ĐÔI NÉT VỀ PHÉP LÀNH URBI ET ORBI
WHĐ (19.12.2022) – Theo truyền thống Giáo hội, hằng năm, Đức Thánh Cha ban phép lành Urbi et Orbi trong dịp Lễ Giáng Sinh và Lễ Phục Sinh.
Sau đây là đôi nét về phép lành Urbi et Orbi.
Ý nghĩa của phép lành Urbi et Orbi
Urbi et orbi, một thuật ngữ quay trở lại thời Đế chế La Mã, trong tiếng Latinh có nghĩa là thành phố (urbi) và thế giới (orbi). Ngày nay, Urbi et orbi diễn tả phép lành long trọng do Đức Thánh Cha dành cho thành Roma và toàn thế giới, ngay sau khi Ngài được bầu chọn, và hàng năm, khi Ngài kết thúc sứ điệp Phục sinh và Giáng sinh. Những tín hữu Công giáo sốt sắng nhận phép lành đặc biệt này, bất kể họ ở đâu, đều có cơ hội nhận được ơn toàn xá.
Bối cảnh của phép lành Urbi et Orbi
Người Roma cổ đại tin rằng họ là đế quốc hùng mạnh và có ảnh hưởng nhất trên thế giới. Các Hoàng đế Roma thường bắt đầu các sắc lệnh của mình bằng những từ urbi et orbi để củng cố sự thống trị trên toàn thế giới của Đế chế Roma, kéo dài từ năm 27 trước Công nguyên cho đến năm 476 sau Công nguyên.
Trong cuốn “A Companion to Early Modern Rome, 1492-1642” tác giả Pamela M. Jones viết rằng:
“Urbi et orbi”- cho thành phố Roma và thế giới- câu mở đầu chuẩn mực của các tuyên ngôn của người Roma cổ đại, đã trở thành và vẫn là phép lành chính thức của Đức giáo hoàng được ban trong những dịp quan trọng. Trong đó có thể kể đến: lần xuất hiện đầu tiên trước công chúng của Đức tân giáo hoàng; sau khi tuyên đọc Sứ điệp Phục sinh và Giáng sinh hằng năm với việc ban các ơn toàn xá. Phép lành Urbi et orbi không chỉ thể hiện thẩm quyền của Đức giáo hoàng với tư cách là Giám mục của Roma và là người đứng đầu Giáo hội Công giáo, mà còn là địa vị độc nhất của Roma như là thủ đô của một tôn giáo hoàn vũ.
Theo tài liệu lịch sử, thuật ngữ urbi et orbi đã được dùng trong Giáo hội Công giáo bắt đầu từ thế kỷ XIII. Khi Chân phước Giáo hoàng Grêgôriô (r. 1271-76) mặc phẩm phục giáo hoàng sau cuộc bầu cử mật nghị, Đức hồng y niên trưởng công bố: “Tôi trao cho ngài chức vụ giáo hoàng Roma với tư cách là vị lãnh đạo của thành phố và thế giới”.
Các vị giáo hoàng kế vị sau đó đã ban phép lành Urbi et orbi vào thời điểm bầu cử và vào những dịp khác như: Lễ Phục sinh, Thứ Năm Tuần Thánh, lễ Thánh Phêrô và Phaolô; dịp Lễ đăng quang Giáo hoàng (từ Vương cung Thánh đường thánh Phêrô), Lễ Thăng thiên (từ Vương cung thánh đường thánh Gioan Laterano), và Lễ Đức Mẹ Mông Triệu (từ Vương cung thánh đường Đức Bà Cả). Phép lành Urbi et orbi vào những ngày lễ đặc biệt tiếp tục cho đến năm 1870.
Vào giữa những năm 1800, khi chính phủ Ý cố gắng hợp nhất một quốc gia nằm trong số những quốc gia và vùng lãnh thổ được kết nối lỏng lẻo của Ý. Các lãnh thổ của Giáo hoàng cắt ngang nước Ý, và Đức Giáo hoàng Pio IX (r. 1846-78) từ chối giao các lãnh thổ đó cho chính phủ Ý. Quân đội Ý bắt đầu chiếm các vùng đất của Giáo hoàng bằng vũ lực, đến ngày 20. 9. 1870, Đức Piô IX rút vào Vatican như là nơi duy nhất mà ngài vẫn còn cai trị. Sau đó, ngài từ chối đi ra ngoài, tự biến mình thành tù nhân của Vatican và do đó đã ban phép lành Urbi et orbi từ bên trong Vương cung thánh đường Thánh Phêrô. Duy trì hành động mang tính phản kháng này, Đức Piô IX và các Đức giáo hoàng kế vị trong 52 năm tiếp theo đều từ chối rời Vatican và tiếp tục ban phép lành Urbi et orbi bên trong Vương cung thánh đường Thánh Phêrô.
Vào ngày 06. 02. 1922, Đức tân Giáo hoàng Piô XI (r. 1922-39) thực hiện việc ban phép lành Urbi et orbi từ ban công bên ngoài Vương cung thánh đường Thánh Phêrô. Nhiều người kết luận rằng đây là dấu chỉ cho thấy Đức Piô XI sẵn sàng chấm dứt tình trạng tù nhân tự áp đặt, và bắt đầu công khai giải quyết các vấn đề với chính phủ Ý, hay còn gọi là Vấn nạn Roma (Roman Question).
Trong những năm gần đây, phép lành Urbi et orbi tiếp tục được ban vào dịp bầu chọn Tân giáo hoàng, và hằng năm vào Lễ Phục Sinh và lễ Giáng Sinh.
Công thức ban phép lành Urbi et orbi
Đức Thánh Cha đọc lời kinh xá giải và công thức ban phép lành toàn xá Urbi et Orbi cho thành Roma và toàn thế giới.
– Xin các thánh tông đồ Phêrô và Phaolô, mà chúng ta tin tưởng vào quyền bính và uy tín của các Ngài, cầu thay cho chúng ta trước mặt Chúa. Amen.
– Nhờ lời cầu nguyện và công nghiệp của Đức Trinh Nữ Maria, tổng lãnh thiên thần Micae, Thánh Gioan Tiền Hô, các thánh tông đồ Phêrô và Phaolô, và tất cả các Thánh, xin Thiên Chúa toàn năng thương xót và tha thứ mọi tội lỗi cho anh chị em, và xin Chúa Giêsu Kitô dẫn đưa anh chị em đến sự sống muôn đời. Amen.
– Xin Thiên Chúa toàn năng và nhân hậu ban cho anh chị em ơn toàn xá, tha tội và xóa bỏ mọi tội lỗi của anh chị em, ban cho anh chị em một mùa sám hối chân thực và hiệu quả, một lòng trong sạch, sửa đổi đời sống, ân sủng và sự an ủi của Chúa Thánh Thần và sự kiên tâm làm việc thiện cho tới cùng. Amen.
– Và xin phúc lành của Thiên Chúa toàn năng, là Cha và Con và Thánh Thần, ngự xuống trên anh chị em và ở lại cùng anh chị em luôn mãi. Amen.
Phép lành Urbi et orbi của Đức tân giáo hoàng
Sau khi được bầu chọn, vị Tân giáo hoàng được dẫn tới ban công chính Đền thờ Thánh Phêrô, và được giới thiệu với các tín hữu đang tập trung tại Quảng trường Thánh Phêrô. Ngài có thể chia sẻ một vài cảm nghĩ và sau đó, ban phép lành Urbi et orbi đặc biệt cho thành Rôma và thế giới.
Tông hiến Universi Dominici Gregis cung cấp những hướng dẫn cho việc bầu chọn giáo hoàng Rôma, giải thích:
Khi các thủ tục khác được quy định trong Mật nghị (Ordo Rituum Conclavis) đã được thực hiện, các Hồng y cử tri tiến lên trước mặt vị tân Giáo hoàng theo cách thức quy định, để thực hiện một hành động tôn kính và vâng phục. Sau đó là nghi thức tạ ơn Thiên Chúa, tiếp đến, vị niên trưởng Hồng Y đẳng Phó Tế thông báo với mọi người đang chờ đợi rằng cuộc bầu cử đã diễn ra và tuyên bố danh hiệu của vị tân Giáo Hoàng. Đức Tân Giáo Hoàng xuất hiện tại ban công của Vương cung thánh đường, ban huấn từ và phép lành Urbi et Orbi cho thành Roma và Thế Giới.” (Số 89).
Những hành động này kết thúc tiến trình bầu chọn giáo hoàng.
Các Đức giáo hoàng cho đến Đức Phaolô VI (r. 1963-78) đều đã có lễ đăng quang, được cử hành long trọng ít ngày sau cuộc bầu cử, trong đó có nghi thức trao vương miện giáo hoàng. Đây là một nghi thức mang tính biểu tượng, vì Đức tân giáo hoàng nhận được thẩm quyền của mình khi đồng ý chấp nhận cuộc bỏ phiếu mật nghị bầu Giáo hoàng. Sau lễ đăng quang, Đức tân giáo hoàng đi tới hành lang chính Vương cung thánh đường Thánh Phêrô và ban phép lành Urbi et orbi trước sự hiện diện của đông đảo dân chúng tại quảng trường.
Tới thời Đức giáo hoàng Gioan Phaolô II, vào năm 1978 lễ đăng quang của ngài được thay thế bằng lễ nhậm chức và không có nghi thức trao vương miện.
Đức giáo hoàng Phanxicô ban phép lành Urbi et orbi ngay sau khi được bầu chọn 3. 2013
Phép lành Urbi et orbi theo dòng thời gian
Được bắt đầu cách đây khoảng 750 năm, các Đức giáo hoàng tiếp tục truyền thống ban phép lành Urbi et orbi. Thông thường, sau khi ra trước ban công chính của Đền thờ thánh Phêrô, Đức Thánh Cha sẽ có một bài huấn dụ trước khi ban phép lành toàn xá Urbi et orbi. Như luật định, điều kiện để lãnh nhận ơn toàn xá là xưng tội, rước lễ, cầu nguyện theo ý Đức Giáo Hoàng, và từ bỏ mọi quyến luyến đối với tội lỗi. Theo lệ thường, hiệu quả của ơn toàn xá là được xoá các hình phạt tạm thời do tội lỗi bản thân. Ngoài ra, theo thời gian, Toà thánh cũng từng bước xác định việc tín hữu tại khắp nơi trên thế giới có thể lãnh nhận phép lành Urbi et orbi qua các phương tiện truyền thông.
– Đức Giáo hoàng Piô XII (r. 1939-58) quyết định rằng những người Công giáo quỳ trước chương trình phát thanh trong nghi thức ban phép lành Urbi et orbi có thể nhận được ơn toàn xá giống như những người hiện diện trực tiếp tại Quảng trường Thánh Phêrô.
– Phép lành Urbi et orbi đầu tiên được truyền hình là vào năm 1958 dưới triều Thánh Giáo Hoàng Gioan XXIII (r. 1958-63).
– Năm 1985, Toà thánh qui định tín hữu có thể lãnh nhận Phép lành toàn xá Urbi et orbi trực tiếp tại quảng trường thánh Phêrô hoặc gián tiếp qua việc nghe truyền thanh, xem truyền hình, hoặc theo dõi qua thiết bị máy tính.
– Trong thời gian gần đây, trước khi Đức Thánh Cha ban phép lành Urbi et orbi, Đức hồng y đẳng phó tế tuyên bố: “Đức Thánh Cha N. ban ơn toàn xá theo hình thức do Giáo hội quy định cho tất cả các tín hữu hiện diện và cho những ai nhận phép lành của ngài qua đài phát thanh, truyền hình và phương tiện truyền thông mới”.
– Thánh Giáo hoàng Gioan Phaolô II (r. 1978-2005) khi trong giai đoạn hồi phục sau ca phẫu thuật mở khí quản vào Lễ Phục sinh năm 2005, dù không nói thành tiếng, ngài vẫn hiện diện để ban phép lành Urbi et orbi, do một vị hồng y tuyên đọc.
Đức Thánh Cha Phanxicô phép lành Urbi et orbi ngoại thường ngày 27. 3. 2020
– Đức Thánh Cha Phanxicô, vào ngày 27. 3. 2020, đã chủ sự khoảnh khắc cầu nguyện nhằm khơi lên niềm hy vọng, kêu gọi nhân loại hướng về Thiên Chúa, và cầu xin chấm dứt đại dịch COVID-19. Buổi cầu nguyện kết thúc với việc chầu Thánh Thể và phép lành Urbi et orbi ngoại thường. Đức Thánh Cha đứng một mình trên các bậc thang của Quảng trường Thánh Phêrô, nâng cao Mặt nhật đựng Mình Thánh Chúa và ban phép lành cho thành phố Roma và thế giới.
D.D. Emmons
Nt. Anna Ngọc Diệp, OP
Dòng Đa Minh Thánh Tâm
Chuyển ngữ từ: thepriest.com (15. 11. 2022)
#pheplanhUrbietorbi