi ngọn lửa tình yêu của Thiên Chúa và chúng ta muốn “ném lửa” vào thế giới, mang ngọn lửa ấy đến cho mọi người, để mỗi người có thể khám phá ra sự dịu dàng của Chúa Cha và cảm nghiệm niềm vui của Chúa Giêsu, Đấng mở rộng trái tim và làm cho cuộc sống nên tươi đẹp. Chúng ta hãy cầu xin Đức Trinh Nữ Rất Thánh về điều này: xin Mẹ, Đấng đã đón nhận ngọn lửa của Chúa Thánh Thần, cầu bầu cho chúng ta.
nguồn: Vatican News Tiếng Việt