AI SẼ LĂN TẢNG ĐÁ RA KHỎI CỬA MỘ GIÚP CHÚNG TA?
Vào lúc 7 giờ rưỡi tối Thứ Bảy ngày 31/3/2024, Đức Thánh Cha Phanxicô đã chủ sự Thánh lễ Vọng Phục Sinh tại Đền thờ Thánh Phêrô. Trong Thánh lễ ngài đã ban Bí tích Rửa tội và các Bí tích khai tâm cho 8 người lớn, gồm 4 người Ý, 2 người Hàn Quốc, 1 người Nhật và một người Albania.
Trong bài giảng, từ hình ảnh của tảng đá chặn ở cửa mộ Chúa Giêsu và hình ảnh tảng đá đã được lăn ra khi Chúa sống lại, Đức Thánh Cha chia sẻ rằng sự đau buồn thất vọng của các phụ nữ trong trình thuật Tin Mừng, khi đứng trước cái chết của Chúa Giêsu và lo lắng về tảng đá chặn trước cửa mộ, cũng là kinh nghiệm của mỗi người chúng ta khi chúng ta đau buồn vì những thất bại, những biến cố đau thương xảy ra trong cuộc sống. Nhưng cũng như các phụ nữ trong trình thuật Tin Mừng, chúng ta hãy ngước nhìn lên Chúa, bởi vì Chúa Giêsu Phục Sinh, Đấng chiến thắng sự chết, đã lăn tảng đá ra mãi mãi và đã bắt đầu mở cửa mồ của chúng ta, để niềm hy vọng của chúng ta không bao giờ bị thất vọng. Nếu chúng ta để cho Chúa Phục Sinh nắm lấy tay mình, thì không có thất bại, đau khổ, chết chóc nào có thể ngăn cản được cuộc hành trình hướng tới sự sống viên mãn của chúng ta. Đức Thánh Cha bắt đầu bài giảng như sau:
Anh chị em thân mến,
Các phụ nữ đi đến mộ vào lúc vừa tảng sáng, nhưng lòng họ vẫn cảm thấy bóng tối của đêm đen. Dù đang trên đường đi, họ vẫn như đang dừng lại: tâm hồn họ vẫn đang ở dưới chân thập giá. Bị phủ mờ bởi những giọt nước mắt của Thứ Sáu Tuần Thánh, họ bị tê liệt vì đau đớn, bị choáng ngợp bởi cảm giác rằng mọi sự giờ đây đã kết thúc, rằng một tảng đá đã đè chặt lên số phận của Chúa Giêsu. Chính tảng đá là điều mà chính họ bận tâm suy nghĩ. Thực tế, họ tự hỏi: “Ai sẽ lăn tảng đá ra khỏi cửa mộ giúp chúng ta?” (Mc 16,3). Tuy nhiên, khi họ đến nơi, sức mạnh kỳ diệu của sự kiện Phục Sinh đã làm họ choáng váng: “Ngước mắt lên – bản văn [Kinh Thánh] nói – họ thấy tảng đá đã được lăn ra một bên rồi, mặc dù nó rất lớn” (Mc 16,4).
Chúng ta hãy dừng lại suy tư về hai khoảnh khắc dẫn chúng ta đến niềm vui bất ngờ của sự kiện Phục Sinh: đầu tiên các phụ nữ lo lắng tự hỏi ai sẽ lăn tảng đá đi; rồi ngước nhìn lên họ thấy rằng nó đã được lăn đi rồi.
Ai sẽ lăn tảng đá ra khỏi mộ giúp chúng ta?
Tảng đá tượng trưng cho niềm hy vọng đã tiêu tan
Trước hết là câu hỏi khiến trái tim đau buồn tan nát của họ bối rối: ai sẽ lăn tảng đá ra khỏi mộ giúp chúng ta? Tảng đá đó như là sự kết thúc câu chuyện của Chúa Giêsu, Người đã chết và được mai táng. Đấng là sự sống đến thế gian, đã bị giết; Đấng bày tỏ tình yêu thương xót của Chúa Cha, lại không nhận được lòng xót thương; Đấng giải thoát tội nhân khỏi gánh nặng án phạt, đã bị kết án trên thập giá. Vua Hòa bình, Đấng đã giải thoát một phụ nữ ngoại tình khỏi cơn thịnh nộ dữ dội của những viên đá, lại được chôn sau một tảng đá lớn. Tảng đá đó, một trở ngại không thể vượt qua, tượng trưng cho điều mà lòng các phụ nữ đang cảm thấy, là kết thúc của niềm hy vọng: đứng trước tảng đá mọi thứ đã tan vỡ, bởi một mầu nhiệm u tối của một nỗi đau bi thảm đã ngăn cản giấc mơ của họ thành hiện thực.
Những tảng đá trong cuộc đời chúng ta
Anh chị em thân mến, điều này cũng có thể xảy ra với chúng ta. Đôi khi chúng ta cảm thấy một tấm bia mộ nặng nề chặn trước cửa tâm hồn chúng ta, bóp nghẹt cuộc sống, dập tắt niềm tin, giam cầm chúng ta trong nấm mồ của những sợ hãi và cay đắng, chặn đường đi đến niềm vui và hy vọng. Chúng là “những tảng đá chết chóc” và chúng ta gặp chúng trên đường đi, trong tất cả những trải nghiệm và hoàn cảnh cướp đi lòng nhiệt tình và sức mạnh của chúng ta để tiến về phía trước: trong những nỗi đau khổ ảnh hưởng đến chúng ta và trong những cái chết của những người thân yêu, để lại trong lòng chúng ta sự trống rỗng không thể lấp đầy; trong những thất bại và nỗi sợ hãi ngăn cản chúng ta làm những điều tốt đẹp mà chúng ta muốn làm; trong tất cả những sự khép kín làm chúng ta ngần ngại sống quảng đại và không cho phép chúng ta mở lòng trước tình yêu; trong những bức tường cao su của sự ích kỷ và thờ ơ, từ chối dấn thân xây dựng các thành phố và xã hội công bằng và tiêu chuẩn của con người hơn; trong tất cả những khao khát hòa bình bị phá vỡ bởi sự tàn bạo của hận thù và sự tàn khốc của chiến tranh. Khi chúng ta trải qua những nỗi thất vọng này, chúng ta có cảm giác rằng nhiều giấc mơ sẽ thất bại và chúng ta cũng đau khổ tự hỏi: ai sẽ lăn tảng đá ra khỏi ngôi mộ giúp chúng ta?
Tảng đá đã được lăn ra rồi
Sức mạnh của Thiên Chúa
Tuy nhiên, chính những người phụ nữ đang bị bóng tối che phủ tâm hồn này lại làm chứng cho chúng ta thấy một điều phi thường: ngước nhìn lên, họ thấy tảng đá đã được lăn ra rồi, mặc dù nó rất lớn. Đây là sự Phục Sinh của Chúa Kitô, đây là sức mạnh của Thiên Chúa: chiến thắng của sự sống trên sự chết, chiến thắng của ánh sáng trước bóng tối, sự tái sinh của niềm hy vọng trong đống đổ nát của thất bại. Chính Chúa, Thiên Chúa của những điều không thể, đã lăn tảng đá ra mãi mãi và đã bắt đầu mở cửa mồ của chúng ta, để niềm hy vọng không bao giờ tiêu tan. Vì thế, chúng ta cũng phải ngước mắt nhìn lên Người.
Hãy ngước mắt nhìn lên Chúa Giêsu
Chúng ta hãy ngước mắt nhìn lên Chúa Giêsu: sau khi mặc lấy nhân tính của chúng ta, Người đã xuống vực thẳm của sự chết và vượt qua chúng bằng quyền năng sự sống thần linh của Người, mở ra một tia sáng vô tận cho mỗi người chúng ta. Được Thiên Chúa Cha phục sinh trong thân xác của Người và của chúng ta, bằng quyền năng của Chúa Thánh Thần, Người đã mở ra một trang mới cho nhân loại. Kể từ giây phút đó, nếu chúng ta để Chúa Giêsu nắm lấy bàn tay mình, thì không có kinh nghiệm thất bại và đau đớn nào, dù có tổn thương đến đâu, có thể có tiếng nói quyết định về ý nghĩa và số phận của cuộc đời chúng ta.
Nếu chúng ta để cho Đấng Phục Sinh nắm lấy tay mình…
Từ lúc đó, nếu chúng ta để cho Đấng Phục Sinh nắm lấy tay mình, thì không có thất bại, đau khổ, chết chóc nào có thể ngăn cản được cuộc hành trình hướng tới sự sống viên mãn của chúng ta. Từ giây phút đó, “các Kitô hữu chúng ta tuyên xưng rằng câu chuyện này… có một ý nghĩa, một ý nghĩa bao trùm mọi sự, một ý nghĩa không còn bị ô nhiễm bởi sự phi lý và mù mờ… một ý nghĩa mà chúng ta gọi là Thiên Chúa… Tất cả các dòng nước của sự biến đổi của chúng ta cùng chảy về phía Người; chúng không đổ xuống vực thẳm của hư vô và phi lý… Bởi vì ngôi mộ của Người trống rỗng và Người, Đấng đã chết, giờ đây lại tỏ hiện như là người đang sống” (K. RAHNER, Sự phục sinh là gì? Suy niệm về Thứ Sáu Tuần Thánh và Lễ Phục Sinh, Brescia 2005, 33-35).
Sự sống vĩnh cửu mà Chúa đến để mang lại cho chúng ta giờ đây đã hiện diện rồi
Anh chị em thân mến, Chúa Giêsu là sự Phục Sinh của chúng ta, Đấng mang chúng ta từ bóng tối đến ánh sáng, Đấng gắn bó với chúng ta mãi mãi và cứu chúng ta khỏi vực thẳm tội lỗi và cái chết, đưa chúng ta vào nơi rạng ngời của sự tha thứ và sự sống vĩnh cửu. Chúng ta hãy ngước nhìn lên Người, chúng ta hãy đón nhận Chúa Giêsu, Thiên Chúa của sự sống, bước vào cuộc đời của chúng ta, và ngày hôm nay chúng ta hãy lặp lại lời thưa “xin vâng” với Người và không một tảng đá nào có thể chặn đường đến trái tim chúng ta, không một ngôi mộ nào có thể nhốt được niềm vui sống, không thất bại nào có thể khiến chúng ta rơi vào tuyệt vọng. Chúng ta hãy ngước mắt nhìn lên Người và cầu xin Người để sức mạnh phục sinh của Người sẽ cuốn đi những tảng đá đè nặng lên tâm hồn chúng ta. Chúng ta hãy ngước mắt nhìn lên Người, Đấng Phục Sinh, và bước đi trong niềm xác tín rằng trong bối cảnh tăm tối của những mong đợi và cái chết của chúng ta, sự sống vĩnh cửu mà Người đến để mang lại giờ đây đã hiện diện giữa chúng ta rồi.
Người Đau khổ không còn ở trong ngục tù nữa
Anh chị em thân mến, chớ gì tâm hồn anh chị em được bùng cháy cách hân hoan trong đêm thánh này! Chúng ta hãy cùng nhau hát mừng sự sống lại của Chúa Giêsu: “Hãy hát khen Người, hỡi những vùng đất xa xôi, sông ngòi và đồng bằng, sa mạc và núi đồi… Hãy ca mừng Chúa của sự sống, Đấng đã sống lại từ huyệt mộ, sáng chói hơn ngàn muôn mặt trời. Những dân tộc bị sự dữ tàn phá và bị bất công tấn công, những dân tộc bị di tản, những dân tộc tử đạo, trong đêm nay hãy loại bỏ những bài ca tuyệt vọng. Người Đau khổ không còn ở trong ngục tù nữa: Người đã mở một lỗ trống trên tường, Người đang vội vã đến với anh chị em. Hãy để tiếng kêu bất ngờ vang lên trong bóng tối: Người đang sống, Người đã sống lại! Và hỡi anh chị em, người lớn và trẻ nhỏ… những người đang đau khổ trong cuộc sống, những anh chị em cảm thấy mình không đáng được ca hát… hãy để một ngọn lửa mới chiếu sáng trong tâm hồn anh chị em, hãy để một sự tươi mới lan tỏa trong giọng nói của anh chị em. Đó là Lễ Phục Sinh của Chúa, là ngày lễ của những người sống” (J-Y. QUELLEC, Dieu face nord, Ottignies 1998, 85-86).
Nguồn: vaticannews.va/vi