THƯ CỦA ĐỨC PHANXICÔ GỬI NGƯỜI CÔNG GIÁO TRUNG ĐÔNG NGÀY 07/10/2024
Ngày 07/10/2024, tròn một năm kể từ cuộc tấn công của Hamas vào Israel khiến Thánh Địa rơi vào cuộc chiến tranh toàn diện, Đức Thánh Cha đã gửi một lá thư tới những người Công giáo trong khu vực này, lên án “sự bất lực đáng xấu hổ của cộng đồng quốc tế và các quốc gia hùng mạnh nhất trong việc làm im lặng vũ khí và chấm dứt thảm kịch chiến tranh” và bày tỏ sự gần gũi của ngài với những người “phải chịu đựng chiến tranh”. Sau đây là toàn văn lá thư của Đức Thánh Cha.
THƯ ĐỨC THÁNH CHA PHANXICÔ
GỬI NGƯỜI CÔNG GIÁO TRUNG ĐÔNG
Anh chị em thân mến,
Tôi đang nghĩ đến anh chị em và tôi cầu nguyện cho anh chị em. Tôi muốn liên kết với anh chị em trong ngày buồn này. Một năm trước, ngọn lửa hận thù đã bùng lên; nó không lụi tàn nhưng còn bùng phát thành một vòng xoáy bạo lực, trước sự bất lực đáng xấu hổ của cộng đồng quốc tế và các quốc gia hùng mạnh nhất trong việc làm im lặng vũ khí và chấm dứt thảm kịch chiến tranh. Máu chảy, nước mắt cũng vậy, sự giận dữ gia tăng, khao khát trả thù cũng thế, trong khi dường như ít người quan tâm đến điều cần thiết nhất và điều người dân mong muốn: đối thoại, hòa bình. Tôi không bao giờ mệt mỏi khi nhắc lại rằng chiến tranh là một thất bại, vũ khí không xây dựng tương lai mà phá hủy nó, bạo lực không bao giờ mang lại hòa bình. Lịch sử đã chứng minh điều đó, tuy nhiên, rất nhiều năm xung đột dường như không dạy được gì cho chúng ta.
Và anh chị em trong Chúa Kitô, đang sống ở những Nơi mà Thánh Kinh nói đến nhiều nhất, anh chị em là một đàn chiên nhỏ bé không có khả năng tự vệ, đang khao khát hòa bình. Cảm ơn anh chị em đã là những gì anh chị em là, cảm ơn anh chị em đã muốn ở lại mảnh đất của mình, cảm ơn anh chị em đã biết cầu nguyện và yêu thương bất chấp tất cả. Anh chị em là hạt giống được Thiên Chúa yêu thương. Và cũng như một hạt giống, bề ngoài bị chết ngạt bởi đất đai bao phủ nó, nhưng vẫn luôn tìm đường hướng lên, hướng tới ánh sáng, để sinh hoa kết trái và mang lại sự sống, thế nên anh chị em đừng để mình bị nuốt chửng bởi bóng tối bao quanh mình, nhưng, được trồng trên vùng đất linh thiêng của mình, anh chị em trở thành những hạt giống hy vọng, bởi vì ánh sáng đức tin dẫn anh chị em làm chứng cho tình yêu khi chúng ta nói về hận thù, cho sự gặp gỡ khi các cuộc xung đột nhân tăng, cho hiệp nhất khi mọi thứ chuyển sang đối đầu.
Với tấm lòng của một người cha, tôi hướng về anh chị em, dân thánh của Thiên Chúa; hướng về anh chị em, những người con của các Giáo hội cổ xưa của anh chị em, là “những người tử đạo” ngày nay; hướng về anh chị em, hạt giống hòa bình trong mùa đông chiến tranh; hướng về anh chị em, những người tin vào Chúa Giêsu “hiền lành và khiêm nhường trong lòng” (Mt 11, 29) và, trong Người, trở thành chứng nhân cho sức mạnh của một nền hòa bình không vũ trang.
Ngày nay, người ta không biết tìm kiếm hòa bình, và chúng ta, những Kitô hữu, chúng ta không được mệt mỏi cầu xin Chúa ban hòa bình. Đây là lý do tại sao tôi mời gọi mỗi người hãy sống một ngày cầu nguyện và ăn chay. Cầu nguyện và ăn chay là những vũ khí của tình yêu làm thay đổi lịch sử, những vũ khí quật ngã kẻ thù thực sự duy nhất của chúng ta: thần dữ gây ra chiến tranh, bởi vì “ngay từ đầu, nó đã là kẻ giết người” (Ga 8, 44). Tôi xin anh chị em hãy dành thời gian để cầu nguyện và khám phá lại sức mạnh cứu độ của việc ăn chay!
Thưa anh chị em, trong lòng tôi có một điều muốn nói với anh chị em, nhưng cũng như với tất cả mọi người nam và nữ thuộc mọi tín ngưỡng và tôn giáo, những người ở Trung Đông đang đau khổ vì sự điên cuồng của chiến tranh: tôi gần gũi với anh chị em, tôi ở với anh chị em.
Tôi ở với anh chị em, những cư dân của Gaza, bị bầm dập và kiệt sức, những người luôn ở trong suy nghĩ và lời cầu nguyện của tôi mỗi ngày.
Tôi ở với anh chị em, những người buộc phải rời bỏ nhà cửa, bỏ học và làm việc, lang thang tìm nơi thoát khỏi bom đạn.
Tôi ở với chị em, những người mẹ rơi lệ khi nhìn những đứa con chết hoặc bị thương của mình, như Đức Maria nhìn thấy Chúa Giêsu; với anh chị em, những người bé nhỏ sống trên những vùng đất rộng lớn ở Trung Đông, nơi những âm mưu của những kẻ quyền lực tước đi quyền vui chơi của anh chị em.
Tôi ở với anh chị em, những người sợ phải nhìn lên, vì bom đạn rơi xuống như mưa từ trời.
Tôi ở với anh chị em, những người không có tiếng nói, bởi vì chúng ta nói rất nhiều về các kế hoạch và chiến lược, nhưng lại nói rất ít về hoàn cảnh cụ thể của những người phải chịu đựng chiến tranh, điều mà kẻ quyền lực buộc người khác phải làm; họ sẽ phải chịu sự tra vấn nghiêm ngặt của Thiên Chúa (x. Kng 6, 8).
Tôi ở với anh chị em, những người khao khát hòa bình và công lý, những người không cam chịu trước lôgic của sự dữ và, nhân danh Chúa Giêsu, “yêu thương kẻ thù và cầu nguyện cho những kẻ bách hại các con” (Mt 5, 44).
Cảm ơn anh chị em, những người con của hòa bình, đã an ủi trái tim của Thiên Chúa, bị tổn thương bởi sự độc ác của con người. Và cảm ơn tất cả mọi người trên khắp thế giới đang giúp đỡ anh chị em. Với những ai chăm sóc, nơi anh chị em, Chúa Kitô đang đói khát, đau yếu, xa lạ, bị bỏ rơi, nghèo khó và thiếu thốn, tôi xin anh chị em tiếp tục làm điều đó với lòng quảng đại. Và xin cảm ơn các anh em giám mục và linh mục, những người mang niềm an ủi của Thiên Chúa đến những nỗi cô đơn của con người. Tôi xin anh em hãy nhìn đến dân thánh. Anh em được mời gọi phục vụ họ và để cho tâm hồn anh em được đánh động, bỏ lại phía sau anh em mọi chia rẽ và mọi tham vọng, vì lợi ích của các tín hữu của anh em,.
Thưa anh chị em trong Chúa Giêsu, tôi chúc lành cho anh chị em và ôm hôn anh chị em với tình cảm, với tất cả tâm hồn tôi. Xin Đức Trinh Nữ, Nữ Vương Hòa Bình, gìn giữ anh chị em. Xin Thánh Giuse, Quan Thầy của Giáo hội, bảo vệ anh chị em.
Trong tình huynh đệ,
PHANXICÔ
Rôma, Đền thờ thánh Gioan Latêranô, ngày 7 tháng 10 năm 2024.
Tý Linh
Chuyển ngữ từ: Vatican News
Nguồn: xuanbichvietnam.net