ĐỨC PHANXICÔ, VỊ GIÁO HOÀNG CỦA LÒNG NGƯỜI
Và rồi, từ ban công Đền thờ Thánh Phêrô, trong ánh mắt chờ đợi của muôn người, một lời chào thật đơn sơ và khiêm nhường vang lên, chạm đến tận sâu thẳm những tâm hồn dù gần hay xa Giáo hội: “Anh chị em thân mến, xin hãy cầu nguyện cho tôi”
Đó chính là Đức Giáo hoàng Phanxicô – vị mục tử “đến từ tận cùng thế giới” (fin del mundo), nhưng trái tim lại đập cùng nhịp với từng nỗi đau, từng thao thức của nhân loại. Không phải chỉ là một tân giáo hoàng, mà là một biểu tượng sống động của Tin mừng – một người cha, một người bạn, một người tôi tớ – chọn bước xuống để nâng người khác lên. Từ giây phút ấy, cả thế giới đã chứng kiến sự khởi đầu của một hành trình đầy cảm hứng, nơi tình yêu được sống bằng hành động, và lòng thương xót trở thành ngôn ngữ chung của nhân loại.
Đức Phanxicô – Người mục tử mang “mùi chiên”
Ngay từ những ngày đầu thi hành sứ vụ Phêrô, Đức Phanxicô đã không ngừng mời gọi Giáo hội “đi ra” – rời khỏi vùng an toàn để dấn thân vào “những vùng ngoại biên”, không chỉ là những nơi địa lý bị lãng quên, mà còn là những góc khuất của tâm hồn, nơi trú ngụ của đau khổ, bị bỏ rơi và tuyệt vọng. Trong bài giảng Lễ Dầu năm 2013, ngài đã thốt lên một lời nhắn gửi giản dị mà lay động lương tâm mục tử: “Mục tử phải mang mùi chiên – nghĩa là sống giữa đoàn chiên, biết rõ nỗi khổ và niềm vui của họ”.
Không chỉ là lời giảng, Đức Phanxicô đã hóa thân vào chính những điều ngài rao giảng. Bằng những bước chân lặng lẽ, ngài đã hiện diện nơi trại giam ảm đạm, giữa bệnh viện phong rừng sâu Amazon, bên lề phố xá đầy thương tích – không phải như một vị nguyên thủ, mà như một người cha tìm đến các con đang đau đớn. Từng hành động của ngài – rửa chân cho tù nhân, ôm người vô gia cư, hôn lên trán trẻ khuyết tật – đều là chứng tá sống động của một tình yêu không cần ngôn từ.
Không phải vì ngài muốn được nhìn thấy, mà vì người khác cần được cảm nhận rằng họ được nhìn thấy. Không phải để tỏa sáng, mà để những ai bị bóng tối nuốt chửng có thể nhìn thấy một tia hy vọng. Như chính ngài khẳng định trong Tông huấn Evangelii Gaudium: “Tôi mơ một Giáo hội nghèo vì người nghèo” (EG, số 198).
Nhưng đó không chỉ là giấc mơ. Đức Phanxicô đã trở thành chính giấc mơ ấy – sống giữa những người bị gạt ra bên lề như thể họ là trung tâm của Tin mừng. Không bằng nghĩa vụ, mà bằng trái tim; không bằng quyền lực, mà bằng sự cúi mình phục vụ. Ngài bước xuống, để nâng người khác lên.
Trong một thế giới đầy tiếng ồn và phô trương, ngài chọn cách lặng lẽ yêu thương. Và trong sự lặng lẽ đó, vang lên mạnh mẽ hơn bất kỳ tuyên ngôn nào: Thiên Chúa đang ở gần – rất gần – nơi những ai nhỏ bé nhất, đau khổ nhất, bị quên lãng nhất.
Thật vậy, Đức Phanxicô không chỉ nói về lòng thương xót – ngài chính là gương mặt sống động của lòng thương xót: một vị Giáo hoàng “mang mùi chiên”, áo trắng có thể hoen bùn đất, nhưng trái tim thì luôn rực cháy một tình yêu không biên giới.
Đức Phanxicô – Người hành hương gieo mầm hy vọng
Không mang dáng dấp của một nguyên thủ, cũng chẳng phải của một du khách, Đức Phanxicô hiện diện giữa thế giới này như một người hành hương của hy vọng. Mỗi bước chân ngài đi qua là một lời nguyện âm thầm, mỗi chuyến tông du là một lời tuyên xưng sống động về phẩm giá thiêng liêng của con người – nhất là những ai nghèo khổ, bị quên lãng và thương tổn sâu xa.
Từ Myanmar đến Congo, từ Iraq đến Lesbos, từ Amazon đến Buenos Aires, ngài đã đi – không phải để chinh phục, mà để lắng nghe. Không phải để được nhìn thấy, mà để khơi dậy ánh sáng nơi những mảnh đời đã lụi tắt hy vọng. Tại trại tị nạn Mória, Lesbos, ngài nói: “Tôi đến đây vì tôi muốn ở gần các bạn. Các bạn không bị lãng quên” (Lesbos, 16/4/2016).
Không diễn văn, không nghi lễ phô trương – chỉ là sự hiện diện đẫm tình người. Ngay trong Thánh lễ khai mạc triều giáo hoàng, ngài đã xác định hướng đi cho sứ mạng của mình: “Đừng sợ sự dịu dàng. Hãy để lòng thương xót dẫn lối” (19/03/2013).
Trong một thế giới ngưỡng mộ quyền lực và sợ hãi sự mềm yếu, ngài chọn sự hiền lành làm khí cụ. Giữa nền văn hóa loại trừ, ngài cúi xuống để nâng người khác lên. Ngài không nói lý thuyết về lòng thương xót – ngài sống lòng thương xót, từng ngày.
Là vị Giáo hoàng đầu tiên gặp gỡ các vị lãnh đạo Hồi giáo cao cấp như Đại Imam Ahmad Al-Tayyeb hay Đại Ayatollah Ali al-Sistani, Đức Phanxicô đã phá bỏ những ngăn cách lịch sử giữa các tôn giáo. Trong Tuyên ngôn Abu Dhabi (2019), ngài quả quyết: “Tôn giáo không bao giờ được sử dụng để kích động chiến tranh hay hận thù… Nhân danh Thiên Chúa, chúng ta phải coi nhau là anh chị em”.
Tại Mosul – thành phố từng bị tàn phá bởi chiến tranh – ngài lên tiếng như một ngôn sứ: “Tình huynh đệ mạnh hơn sự giết chóc, hy vọng mạnh hơn hận thù, ánh sáng mạnh hơn bóng tối” (Mosul, 07/03/2021).
Trong một cử chỉ làm rúng động lương tâm thế giới, ngài đã quỳ xuống hôn chân các nhà lãnh đạo Nam Sudan, khẩn khoản van xin họ từ bỏ bạo lực: “Tôi xin anh em, bằng tất cả trái tim mình: xin đừng gây chiến nữa” (Vatican, 11/4/2019)
Không ngừng lại ở các cột mốc chính trị, ngài lặng lẽ đi vào những nơi bị truyền thông quên lãng – như Mông Cổ, Kazakhstan hay Đông Timor – gieo những hạt giống hy vọng giữa sa mạc hoang vu. Tại Dili, ngài ca ngợi một dân tộc đã “biến đau thương thành niềm vui, nước mắt thành sức mạnh, và thử thách thành hy vọng” (Đông Timor, 2024)
Đức Phanxicô từng khẳng định trong Evangelii Gaudium: “Tôi thà có một Hội Thánh bị bầm dập, mang thương tích và lem luốc vì đi ra ngoài đường, hơn là một Hội Thánh ốm yếu vì bị giam hãm và bám víu vào sự an toàn của mình” (số 49). Và ngài đã sống như thế – không giữ khoảng cách với khổ đau, mà bước vào giữa nó với đôi tay trần và trái tim mở rộng.
Trước Quốc hội Hoa Kỳ, ngài không né tránh sự thật: “Tại sao chúng ta lại bán vũ khí cho những kẻ gây ra bao đau khổ? Câu trả lời, như tất cả chúng ta đều biết, rất đơn giản: vì tiền. Một đồng tiền đẫm máu” (Washington D.C., 24/09/2015).
Với Đức Phanxicô, hy vọng không phải là một ý niệm trừu tượng, mà là một bổn phận thiêng liêng – phải được gieo trồng bằng hành động và tưới tắm bằng lòng thương xót. Ngài không để lại tượng đài vĩ đại nào ngoài trái tim được in hằn bằng lòng trắc ẩn. Ngài là tiếng nói của những ai không còn tiếng nói, là ánh sáng nhỏ nhoi nhưng bền bỉ trong những vùng tối nhân loại.
Thật vậy, như một người hành hương – lặng lẽ mà quả cảm – Đức Phanxicô đã gieo mầm hy vọng nơi những nơi cằn khô nhất. Và nhờ ngài, thế giới cảm nhận rõ hơn: Thiên Chúa không ở xa – Ngài bước đi giữa chúng ta, bằng đôi chân bụi bặm của một vị giáo hoàng “đã ra khỏi cung điện mình để đến giữa dân”
Đức Phanxicô – Người an ủi trái tim nhân loại thổn thức
Ngày 27/3/2020 – giữa đỉnh điểm của đại dịch Covid-19, một hình ảnh đã khắc sâu vào ký ức toàn cầu: Đức Phanxicô, đơn độc bước giữa Quảng trường Thánh Phêrô vắng lặng và mưa giăng trắng xóa. Không có đám đông, không có tiếng ca, không có nghi lễ – chỉ có sự tĩnh lặng thiêng liêng, một lời nguyện trầm mặc, và một trái tim hướng về toàn thể nhân loại đang quằn quại trong đau thương.
Statio Orbis – Giờ cầu nguyện đặc biệt giữa đại dịch – không phải là một nghi thức phụng vụ thông thường – mà là một biểu tượng sâu sắc của sự liên đới toàn cầu. Trong lúc thế giới chìm trong hoang mang và chia cách, ngài lặng lẽ giơ cao Mình Thánh Chúa và ban phép lành Urbi et Orbi, như một cử chỉ chữa lành giữa cơn bão khổ đau: “Chúng ta ở trên cùng một con thuyền, mong manh và lạc hướng, nhưng tất cả đều quan trọng và cần thiết. Tất cả được mời gọi cùng chèo chống” (Statio Orbis, 27.3.2020).
Đức Phanxicô không cất lời như một chính khách hay nhà lãnh đạo, nhưng như người canh gác trong đêm, giữ lửa cho niềm hy vọng không tắt. Không lý luận, không mệnh lệnh, mà chỉ là một sự hiện diện nhân tính, thấm đẫm nước mắt và hy vọng.
Đêm hôm ấy, dù thế giới chưa được chữa lành, nhưng một điều đã được đánh thức: Niềm tin rằng chúng ta không đơn độc. Một ánh sáng mỏng manh nhưng không tắt, một sự thinh lặng vang vọng hơn mọi tiếng chuông – như để an ủi và nhắc nhớ rằng ngay cả trong tận cùng của bóng tối, vẫn có tình yêu, vẫn có hy vọng, vẫn có Đấng đang ở giữa chúng ta.
Đức Phanxicô – Người thách thức thế giới bằng tình yêu
Trong một thời đại mà quyền lực thường lấn át tiếng nói của lương tri, và sự thật dễ bị bóp méo bởi lợi ích, Đức Phanxicô đã chọn một con đường khác biệt: không tranh đấu bằng vũ khí hay ảnh hưởng chính trị, mà bằng tình yêu vô điều kiện, bằng sự hiện diện đồng hành, và bằng một lương tâm can đảm không lùi bước trước bóng tối.
Với thông điệp Laudato Si’ (2015), ngài không chỉ đưa ra một cảnh báo về môi sinh, mà còn công bố một lời kêu gọi mang chiều kích thiêng liêng – rằng con người và trái đất không thể tách rời, và sự thờ ơ với thiên nhiên là một vết thương mang tính đạo đức: “Đất Mẹ đang rên xiết dưới sức nặng của lòng tham con người” (Laudato Si’, số 2). Ngài đã biến mối lo về môi trường thành một cuộc hoán cải nội tâm – kêu gọi thế giới từ bỏ “văn hóa vứt bỏ” để trở về với mối tương quan hài hòa giữa con người, Thiên Chúa và vũ trụ.
Trước một nền kinh tế tôn thờ lợi nhuận và một xã hội ngày càng khép kín trước nỗi đau của người khác, Thông điệp Fratelli Tutti (2020) vang lên như một hồi chuông cảnh tỉnh: “Trừ phi chúng ta tìm lại được niềm khát vọng cùng muốn chung tay xây dựng một cộng đồng phụ thuộc và liên đới, đáng cho chúng ta cống hiến hết thời gian, tài trí, công sức và tiền của, bằng không, khi cái ảo tưởng toàn cầu từng lừa dối chúng ta đã sụp đổ, nhiều người trong chúng ta sẽ bị vây hãm bởi nỗi chán chường và trống rỗng” (FT, số 36). Đức Phanxicô không tô hồng hiện thực, nhưng cũng không buông xuôi. Ngài mời gọi nhân loại vượt lên trên ranh giới của chủ nghĩa cá nhân, để sống một tình huynh đệ phổ quát, nơi mỗi con người – dù xa lạ – cũng là anh em: “Nếu có được cứu, thì tất cả cùng được cứu, chứ chẳng có chuyện chỉ riêng ai đó được cứu” (FT, số 32).
Tại Hiroshima năm 2019 – nơi từng mang vết sẹo hạt nhân của nhân loại – ngài không nói bằng ngôn ngữ ngoại giao, mà bằng tiếng nói của lương tâm:
“Việc sở hữu vũ khí hạt nhân – ngay cả khi không sử dụng – cũng là vô đạo đức”.
Lời tuyên bố ấy không chỉ là một lập trường chính trị, mà là một lựa chọn đứng về phía sự sống. Trong một thế giới đang “đánh mất ký ức, đang rút lui khỏi hy vọng và đang quen dần với sự tàn phá”, ngài kêu gọi con người dừng lại – để nhớ, để khóc, và để bắt đầu lại bằng lòng trắc ẩn.
Đức Phanxicô không phải là một nhà cải cách ồn ào, nhưng là một ngọn đèn nhỏ giữa đêm đen. Ngài sống điều mình giảng, với một nhất quán hiếm thấy giữa lời nói và hành động. Ngài không phản kháng bằng giận dữ, mà bằng một lòng xót thương không mỏi mệt. Sự hiện diện của ngài – dù âm thầm – là một lời tuyên bố: rằng ngay cả giữa chia rẽ và hỗn loạn, yêu thương vẫn có thể là một hành vi cách mạng.
Thật vậy, với một trái tim biết lắng nghe và một tinh thần không khuất phục, ngài đang thách thức thế giới này – không bằng quyền lực, mà bằng nhân ái, không bằng những khẩu hiệu, mà bằng cuộc sống được hiến trao. Và chính nơi đó, thế giới tìm thấy hy vọng.
Đức Phanxicô – một dấu ấn thánh thiêng trong lương tri nhân loại
Mười hai năm qua, triều đại của Đức Phanxicô không chỉ là một giai đoạn trong dòng chảy lịch sử Giáo hội, mà là một dấu ấn thánh thiêng khắc sâu vào lương tri nhân loại. Đó là hành trình của một ngôn sứ thời đại được dệt nên bằng lòng thương xót sâu thẳm, bằng tình yêu không mỏi mệt, và bằng một trái tim không ngừng đập vì những khổ đau của nhân loại.
Giờ đây, khi triều đại ấy khép, điều còn lưu dấu không chỉ là các Tông huấn, Thông điệp hay những chuyến Tông du lịch sử. Điều ở lại – trong tâm khảm người Kitô hữu và cả nơi những ai ngoài Giáo hội – chính là hình ảnh của một người cha già, ngồi trên chiếc xe lăn giữa đám đông, lấy nước mắt làm ngôn ngữ, tươi cười trao trọn cuộc đời mình để thế giới tin rằng: Thiên Chúa là Tình Yêu.
Lịch sử Giáo hội từng ghi dấu những vị giáo hoàng uyên bác trong thần học, can đảm trong cải cách, sắc bén trong tư tưởng – giống như những ánh sao trong bầu trời đức tin. Phải chăng, Đức Phanxicô, với chiếc áo chùng đơn sơ, ánh nhìn thấm đẫm ưu tư và nụ cười hiền hậu – ánh nến nhỏ, đơn sơ, lặng lẽ sưởi ấm sưởi ấm trái tim con người trong đêm tối lạnh lẽo, trả lại cho Thiên Chúa gương mặt nhân hậu mà thế giới đôi khi đã lãng quên – đã làm nên điều khác biệt: một vị Giáo hoàng của lòng người?
Nt. Anna Ngọc Diệp, OP
Dòng Đa Minh Thánh Tâm