ĐỨC THÁNH CHA PHANXICÔ: THẬP NIÊN THỨ NHẤT
WHĐ (11.3.2023) – Để hiểu được 10 năm đầu tiên của Đức Thánh Cha Phanxicô, thật hữu ích khi quay lại từ đầu. Vì điều mà ngài đã cho thấy rõ trước khi trở thành giáo hoàng vào năm 2013 và niềm hy vọng mãnh liệt sau đó của ngài rằng: Giáo hội sẽ phục hồi lòng nhiệt thành loan báo Tin Mừng, và mối quan tâm sâu sắc của ngài đối với hiện trạng, mà với ngài, dường như thiên về bảo tồn hơn là sứ mạng.
Trong một bài phát biểu ngắn với các Hồng y trước mật nghị năm 2013, mà theo nhận định của một số người, đã đưa Hồng y Jorge Bergoglio trở thành người kế vị Thánh Phêrô cai quản Giáo hội. Trong đó, ngài nói rõ mối quan tâm của ngài đối với một hiện trạng Giáo hội “bị bao bọc trong thế giới của riêng mình”,
Theo thời gian, những điều xấu xa xuất hiện trong các tổ chức của Giáo hội bắt nguồn từ tính tự quy chiếu về mình, một loại chủ nghĩa tự tôn thần học. Giáo hội cần phải lựa chọn giữa một Giáo hội biết lắng nghe và truyền giáo hoặc một “Giáo hội trần tục tự sống trong mình, vì mình, và cho mình”.
Nghĩ về vị giáo hoàng tiếp theo: Ngài phải là một người, mà nhờ chiêm ngưỡng Chúa Giêsu Kitô, tôn thờ Chúa Giêsu Kitô, giúp Giáo hội thoát ra khỏi chính mình để hướng tới những vùng ngoại biên hiện sinh, và giúp Giáo hội trở thành người mẹ sinh sôi nảy nở sự sống từ “niềm vui ngọt ngào và an ủi của việc rao giảng Tin mừng”.
Đức Phanxicô đã viết trong Tông huấn đầu tiên của ngài, Evangelii Gaudium (Niềm vui của Tin Mừng) rằng, để trở thành một Giáo hội truyền giáo như vậy, có nghĩa là phục hồi “Một động lực truyền giáo có khả năng biến đổi mọi thứ, để các phong tục, cách làm việc của Giáo hội, thời gian và lịch trình, ngôn ngữ và cấu trúc có thể được sử dụng một cách thích hợp để truyền bá phúc âm cho thế giới ngày nay hơn là để tự bảo tồn”.
Đối với Đức Phanxicô, nếu Giáo hội muốn truyền giáo cho thế giới với Tin mừng, thì Giáo hội cần phải chấp nhận rủi ro, để được biến đổi, để bước ra khỏi vùng an toàn. Ngài đã nắm bắt được quy mô của sự biến đổi qua câu nói nổi tiếng: “Không phải là thời đại thay đổi, mà là thay đổi thời đại”.
Các cuộc thăm dò cho thấy rằng, sau một thập niên, vị giáo hoàng người Mỹ Latinh và Dòng Tên đầu tiên vẫn được cả người Công giáo và người không Công giáo yêu mến. Nhưng những thách thức của ngài đối với hiện trạng cũng khiến ngài bị chỉ trích từ một số người bên trong Giáo hội, những người coi những nỗ lực cải cách của ngài mang tính phá vỡ hơn là biến đổi.
Tuy nhiên, những gì Đức Phanxicô thực hiện trong 10 năm qua thực sự rất ấn tượng:
– Ban hành 3 Thông điệp và 5 Tông huấn;
– Thực hiện 40 chuyến tông du nước ngoài và sẽ còn nhiều hơn thế nữa. Năm nay, vị giáo hoàng 86 tuổi đã đến Congo và Nam Sudan, và kế hoạch tiếp theo là đến Hungary, rồi Bồ Đào Nha cho Ngày Giới trẻ Thế giới.
– Bổ nhiệm 60% hồng y cử tri trên thế giới, và Đức Thánh Cha thường thăng các Hồng y ở các giáo phận hoặc quốc gia không thể đoán trước, trong khi bỏ qua “Toà Hồng y” truyền thống.
– Tiến hành một cuộc cải tổ lớn Giáo triều và tài chính của Vatican, đồng thời ngài làm lung lay những kỳ vọng của giới giáo sĩ bằng cách bổ nhiệm các giáo dân nam nữ vào các vị trí có trách nhiệm.
– Tổ chức 4 Thượng hội đồng và đang tiến hành Thượng hội đồng với chủ đề Hiệp hành tính.
Mặc dù đôi khi bối rối trước cuộc khủng hoảng lạm dụng tình dục của giáo sĩ, Đức Phanxicô đã cố gắng buộc các giám mục, cũng như các linh mục, phải chịu trách nhiệm về hành động và sự không hành động của họ.
Và hằng tuần, với tư cách là vị mục tử cao nhất của Giáo hội, Đức Thánh Cha đã có những bài nói chuyện mục vụ, những bình luận ngẫu hứng, và những cuộc phỏng vấn gây chú ý, thể hiện sở trường của một nhà truyền thông thế kỷ XXI trong việc nói chuyện trực tiếp với cả người Công giáo và không Công giáo, phá vỡ những phương tiện truyền thống để kiểm soát sứ điệp của giáo hoàng.
Đức Thánh Cha Phanxicô gặp gỡ những vị đứng đầu các bộ phận của Giáo triều Rôma tại Vatican ngày 18. 5. 2015. (Ảnh CNS/Vatican Media)
Cải cách Giáo triều
Nhưng ngay cả trong số nhiều vị giám mục, đã có những thất vọng về cách mình bị giáo triều Rôma đối xử. Đức Phanxicô đã ám chỉ điều này trong cuộc phỏng vấn năm 2013 với Cha Antonio Spadaro, SJ, khi nói rằng giáo triều có thể “có nguy cơ trở thành các tổ chức kiểm duyệt”. Các tổ chức giáo triều “là những người hòa giải chứ không phải là những người trung gian hoặc quản lý”.
Trong cuộc phỏng vấn với hãng thông tấn Argentina vào năm 2022 với, Đức Thánh Cha đã nói về cuộc cải cách giáo triều. Ngài cho biết cuộc cải cách phát xuất từ những gì,
Chúng tôi, các Hồng y, đã nói tại các cuộc họp trước mật nghị, những điều chúng tôi tin rằng vị Tân giáo hoàng nên thực hiện. Sau đó, chúng tôi nói về những điều cần thay đổi, và những vấn đề cần giải quyết.
Tôi thực hiện những điều đã được yêu cầu hồi đó. Tôi không nghĩ rằng có bất cứ điều gì do tôi tạo ra. Tôi bắt đầu thực hiện những gì tất cả chúng tôi đã được yêu cầu.
Cách tiếp cận của Đức Thánh Cha hoàn toàn mang phẩm chất Phanxicô. Ngài đã tập hợp một Hội đồng Hồng y vào đầu triều đại giáo hoàng, và trong hơn 8 năm qua, Hội đồng này đã nghiên cứu về việc cải tổ mà sau cùng đã được công bố trong Tông hiến Praedicate Evangelium (Hãy rao giảng Tin Mừng) vào năm 2022. Những thay đổi sâu rộng đã kết hợp một số cơ quan như Văn hóa và Giáo dục, và đề cao vai trò của những cơ quan khác. Mục đích chung của việc tái tổ chức này, theo Đức Phanxicô, là “để hài hòa tốt hơn việc thực thi công việc phục vụ hiện nay của giáo triều với lộ trình loan báo Tin Mừng mà Giáo hội đang sống, đặc biệt trong giai đoạn này”.
Một trong những thay đổi đáng chú ý nhất là vai trò ngày càng được tăng cường của nam nữ giáo dân trong các Bộ, thậm chí đảm nhận vai trò lãnh đạo. Như để nhấn mạnh điểm này, Đức Phanxicô, lần đầu tiên trong lịch sử, đã bổ nhiệm 3 phụ nữ vào Bộ Giám mục.
Đức Thánh Cha cũng tự đặt mình làm bộ trưởng Bộ Loan báo Tin Mừng, như một cách nhằm nhấn mạnh tầm quan trọng vượt bậc của việc rao giảng Tin Mừng trong tầm nhìn của ngài đối với Giáo hội.
Nhìn chung, những thay đổi này nhằm thúc đẩy “sự phân quyền lành mạnh” của giáo triều, trao nhiều trách nhiệm hơn cho các giám mục và Hội đồng giám mục, vốn đã là một thay đổi đáng kể so với quá khứ gần đây. Các nhà phê bình cảnh báo rằng sự phân quyền này không phải là không có rủi ro vào những thời điểm bất đồng và mất đoàn kết.
Cải tổ tiến trình Thượng hội đồng
Một ví dụ khác về sự thất vọng với hiện trạng của Vatican liên quan đến tiến trình Thượng hội đồng. Trong những thập niên qua, các Thượng Hội đồng giám mục đã được tổ chức thường xuyên, nhưng một số người đã phàn nàn một cách riêng tư về việc họ bị kiểm soát ra sao, với những kết quả dường như đã được báo trước. Trong cuộc phỏng vấn năm 2013 với linh mục Spadaro SJ, Đức Phanxicô gợi ý: “Có lẽ đã đến lúc thay đổi các phương pháp của Thượng Hội đồng Giám mục, bởi vì đối với tôi, dường như phương pháp hiện tại không năng động”.
Tiến trình của Thượng hội đồng chắc chắn đã trở nên “năng động” hơn, với các cuộc thỉnh vấn rộng rãi hơn và cởi mở với nhiều chủ đề gây tranh luận. Sau các Thượng hội đồng về Gia đình, Giới trẻ và Amazon, giờ đây Đức Phanxicô muốn toàn thể Giáo hội đảm nhận nhiệm vụ của chính Hiệp hành tính: Giáo hội hiểu tiến trình này như thế nào, ai sẽ tham gia và điều gì sẽ được thảo luận.
Đức Phanxicô giải thích rõ.
Hiệp hành tính là cách thức hiện diện của Giáo hội ngày nay theo ý muốn của Thiên Chúa, trong tính năng động của việc phân định và cùng nhau lắng nghe tiếng nói của Chúa Thánh Thần.
Hướng về vùng ngoại biên
Là người Argentina thuộc Nam bán cầu, Đức Phanxicô nhận thức sâu sắc về những thách thức của đất nước và Châu lục của ngài. Từ điểm thuận lợi này, Đức Thánh Cha đã nhìn thấy một Giáo hội do phương Tây thống trị đang mất đi ngọn lửa truyền giáo. Các trận chiến của phương Tây khác xa với những mối bận tâm và thách đố hàng ngày của những người dân mà ngài đã đi cùng xe buýt để làm việc ở Buenos Aires. Châu Mỹ Latinh là Châu lục Công giáo lớn nhất, nhưng dường như lại không có tiếng nói trong Giáo hội hoàn vũ. Tại Châu Phi và Châu Á, Giáo hội đang phát triển nhanh, trẻ trung và năng động.
Những vùng ngoại biên toàn cầu này là nơi mà thiệt hại do biến đổi khí hậu, chiến tranh, nghèo đói, từ các nền kinh tế và chính phủ tham tàn là điều hiển nhiên nhất. Cuộc khủng hoảng di cư là kết quả của tất cả những mối đe dọa này, và trong những tháng đầu tiên của triều đại giáo hoàng, Đức Phanxicô đã đến Lampedusa và thu hút sự chú ý của thế giới về cái giá phải trả trong cuộc sống của những người di cư chạy trốn khỏi quê hương của họ để đến những môi trường hiếu khách hơn.
Trong nhiều bài diễn văn, và trong Thông điệp Laudato Si’, Đức Phanxicô đã thách thức hiện trạng này, nài xin thế giới xem xét các vấn đề môi trường và di cư từ góc độ toàn cầu và tổng thể. Ngài viết: “Vì Thiên Chúa tạo dựng thế giới cho tất cả mọi người, nên mọi cách tiếp cận sinh thái cần phải kết hợp với quan điểm xã hội trong đó có tính đến các quyền cơ bản của người nghèo và người yếu thế”.
Cuộc khủng hoảng giáo sĩ lạm dụng tình dục
Có lẽ cuộc khủng hoảng thách thức nhất đối với Đức Phanxicô, cũng như đối với những vị tiền nhiệm ngay trước đó, là cuộc khủng hoảng về lạm dụng tình dục của giáo sĩ.
Giống như Đức Bênêđictô XVI, Đức Phanxicô đã nhiều lần gặp gỡ những nạn nhân bị lạm dụng. Khi vụ bê bối của Hồng y Theodore McCarrick nổ ra vào năm 2018, Đức Phanxicô đã cam kết thực hiện một báo cáo công khai chưa từng có, vốn mất 2 năm để hoàn thành. Ngài cũng tổ chức một Hội nghị bất thường quy tụ các chủ tịch của các Hội Đồng Giám mục trên thế giới để thảo luận về cuộc khủng hoảng lạm dụng tình dục của hàng giáo sĩ trong bối cảnh toàn cầu. Vào tháng 5. 2019, ngài đã ban hành Tự sắc Vos Estis Lux Mundi (Các con là ánh sáng thế gian) để Giáo hội hoàn vũ sửa đổi và làm rõ các quy tắc và thủ tục quy trách nhiệm cho các Giám mục và Bề trên Dòng tu. Tự sắc cũng bắt buộc phải có một hệ thống trình báo đối với các giáo phận và không chỉ bao gồm những người lạm dụng mà cả những người không chấp nhận những lời cáo buộc một cách nghiêm túc.
Theo sau Tự sắc Vos Estis Lux Mundi là bản sửa đổi Giáo luật vào năm 2021, hệ thống hóa các Luật và thủ tục bảo vệ trẻ em, thúc đẩy điều tra các cáo buộc lạm dụng tình dục của giáo sĩ và trừng phạt những người vi phạm.
Đức Thánh Cha Phanxicô và các vị lãnh đạo Giáo hội từ khắp nơi trên thế giới tham dự nghi thức sám hối trong cuộc họp về việc Bảo vệ trẻ vị thành niên trong Giáo hội tại Vatican hôm 23. 02. 2019. (Ảnh CNS/Vatican Media)
***
Trong một tiếng kêu của trái tim có thể tóm tắt triều đại giáo hoàng của mình, Đức Phanxicô kết thúc Tông huấn Evangelii Gaudium với lời cầu xin tha thiết này:
Ước gì tôi có được những lời thích hợp để khơi dậy niềm phấn khích cho một chương mới của việc phúc âm hoá đầy nhiệt huyết, vui tươi, quảng đại, can đảm, yêu thương vô bờ và hấp dẫn! Nhưng tôi nhận ra rằng không có lời khích lệ nào là đủ trừ khi lòng chúng ta cháy lửa của Chúa Thánh Thần…
Tôi nài xin Người đến và đổi mới Hội Thánh, khuấy động và thúc đẩy Hội Thánh mạnh bạo ra đi loan báo Tin Mừng cho mọi dân mọi nước”. (EG, s. 261).
Greg Erlandson
Nt. Anna Ngọc Diệp, OP
Dòng Đa Minh Thánh Tâm
Lược dịch từ: oursundayvisitor.com (10. 3. 2023)