DIỄN TỪ CỦA ĐỨC THÁNH CHA PHANXICÔ
DÀNH CHO THAM DỰ VIÊN HỘI NGHỊ QUỐC TẾ VỀ GIÁO DÂN
WHĐ (17.02.2023) – “Các mục tử và tín hữu giáo dân được kêu gọi cùng nhau tiến bước” là chủ đề của Hội nghị Quốc tế các vị Chủ tịch và đại diện các Ủy ban Giám mục về giáo dân, do Bộ Giáo dân, Gia đình và Sự sống tổ chức diễn ra từ ngày 16 đến 18. 02. 2023.
Hội nghị qui tụ khoảng 107 giáo dân, 36 linh mục và 67 giám mục, đến từ 74 Hội đồng Giám mục và các đại biểu của các phong trào Giáo hội được Bộ Giáo dân Gia đình và Sự sống công nhận.
Vào sáng thứ Bảy vừa qua, Đức giáo hoàng Phanxicô đã dành cho hơn 200 tham dự viên Hội nghị buổi tiếp kiến riêng.
Dưới đây là nội dung bài diễn từ của Đức Thánh Cha
Anh chị em thân mến, xin chào mừng và chúc anh chị em một ngày tốt lành!
Tôi xin cảm ơn Đức Hồng y Kevin Farrell và xin chào anh chị em, các đại diện của Ủy ban Giám mục về Giáo dân, cùng với các vị lãnh đạo của các Hiệp hội và Phong trào Giáo hội, các viên chức của Thánh Bộ và tất cả những người hiện diện.
Anh chị em đến từ nhiều quốc gia để suy tư về sự chia sẻ trách nhiệm của các mục tử và tín hữu giáo dân trong Giáo hội. Chủ đề của Hội nghị nói lên “lời kêu gọi” để “cùng nhau tiến bước”, và do đó chủ đề cùng được đặt trong bối cảnh lớn hơn của tính Hiệp hành. Thật vậy, con đường mà Thiên Chúa vạch ra cho Giáo hội chính là lộ trình trải nghiệm sự hiệp thông và cùng nhau tiến bước một cách mạnh mẽ và cụ thể hơn. Thiên Chúa mời gọi Giáo hội vượt lên trên những cách hành động riêng rẽ, vượt lên trên những đường song song không bao giờ gặp nhau: Giáo sĩ tách biệt với giáo dân, những người thánh hiến tách biệt với giáo sĩ và tín hữu; đức tin tri thức của một số thành phần ưu tú tách biệt với đức tin bình dân; Giáo triều Rôma tách biệt với các Giáo hội địa phương, giám mục tách biệt với linh mục; người trẻ tách biệt với người già, vợ chồng và gia đình tách biệt với đời sống cộng đoàn, các phong trào đoàn sủng tách biệt với giáo xứ, v.v… Đây là cám dỗ nghiêm trọng nhất hiện nay. Vẫn còn một chặng đường dài phía trước để Giáo Hội sống như một thân mình, như một Dân đích thực, được hiệp nhất bởi cùng một đức tin vào Chúa Kitô, Đấng Cứu độ, được linh hoạt bởi cùng một Thần Khí thánh hóa, và hướng về cùng một sứ mạng loan báo tình yêu thương xót của Thiên Chúa, là Cha chúng ta.
Khía cạnh cuối cùng này mang tính quyết định: một Dân hiệp nhất trong sứ mạng. Đây là trực giác mà chúng ta phải luôn nuôi dưỡng: Giáo hội là Dân thánh trung thành của Thiên Chúa, như Hiến chế Lumen Gentium khẳng định trong các số 8 và 12. Giáo hội không theo chủ nghĩa dân túy hoặc chủ nghĩa tinh hoa, mà là Dân thánh trung thành của Thiên Chúa. Chúng ta không thể học điều này một cách lý thuyết, nhưng qua kinh nghiệm sống. Chỉ khi sống điều này chúng ta mới có thể giải thích được một Dân hiệp nhất trong sứ mạng nghĩa là gì, mà nếu không, chúng ta chẳng thể giải thích được. Tính Hiệp hành có nguồn gốc và mục đích tối hậu trong sứ mạng: nó được sinh ra từ sứ mạng và được hướng tới sứ mạng. Chúng ta hãy nghĩ về thuở ban đầu, khi Chúa Giêsu sai các Tông đồ ra đi và tất cả các ông vui mừng trở về, vì ma quỷ “quy phục các ông”: chính sứ mạng đã mang lại cảm thức đó về Giáo hội. Thật vậy, việc chia sẻ sứ mạng đưa các mục tử và giáo dân xích lại gần nhau hơn; tạo ra một sự hiệp nhất về ý định, biểu lộ tính bổ sung của các đặc sủng khác nhau, và do đó, khơi dậy nơi mọi người ước muốn cùng nhau tiến bước. Chúng ta thấy điều này nơi chính Chúa Giêsu, Đấng ngay từ đầu đã có một nhóm môn đệ bên cạnh, những người nam và người nữ và Người thực hiện sứ vụ công khai với họ. Người không bao giờ đơn độc. Rồi khi sai Nhóm Mười Hai đi loan báo Nước Thiên Chúa, Chúa Giêsu đã sai họ đi “từng hai người một”. Chúng ta cũng thấy như vậy nơi thánh Phaolô, người luôn rao giảng Tin Mừng với các cộng sự, kể cả giáo dân và các đôi vợ chồng. Thánh nhân không làm một mình. Điều này đã từng xảy ra vào những thời điểm có sự đổi mới quan trọng và lòng nhiệt thành truyền giáo trong lịch sử của Giáo hội: các mục tử và tín hữu cùng nhau hợp tác. Không phải những cá nhân biệt lập, nhưng là một Dân loan báo Tin Mừng, Dân thánh trung thành của Thiên Chúa!
Tôi được biết là anh chị em đã thảo luận về việc đào tạo giáo dân, một điều không thể thiếu để sống tinh thần chia sẻ trách nhiệm. Về điểm này, tôi cũng muốn nhấn mạnh rằng việc đào tạo phải hướng tới sứ mạng chứ không chỉ nhắm lý thuyết suông, nếu không, sẽ bị rơi vào ý thức hệ. Và đó là điều thật khủng khiếp: ý thức hệ trong Giáo hội giống như một bệnh dịch. Để tránh điều này, việc đào tạo phải được định hướng theo sứ mạng. Nó không nhất thiết phải mang tính học thuật, chỉ giới hạn trong những ý tưởng lý thuyết, mà còn phải có tính thực tế. Nó phải phát sinh từ việc lắng nghe kerygma, được nuôi dưỡng bởi Lời Chúa và các Bí tích, giúp tăng trưởng sự phân định cá nhân và cộng đoàn, đồng thời liên quan trực tiếp với hoạt động tông đồ và dưới nhiều hình thức chứng tá, tuy đơn giản, nhưng có thể dẫn đến việc trở thành gần gũi với người khác. Hoạt động tông đồ giáo dân trước hết là một chứng tá! Chứng tá về trải nghiệm và về lịch sử của chính mình, chứng tá về việc cầu nguyện, chứng tá về việc phục vụ những người cần đến, chứng tá về sự gần gũi với người nghèo, người cô đơn và chứng tá về sự chào đón, đặc biệt là về phía các gia đình. Đó là cách đào tạo đúng đắn cho sứ mạng: đi đến với người khác, học hỏi “tại chỗ”. Đồng thời, là một phương thế hiệu quả để phát triển tâm linh.
Ngay từ đầu, tôi đã nói rằng “Tôi ước mơ một Giáo hội truyền giáo” (x. Tông huấn Evangelii Gaudium, 27; 32). “Tôi mơ về một Giáo hội truyền giáo”. Và một hình ảnh từ Sách Khải Huyền hiện lên trong tâm trí tôi, khi Chúa Giêsu nói: “Này đây Ta đứng trước cửa và gõ. Ai nghe tiếng Ta và mở cửa, thì Ta sẽ vào nhà người ấy, sẽ dùng bữa với người ấy” (Kh 3, 20). Nhưng ngày nay, bi kịch của Giáo hội là Chúa Giêsu cứ gõ cửa, nhưng đứng từ bên trong gõ ra, để mong chúng ta cho Người được ra ngoài! Rất nhiều khi, chúng ta trở thành một Giáo hội “cầm tù”, không cho Chúa ra ngoài, giam giữ Người như “của riêng mình”, trong khi Chúa đến vì sứ mạng và muốn chúng ta trở thành những thừa sai.
Chính trong viễn cảnh này mà chúng ta có thể tiếp cận đúng đắn về chủ đề chia sẻ trách nhiệm về phía giáo dân trong Giáo hội. Thật ra, nhu cầu đánh giá cao vai trò của giáo dân không phụ thuộc vào một số tính mới lạ về thần học; hoặc do sự thiếu linh mục, và càng không phải là mong muốn bù đắp cho sự bỏ bê họ trong quá khứ. Trái lại, tinh thần chia trách nhiệm này dựa trên một tầm nhìn đúng đắn về Giáo hội: Giáo hội là Dân Thiên Chúa, trong đó giáo dân là thành viên trọn vẹn cùng với các thừa tác viên có chức thánh. Vì vậy, các thừa tác viên có chức thánh không phải là ông chủ, nhưng là những người phục vụ: những mục tử chứ không phải những ông chủ.
Điều này có nghĩa là khôi phục một “giáo hội học toàn diện”, giống như giáo hội học của những thế kỷ đầu tiên, trong đó mọi sự được hiệp nhất nhờ việc thuộc về Chúa Kitô và nhờ sự hiệp thông siêu nhiên với Người và với anh chị em mình. Nó có nghĩa là vượt ra ngoài nhãn quan xã hội học vốn phân biệt giai cấp và địa vị xã hội, và cuối cùng, dựa trên “quyền lực” được gán cho mỗi phạm trù. Cần nhấn mạnh đến sự hiệp nhất chứ không phải sự tách biệt hoặc phân biệt. Giáo dân không chỉ là một người “không phải giáo sĩ” hay “không phải tu sĩ”; nhưng phải được nhìn nhận như một người đã được rửa tội, một thành viên của Dân thánh Thiên Chúa, vì đó là bí tích mở ra mọi cánh cửa. Trong Tân Ước, không có từ “giáo dân”; nhưng chúng ta nghe nói đến “tín hữu”, “môn đệ”, “anh em” và “các thánh”, những thuật ngữ áp dụng cho tất cả mọi người: tín hữu giáo dân và các thừa tác viên có chức thánh, Dân Chúa bước đi cùng nhau.
Trong Dân Thiên Chúa duy nhất này là Giáo Hội, yếu tố nền tảng là chúng ta thuộc về Chúa Kitô. Trong những tường thuật xúc động về các Hoạt động của các vị tử đạo trong những thế kỷ đầu, chúng ta thường thấy một lời tuyên xưng đức tin đơn giản: “Tôi là một Kitô hữu, và do đó tôi không thể dâng cúng cho các ngẫu tượng”. Chẳng hạn, thánh Polycarp, giám mục của Smyrna, đã tuyên bố như thế[1]; thánh Justin và những giáo dân đồng hành với ngài cũng khẳng định như vậy[2]. Những vị tử đạo này không nói: “Tôi là giám mục”, hay “Tôi là giáo dân” – “Tôi thuộc Công giáo Tiến hành, tôi thuộc Dòng Đức Bà nọ, tôi là thành viên của Phong trào Focolare”. Không, họ chỉ nói: “Tôi là một Kitô hữu”. Ngày nay cũng vậy, trong một thế giới ngày càng bị tục hóa, điều thực sự phân biệt chúng ta, với tư cách là Dân Chúa, là đức tin của chúng ta vào Chúa Kitô, chứ không phải do chính bậc sống của chúng ta. Chúng ta là những người đã được Rửa tội; chúng ta là Kitô hữu; chúng ta là môn đệ của Chúa Giêsu. Mọi thứ khác chỉ là thứ yếu. “Nhưng thưa cha, linh mục thì cũng vậy sao?” – “Đúng vậy, linh mục cũng là thứ yếu” – “Còn giám mục thì sao?” – “Vâng, giám mục cũng là thứ yếu” – “Ngay cả một Hồng y?” – “Cũng là thứ yếu thôi”.
Việc cùng thuộc về Chúa Kitô làm cho tất cả chúng ta trở thành anh chị em với nhau. Như Công đồng Vatican II đã khẳng định, “khi được Thiên Chúa ưu ái, giáo dân có Đức Kitô như một người Anh cả… như vậy, họ cũng là anh chị em với những người đã lãnh nhận thừa tác vụ thánh… thi hành chức vụ mục tử trong gia đình Thiên Chúa” (Hiến chế Lumen Gentium, 32). Anh chị em với Chúa Kitô, anh chị em với linh mục, anh chị em với mọi người.
Trong viễn ảnh hiệp nhất này về Giáo hội, nơi mà trước hết chúng ta là những Kitô hữu đã được rửa tội, giáo dân sống giữa thế giới và đồng thời thuộc về Dân trung thành của Thiên Chúa. Tài liệu Puebla đã diễn tả điều này một cách độc đáo: giáo dân là những người nam nữ “thuộc về Giáo hội giữa lòng thế giới”, và những người nam nữ “của thế giới trong lòng Giáo hội”[3]. Đúng vậy, người giáo dân được mời gọi sống sứ mạng trước hết ngay trong thực tại trần thế mà họ được dìm vào. Tuy nhiên, điều này không có nghĩa là giáo dân không có khả năng, đặc sủng và năng lực để đóng góp vào đời sống của Giáo hội: trong hoạt động phụng vụ, trong việc dạy giáo lý, giáo dục, trong các cơ cấu quản trị, quản lý tài sản, lập kế hoạch và thực hiện các chương trình mục vụ, v.v… Vì lý do này, nên ngay từ khi còn ở chủng viện, các mục tử phải được đào tạo về sự cộng tác với giáo dân, để sự hiệp thông, như một trải nghiệm sống động, sẽ được phản ánh trong hoạt động của họ như một điều gì đó tự nhiên, chứ không phải là một sự kiện bất thường và ngẫu nhiên. Một trong những điều tồi tệ nhất xảy ra với một mục tử là thiếu ký ức, có nghĩa là quên đoàn chiên, mà vì họ mà mình được kêu gọi. Chúng ta có thể nói với vị mục tử ấy một từ được lặp đi lặp lại nhiều lần trong Kinh thánh: “Hãy nhớ”. “Hãy nhớ anh đã được phát xuất từ đâu, đàn chiên mà anh đã được dẫn đến để phục vụ, và hãy nhớ đến cội nguồn của mình” (x. 2 Tim, 1).
Trải nghiệm chia sẻ trách nhiệm này giữa giáo dân và các mục tử sẽ giúp vượt qua sự phân đôi, nỗi sợ hãi và sự thiếu tin tưởng lẫn nhau. Đã đến lúc các mục tử và giáo dân tiến bước cùng nhau, trong mọi lĩnh vực của đời sống Giáo hội, ở mọi nơi trên thế giới! Giáo dân không phải là những “vị khách” trong Giáo hội; Giáo hội là nhà của họ, vì thế, họ được kêu gọi chăm sóc chính ngôi nhà của mình. Giáo dân, và nhất là phụ nữ, cần được đánh giá cao hơn nữa về kỹ năng cũng như về những món quà nhân bản và tinh thần mà họ mang lại cho đời sống của các giáo xứ và giáo phận. Họ có thể loan báo Tin Mừng qua ngôn ngữ “đời thường” của mình bằng cách tham gia vào nhiều hình thức rao giảng khác nhau. Họ có thể cộng tác với các linh mục trong việc huấn luyện trẻ em và thanh thiếu niên, giúp các cặp đính hôn chuẩn bị hôn nhân, và đồng hành với các cặp vợ chồng trong đời sống hôn nhân và gia đình. Họ phải luôn luôn được hỏi ý kiến khi lên kế hoạch cho các sáng kiến mục vụ mới ở mọi cấp độ, địa phương, quốc gia và toàn cầu. Họ phải có tiếng nói trong các hội đồng mục vụ của các Giáo hội địa phương. Họ phải có mặt trong văn phòng của Giáo phận. Họ có thể hỗ trợ trong việc đồng hành thiêng liêng với các giáo dân khác, đồng thời góp phần vào việc đào tạo các chủng sinh và tu sĩ. Có lần tôi nghe một câu hỏi: “Thưa cha, giáo dân có thể làm linh hướng không?” Thực ra đó là một đoàn sủng giáo dân! Một vị linh hướng có thể là một linh mục, nhưng không phải là một đoàn sủng linh mục; việc đồng hành thiêng liêng, nếu Chúa ban cho anh chị em khả năng thiêng liêng để làm, là một đoàn sủng giáo dân. Và, cùng với các mục tử, giáo dân phải làm chứng tá Kitô giáo trong các môi trường thế tục: nghề nghiệp, văn hóa, chính trị, nghệ thuật, truyền thông xã hội.
Chúng ta có thể diễn đạt theo cách này: giáo dân và mục tử cùng nhau trong Giáo hội, giáo dân và mục tử cùng nhau trong thế giới.
Tôi nhớ đến những trang cuối trong cuốn Méditation sur l’Église (Suy niệm về Giáo hội) của Đức Hồng y Henri de Lubac. Trong đó, ngài giải thích rằng điều tồi tệ nhất có thể xảy ra với Giáo hội là tinh thần thế tục, có thể được gọi là giáo sĩ trị, sẽ là điều “tệ hại hơn bất kỳ chủ nghĩa đạo đức thế tục đơn thuần nào”. Nếu có giờ, anh chị em hãy đọc 3 hoặc 4 trang cuối của cuốn sách này. Trích dẫn nhiều tác giả khác nhau, Đức Hồng y Lubac nhằm cho thấy rằng giáo sĩ trị là điều tồi tệ nhất có thể xảy ra với Giáo hội, thậm chí còn tồi tệ hơn cả giai đoạn nhân tình của giáo hoàng. Giáo sĩ trị phải bị “đuổi ra ngoài”. Một linh mục hay một giám mục rơi vào thái độ này sẽ gây tổn hại lớn cho Giáo hội. Nhưng đó là một căn bệnh truyền nhiễm: thậm chí tệ hơn cả một linh mục hay giám mục rơi vào chủ nghĩa giáo sĩ trị là việc giáo dân bị giáo sĩ hóa. Xin hãy nhớ rằng giáo dân là giáo dân.
Anh chị em thân mến, với vài lời nhắc nhở này, tôi muốn đưa ra một lý tưởng, một nguồn cảm hứng có thể giúp chúng ta tiến bước. Tôi mong tất cả chúng ta ấp ủ trong trái tim và khối óc của mình viễn ảnh tuyệt đẹp này về Giáo Hội: Một Giáo hội hướng tới sứ mạng và là nơi mọi người hiệp lực và cùng nhau bước đi loan báo Tin Mừng. Một Giáo hội mà điều gắn kết chúng ta lại với nhau là căn tính Kitô hữu của chúng ta với tư cách là người đã được rửa tội, chúng ta thuộc về Chúa Giêsu. Một Giáo hội được đánh dấu bởi tình huynh đệ đích thực giữa giáo dân và các mục tử, sát cánh bên nhau mỗi ngày, trong mọi lĩnh vực chăm sóc mục vụ, vì tất cả đều đã được lãnh phép Rửa.
Tôi khuyến khích anh chị em hãy cổ võ trong các Giáo hội của mình những gì anh chị em đã nhận được trong những ngày này, để cùng nhau tiếp tục canh tân Giáo hội và hoán cải truyền giáo. Tôi ưu ái ban phép lành cho tất cả anh chị em và những người thân yêu của anh chị em. Xin anh chị em cũng nhớ cầu nguyện cho tôi. Xin cảm ơn.
Nt. Anna Ngọc Diệp, OP
Dòng Đa Minh Thánh Tâm
Chuyển ngữ từ: vatican.va (18. 02. 2023)
[1] X. Eusebius of Caesarea, Lịch sử Giáo hội, IV, 15, 1-43.
[2] X. Acts of the Martyrdom of Saints Justin and Companions, ch. 1-5: PG 6, 1366-1371.
[3] Đại Hội lần Thứ III của các Giám Mục Mỹ Latinh, Tài liệu cuối cùng, Puebla, 1979, số 786.