DIỄN VĂN ĐỨC THÁNH CHA PHANXICÔ DÀNH CHO HỘI NGHỊ THƯỢNG ĐỈNH VỀ KHỦNG HOẢNG KHÍ HẬU, NĂM 2024
WHĐ (17.05.2024) – Sáng thứ Năm ngày 16.05, Đức Thánh Cha đã tiếp khoảng 200 tham dự viên Hội nghị Thượng đỉnh về khí hậu do Hàn Lâm Viện Tòa Thánh về Khoa học (The Pontifical Academy of Sciences) và Hàn Lâm Viện Tòa Thánh về Khoa học Xã hội tổ chức tại Vatican từ ngày 15-17. 05.2024.
Hội nghị quy tụ các nhà khoa học, các nhà lãnh đạo khu vực và chính quyền địa phương đang đối diện với tác động của biến đổi khí hậu đến từ Châu Mỹ, Châu Á và Châu Phi, cũng như các nhà nghiên cứu từ các trường đại học trên khắp thế giới để thảo luận về chủ đề: “Từ khủng hoảng khí hậu đến khả năng phục hồi khí hậu”.
Sau đây là toàn văn Việt ngữ bài Diễn văn của Đức Thánh Cha:
DIỄN VĂN ĐỨC THÁNH CHA PHANXICÔ
DÀNH CHO THAM DỰ VIÊN HỘI NGHỊ THƯỢNG ĐỈNH:
“TỪ KHỦNG HOẢNG KHÍ HẬU ĐẾN KHẢ NĂNG PHỤC HỒI KHÍ HẬU”
Hội trường Clemente
Thứ Năm, ngày 16 tháng 05 năm 2024
Thưa Đức Hồng y,
Thưa Đức Giám mục,
Thưa quý vị,
Tôi hân hoan chào đón quý vị, thành viên của Hàn Lâm viện Tòa Thánh về Khoa học và Hàn Lâm viện Tòa Thánh về Khoa học Xã hội. Tôi xin chào vị Chủ tịch, cùng quý khách, quý Thị trưởng và Thống đốc đến từ nhiều nơi trên thế giới để tham dự Hội nghị Thượng đỉnh về chủ đề: “Từ khủng hoảng khí hậu đến khả năng phục hồi khí hậu”.
Dữ liệu về biến đổi khí hậu đang ngày càng trở nên tồi tệ hơn hàng năm, và vì thế, việc hành động để bảo vệ con người và thiên nhiên là điều cấp thiết. Tôi khen ngợi hai Hàn Lâm viện đã dẫn đầu nỗ lực này và đưa ra một tài liệu về khả năng phục hồi mang tính toàn cầu. Những nhóm dân cư nghèo hơn, vốn là những người ít liên quan đến việc tạo ra khí thải gây ô nhiễm, cần nhận được sự hỗ trợ và bảo vệ nhiều hơn. Họ là nạn nhân.
“Sự hủy hoại môi trường là một sự xúc phạm đến Thiên Chúa, một tội không chỉ mang tính cá nhân mà còn mang tính cơ cấu, gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến toàn nhân loại, đặc biệt là những người dễ bị tổn thương nhất, và có nguy cơ gây ra xung đột giữa các thế hệ” (Diễn văn tại COP28, Dubai, ngày 02.12.2023). Do đó, câu hỏi là: Chúng ta đang làm việc vì một nền văn hóa sự sống hay một nền văn hóa sự chết? Quý vị đã trả lời rằng chúng ta phải chú ý đến tiếng kêu than của trái đất, phải lắng nghe lời van xin của người nghèo, và lưu tâm đến những khát vọng của người trẻ và ước mơ của trẻ em! Chúng ta có trách nhiệm nặng nề trong việc đảm bảo rằng tương lai của họ không bị tước đoạt. Quý vị đã tuyên bố quyết tâm lựa chọn sự phát triển con người bền vững. Tôi đánh giá rất cao quyết định này, bởi vì biến đổi khí hậu là “một vấn đề xã hội toàn cầu và liên quan mật thiết đến phẩm giá sự sống con người” (Tông huấn Laudate Deum, 3).
Hiện nay, chúng ta đang phải đối diện với những thách đố mang tính hệ thống, tuy khác nhau nhưng có mối liên hệ với nhau: biến đổi khí hậu, mất đa dạng sinh học, suy thoái môi trường, bất bình đẳng toàn cầu, thiếu an ninh lương thực và các mối đe dọa đối với phẩm giá của những người dân liên quan. Trừ khi được giải quyết cách tập thể và khẩn cấp, những vấn đề này sẽ gây ra những mối đe dọa mang tính sống còn đối với gia đình nhân loại, đối với các sinh vật khác, và đối với tất cả các hệ sinh thái. Tuy nhiên, có một điều cần phải nói rõ. Chính người nghèo trên thế giới là những người phải gánh chịu nhiều nhất, mặc dù họ góp phần ít nhất trong việc gây ra vấn đề này. Các quốc gia giàu có hơn, khoảng 1 tỷ người, tạo ra hơn một nửa lượng chất gây ô nhiễm giữ nhiệt. Ngược lại, 3 tỷ người nghèo hơn tạo ra chưa tới 10% nhưng lại phải gánh chịu 75% thiệt hại. 46 quốc gia kém phát triển hơn – chủ yếu là châu Phi – chỉ chiếm 1% lượng khí thải CO2 toàn cầu, trong khi các quốc gia G20 gây ra 80% lượng khí thải này.
Về điểm này, nghiên cứu của quý vị cho thấy một thực tế bi thảm là phụ nữ và trẻ em phải chịu một gánh nặng không cân xứng. Phụ nữ thường không được hưởng quyền tiếp cận các nguồn lực như nam giới; hơn nữa, việc chăm sóc nhà cửa và con cái có thể cản trở khả năng di tản của họ trong trường hợp xảy ra thảm họa. Tuy nhiên, phụ nữ không chỉ là nạn nhân của biến đổi khí hậu mà họ còn là những tác nhân mạnh mẽ đối với khả năng phục hồi và thích ứng trước biến đổi khí hậu. Đối với trẻ em, gần 1 tỷ trẻ em sống ở các quốc gia có nguy cơ bị tàn phá cực kỳ cao do khí hậu. Ở độ tuổi phát triển nên các em dễ bị tổn thương hơn trước những tác động cả về thể chất lẫn tâm lý của biến đổi khí hậu.
Việc từ chối hành động cấp bách để bảo vệ những người dễ bị tổn thương nhất trước biến đổi khí hậu do con người gây ra là một thất bại nặng nề và là sự vi phạm nghiêm trọng nhân quyền, như tuyên bố mới đây của Tòa án Nhân quyền Châu Âu. Một tiến trình có trật tự bị cản trở bởi việc tham lam theo đuổi lợi ích ngắn hạn của các ngành công nghiệp gây ô nhiễm, và sự lan truyền thông tin sai lệch, đã tạo ra sự nhầm lẫn và cản trở những nỗ lực tập thể nhằm đảo ngược tiến trình.
Thưa quý vị, con đường phía trước rất khó khăn và đầy nguy hiểm. Dữ liệu thu được từ Hội nghị thượng đỉnh này cho thấy tác động của biến đổi khí hậu bao trùm mọi khía cạnh đời sống, đe dọa các hệ thống nước, không khí, thực phẩm và năng lượng. Điều đáng báo động không kém là những mối đe dọa đối với sức khỏe và phúc lợi cộng đồng. Chúng ta đang chứng kiến sự tan rã của các cộng đồng và sự buộc phải di dời của các gia đình. Ô nhiễm không khí cướp đi hàng triệu sinh mạng mỗi năm. Hơn ba tỷ rưỡi người sống ở những khu vực rất dễ bị ảnh hưởng do sự tàn phá của biến đổi khí hậu, dẫn đến tình trạng di cư bắt buộc. Trong những năm gần đây, chúng ta đã chứng kiến biết bao anh chị em đã thiệt mạng trong những cuộc hành trình tuyệt vọng, và những dự báo về tương lai thật đáng lo ngại. Bảo vệ phẩm giá và quyền lợi của những người di cư vì khí hậu đòi phải bảo vệ tính thánh liêng của sự sống mỗi con người, đồng thời đòi phải tôn trọng mệnh lệnh của Thiên Chúa trong việc chăm sóc và bảo vệ ngôi nhà chung của chúng ta.
Trước cuộc khủng hoảng mang tính toàn cầu này, tôi xin góp thêm tiếng nói của mình vào lời kêu gọi chân thành của quý vị.
Trước hết, cần áp dụng một cách tiếp cận phổ quát và một hành động nhanh chóng, dứt khoát nhằm mang lại những thay đổi và quyết định chính trị. Thứ đến, cần đảo ngược đường cong nóng lên toàn cầu bằng những nỗ lực giảm một nửa tốc độ nóng lên trong khoảng thời gian ngắn một phần tư thế kỷ. Đồng thời, cần hướng tới mục tiêu khử carbon toàn cầu, cũng như loại bỏ sự phụ thuộc vào nhiên liệu hóa thạch. Thứ ba, cần loại bỏ lượng lớn carbon dioxide khỏi khí quyển thông qua một chương trình quản lý môi trường kéo dài nhiều thế hệ. Đây là một công việc lâu dài nhưng cũng là tầm nhìn xa mà tất cả chúng ta phải cùng nhau thực hiện. Trong nỗ lực này, thiên nhiên là đồng minh trung thành của chúng ta bằng việc mang đến cho chúng ta khả năng sử dụng sức mạnh tái tạo của chính nó.
Chúng ta hãy bảo vệ các nguồn tài nguyên thiên nhiên: lưu vực Amazon và Congo, các vùng đất than bùn và rừng ngập mặn, đại dương, rạn san hô, đất nông nghiệp và chỏm băng vùng cực, vì sự đóng góp của chúng vào việc giảm lượng khí thải carbon toàn cầu. Cách tiếp cận toàn diện này có thể chống lại biến đổi khí hậu, đồng thời đương đầu với cuộc khủng hoảng kép về mất đa dạng sinh học và bất bình đẳng qua việc nuôi dưỡng các hệ sinh thái duy trì sự sống.
Cuộc khủng hoảng khí hậu đòi hỏi sự hợp tác tổng hợp và đoàn kết toàn cầu. Nỗ lực này phải là một bản giao hưởng, được mọi người cùng nhau thực hiện một cách hài hòa. Nhờ việc giảm khí thải, giáo dục lối sống, tài trợ sáng tạo và sử dụng các giải pháp tự nhiên tổng hợp, chúng ta sẽ tăng cường khả năng phục hồi, nhất là khả năng phục hồi trước nạn hạn hán.
Cuối cùng, cần phát triển một cơ cấu tài chính mới có khả năng đáp ứng nhu cầu của Nam bán cầu và của các quốc đảo bị ảnh hưởng nghiêm trọng bởi thảm họa khí hậu. Việc tái cơ cấu và giảm nợ, cùng với việc xây dựng một Hiến chương tài chính toàn cầu mới vào năm 2025, thừa nhận một loại nợ sinh thái – chúng ta phải làm việc trên thuật ngữ này: nợ sinh thái – có thể hỗ trợ rất nhiều trong việc giảm thiểu biến đổi khí hậu.
Các bạn thân mến, tôi cảm ơn những nỗ lực của các bạn và khuyến khích các bạn tiếp tục hợp tác trong tiến trình chuyển đổi từ cuộc khủng hoảng khí hậu hiện nay sang khả năng phục hồi khí hậu với sự bình đẳng và công bằng xã hội. Cần phải hành động với sự khẩn trương –khẩn trương! – lòng trắc ẩn và quyết tâm, bởi vì cái giá phải trả không thể cao hơn. Hãy tiến về phía trước và xin Thiên Chúa chúc lành cho các bạn. Tôi chắc chắn sẽ cầu nguyện cho các bạn và xin các bạn cũng nhớ cầu nguyện cho tôi. Cảm ơn!
Nt. Anna Ngọc Diệp, OP
Dòng Đa Minh Thánh Tâm
Chuyển ngữ từ: vatican.va (16. 05. 2024)