ĐỨC GIÁO HOÀNG PHANXICÔ
DIỄN TỪ DÀNH CHO THAM DỰ VIÊN ĐẠI HỘI CARITAS QUỐC TẾ
WHĐ (13.05.2023) – “Xây dựng những lộ trình mới của tình huynh đệ” là chủ đề của Đại hội lần thứ 22, của tổ chức Caritas Quốc tế (Caritas Internationalis) từ ngày 11-16. 5. 2023 tại Roma. Được nhóm họp 4 năm một lần, Đại hội lần này qui tụ khoảng hơn 400 đại biểu của 162 tổ chức Caritas quốc gia hoạt động tại 200 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới.
Nhân dịp này, trưa ngày 11. 5, Đức Thánh Cha đã dành cho các tham dự viên Đại hội buổi tiếp kiến riêng.
Dưới đây là nội dung bài diễn từ của Đức Thánh Cha.
Anh chị em gia đình Caritas thân mến,
Trước sự tàn bạo và tàn phá của Thế chiến thứ II, Đức Piô XII muốn bày tỏ lòng thương cảm và sự quan tâm của Giáo hội đối với gia đình nhân loại, và đối với nhiều tình cảnh mà trong đó sự xung đột vũ trang đe dọa mạng sống của nhiều người nam, nữ, trẻ em và người già, đồng thời cản trở sự phát triển con người toàn diện.
Được thúc đẩy bởi tính ngôn sứ, Đức Piô XII khuyến khích thành lập một cơ quan hỗ trợ, phối hợp và tăng cường hợp tác giữa nhiều tổ chức từ thiện hiện có, qua đó Giáo hội hoàn vũ loan báo và làm chứng bằng lời nói và việc làm về tình yêu của Thiên Chúa và sự ưu tiên của Đức Kitô dành cho người nghèo, người bé mọn nhất, người bị lãng quên và bị bỏ rơi.
Thánh Gioan Phaolô II muốn làm nổi bật mối tương quan chặt chẽ, mà ngay từ đầu, đã liên kết Caritas Quốc tế với các Mục tử của Giáo hội và cụ thể là với Đấng kế vị thánh Phêrô, người chủ trì các hoạt động bác ái trong toàn Giáo hội[1]. Caritas Quốc tế hoàn thành điều này trước hết qua việc kín múc từ nguồn mạch tình yêu trong Giáo hội, món quà tự hiến của Đức Kitô qua việc trao ban chính mình cho các môn đệ trong Bữa Tiệc Ly.
Chúng ta đừng bao giờ quên rằng, nguồn gốc mọi hoạt động bác ái và xã hội của chúng ta là chính Đức Kitô, Đấng “yêu thương những kẻ thuộc về mình còn ở thế gian, và Người yêu thương họ đến cùng” (Ga 13, 1). Nơi Thánh Thể, dấu chỉ bí tích về sự hiện diện sống động, thực sự và tiếp diễn của Đức Kitô, Đấng tự hiến vì chúng ta, và là Đấng đã yêu thương chúng ta trước mà không đòi hỏi đáp lại bất cứ điều gì, “Chúa đến gặp gỡ con người, được tạo dựng theo hình ảnh và giống Thiên Chúa (x. St 1, 27), trở thành bạn đồng hành của Người trong suốt cuộc hành trình”[2].
Thánh Thể là phương thế quan trọng đối với chúng ta. Đó là của ăn và của uống nâng đỡ chúng ta trên hành trình, ban sức sống mới khi chúng ta mệt mỏi, nâng dậy khi chúng ta vấp ngã, và mời gọi chúng ta tự do đón nhận tất cả những gì Thiên Chúa dành cho chúng ta và phần rỗi của chúng ta.
Đứng trước mầu nhiệm cao cả và khôn tả này về món quà vô điều kiện và sung mãn mà Đức Kitô đã tự hiến mình vì tình yêu, chúng ta vẫn còn cảm thấy ngỡ ngàng và đôi khi bị choáng ngợp.
Giống như những người Do Thái cảm thấy đau đớn trong lòng khi nghe những lời của thánh Phêrô vào ngày Lễ Ngũ Tuần, chúng ta cũng phải tự hỏi: “Thưa anh em, vậy chúng tôi phải làm gì?” (Cv 2, 37).
Chúng ta có thể bước vào mầu nhiệm vui mừng và cao cả của việc “đáp lại” với lòng biết ơn, bày tỏ tâm tình tạ ơn Thiên Chúa bằng cách hướng về những anh chị em đang đau khổ, những người cần được chăm sóc, những người cần sự giúp đỡ của chúng ta để tìm lại phẩm giá như là những người con được cứu chuộc “không phải nhờ những của chóng hư nát … mà nhờ bửu huyết của Con Chiên vẹn toàn, vô tỳ tích, là Ðức Kitô” (1Pr 1, 18-19).
Mỗi chúng ta có thể đáp lại tình yêu của Thiên Chúa dành cho mình bằng cách trở thành dấu chỉ và khí cụ của tình yêu đó đối với người khác. Không có cách nào tốt hơn để cho Thiên Chúa thấy rằng chúng ta đã hiểu ý nghĩa của Thánh Thể hơn là trao tặng cho người khác những gì chúng ta đã lãnh nhận (x. 1Cr 11, 32). Đây là một cách để hiểu ý nghĩa chân thực nhất của Truyền thống; Khi đáp lại tình yêu của Đức Kitô, chúng ta biến mình thành quà tặng cho người khác, chúng ta loan báo cuộc tử nạn và phục sinh của Chúa cho đến khi Người trở lại (c. 26).
Điều quan trọng là phải trở về cội nguồn – tình yêu của Thiên Chúa dành cho chúng ta – bởi vì căn tính của Caritas Quốc tế phụ thuộc trực tiếp vào sứ mạng mà tổ chức đã lãnh nhận. Điều phân biệt tổ chức này với các tổ chức khác hoạt động trong lãnh vực xã hội là ơn gọi mang tính giáo hội của nó. Và, trong Giáo hội, điều xác định rõ sự phục vụ của tổ chức này so với nhiều hiệp hội và tổ chức giáo hội khác chuyên làm từ thiện là nhiệm vụ hỗ trợ và cộng tác các Giám mục trong việc thực thi mục vụ bác ái, hiệp thông với Tòa thánh, và hòa hợp với Huấn quyền của Giáo hội. Về vấn đề này, tôi biết rằng anh chị em làm việc trên cơ sở đối tác và hợp tác huynh đệ như những trụ cột cơ bản của căn tính Công giáo của Caritas. Tôi cảm ơn anh chị em và mời gọi anh chị em tiếp tục đi theo lộ trình này.
Để khuyến khích anh chị em kiên trì trong cam kết phục vụ của caritas với một trái tim quảng đại và niềm hy vọng mới, tôi mời anh chị em đọc kỹ lại Tông huấn Amoris Laetitia (AL), và đặc biệt là chương thứ IV. Mặc dù đề cập đến gia đình và đời sống hôn nhân, nhưng chương này chứa đựng những ý tưởng sâu sắc có thể hữu ích trong việc định hướng công việc đang chờ đợi anh chị em trong tương lai, và tạo động lực mới cho sứ mạng của anh chị em.
Viết cho tín hữu giáo đoàn Côrintô, Thánh Phaolô khẳng định rằng caritas là “con đường trổi vượt hơn cả” (1 Cr 12, 31) để nhận biết Thiên Chúa và nắm bắt những điều thiết yếu của đời sống Kitô hữu. Trong “Bài ca đức ái” nổi tiếng này, Thánh Tông đồ chỉ ra rằng việc thiếu đức ái sẽ biến bản chất của mọi hoạt động trở thành trống rỗng khi chỉ còn lại hình thức bên ngoài mà không có thực tại bên trong. Ngay cả những hành động phi thường nhất, những việc quảng đại anh hùng nhất, thậm chí việc phân phát tất cả tài sản của mình cho người nghèo (x. 1 Cr 13, 3), nếu không có đức ái thì cũng chẳng có giá trị gì.
Không có lời tuyên xưng đức tin vào Thiên Chúa Cha, Đấng là nguyên lý mọi điều thiện hảo; không có trải nghiệm về tình bằng hữu với Đức Kitô, Đấng mạc khải khuôn mặt của tình yêu Ba Ngôi; không có sự hướng dẫn của Chúa Thánh Thần, Đấng hướng dẫn lịch sử nhân loại tới sự sống viên mãn (Ga 10, 10), thì chẳng còn gì ngoại trừ vẻ bề ngoài – không còn là sự tốt lành, mà chỉ là vẻ bề ngoài của sự tốt lành.
Do đó, rất dễ để đánh mất mục đích của diakonia, việc phục vụ mà chúng ta được kêu gọi, đó là chia sẻ niềm vui của Tin Mừng, sự hiệp nhất, công lý và hòa bình. Sẽ rất dễ để chiều theo những lối suy nghĩ trần tục, là điều có thể khiến chúng ta lạc lối trong chủ nghĩa duy hoạt thực dụng (pragmatic activism), hoặc trong tư lợi vốn gây tổn thương thân mình giáo hội.
Chính đức ái – caritas – làm cho chúng ta hiện hữu; đức ái làm cho chúng ta “là” cái chúng ta là. Khi đón nhận tình yêu của Thiên Chúa và khi yêu thương nhau trong Ngài, chúng ta tiếp cận được chiều sâu căn tính của mình, với tư cách cá nhân cũng như Giáo hội, và hiểu được ý nghĩa sâu xa sự hiện hữu của chúng ta. Chúng ta không chỉ nhận ra cuộc sống của mình quan trọng như thế nào mà còn nhận thấy cuộc sống của những người khác cũng quý giá ra sao. Chúng ta có thể nhận thức rõ ràng rằng mỗi sinh mạng là duy nhất và bất khả nhượng, một điều kỳ diệu trong mắt Thiên Chúa.
Tình yêu mở rộng đôi mắt, mở rộng tầm nhìn của chúng ta, và cho phép chúng ta nhận ra nơi người xa lạ mà chúng ta đi ngang qua, khuôn mặt của một người anh chị em, có một cái tên, một câu chuyện, một số phận mà chúng ta không thể làm ngơ. Trong ánh sáng của tình yêu Thiên Chúa, diện mạo của người khác thoát ra khỏi bóng tối, khỏi sự tầm thường và đạt được giá trị, sự xứng hợp. Sự thiếu thốn của người thân cận chất vấn chúng ta, phiền nhiễu chúng ta, và khơi dậy trong chúng ta cảm thức về trách nhiệm. Và luôn luôn trong ánh sáng của tình yêu, chúng ta tìm thấy sức mạnh và lòng can đảm để chống lại sự dữ đang áp bức người khác, để dấn thân với trọn con tim, và để hành động cụ thể bất chấp khó khăn. Tình yêu của Thiên Chúa làm cho chúng ta cảm thức được sức nặng phận người của tha nhân như ách êm ái và gánh nhẹ nhàng (x. Mt 11, 30). Tình yêu này giúp chúng ta cảm nhận những vết thương của người khác như là của chính mình và thúc đẩy chúng ta đổ dầu thơm của tình huynh đệ lên những vết thương vô hình mà chúng ta nhận ra trong tâm hồn họ.
Bạn có muốn biết một Kitô hữu sống đức ái thì sẽ như thế nào không?
Hãy xem liệu họ có sẵn sàng tự nguyện giúp đỡ, với nụ cười trên môi, không càu nhàu hoặc khó chịu hay không. Thánh Phaolô viết, đức ái thì kiên nhẫn, và kiên nhẫn là khả năng chịu đựng những thử thách bất ngờ, những vất vả hàng ngày, mà không đánh mất niềm vui và sự tín thác vào Thiên Chúa. Đó là kết quả của một tiến trình từ từ của tinh thần, trong đó chúng ta học cách làm chủ bản thân và nhận thức được những giới hạn của mình.
Khi chúng ta học cách cảm thông với chính mình, thì sự trưởng thành về tương quan giữa các cá nhân cũng phát triển, và chúng ta nhận ra rằng những người khác cũng “có quyền sống trên trái đất này cùng với tôi, như sự thực là thế” (AL, 92).
Việc thoát ra khỏi tính tự quy chiếu, khỏi việc coi mình là trung tâm mà mọi thứ mình muốn phải quy hướng về, thậm chí đến mức uốn nắn người khác theo mong muốn của mình, không chỉ đòi chúng ta phải kiềm chế sự chuyên chế của tính quy ngã (self-centredness), mà còn đòi phải trau dồi một thái độ sáng tạo và năng động trong việc đặt những đặc sủng và phẩm chất của người khác lên hàng đầu.
Theo nghĩa này, sống đức ái – caritas – đòi phải có lòng độ lượng và nhân từ, chẳng hạn như nhận ra rằng để cùng nhau làm việc một cách xây dựng, trước hết cần phải “dành chỗ” cho người khác. Chúng ta làm được điều này khi biết cởi mở lắng nghe và đối thoại, sẵn sàng tiếp nhận những ý kiến khác với mình, không cố chấp giữ lập trường của mình, nhưng biết tìm kiếm một điểm gặp gỡ, một cách thức hòa giải.
Kitô hữu là người dìm mình trong tình yêu Thiên Chúa, không nuôi dưỡng lòng đố kỵ, vì “tình yêu không có chỗ cho sự khó chịu trước điều may mắn tốt lành của người khác” (AL 95).
Yêu thương thì không khoe khoang hay tự phụ, vì khi yêu thương, người ta ý thức về sự xứng hợp, không đặt mình lên trên người khác, nhưng đến gần người khác với sự tôn trọng và tử tế, nhẹ nhàng và dịu dàng, nhạy cảm với những yếu đuối của họ. “Để có thể thông cảm, tha thứ và thành tâm phục vụ người khác, thì cần thiết phải chữa trị thói kiêu ngạo và vun đắp lòng khiêm nhu” (AL, 98).
Yêu thương thì không tìm kiếm tư lợi, nhưng nhằm thúc đẩy lợi ích của người khác và nỗ lực hỗ trợ họ đạt được điều đó.
Yêu thương thì không tính đến những điều oan trái đã phải chịu đựng, cũng không ngồi lê đôi mách về điều sai trái của người khác, nhưng, với sự thận trọng và âm thầm, phó thác mọi sự cho Chúa, không đưa ra lời chỉ trích, phán xét.
Thánh Phaolô nói, yêu thương thì bao dung mọi sự, nhưng không phải để che giấu sự thật, mà trái lại, người Kitô hữu luôn vui mừng phân biệt tội lỗi với tội nhân, để trong khi tội lỗi bị kết án, thì tội nhân được cứu độ. Yêu thương tha thứ tất cả để tất cả chúng ta có thể tìm thấy niềm an ủi trong vòng tay thương xót của Chúa Cha và được mặc lấy sự tha thứ yêu thương của Ngài.
Thánh Phaolô kết thúc “Bài ca đức ái” bằng việc khẳng định rằng đức ái, như một cách thế tuyệt vời hơn để đến với Thiên Chúa, cao trọng hơn đức tin và đức cậy. Điều Thánh tông đồ nói hoàn toàn đúng. Trong khi đức tin và đức cậy là “những hồng ân tạm thời”, nghĩa là, gắn liền với tình trạng cuộc sống của chúng ta như là những người lữ hành trên trái đất này, trong khi đó, đức ái là “một hồng ân chung cuộc”, một bảo chứng và sự cảm nếm trước thời sau hết, Vương quốc của Thiên Chúa. Đây là lý do tại sao trong khi mọi thứ khác sẽ qua đi, nhưng đức ái sẽ luôn tồn tại. Điều tốt được làm nhân danh Chúa là phần thiện của chúng ta sẽ không bị mất đi hoặc bị xóa nhoà. Sự phán xét của Thiên Chúa đối với lịch sử được dựa trên “ngày hôm nay” của tình yêu, trên sự phân định những gì chúng ta đã làm cho người khác nhân danh Ngài.
Như Chúa Giêsu hứa, phần thưởng sẽ là sự sống đời đời: “Nào những kẻ Cha Ta chúc phúc, hãy đến thừa hưởng Vương Quốc dọn sẵn cho các ngươi ngay từ thuở tạo thiên lập địa” (Mt 25, 34).
Ngay từ đầu, Caritas Quốc tế được hình thành và được mong muốn như là một biểu hiện của sự hiệp thông mang tính giáo hội, một phương thế và biểu thị đức ái (agape) trong nội bộ Giáo hội, làm trung gian giữa Giáo hội hoàn vũ và các Giáo hội địa phương, đồng thời hỗ trợ sự tham gia của toàn thể Dân Chúa vào công việc của tổ chức bác ái.
Nhiệm vụ trước hết của anh chị em là cộng tác với Giáo hội hoàn vũ trong việc gieo hạt giống, loan báo Tin Mừng qua những việc tốt lành. Đây không chỉ là vấn đề khởi xướng các dự án và chiến lược được cho là thành công và hiệu quả, mà còn là tham gia vào một tiến trình hoán cải truyền giáo thường xuyên và liên lỉ. Anh chị em được mời gọi để minh chứng rằng Tin Mừng “đáp ứng các nguyện vọng sâu xa nhất của con người nhân bản: đáp ứng phẩm giá và sự thành toàn của mỗi người trong tính hỗ tương, hiệp thông và sinh hoa trái” (AL 201). Vì lý do này, điều tối quan trọng là phải đề cập đến mối liên hệ mật thiết giữa sự tăng trưởng trên hành trình nên thánh cá nhân và sự hoán cải truyền giáo mang tính giáo hội. Tất cả những người làm việc cho Caritas đều được kêu gọi làm chứng cho tình yêu này trước thế giới. Hãy là những môn đệ truyền giáo! Hãy theo bước Đức Kitô!
Thứ đến, anh chị em được mời gọi để đồng hành với các Giáo hội địa phương trong việc tích cực dấn thân cho mục vụ bác ái. Chăm lo đào tạo những giáo dân có năng lực, có khả năng mang sứ điệp của Giáo hội vào đời sống chính trị và xã hội. Thách thức đối với một giáo dân trưởng thành và có ý thức mang tính thời sự hơn bao giờ hết, bởi vì sự hiện diện của họ vươn tới mọi lãnh vực liên quan trực tiếp đến đời sống của người nghèo. Chính giáo dân là những người có thể diễn tả, với sự tự do sáng tạo, trái tim từ mẫu và mối quan tâm của Giáo hội đối với công bằng xã hội, bằng cách dấn thân vào công việc đầy thử thách là thay đổi cơ cấu xã hội bất công, và thăng tiến hạnh phúc của con người.
Cuối cùng, tôi đề nghị về sự hiệp nhất. Liên đoàn của anh chị em được hình thành từ nhiều bản sắc khác nhau. Hãy trải nghiệm sự đa dạng như một kho tàng, tính đa dạng như một nguồn tài nguyên. Hãy tranh đua trong việc thể hiện sự quý trọng nhau, và cho phép sự va chạm xảy ra nhưng không phải để đối đầu, chia rẽ nhưng là gặp gỡ và tăng triển.
Khi phó thác anh chị em cho sự chuyển cầu của Đức Maria, Mẹ Giáo hội, tôi xin anh chị em cũng cầu nguyện cho tôi. Tôi ưu ái ban phép lành cho anh chị em và cho tất cả những ai hỗ trợ anh chị em trong công việc của anh chị em.
Nt. Anna Ngọc Diệp, OP
Dòng Đa Minh Thánh Tâm
Chuyển ngữ từ: vatican.va (11. 5. 2023)
[1] X. Đức Gioan Phaolô II, Chirograph Durante l’Ultima Cena, ngày 16. 9. 2004, 2.
[2] Đức Bênêđictô XVI, Tông huấn Sacramentum Caritatis, 2.