ĐỨC PHANXICÔ MỜI GỌI CARITAS QUỐC TẾ TÌM LẠI Ý NGHĨA ĐÍCH THỰC CỦA BÁC ÁI
Hôm 11/5/2023, trong cuộc gặp gỡ Caritas Internationalis nhân dịp đại hội đồng lần thứ 22 của tổ chức này, Đức Phanxicô mời gọi họ trở về nguồn. Ngài nhắc lại ý nghĩa đích thực của bác ái và đồng thời khuyến khích 400 đại biểu đang quy tụ cho đến ngày 16/5/2023 hãy hợp tác vào việc loan báo Tin Mừng bằng những việc lành.
« Nguồn gốc của mọi hoạt động bác ái và xã hội của chúng ta là Chúa Kitô » : Đức Thánh Cha Phanxicô nhấn mạnh trong bài phát biểu trước các tham dự viên đang quy tụ tại sảnh đường Clêmentê của Dinh Tông Tòa, điều vốn là nguồn gốc của việc thành lập Caritas Internationalis (Caritas quốc tế) bởi Đức Piô XII, sau « những nỗi kinh hoàng » và « sự tàn phá » của Thế Chiến II. Được nuôi dưỡng bởi Thánh Thể, « chúng ta có thể bước vào mầu nhiệm hân hoan và cao cả của « sự phục hồi », của ký ức biết ơn và thỏa lòng khiến chúng ta tạ ơn Thiên Chúa bằng cách chọn nhìn vào người anh em đang đau khổ của chúng ta, đang cần sự săn sóc, cần sự trợ giúp của chúng ta để tìm lại được phẩm giá làm con của mình, được cứu chuộc « bằng máu châu báu của Chúa Kitô » ».
Để đáp lại tình yêu thương của Thiên Chúa, chúng ta có thể trở thành « dấu hiệu và khí cụ của tình yêu này đối với tha nhân », Đức Thánh Cha giải thích và đồng thời nói thêm rằng « không có cách nào tốt hơn để cho Thiên Chúa thấy rằng chúng ta đã hiểu được ý nghĩa của bí tích Thánh Thể hơn là trao cho người khác những gì chúng ta đã nhận được ». Điều phân biệt Caritas với các tổ chức phi chính phủ khác, « đó là ơn gọi thuộc về Giáo hội của nó và điều làm nên nét đặc thù của sự phục vụ của nó trong Giáo hội so với nhiều tổ chức và hiệp hội trong Giáo hội dành cho việc bác ái, đó là nhiệm vụ của nó hỗ trợ và giúp đỡ các giám mục trong việc thực thi đức ái mục tử, trong sự hiệp thông với Tòa Thánh và hòa hợp với Huấn quyền của Giáo hội ».
Ý nghĩa đích thực của bác ái
Mời gọi các đại biểu đọc lại Tông huấn Amoris laetitia và chương bốn của nó, Đức Thánh Cha trích dẫn thánh Phaolô và Bài ca đức ái của ngài trong đó thánh tông đồ nhấn mạnh rằng « việc thiếu đức ái sẽ làm trống rỗng mọi hành động khỏi nội dung của nó ». « Không có lời tuyên xưng đưc tin vào Chúa Cha, (…) không có kinh nghiệm tình bạn với Chúa Kitô, (…) không có sự hướng dẫn của Chúa Thánh Thần (…), thì chỉ còn lại vẻ bề ngoài » và điều đó có nguy cơ.
Chính « đức ái khiến chúng ta hiện hữu ». Đức Thánh Cha nhấn mạnh : « Khi chúng ta đón nhận tình yêu của Thiên Chúa và tình yêu nơi Ngài », « chúng ta nhận thức rõ ràng rằng mỗi cuộc sống đều bất khả tước bỏ và xuất hiện như một điều kỳ diệu trước mắt Thiên Chúa ». Chính tình yêu này « cho phép chúng ta nhận ra nơi người khách lạ mà chúng ta gặp gỡ trên đường đi của mình khuôn mặt của một người anh em ». « Dưới ánh sáng của tình yêu Thiên Chúa, diện mạo của người khác thoát ra khỏi bóng tối, thoát ra khỏi tầm thường và đạt được giá trị, tầm quan trọng », và « chúng ta tìm thấy sức mạnh và can đảm để đáp lại sự dữ vốn đang áp bức tha nhân, để dấn thân bằng cách thể hiện khuôn mặt chúng ta, trái tim chúng ta ở đó, bằng cách xắn tay áo lên ». Tình yêu này cũng thúc giục chúng ta « cảm nhận những vết thương mà chúng ta nhìn thấy trên thân xác của họ như của chính chúng ta và thúc đẩy chúng ta đổ dầu của tình huynh đệ trên những vết thương vô hình mà chúng ta mặc nhiên đọc được trong tâm hồn của tha nhân ».
Sống đức ái thực sự
Biết được điều đó, một Kitô hữu có sống đức ái không ? Đức Thánh Cha tự hỏi. Không có gì đơn giản hơn : « Vậy hãy xem liệu họ có sẵn sàng giúp đỡ không, với nụ cười trên môi, không càu nhàu và không giận dữ », không quên sự kiên nhẫn, vì « đức ái thì kiên nhẫn ». Cũng cần phải « thoát khỏi tính quy ngã », vốn không chỉ có nghĩa là « kiếm chế sự chuyên chế của chủ nghĩa vị kỷ » mà còn là « để cho những phẩm chất và đặc sủng của người khác nổi lên ». Đức Thánh Cha nói tiếp : « Sống đức ái có nghĩa là rộng lượng, nhân từ, nhìn nhận rằng để cùng nhau làm việc một cách xây dựng, trước tiên chúng ta phải dành không gian cho người khác ». Đó cũng là không ghen tỵ, không khoe khoang, không tìm tư lợi nhưng nỗ lực « thăng tiến sự thiện của người khác », không tính đến điều xấu đã nhận được, không sa đà vào chuyện ngôi lê đôi mách. Cuối cùng, đó là biết cách « phân biệt tội lỗi với tội nhân để tội lỗi bị kết án và tội nhân được cứu thoát ».
Đức ái, « món quà dứt khoát », thúc đẩy chúng ta làm « việc thiện nhân danh Thiên Chúa » và là « phần tốt lành của chính chúng ta vốn sẽ không bị hủy bỏ, sẽ không bị mất đi ».
Vai trò quan trọng của giáo dân
Với lời nhắc nhở này, Đức Thánh Cha sau đó khai triển những gì Caritas Internationalis phải làm : « Cộng tác vào việc gieo hạt của Giáo hội hoàn vũ bằng cách loan báo Tin Mừng bằng những việc lành », suy nghĩ mình « trong một tiến trình hoán cải truyền giáo thường xuyên và liên lỉ ». Có những thách thức tồn tại : thách thức của một « bậc sống giáo dân có ý thức và trưởng thành », vì « giáo dân có thể diễn tả, một cách tự do sáng tạo, trái tim từ mẫu của Giáo hội và sự quan tâm của Giáo hội đối với công bằng xã hội, bằng cách dấn thân vào nhiệm vụ khó khăn là thay đổi các cơ cấu xã hội bất công và thăng tiến hạnh phúc của nhân vị ».
Lời khuyên cuối cùng của Đức Thánh Cha là hãy gìn giữ « sự hiệp nhất ». Bất chấp nhiều bản sắc làm nên Caritas Internationalis, « các bạn hãy sống sự đa dạng như một sự phong phú, sự đa nguyên như một nguồn tài nguyên », « cạnh tranh trong sự tôn trọng lẫn nhau, bằng cách để cho sự xung đột dẫn các bạn đến sự đối chiếu, sự tăng trưởng, chứ không chia rẽ ».
Xavier Sartre
Tý Linh (theo Vatican News)