WHĐ (09.01.2024) – Theo thông lệ, sáng thứ Hai ngày mồng 08.01, Đức Thánh Cha đã dành cho các thành viên Ngoại giao đoàn cạnh Tòa thánh buổi gặp gỡ truyền thống nhân dịp đầu năm mới. Hiện diện trong buổi tiếp kiến, có đại diện của 184 quốc gia và một số tổ chức quốc tế có quan hệ với Tòa Thánh trên cấp đại sứ, cùng với đại diện của chính quyền Palestine. Sau đây là nội dung bài diễn văn của Đức Thánh Cha:
https://www.youtube.com/watch?v=GRH-2KbzJAA
DIỄN VĂN CỦA ĐỨC THÁNH CHA PHANXICÔ
DÀNH CHO THÀNH VIÊN NGOẠI GIAO ĐOÀN CẠNH TÒA THÁNH
Benediction Hall
Thứ Hai, ngày mồng 08 tháng 01 năm 2024
Thưa quý vị,
Tôi rất vui được đón tiếp quý vị vào sáng nay và được gửi đến quý vị lời chào thân mật và lời chúc tốt đẹp trong năm mới. Tôi đặc biệt cảm ơn Ngài Đại sứ George Poulides, Niên trưởng Ngoại giao đoàn, vì những lời ân cần, thể hiện cách hùng hồn mối quan tâm của cộng đồng quốc tế vào một năm mà chúng ta hy vọng là một năm hòa bình, nhưng lại khởi sự dưới dấu hiệu của những xung đột và chia rẽ.
Cuộc gặp gỡ này là một dịp thích hợp để tôi cảm ơn quý vị vì những nỗ lực của quý vị trong việc thúc đẩy mối quan hệ tốt đẹp giữa Tòa Thánh và các quốc gia mà quý vị đại diện. Năm ngoái, “gia đình ngoại giao” của chúng ta đã mở rộng hơn nữa nhờ việc thiết lập quan hệ ngoại giao với Vương quốc Oman và việc bổ nhiệm Đại sứ đầu tiên hiện diện tại đây.
Đồng thời, tôi muốn nhắc lại rằng Tòa Thánh hiện đã bổ nhiệm vị Đại diện Giáo hoàng thường trú tại Hà Nội, sau khi ký kết Thỏa thuận về Quy chế của Đại diện Thường trú của Tòa Thánh tại Việt Nam vào tháng 7 vừa qua. Đây là dấu hiệu cho thấy ý hướng theo đuổi tiến trình đã được khởi xướng trên tinh thần tôn trọng và tin tưởng lẫn nhau, nhờ những liên hệ thường xuyên ở cấp độ thể chế và hợp tác với Giáo hội địa phương.
Năm 2023 cũng chứng kiến việc phê chuẩn Thỏa thuận bổ sung cho Thỏa thuận giữa Tòa thánh và Cộng hòa Kazakhstan về quan hệ song phương ngày 24.09.1998, tạo điều kiện thuận lợi cho sự hiện diện và làm việc của các cơ quan mục vụ ở quốc gia này. Năm vừa qua cũng đánh dấu việc cử hành những ngày kỷ niệm quan trọng: 100 năm quan hệ ngoại giao với Cộng hòa Panama, 70 năm quan hệ với Cộng hòa Hồi giáo Iran, 60 năm quan hệ với Hàn Quốc, và 50 năm quan hệ ngoại giao với Australia.
Kính thưa quý Đại sứ,
Có một từ đặc biệt vang lên trong hai ngày lễ chính của Kitô giáo. Chúng ta nghe thấy từ này trong bài hát của các thiên thần loan báo trong đêm Đấng Cứu Thế giáng sinh, và chúng ta nghe thấy từ này một lần nữa trong lời chào của Chúa Giêsu phục sinh. Đó là từ “bình an”. Bình an trước hết là một món quà của Thiên Chúa, vì chính Ngài là Đấng đã để lại cho chúng ta sự bình an của Ngài (x. Ga 14,27). Nhưng đồng thời, đó cũng là trách nhiệm của chúng ta: “Phúc thay ai xây dựng hoà bình” (Mt 5,9). Phấn đấu vì hòa bình. Một từ rất đơn giản nhưng lại rất khắt khe và giàu ý nghĩa. Hôm nay tôi muốn tập trung suy tư của chúng ta về hòa bình, trong một thời điểm lịch sử khi mà hòa bình ngày càng bị đe dọa, suy yếu và, phần nào đó, bị mất đi. Mặt khác, nhiệm vụ của Tòa Thánh trong cộng đồng quốc tế là trở thành tiếng nói ngôn sứ và lời nhắc nhở lương tâm.
Vào đêm Giáng sinh năm 1944, Đức Giáo hoàng Piô XII đã gửi một Sứ điệp nổi tiếng trên đài phát thanh tới các dân tộc trên toàn thế giới. Chiến tranh thế giới thứ hai sắp kết thúc sau hơn 5 năm xung đột, và nhân loại – theo lời của Đức Thánh Cha – cảm thấy “một ý chí rõ ràng và vững chắc hơn bao giờ hết: biến cuộc chiến tranh thế giới này, biến sự gián đoạn mang tính toàn cầu này thành điểm khởi đầu của một kỷ nguyên mới được đánh dấu bằng sự đổi mới sâu sắc”[1]. Và rồi, 80 năm sau, nỗ lực cho “sự đổi mới sâu sắc” đó dường như đã giảm sút và thế giới của chúng ta đang chứng kiến ngày càng nhiều xung đột dần dần biến điều mà tôi thường gọi là “cuộc chiến tranh thế giới thứ ba từng phần” thành một cuộc xung đột toàn cầu thực sự.
Giờ đây, trước sự hiện diện của quý vị, tôi không thể không tái khẳng định mối quan ngại của mình về những gì đang xảy ra ở Palestine và Israel. Tất cả chúng ta đều bàng hoàng trước cuộc tấn công nhắm vào người dân Israel hôm mồng 07 tháng 10, trong đó rất nhiều người vô tội bị thương, bị tra tấn, bị sát hại một cách dã man, và nhiều người khác bị bắt làm con tin. Tôi xin lặp lại sự lên án của tôi đối với hành động này cũng như đối với mọi hình thức khủng bố và cực đoan. Đây không phải là cách giải quyết tranh chấp giữa các dân tộc; trái lại, chúng khiến những mâu thuẫn càng trở nên trầm trọng, gây đau khổ hơn cho mọi người. Thực vậy, cuộc tấn công đã gây ra phản ứng quân sự mạnh mẽ của Israel ở dải Gaza, dẫn đến cái chết của hàng chục nghìn người Palestine, chủ yếu là dân thường, trong đó có nhiều thanh thiếu niên và trẻ em, đồng thời gây ra cuộc khủng hoảng nhân đạo hết sức nghiêm trọng với những đau khổ không thể tưởng tượng được.
Tôi xin nhắc lại lời kêu gọi của tôi tới tất cả các bên liên quan về lệnh ngừng bắn trên mọi mặt trận, bao gồm cả ở Lebanon, và thả ngay lập tức các con tin bị giam giữ ở Gaza. Tôi yêu cầu người dân Palestine nhận được viện trợ nhân đạo, và các bệnh viện, trường học và nơi thờ phượng nhận được mọi sự bảo vệ cần thiết.
Tôi hy vọng rằng cộng đồng quốc tế sẽ quyết tâm theo đuổi giải pháp hai nhà nước, một Israel và một Palestine, cũng như một quy chế đặc biệt được quốc tế bảo đảm cho Thành phố Jerusalem, để cuối cùng người Israel và Palestine có thể chung sống trong hòa bình và an ninh.
Cuộc xung đột hiện nay ở Gaza càng làm mất ổn định khu vực mong manh và đầy căng thẳng này. Cụ thể, chúng ta không được quên người dân Syria, những người đang sống trong tình trạng bất ổn về kinh tế và chính trị, bị ảnh hưởng nặng nề hơn bởi trận động đất hồi tháng Hai năm ngoái. Mong sao cộng đồng quốc tế khuyến khích các bên liên quan tham gia vào cuộc đối thoại mang tính xây dựng và nghiêm túc, đồng thời tìm kiếm các giải pháp mới, để người dân Syria không còn phải tiếp tục chịu đau khổ do các lệnh trừng phạt quốc tế nữa. Ngoài ra, tôi bày tỏ sự đau buồn sâu sắc đối với hàng triệu người tị nạn Syria vẫn đang lưu lại ở các nước láng giềng như Jordan và Lebanon.
Tôi đặc biệt nghĩ tới và bày tỏ mối quan tâm đến tình hình kinh tế và xã hội mà người dân Lebanon thân yêu đang trải qua. Tôi hy vọng rằng tình trạng bế tắc về mặt thể chế vốn đè nặng thêm lên họ sẽ được giải quyết và Vùng đất Cedars sẽ sớm có Tổng thống.
Cũng với lục địa Á Châu, tôi kêu gọi sự chú ý của cộng đồng quốc tế đến Myanmar và yêu cầu thực hiện mọi nỗ lực để mang lại niềm hy vọng cho vùng đất này, và một tương lai xứng đáng cho các thế hệ trẻ, đồng thời không bỏ qua tình trạng khẩn cấp nhân đạo mà người Rohingya đang tiếp tục gánh chịu.
Bên cạnh những tình huống phức tạp này, không thiếu những dấu chỉ hy vọng, như tôi đã trải nghiệm trong chuyến tông du đến Mông Cổ, nơi mà tôi một lần nữa bày tỏ lòng biết ơn đối với sự đón tiếp nồng hậu của chính quyền. Tương tự như vậy, tôi cũng muốn cảm ơn chính quyền Hungary vì sự hiếu khách dành cho tôi trong chuyến viếng thăm đất nước này vào tháng Tư vừa rồi. Đó là một cuộc hành trình đến trung tâm Châu Âu, nơi có lịch sử và văn hóa phong phú, nơi tôi trải nghiệm tình cảm của nhiều người, nhưng tôi cũng cảm thức được sự gần kề của một cuộc xung đột mà chúng ta không thể tưởng tượng được là có thể xảy ra ở Châu Âu của thế kỷ XXI.
Thật đáng tiếc, sau gần 2 năm chiến tranh quy mô lớn do Liên bang Nga tiến hành chống lại Ukraine, sự hòa bình mong muốn vẫn chưa tìm được chỗ đứng trong trí óc và con tim, mặc dù có vô số nạn nhân và sự tàn phá nặng nề. Người ta không thể cho phép một cuộc xung đột ngày càng trở nên khốc liệt tiếp tục gây tổn hại cho hàng triệu người; cần phải chấm dứt thảm kịch hiện nay thông qua đàm phán, và tôn trọng luật pháp quốc tế.
Tôi cũng bày tỏ quan ngại về tình hình căng thẳng ở Nam Caucasus giữa Armenia và Azerbaijan, đồng thời kêu gọi các bên tiến tới việc ký kết một Hiệp ước hòa bình. Điều cấp bách là phải tìm ra giải pháp cho tình hình nhân đạo bi thảm của cư dân trong khu vực này, đồng thời tạo điều kiện thuận lợi cho những người di tản trở về quê hương của họ một cách hợp pháp và an toàn, cũng như tôn trọng những nơi thờ phượng của các tôn giáo khác nhau hiện diện trong khu vực. Những bước này có thể góp phần kiến tạo bầu khí tin cậy giữa hai nước, nhằm đạt được sự hòa bình như mong muốn.
Hướng ánh nhìn sang Châu Phi, chúng ta chứng kiến sự đau khổ của hàng triệu người do nhiều cuộc khủng hoảng nhân đạo ảnh hưởng đến một số quốc gia vùng cận Sahara do chủ nghĩa khủng bố quốc tế, các vấn đề chính trị xã hội phức tạp và những tác động tàn phá do biến đổi khí hậu gây ra. Thêm vào đó là những hậu quả của các cuộc đảo chính quân sự ở một số quốc gia và của một số tiến trình bầu cử mang tính chất của sự tham nhũng, đe dọa, và bạo lực.
Đồng thời, tôi nhắc lại lời kêu gọi những nỗ lực nghiêm túc từ phía tất cả các bên tham gia thực hiện Thỏa thuận Pretoria tháng 11.2022 nhằm chấm dứt tình trạng giao tranh ở khu vực Tigray. Tương tự như vậy, tìm kiếm các giải pháp hòa bình đối với những căng thẳng và bạo lực đang bao trùm Ethiopia, cũng như đối với cuộc đối thoại, hòa bình và ổn định giữa các quốc gia vùng Sừng Châu Phi.
Tôi cũng muốn nhắc đến những biến cố bi thảm ở Sudan, nơi đáng tiếc là sau nhiều tháng, cuộc nội chiến vẫn không có lối thoát, cũng như hoàn cảnh khốn cùng của những người tị nạn ở Cameroon, Mozambique, Cộng hòa Dân chủ Congo và Nam Sudan. Tôi thực sự rất vui khi được đến thăm hai quốc gia Cộng hòa Dân chủ Congo và Nam Sudan vào đầu năm trước, như một dấu chỉ cho thấy sự gần gũi của tôi với những người dân đang đau khổ của cả hai nước, mặc dù trong những bối cảnh và hoàn cảnh khác nhau. Tôi chân thành cảm ơn chính quyền của hai quốc gia vì những nỗ lực trong việc tổ chức và chào đón nhân chuyến tông du của tôi. Cuộc hành trình đến Nam Sudan cũng mang tính đại kết, khi tôi có sự đồng hành của Đức Tổng Giám mục Canterbury và Vị điều hành Đại hội đồng của Giáo hội Scotland, như một dấu chỉ về sự dấn thân chung của các cộng đồng giáo hội của chúng ta vì hòa bình và hòa giải.
Mặc dù không có chiến tranh mở ở châu Mỹ, nhưng vẫn có những căng thẳng nghiêm trọng giữa một số quốc gia, ví dụ như giữa Venezuela và Guyana, trong khi ở những quốc gia khác, chẳng hạn như Peru, chúng ta thấy hiện tượng phân cực gây xói mòn sự hòa hợp xã hội và làm suy yếu các thể chế dân chủ.
Tình hình ở Nicaragua cũng vẫn còn đáng lo ngại: Đó là một cuộc khủng hoảng đã diễn ra trong một thời gian dài với những hậu quả đau đớn đối với toàn thể xã hội Nicaragua và đặc biệt đối với Giáo hội Công giáo. Tòa Thánh không bao giờ ngừng mời gọi đối thoại ngoại giao nhằm tôn trọng lợi ích của tín hữu Công giáo và toàn thể người dân.
Thưa quý vị,
Đằng sau bức tranh mà tôi muốn phác họa cách ngắn gọn và không thể đầy đủ này, chúng ta thấy một thế giới ngày càng bị giằng xé, thậm chí còn hơn thế nữa, là hàng triệu con người – đàn ông, phụ nữ, cha, mẹ, trẻ em – những gương mặt mà chúng ta hầu như không biết đến và thường bị lãng quên.
Mặt khác, các cuộc chiến tranh hiện đại không còn chỉ diễn ra trên những chiến trường được xác định rõ ràng, cũng như không còn chỉ liên quan đến binh lính. Trong bối cảnh mà sự phân biệt giữa các mục tiêu quân sự và dân sự dường như không còn được tôn trọng nữa, thì không có cuộc xung đột nào mà không kết thúc bằng cách tấn công bừa bãi vào dân thường. Những sự việc ở Ukraine và dải Gaza là bằng chứng rõ ràng cho điều này. Chúng ta không được quên rằng những hành động vi phạm nghiêm trọng luật nhân đạo quốc tế là tội ác chiến tranh, và việc phát hiện chúng thôi thì chưa đủ mà cần phải ngăn chặn chúng. Do đó, cần phải có nỗ lực lớn hơn từ phía cộng đồng quốc tế để bảo vệ và thực thi luật nhân đạo, vốn dường như là cách thế duy nhất để bảo vệ phẩm giá con người trong các tình huống chiến tranh.
Bước vào năm mới, lời khuyên của Công đồng Vatican II trong Hiến chế Gaudium et Spes dường như hết sức hợp thời: “Về vấn đề chiến tranh, hiện có nhiều công ước quốc tế được khá nhiều quốc gia ký kết, nhằm nhằm làm giảm bớt tính cách vô nhân đạo của những hoạt động quân sự và các hậu quả của chúng. … Những hiệp ước như thế cần phải được tôn trọng; hơn nữa, mọi người, nhất là chính quyền và những chuyên gia về vấn đề này, tùy theo khả năng của mình, cần phải cố gắng làm sao cho những hiệp ước đó được hoàn hảo, và như thế tức là họ giúp ngăn chặn một cách tốt đẹp và hữu hiệu hơn tính chất vô nhân đạo của chiến tranh”[2].
Có lẽ chúng ta cần nhận thức rõ hơn rằng những nạn nhân dân sự không phải là “sự thiệt hại tài sản thế chấp”; mà họ là những người nam, người nữ có họ tên bị thiệt mạng. Họ là những đứa trẻ mồ côi và bị tước đoạt tương lai. Họ là những người phải chịu đói, khát và lạnh giá, hoặc bị tàn tật do sức mạnh của vũ khí hiện đại. Nếu chúng ta có thể nhìn thẳng vào mắt từng người trong số họ, gọi tên họ, và tìm hiểu điều gì đó về lịch sử cá nhân của họ, chúng ta sẽ thấy chiến tranh thực chất là gì: không gì khác hơn là một thảm kịch to lớn, một “cuộc tàn sát vô ích”[3], một sự xúc phạm phẩm giá của mỗi người trên trái đất này.
Mặt khác, chiến tranh vẫn có thể tiếp diễn nhờ vào kho vũ khí khổng lồ sẵn có. Cần phải áp dụng chính sách giải trừ quân bị, vì thật là viển vông khi cho rằng vũ khí có giá trị răn đe. Điều ngược lại mới đúng: sự sẵn có của vũ khí sẽ khuyến khích việc sử dụng chúng và tăng cường sản xuất chúng. Vũ khí tạo ra sự ngờ vực và chuyển hướng nguồn lực. Có bao nhiêu sinh mạng có thể được cứu với nguồn lực mà hiện đang bị sử dụng sai mục đích cho vũ khí? Sẽ chẳng tốt hơn nếu đầu tư những nguồn lực đó vào an ninh toàn cầu đích thực sao? Những thách đố của thời đại chúng ta vượt ra ngoài biên giới, như được chứng minh từ hàng loạt khủng hoảng khác nhau – về lương thực, môi trường, kinh tế và chăm sóc sức khỏe – vốn là đặc điểm của đầu thế kỷ này. Ở đây, tôi xin nhắc lại đề xuất về việc thành lập một ngân quỹ toàn cầu để dứt khoát xóa bỏ nạn đói[4] và thúc đẩy sự phát triển bền vững cho toàn hành tinh.
Trong số những mối đe dọa do các công cụ giết người này gây ra, tôi không thể không nhắc đến mối đe dọa do kho vũ khí hạt nhân và sự phát triển của các loại vũ khí hủy diệt ngày càng tinh vi hơn. Ở đây, tôi một lần nữa khẳng định sự vô đạo đức của việc chế tạo và sở hữu vũ khí hạt nhân. Về vấn đề này, tôi bày tỏ hy vọng rằng các cuộc đàm phán sẽ được nối lại sớm bao nhiêu có thể để khởi động lại Kế hoạch hành động chung toàn diện, hay còn được gọi là “Thỏa thuận hạt nhân Iran”, nhằm đảm bảo một tương lai an toàn hơn cho tất cả mọi người.
Tuy nhiên, để đạt được hòa bình, chỉ loại bỏ các công cụ chiến tranh thôi thì chưa đủ; cần phải diệt trừ tận gốc nguyên nhân của chiến tranh, trước hết là nạn đói, một tai họa vẫn tiếp tục ảnh hưởng đến toàn bộ các khu vực trên thế giới trong khi ở những nơi khác lại có sự lãng phí thực phẩm qui mô lớn. Thứ đến là việc khai thác tài nguyên thiên nhiên, làm giàu cho một số ít người trong khi khiến toàn bộ dân cư, vốn là những người lẽ ra được hưởng lợi tự nhiên từ những tài nguyên này, rơi vào cảnh khốn cùng và nghèo đói. Gắn liền với điều này là tình trạng bóc lột những người bị buộc phải làm việc với mức lương rẻ mạt và thiếu triển vọng thực sự để phát triển nghề nghiệp.
Nguyên nhân xung đột còn bao gồm thiên tai và thảm họa môi trường. Chắc chắn có những tai họa mà con người không thể kiểm soát được. Tôi nghĩ đến những trận động đất mới đây ở Maroc và Trung Quốc đã cướp đi hàng trăm nạn nhân, cũng như trận động đất nghiêm trọng xảy ra ở Thổ Nhĩ Kỳ và một phần Syria, gây ra nhiều thương vong và huỷ diệt khủng khiếp. Tôi cũng nghĩ đến trận lụt tấn công Derna ở Libya, đã tàn phá thành phố này một cách nghiêm trọng, nhất là vì hai con đập bị sập cùng lúc.
Tuy nhiên, cũng có những thảm họa xuất phát từ hành động hoặc sự sơ suất của con người và góp phần nghiêm trọng vào cuộc khủng hoảng khí hậu hiện nay, chẳng hạn như nạn phá rừng Amazon, “lá phổi xanh” của trái đất.
Khủng hoảng khí hậu và môi trường là chủ đề của Hội nghị thượng đỉnh về biến đổi khí hậu của Liên Hiệp Quốc lần thứ 28 (COP28) được tổ chức tại Dubai vào tháng trước mà tôi rất lấy làm tiếc vì không thể đích thân tham dự. Hội nghị bắt đầu trùng hợp với thông báo của Tổ chức Khí tượng Thế giới rằng năm 2023 là năm nóng kỷ lục so với 174 năm trước đó. Cuộc khủng hoảng khí hậu đòi hỏi một phản ứng ngày càng cấp bách và sự tham gia đầy đủ của mọi người, cũng như của toàn thể cộng đồng quốc tế[5].
Việc thông qua tài liệu cuối cùng tại COP28 là một bước tiến đáng khích lệ; nó cho thấy rằng, trước nhiều cuộc khủng hoảng hiện nay, chủ nghĩa đa phương có thể được đổi mới thông qua việc quản lý vấn đề khí hậu toàn cầu trong một thế giới mà các vấn đề về môi trường, xã hội và chính trị có mối liên hệ chặt chẽ với nhau. Tại COP28, người ta thấy rõ ràng thập niên hiện tại mang tính quyết định trong việc ứng phó với biến đổi khí hậu. Việc chăm sóc công trình sáng tạo và hòa bình “là những vấn đề cấp bách nhất và chúng liên kết chặt chẽ với nhau”[6]. Vì thế, tôi bày tỏ hy vọng rằng những gì đã được thông qua ở Dubai sẽ dẫn đến “sự tăng tốc mang tính quyết định của tiến trình chuyển đổi sinh thái, thông qua các biện pháp… cần được thực hiện trong 4 lĩnh vực: sử dụng năng lượng hiệu quả; nguồn tái tạo; loại bỏ nhiên liệu hóa thạch; và giáo dục lối sống ít phụ thuộc vào nhiên liệu hóa thạch”[7].
Chiến tranh, nghèo đói, sự lạm dụng ngôi nhà chung của chúng ta và việc liên tục khai thác tài nguyên, vốn là những nguyên nhân dẫn đến thảm họa thiên nhiên, cũng là những lý do khiến hàng ngàn người phải rời bỏ quê hương để tìm kiếm một tương lai hòa bình và an toàn. Trong cuộc hành trình, họ liều mạng dọc theo những tuyến đường nguy hiểm, chẳng hạn như xuyên qua sa mạc Sahara, trong rừng rậm Darién ở biên giới giữa Colombia và Panama ở Trung Mỹ, phía bắc Mexico ở biên giới với Hoa Kỳ, và trên hết là ở biển Địa Trung Hải. Thật không may, Địa Trung Hải đã trở thành một nghĩa trang rộng lớn trong thập niên qua, khi những thảm kịch liên tục xảy ra do những kẻ buôn người vô đạo đức. Chúng ta đừng quên rằng trong số lớn các nạn nhân có rất nhiều trẻ vị thành niên không có người đi cùng.
Địa Trung Hải đúng ra phải là một phòng thí nghiệm hòa bình, “nơi mà các quốc gia và thực tế khác nhau có thể gặp nhau trên cơ sở lòng nhân đạo mà tất cả chúng ta cùng chia sẻ”[8], như tôi đã nhấn mạnh điều này ở Marseille, trong chuyến Tông du của tôi đến Rencontres Méditerranéennes. Tôi biết ơn những người tổ chức và chính quyền Pháp đã biến Cuộc hành trình đó thành hiện thực. Khi đối diện với thảm kịch to lớn như vậy, chúng ta có thể dễ dàng khép kín con tim, cố thủ trong nỗi sợ hãi về một “cuộc xâm lược”. Chúng ta mau chóng quên rằng mình đang đối xử với những con người có khuôn mặt và có tên, và chúng ta bỏ qua ơn gọi đặc thù của vùng này, “biển của chúng ta” (mare nostrum), không phải là một nấm mồ mà là nơi gặp gỡ và làm phong phú lẫn nhau giữa các cá nhân, các dân tộc, và các nền văn hóa. Điều này không lấy đi thực tế rằng việc di cư cần được điều tiết để chấp nhận, thúc đẩy, đồng hành và hội nhập những người di cư, đồng thời tôn trọng văn hóa, tính nhạy cảm và an toàn của những quốc gia chịu trách nhiệm tiếp nhận và hội nhập đó. Cũng thế, chúng ta cần nhấn mạnh đến quyền được ở lại quê hương của mọi người và cần tạo điều kiện để quyền này được thực thi một cách hiệu quả.
Khi đối diện với thách đố này, không quốc gia nào có thể bị bỏ mặc, cũng như không quốc gia nào có thể nghĩ đến việc giải quyết vấn đề một cách cô lập, thông qua luật pháp hạn chế và hà khắc hơn, đôi khi được thừa nhận dưới áp lực của sự sợ hãi hoặc nhằm tìm kiếm sự đồng thuận trong bầu cử. Do đó, tôi hoan nghênh sự dấn thân của Liên minh Châu Âu trong việc tìm kiếm một giải pháp chung qua việc thông qua Hiệp ước mới về Di cư và Tị nạn, đồng thời ghi nhận một số hạn chế, đặc biệt liên quan đến việc công nhận quyền tị nạn và nguy cơ bị giam giữ tùy tiện.
Kính thưa quý Đại sứ,
Lộ trình dẫn đến hòa bình đòi hỏi phải tôn trọng sự sống, sự sống của mỗi con người, bắt đầu từ sự sống của thai nhi trong bụng mẹ, vốn không thể bị đàn áp hoặc trở thành đối tượng của thương mại hóa. Theo nghĩa này, tôi coi việc thực hành cái gọi là mang thai hộ là điều đáng trách, vì nó xúc phạm nghiêm trọng đến phẩm giá của phụ nữ và đứa trẻ; dựa trên việc bóc lột hoàn cảnh nhu cầu vật chất của người mẹ. Một đứa trẻ luôn là một quà tặng và không bao giờ là đối tượng của một hợp đồng thương mại. Vì vậy, tôi hy vọng cộng đồng quốc tế nỗ lực nghiêm cấm hành vi này ở cấp độ phổ quát. Trong mọi khoảnh khắc hiện hữu, sự sống con người phải được bảo tồn và bảo vệ; tuy nhiên tôi rất lấy làm tiếc khi nhận thấy, nhất là ở phương Tây, sự lan rộng liên tục của một nền văn hóa sự chết, nhân danh lòng trắc ẩn giả tạo đã loại bỏ trẻ em, người già cả, và người đau bệnh.
Lộ trình dẫn tới hòa bình đòi hỏi phải tôn trọng nhân quyền, phù hợp với công thức đơn giản nhưng rõ ràng trong Tuyên ngôn Quốc tế Nhân quyền mà chúng ta vừa kỷ niệm 75 năm. Đây là những nguyên tắc hiển nhiên và được chấp nhận rộng rãi. Đáng tiếc là trong những thập niên gần đây đã có nhiều nỗ lực nhằm đưa ra những quyền mới nhưng không hoàn toàn tương thích với những quyền được xác định ban đầu và không phải lúc nào cũng được chấp nhận, đã dẫn đến sự thuộc địa hóa ý thức hệ, trong đó lý thuyết về giới tính đóng vai trò trung tâm; điều này cực kỳ nguy hiểm vì nó xoá bỏ những khác biệt trong quan điểm cho rằng mọi người đều bình đẳng. Việc thuộc địa hóa về mặt ý thức hệ như vậy gây tổn hại và tạo ra sự chia rẽ giữa các quốc gia, thay vì thúc đẩy hòa bình.
Mặt khác, đối thoại phải là linh hồn của cộng đồng quốc tế. Tình hình hiện nay cũng là do sự suy yếu của các cấu trúc ngoại giao đa phương từng ra đời sau Thế chiến thứ hai. Những tổ chức được thành lập để thúc đẩy an ninh, hòa bình và hợp tác không còn có khả năng hiệp nhất tất cả các thành viên của mình quanh cùng một bàn. Có nguy cơ xảy ra “đơn nguyên” và sự phân mảnh thành các “câu lạc bộ” chỉ thừa nhận các quốc gia được coi là tương thích về mặt tư tưởng. Ngay cả những tổ chức quan tâm đến công ích và các vấn đề kỹ thuật, vốn đã tỏ ra hiệu quả cho đến nay, cũng có nguy cơ bị tê liệt do sự phân cực về ý thức hệ khi bị một số quốc gia riêng lẻ lợi dụng.
Để khởi động lại cam kết chung trong việc phục vụ hòa bình, cần phải phục hồi cội nguồn, tinh thần, và các giá trị đã hình thành nên các tổ chức này, đồng thời tính đến bối cảnh đã thay đổi và thể hiện sự quan tâm đúng mức đến những người cảm thấy không được đại diện đầy đủ trong cơ cấu của các tổ chức quốc tế.
Đối thoại chắc chắn đòi hỏi sự kiên nhẫn, kiên trì và khả năng lắng nghe, tuy nhiên khi nỗ lực chân thành nhằm chấm dứt những bất đồng thì có thể đạt được những kết quả đáng kể. Chẳng hạn, tôi nghĩ đến là Thỏa thuận Belfast, còn được gọi là Thỏa thuận Thứ Sáu Tuần Thánh, được chính phủ Anh và Ireland ký kết, vừa được kỷ niệm 25 năm vào năm ngoái. Việc chấm dứt 30 năm xung đột bạo lực này có thể là một ví dụ để thúc đẩy và khuyến khích các nhà chức trách tin tưởng vào các tiến trình hòa bình, bất chấp những khó khăn và hy sinh mà chúng đòi hỏi.
Lộ trình dẫn đến hòa bình phải thông qua đối thoại chính trị và xã hội, vì đó là nền tảng cho sự chung sống dân sự trong một cộng đồng chính trị hiện đại. Năm 2024 sẽ chứng kiến nhiều cuộc bầu cử được tổ chức tại nhiều quốc gia. Bầu cử là một thời điểm quan trọng trong đời sống của một đất nước, vì việc bầu cử cho phép mọi công dân lựa chọn người lãnh đạo của mình một cách có trách nhiệm. Những lời của Đức Piô XII vẫn luôn rất thức thời: “Hãy bày tỏ quan điểm riêng của mình về những nghĩa vụ và những hy sinh mà mình phải gánh vác; không bị buộc phải tuân theo nếu chưa được lắng nghe – đây là hai quyền của công dân được thể hiện trong nền dân chủ, như chính tên gọi của nó đã chỉ ra. Từ sự ổn định, hài hòa, và những thành quả tốt đẹp của sự tương tác giữa công dân và chính phủ, người ta có thể nhận ra liệu một nền dân chủ có thực sự lành mạnh, cân bằng hay không, và cảm nhận được sức sống và sự phát triển của nó là gì”[9].
Vì vậy, điều quan trọng là các công dân, đặc biệt là giới trẻ, những người lần đầu tiên bỏ phiếu, hãy coi đây là một trong những trách nhiệm hàng đầu của mình để góp phần vào việc xây dựng công ích, thông qua việc tham gia bầu cử một cách tự do và có ý thức. Về phần mình, hoạt động chính trị phải luôn được hiểu không phải là chiếm đoạt quyền lực mà là “hình thức bác ái cao nhất”[10], và do đó, phục vụ người khác trong cộng đồng địa phương hoặc quốc gia.
Lộ trình dẫn tới hòa bình cũng phải trải qua cuộc đối thoại liên tôn, vốn trước hết đòi phải bảo vệ quyền tự do tôn giáo và tôn trọng các nhóm thiểu số. Chẳng hạn, thật đau lòng khi nhận thấy rằng ngày càng có nhiều quốc gia đang áp dụng những mô hình kiểm soát tập trung đối với quyền tự do tôn giáo, nhất là bằng việc sử dụng công nghệ ồ ạt. Ở những nơi khác, những cộng đoàn tôn giáo thiểu số thường rơi vào tình trạng ngày càng bi đát. Trong một số trường hợp, họ có nguy cơ tuyệt chủng do sự kết hợp của các hành động khủng bố, các cuộc tấn công vào di sản văn hóa, và các biện pháp tinh vi hơn như phổ biến luật chống cải đạo, thao túng các quy tắc bầu cử, và hạn chế tài chính.
Sự gia tăng các hành động bài Do Thái trong những tháng gần đây là điều đặc biệt đáng lo ngại. Một lần nữa, tôi xin nhắc lại rằng thảm họa này phải được loại bỏ khỏi xã hội, trên hết bằng việc giáo dục tình huynh đệ và sự chấp nhận người khác.
Điều đáng lo ngại không kém là sự gia tăng các cuộc bách hại và phân biệt đối xử đối với các Kitô hữu, cụ thể là trong thập niên vừa qua. Đôi khi, điều này liên quan đến những trường hợp bất bạo động nhưng có ý nghĩa xã hội về việc dần dần bị gạt ra bên lề và bị loại trừ khỏi đời sống chính trị và xã hội cũng như khỏi việc thực hiện một số nghề nghiệp nhất định, ngay cả ở những vùng đất có truyền thống Kitô giáo. Nhìn chung, có hơn 360 triệu Kitô hữu trên thế giới đang phải chịu sự đàn áp và phân biệt đối xử ở mức độ cao vì đức tin của họ, và ngày càng nhiều người trong số họ bị buộc phải rời bỏ quê hương.
Cuối cùng, lộ trình dẫn đến hòa bình phải thông qua giáo dục, vốn là phương thế đầu tư chính cho tương lai và thế hệ trẻ. Tôi vẫn còn nhớ những kỷ niệm sống động về Ngày Giới trẻ Thế giới diễn ra ở Bồ Đào Nha vào tháng 8 vừa qua. Khi nhắc lại lòng biết ơn của tôi đối với các nhà chức trách, dân sự, và tôn giáo Bồ Đào Nha, vì những nỗ lực của họ trong việc tổ chức sự kiện này, tôi luôn trân trọng cuộc gặp gỡ với hơn một triệu bạn trẻ từ khắp nơi trên thế giới, đầy nhiệt huyết và niềm say mê cuộc sống. Sự hiện diện của họ là một bài thánh ca tuyệt vời cho hòa bình và là một chứng tá cho sự thật rằng “sự hiệp nhất lớn hơn xung đột”[11] và “có thể xây dựng sự hiệp thông giữa những bất đồng”[12].
Trong thời hiện đại, những thách đố mà các nhà giáo dục phải đối diện bao gồm việc sử dụng các công nghệ mới một cách có đạo đức. Những công nghệ mới có thể dễ dàng trở thành công cụ truyền bá sự chia rẽ hoặc dối trá, “tin giả”, nhưng chúng cũng đóng vai trò là nguồn gặp gỡ, trao đổi lẫn nhau, và là phương tiện quan trọng cho hòa bình. “Những tiến bộ đáng chú ý của những công nghệ thông tin mới, đặc biệt là trong lãnh vực kỹ thuật số, mang lại những cơ hội thú vị cũng như những rủi ro nghiêm trọng, với những tác động hệ trọng đến việc theo đuổi công lý và hòa hợp giữa các dân tộc”[13]. Đó là lý do tại sao tôi cảm thấy điều quan trọng là phải dành Sứ điệp Ngày Hòa bình Thế giới năm nay cho chủ đề trí tuệ nhân tạo, một trong những thách đố quan trọng nhất trong những năm tới.
Điều thiết yếu là sự phát triển công nghệ phải được thực hiện một cách có đạo đức và có trách nhiệm, tôn trọng tính trung tâm của con người, vốn là một vị trí không thể và sẽ không bao giờ bị thay thế bởi thuật toán hay máy móc. “Phẩm giá nội tại của mỗi người và tình huynh đệ gắn kết chúng ta với tư cách là thành viên của một gia đình nhân loại phải là nền tảng cho sự phát triển của các công nghệ mới và đóng vai trò là tiêu chí không thể chối cãi để đánh giá chúng trước khi sử dụng, nhờ đó tiến bộ kỹ thuật số có thể được thực hiện với sự tôn trọng thích đáng đối với công lý và góp phần vào sự nghiệp hòa bình”[14].
Do đó, cần phải suy tư cẩn thận ở mọi cấp độ, quốc gia và quốc tế, chính trị và xã hội, để đảm bảo rằng sự phát triển của trí tuệ nhân tạo luôn phục vụ con người, thúc đẩy chứ không cản trở – đặc biệt là người trẻ – những mối tương quan liên vị, tinh thần huynh đệ lành mạnh, tư duy phê phán và khả năng phân định.
Về vấn đề này, hai Hội nghị Ngoại giao của Tổ chức Sở hữu Trí tuệ Thế giới, sẽ diễn ra vào năm 2024, trong đó Tòa Thánh sẽ tham gia với tư cách là một Quốc gia Thành viên, có ý nghĩa đặc biệt quan trọng. Đối với Tòa Thánh, sở hữu trí tuệ về cơ bản được định hướng nhằm thúc đẩy công ích và không thể tách rời khỏi những đòi hỏi mang tính đạo đức, kẻo nảy sinh những tình huống bất công và bóc lột quá mức. Cũng cần quan tâm đặc đến việc bảo vệ di sản di truyền của con người, bằng việc ngăn cấm những thực hành trái với phẩm giá con người, chẳng hạn như cấp bằng sáng chế đối với vật liệu sinh học của con người và nhân bản con người.
Thưa quý vị,
Năm nay Giáo Hội đang chuẩn bị cho Năm Thánh sẽ bắt đầu vào lễ Giáng Sinh tới. Tôi đặc biệt biết ơn các nhà chức trách Ý, cả cấp quốc gia và địa phương, vì những nỗ lực của họ trong việc chuẩn bị cho Thành phố Rôma chào đón đông đảo khách hành hương và giúp họ rút được hoa trái thiêng liêng từ hành trình Năm Thánh.
Có lẽ hơn bao giờ hết, ngày nay chúng ta cần một Năm Thánh. Trước quá nhiều đau khổ, dẫn đến cảm thức tuyệt vọng không chỉ nơi những người bị ảnh hưởng trực tiếp mà còn nơi toàn xã hội của chúng ta; trước những khó khăn mà giới trẻ phải trải qua, những người thay vì mơ ước về một tương lai tốt đẹp hơn lại thường cảm thấy bất lực và thất vọng; và trước những đám mây đen, thay vì tan đi, dường như lại bao trùm thế giới, Năm Thánh là một lời loan báo rằng Thiên Chúa không bao giờ bỏ rơi dân Ngài và luôn mở rộng cánh cửa vào Vương quốc của Ngài. Theo truyền thống Do Thái-Kitô giáo, Năm Thánh là thời gian ân sủng giúp chúng ta cảm nghiệm lòng thương xót của Thiên Chúa và hồng ân bình an của Ngài. Đó cũng là thời gian của sự công chính, trong đó tội lỗi được tha thứ, sự hòa giải vượt thắng sự bất công, và đất đai được nghỉ ngơi. Đối với tất cả mọi người – Kitô hữu cũng như không Kitô giáo – Năm Thánh có thể là thời điểm mà gươm đao được đúc thành cuốc thành cày, các quốc gia sẽ không còn vung kiếm đánh nhau, và thiên hạ thôi học nghề chinh chiến (x. Is 2,4).
Anh chị em thân mến, đây là lời cầu chúc chân thành tôi muốn gửi tới từng quý Đại sứ thân mến, tới gia đình và đồng nghiệp của quý vị, cũng như tới các quốc gia mà quý vị đại diện.
Xin cảm ơn và Chúc Mừng Năm Mới tất cả quý vị!
Nt. Anna Ngọc Diệp, OP
Dòng Đa Minh Thánh Tâm
Chuyển ngữ từ: vatican.va (08. 01. 2024)
[1] Sứ điệp Giáng sinh trên đài phát thanh gửi các dân tộc trên thế giới, ngày 24.12.1944.
[2] Hiến chế mục vụ Gaudium et Spes về Giáo hội trong thế giới ngày nay (07.12.1965), 79.
[3] X. Đức Bênêđictô XV, Thư gửi các nhà lãnh đạo các dân tộc hiếu chiến (01. 08.1917).
[4] X. Thông điệp Fratelli Tutti về tình huynh đệ và tình bằng hữu xã hội (03.10.2020), 262.
[5] X. Tông huấn Laudate Deum gửi mọi người có thiện chí về cuộc khủng hoảng khí hậu (04.10.2023).
[6] Diễn văn tại Hội nghị Thượng đỉnh của Liên Hiệp Quốc về Khí hậu, ngày 02.12.2023.
[7] Sđd.
[8] Diễn văn bế mạc “Rencontres Méditerranéennes”, Marseille, ngày 23.09.2023, 1.
[9] Sứ điệp Giáng sinh trên đài phát thanh gửi các dân tộc trên thế giới, ngày 24.12.1944.
[10] Đức Piô XI, Tiếp kiến các nhà lãnh đạo Liên đoàn Đại học Công giáo, ngày 18.12.1927.
[11] Tông huấn Evangelii Gaudium về việc loan báo Tin Mừng trong thế giới ngày nay (24.11.2013), 228.
[12] Sđd.
[13] Sứ điệp Ngày Hòa bình Thế giới năm 2024 (08.12.2023), 1.
[14] Sđd., 2.