Tông du Marseille: Bài phát biểu của ĐTC tại buổi tưởng niệm các thủy thủ và người di cư mất tích trên biển
Trong buổi tưởng niệm các thủy thủ và người di cư mất tích trên biển, tại Đài tưởng niệm các Anh hùng và Nạn nhân của Biển, Đức Thánh Cha nhấn mạnh “những người di cư không phải là những con số. Đó là những tên tuổi, là những khuôn mặt và những câu chuyện, những cuộc đời tan vỡ và những giấc mơ không thực hiện được”; và khẳng định “cứu người di cư là nghĩa vụ của nhân loại, của nền văn minh”.
Anh chị em thân mến,
Cám ơn anh chị em vì đã hiện diện nơi đây. Trước mặt chúng ta là biển cả, nguồn sống nhưng nơi đây lại gợi lên bi kịch đắm tàu gây chết người. Chúng ta quy tụ để tưởng nhớ những người đã không đến được, những người không được cứu. Chúng ta đừng quen coi những vụ đắm tàu là những câu chuyện thời sự và những cái chết trên biển là những con số: không, đó là những tên tuổi, là những khuôn mặt và những câu chuyện, là những cuộc đời tan vỡ và những giấc mơ không thực hiện được. Tôi nghĩ đến nhiều anh chị em chết đuối trong sợ hãi, cùng với niềm hy vọng đang mang trong lòng. Trước một thảm kịch như thế, không cần lời nói nhưng cần hành động. Tuy nhiên, trước hết chúng ta cần thể hiện lòng nhân đạo: thinh lặng, nước mắt, lòng trắc ẩn và cầu nguyện. Giờ đây, xin anh chị em dành một phút mặc niệm để tưởng nhớ những anh chị em này của chúng ta: chúng ta hãy để cho lòng mình được đánh động trước những bi kịch của họ.
Có rất nhiều người phải chạy trốn khỏi các cuộc xung đột, nghèo đói và thảm họa môi trường, trong khi tìm kiếm một tương lai tốt đẹp hơn, giữa những ngọn sóng Địa Trung Hải, họ bị từ chối dứt khoát. Và thế là vùng biển xinh đẹp này đã trở thành một nghĩa trang khổng lồ, nhiều anh chị em bị tước đoạt quyền có một ngôi mộ. Trong lời chứng của cuốn sách “Fratellino”, nhân vật chính, khi kết thúc cuộc hành trình đầy khó khăn đưa anh từ Cộng hòa Guinea đến châu Âu, đã nói: “Khi ở trên biển, bạn đang ở ngã ba đường. Một bên là sự sống, một bên là cái chết. Không có lựa chọn nào khác” (A. Arzallus Antia – I. Balde, Fratellino, Milano 2021, 107). Anh chị em thân mến, trước mắt chúng ta cũng có một ngã ba đường: một là tình huynh đệ, mang lại những điều tốt đẹp cho cộng đồng nhân loại; và bên kia là sự thờ ơ, làm đẫm máu Địa Trung Hải. Chúng ta đang ở ngã ba của nền văn minh.
Chúng ta không thể cam chịu nhìn con người bị đối xử như những hàng hoá để trao đổi, bị cầm tù và tra tấn một cách tàn bạo; chúng ta không còn có thể chứng kiến những thảm kịch đắm tàu, do nạn buôn người đầy hận thù và sự thờ ơ cuồng tín. Những người có nguy cơ bị chết đuối khi bị bỏ rơi trên sóng phải được cứu. Đó là nghĩa vụ của nhân loại, đó là nghĩa vụ của nền văn minh!
Trời Cao sẽ chúc lành cho chúng ta, nếu trên đất liền và trên biển chúng ta biết chăm sóc những người yếu đuối nhất, nếu chúng ta biết vượt qua tình trạng tê liệt của sợ hãi và sự thờ ơ đang kết án tử người khác bằng bao tay nhung. Thật vậy, Thiên Chúa đã chúc phúc cho tổ phụ chúng ta là Abraham. Ông được kêu gọi rời bỏ quê hương: “Ông ra đi mà không biết mình đi đâu” (Dt 11, 8). Là khách và là người hành hương nơi đất khách, ông đã chào đón những lữ khách đi ngang qua lều của ông (St 18): “bị lưu lạc khỏi quê hương, vô gia cư, chính Abraham là nhà và quê hương của tất cả mọi người” (S. Pietro Crisologo, Discorsi, 121). Và “như một phần thưởng cho lòng hiếu khách, ông đã có được dòng dõi con cháu” (S. Ambrogio di Milano, De officiis, II, 21). Vì vậy, cội rễ của ba tôn giáo độc thần Địa Trung Hải là lòng hiếu khách, tình yêu thương đối với những người xa lạ nhân danh Thiên Chúa. Và điều này rất quan trọng, giống như tổ phụ Abraham, chúng ta mơ về một tương lai thịnh vượng. Chúng ta đừng quên điệp khúc của Kinh Thánh: “trẻ mồ côi, góa phụ và người di cư”. Trẻ mồ côi, góa phụ và người xa lạ: đây là những người Chúa truyền lệnh cho chúng ta bảo vệ.
Vì thế, là những người tin, chúng ta phải là gương mẫu trong việc chào đón nhau và trong tình huynh đệ. Tương quan giữa các nhóm tôn giáo thường không dễ dàng, với bệnh dịch tư tưởng cực đoan đang ăn mòn đời sống thực tế của các cộng đoàn. Nhưng về vấn đề này, tôi muốn nhắc lại điều một người của Thiên Chúa sống cách đây không xa đã viết: “Đừng ai giữ trong lòng cảm giác căm ghét người lân cận, nhưng hãy yêu thương, bởi vì ai ghét dù chỉ một người cũng sẽ không có bình an với Chúa. Thiên Chúa không lắng nghe lời cầu nguyện của người này chừng nào họ còn nuôi sự tức giận trong lòng” (S. Cesario di Arles, Discorsi, XIV, 2).
Ngày nay, Marseille cũng vậy, nơi có đặc điểm đa nguyên tôn giáo phong phú, cũng đang phải đối diện trước một ngã ba đường: gặp gỡ hoặc xung đột. Và tôi xin cám ơn tất cả anh chị em đang trên đường gặp gỡ: cám ơn vì sự dấn thân liên đới và cụ thể của anh chị em đối với việc thăng tiến và hội nhập con người. Thật tuyệt vời khi Marseille-Espérance có mặt ở đây, một tổ chức đối thoại liên tôn nhằm thúc đẩy tình huynh đệ và sự chung sống hòa bình. Chúng ta nhìn vào những người tiên phong và chứng nhân của cuộc đối thoại, như Jules Isaac, người đã sống gần đây, vừa kỷ niệm 60 năm ngày mất của ông. Anh chị em là Marseille của tương lai. Hãy tiến về phía trước không nản lòng, để thành phố này có thể trở thành một bức tranh hy vọng cho nước Pháp, châu Âu và thế giới.
Như một niềm hy vọng, cuối cùng tôi muốn trích dẫn một số lời mà David Sassoli đã nói ở Bari, nhân cuộc gặp gỡ trước đây về Địa Trung Hải: “Tại Baghdad, trong Ngôi nhà Khôn ngoan của Caliph Al Ma’mun, người Do Thái, các Kitô hữu và người Hồi giáo gặp nhau để đọc sách thánh và các triết gia Hy Lạp. Ngày nay, tất cả chúng ta, những người tin và tín đồ, đều cảm thấy cần phải tái xây dựng ngôi nhà đó để tiếp tục cùng nhau chống lại ngẫu tượng, phá bỏ những bức tường, xây những cây cầu, mang lại thực chất cho một chủ nghĩa nhân văn mới. Nhìn sâu vào thời gian của chúng ta và yêu thương nhiều hơn ngay cả khi khó yêu thương, tôi tin rằng đó là hạt giống được gieo trong những ngày này, vốn rất liên hệ đến số phận của chúng ta. Đừng sợ những vấn đề mà Địa Trung Hải mang đến cho chúng ta. […] Đối với Liên minh châu Âu và đối với tất cả chúng ta, sự sống còn của chúng ta phụ thuộc vào điều này” (Discorso in occasione dell’Incontro di riflessione e spiritualità “Mediterraneo frontiera di pace”, 22/02/2020).
Anh chị em thân mến, chúng ta hãy cùng nhau đối diện với những vấn đề, đừng để niềm hy vọng bị đánh chìm, hãy cùng nhau tạo nên một bức tranh hòa bình!
Tôi rất vui khi thấy ở đây có nhiều anh chị em ra biển để cứu những người tị nạn. Và nhiều anh chị em bị ngăn cản làm điều này. Họ nói tàu đang thiếu cái này, thiếu cái kia…Đó là cử chỉ thù ghét chống lại người anh em. Cám ơn tất cả những gì anh chị em đã làm.
Vatican News
Nguồn: Vatican News Tiếng Việt