CÁC CÂU TRẢ LỜI CỦA ĐỨC THÁNH CHA PHANXICÔ
TRONG CUỘC GẶP GỠ CÁC EM THIẾU NHI
WHĐ (07.11.2023) – Ngày 06.11.2023 vừa qua tại Roma, Đức Thánh Cha đã gặp gỡ khoảng 7500 thiếu nhi đến từ 84 quốc gia trên thế giới, trong đó có 5 trẻ em đến từ Việt Nam, và Ngài đã trả lời các câu hỏi của các em.
Đức Thánh Cha Phanxicô đã trả lời các câu hỏi về chiến tranh, môi trường và cuộc sống hàng ngày của ngài trong cuộc gặp gỡ với khoảng 7500 trẻ em trên khắp thế giới hôm thứ Hai.
Trước đó, Đức Thánh Cha đã công bố sự kiện này sau khi đọc kinh Truyền Tin vào trưa ngày 01 tháng 10. Cuộc gặp gỡ có sự góp mặt của khoảng 7500 trẻ em từ 84 quốc gia khác nhau, là một phần của sự kiện được Bộ Văn hóa và Giáo dục tài trợ dành riêng cho chủ đề “Chúng ta hãy học hỏi từ các trẻ em”.
Khi đến Hội trường Phaolô VI của Vatican, Đức Thánh Cha Phanxicô đã được chào đón bởi trẻ em đến từ Syria, Ukraine, Benin, Guatemala và Australia.
Đức Thánh Cha nói một bài phát biểu ngắn:
“Chào tất cả các con, chào mừng các con đến đây. Cha cám ơn tất cả chúng con đã đến đây, cám ơn tất cả những người đã đồng hành và tổ chức cho chúng con có buổi gặp gỡ này. Cám ơn cả gia đình các con. Chủ đề của cuộc gặp gỡ này là: “Hãy học từ các trẻ em”. Người lớn cũng phải học từ các em. Cha luôn vui khi gặp các con vì các con dạy cho cha những điều mới mẻ. Chẳng hạn các con nhắc nhở cha rằng cuộc sống thì đẹp biết bao với sự đơn giản và thật đẹp khi ta được ở bên nhau. Đây là điều chúng ta muốn nói với thế giới: Cuộc sống là món quà thật đẹp. Chúng ta không phải là kẻ thù của nhau mà là anh chị em của nhau. Trẻ em luôn là người được Chúa Giêsu đón nhận và yêu mến. Vì thế, các con là những món quà thật kỳ diệu. Các con cũng hãy cảm thấy điều kỳ diệu khi được sống trong Giáo Hội. Chúng ta cũng nhớ tới nhiều trẻ em đang phải sống trong hoàn cảnh bất hạnh của chiến tranh của thiếu thốn của bệnh tật, nghèo đói, cũng có những trẻ em khắp nơi đang gặp các mối nguy hiểm nữa. Các con có muốn làm điều xấu không? Chắc chắn không. Và chúng ta muốn làm điều tốt. Sự hiện diện của chúng con ở đây là dấu hiệu rất đẹp chạm đến trái tim của những người lớn bằng những tiếng nói ngây thơ của các con và buộc người lớn phải suy nghĩ đặt câu hỏi về thế giới, về cuộc sống và về hành tinh của chúng ta.
Cha cám ơn các con rất nhiều vì các con nhắc nhở cho tất cả chúng ta rằng cuộc sống là một món quà quý giá vô cùng. Các con có thường xuyên cầu nguyện với Đức Mẹ không, nhớ cầu nguyện với Đức Mẹ cho Cha nữa.
Cám ơn tất cả chúng con”.
Tiếp theo Ngài trả lời các câu hỏi của 14 em ở 14 quốc gia khác nhau.
- Một em 9 tuổi đến từ Brazil hỏi:“Đức Thánh Cha có nghĩ là thiếu nhi chúng con cứu được thế giới không?”
– Đương nhiên là được, bằng tất cả sự đơn giản của chúng con. Nếu chúng ta hủy diệt thế giới tức là chúng ta hủy diệt chính bản thân mình. Vì trái đất cung cấp cho chúng ta mọi thứ để sống, thực phẩm, nước uống… Hủy diệt trái đất là hủy diệt chính mình.
- Một em khác 12 tuổi đến từ đất nước Palestine đang có chiến tranh hỏi:“Thưa Đức Thánh Cha, nếu có thêm chiến tranh thế giới thì có nghĩa là hòa bình không bao giờ lặp lại, phải không ạ?”
– Chiến tranh đã nổ ra khắp nơi trên thế giới, không chỉ ở Palestine mà cả ở Nam Phi, Congo… Chúng ta đang sống trong hoàn cảnh chiến tranh thật tệ hại, Chiến tranh lấy mất mọi thứ của chúng ta. Chúng ta phải làm nỗ lực hơn cho hòa bình. Hòa bình là điều vô cùng tốt đẹp.
- Em tiếp theo là bé 12 tuổi đến từ Ý:“Kính chào Đức Thánh Cha, con muốn hỏi là buổi tối Cha hay mơ thấy gì?”
– Thường buổi tối cha ngủ. Nhưng đôi khi cha cũng mơ thấy những điều cha trãi qua lúc còn nhỏ. Mơ là điều gì đó đẹp lắm. Mơ là chính cuộc sống bên trong chúng ta.
- Em 9 tuổi đến từ Ucraina:“Thưa Đức Thánh Cha, xin giải thích cho con biết là làm sao để có hòa bình?”
– Thật ra không dễ để trả lời câu hỏi rất thông minh này. Người ta gây ra chiến tranh ném đạn vào nhà nhau thì dễ, nhưng làm sao để có hòa bình thì khó. Đây là câu hỏi dành cho tất cả chúng ta. Chúng ta cùng nhau dành 1 phút suy nghĩ. Hầu như không có phương án nào để có hòa bình. Nhưng có những hành động có thể làm nên hòa bình. Hòa bình là việc chúng ta đưa tay ra cho nhau, chào hỏi nhau, cùng bước đi với nhau. Cha hỏi chúng con có muốn có hòa bình không? Nếu có, chúng ta hãy đưa tay ra cho nhau, cùng nắm tay nhau. Đây là nghĩa cử của hòa bình. Hòa bình có được cùng với trái tim và những đôi bàn tay mở ra.
- Kim Ngân 11 tuổi đến từ Việt Nam:“Thưa Đức Thánh Cha, con thấy có nhiều người lớn không nghe lời Đức Thánh Cha, vậy làm sao họ có thể nghe lời chúng con là những trẻ nhỏ được?”
– Người lớn thì bận rộn với nhiều thứ lắm, và quả thật họ dễ quên tiếng nói của trẻ em. Thật ra tiếng nói của các trẻ em là điều rất quan trọng. Vì chính trẻ em là những sứ giả của hòa bình.
- Em 9 tuổi đến từ Syria:“Tại sao người ta lại giết chết các trẻ em trong chiến tranh mà không ai bảo vệ trẻ em?”
– Cha đã đọc thấy bao nhiêu trẻ em đã chết trong chiến tranh. Đây là điều vô cùng tồi tệ. Phải như những người lính thì là khác. Còn ở đây là trẻ em bị giết chết. Chiến tranh luôn là điều tồi tệ và thô bạo. Ai là người phải trả giá cho chiến tranh: Các trẻ em. Chúng ta cùng đọc chung 1 kinh lạy cha để cầu nguyện cho các trẻ em bị giết chết. (Đức Cha không có câu trả lời, Ngài chỉ lập đi lập lại câu hỏi: Tại sao chiến tranh giết chết trẻ em?)
- Câu hỏi đơn sơ của em 9 tuổi đến từ Peru:“Thưa ai là bạn của Đức Thánh Cha ạ?”
– Bạn của cha là những người sống cùng với cha trong việc phục vụ. Những người sống bên ngoài giáo xứ gần đây, và có cả các hồng y ở đây. Cha cảm thấy mình rất may mắn được Chúa ban ơn khi Cha có nhiều bạn bè. Bởi vì ai không có bạn thì rất là buồn. Vậy các con hãy làm sao cho có nhiều bạn.
- Em đến từ Congo 12 tuổi:“Đâu là điều quan trọng nhất trong cuộc sống của Cha?”
– Cuộc sống của Cha có rất nhiều điều quan trọng. Cả cuộc gặp gỡ với các con hôm nay cũng là quan trọng. Thật tốt biết bao nếu ta nhớ lại các giây phút hạnh phúc trong cuộc đời ta.
- Em 9 tuổi đến từ Philippines:“Khi nổi giận thì Đức Thánh Cha làm sao để bình tĩnh lại?”
– Cha cũng có giận, nhưng chưa đến mức “cắn bạn”. Có người bạn dạy Cha khi còn nhỏ rằng, khi giận thì nên nghỉ một tí, uống một ly nước trước khi nói điều gì đó. Vì khi giận người ta không còn khả năng nói mà chỉ muốn cắn xé lẫn nhau. Chúng ta hãy học cách hiền lành và không để cho cơn giận kéo mình đi.
- Em đến từ Nam Phi:“Tại sao trời nóng quá dù bây giờ đã là mùa Thu?”
– Bởi vì chúng ta không biết chăm sóc thiên nhiên, không biết chăm sóc môi trường khí hậu. Chúng ta phải học cách chăm sóc môi trường thiên nhiên. Vì môi trường tự nhiên chính là tương lai của chúng ta.
- Em đến từ quần đảo Samoa-Tonga:“Đức Thánh Cha có bận lòng gì về môi trường sống không ạ?”
– Có, Cha rất bận lòng về môi trường thiên nhiên. Vì chúng ta đang hủy hoại môi trường sống của mình. Ở cực Bắc và cực Nam, các tảng băng đang tan chảy vì trái đất đang nóng dần lên. Và cá dưới biển không thể sống được vì chúng ta vất quá nhiều rác xuống đó. Ví như các con đi biển, uống một lon Coca, không lẽ các con vứt vỏ lon xuống biển. Chúng ta phải học cách chăm sóc cho môi trường và không được hủy hoại môi trường. Cha bận tâm về môi trường và chính chúng con cũng phải quan tâm đến môi trường sống nữa.
- Em đến từ Haiti:“Chúng con là trẻ nhỏ, chúng con phải học từ ai để biết cách tôn trọng hành tinh này?”
– Có rất nhiều người chúng con có thể học, từ thầy cô, từ những người có đời sống lành mạnh và biết cách chăm sóc cho môi trường. Vì chăm sóc cho môi trường là chăm sóc cho chính cuộc sống của chúng ta.
- Em đến từ Australia:“Ngày sống của Đức Thánh Cha như thế nào ạ?”
– Cha làm việc. Cha có rất nhiều việc phải làm. Làm sao để đưa Giáo Hội tiến về phía trước, làm sao cho mọi thứ tốt hơn. Cha làm việc và cha phải làm việc. Vì làm việc là điều tốt đẹp. Một người mà không làm việc thì không hề tốt. Chúng ta phải học cách làm việc. Vì qua làm việc ta thấy phẩm giá của mình và có được cơm ăn áo mặc.
- Em đến từ Ghana:“Làm sao con có thể tránh để khỏi trở nên như những người lãng phí quá nhiều?”
– Những người lãng phí quá nhiều trong cuộc sống tức là họ lãng phí ơn Chúa ban. Những thức ăn… là những quà tặng, hồng ân của Chúa ban trong cuộc sống.
Kết thúc buổi gặp gỡ Đức Thánh Cha bắt tay và chúc lành, tặng chữ ký, trao quà lưu niệm và mời tất cả cùng thinh lặng, rồi cầu nguyện chung với các em và ban phép lành cho các em.
Lm. Micae Nguyễn Khắc Minh
(Tổng hợp)