DIỄN VĂN CỦA ĐỨC PHANXICÔ CHO GIÁO TRIỀU RÔMA DỊP MỪNG LỄ GIÁNG SINH 2021:
HÃY ĐỂ CHO BẢN THÂN ĐƯỢC PHÚC ÂM HÓA BẰNG SỰ KHIÊM TỐN
Hôm thứ Năm 23/12/2021, Đức Phanxicô đã có cuộc gặp gỡ truyền thống với Giáo triều Rôma. Trong bài diễn văn của mình, Đức Thánh Cha nhấn mạnh đến đức khiêm tốn và kêu gọi mọi người noi gương hạ mình của Chúa Giêsu để sống điều mà ngài gọi là « phong cách khiêm tốn » trong cuộc sống phục vụ, và đồng thời lưu ý: « Đó là bài học của lễ Giáng Sinh : sự khiêm tốn là điều kiện to lớn của đức tin, của đời sống thiêng liêng, của sự thánh thiện. »
Gợi lên hình ảnh tướng Naaman người Syria, Đức Thánh Cha kêu gọi hãy « có can đảm cởi bỏ áo giáp của mình, trút bỏ bộ áo chức vụ của mình, bộ áo của sự công nhận xã hội, của ánh hào quang trần thế này, và đảm nhận sự hèn mọn của mình ». “Nếu Naaman tự bằng lòng tiếp tục tích trữ huân chương để gắn lên áo giáp của mình, thì cuối cùng ông hẳn bị bệnh phung hủi nuốt chửng : nhìn bề ngoài là đang sống, vâng, nhưng đang bị nhốt kín và cô lập trong căn bệnh của mình“, Đức Thánh Cha nhắc nhớ.
Đối với Đức Thánh Cha, « đó là mối cám dỗ nguy hiểm … về tính trần tục thiêng liêng mà, khác với tất cả các cám dỗ khác, thật khó để lột mặt nạ bởi vì nó được che đậy bởi tất cả những gì thường trấn an chúng ta : chức vụ của chúng ta, phụng vụ, giáo thuyết, lòng đạo ».
Khác với sự kiêu ngạo, phong cách khiêm tốn sẵn sàng đối diện và « không hổ thẹn về sự mong manh của mình ». Người khiêm tốn biết đón nhận quá khứ và mở ra cho tương lai : « Người khiêm tốn chấp nhận bị đặt vấn đề, họ mở ra cho sự mới mẻ, và họ làm như thế bởi vì họ cảm thấy mình mạnh mẽ về những gì đi trước mình, về cội nguồn của mình, về sự thuộc về của mình. Hiện tại của họ được cưu mang bởi một quá khứ vốn mở họ ra với tương lai trong hy vọng. »
Nói về tiến trình hiệp hành mà Giáo hội đang trải qua, Đức Thánh Cha cũng nhấn mạnh cần phải có lòng khiêm tốn để có thể đi vào ba chiều kích « tham gia, hiệp thông và sứ mạng » mà ngài cũng mời gọi « đảm nhận những thách thức của cuộc hoán cải hiệp hành ». Ngài nói thêm : « Chỉ sự khiêm tốn mới có thể đặt chúng ta vào điều kiện thích hợp để gặp gỡ nhau và lắng nghe nhau, để đối thoại và phân định, để cùng nhau cầu nguyện, …. Nếu mỗi người vẫn khép kín trong những xác tín của riêng mình, trong vốn sống của riêng mình, trong vỏ sò của cảm xúc duy nhất của mình và của những ý tưởng cá nhân của mình, thì sẽ thật khó có chỗ cho kinh nghiệm về Chúa Thánh Thần này ». Đối với Đức Thánh Cha, « điều quan trọng là mỗi người cảm thấy mình được dự phần, đồng trách nhiệm trong công việc, mà không cảm thấy mất tư cách khi thực hiện một chương trình do người khác thiết lập… ».
Sau cùng, Đức Thánh Cha kêu gọi « hãy để cho bản thân được phúc âm hóa bằng sự khiêm tốn, bằng sự khiêm tốn của lễ Giáng Sinh, bằng sự khiêm tốn của máng cỏ, của sự nghèo khó và đơn sơ qua đó Con Thiên Chúa đã đi vào trần gian này ».
Dưới đây là toàn văn bài phát biểu của Đức Thánh Cha trước các thành viên của Giáo triều Rôma :
Anh chị em thân mến, chào anh chị em !
Như mọi năm, chúng ta có dịp gặp nhau trước lễ Giáng Sinh một vài ngày. Đây là một cách để nói « to lên » tình huynh đệ của chúng ta thông qua việc trao đổi lời cầu chúc, nhưng đây cũng là thời gian suy tư và xác thực đối với mỗi người chúng ta để ánh sáng của Ngôi Lời làm người cho chúng ta thấy rõ hơn chúng ta là ai và sứ mạng của chúng ta là gì.
Tất cả chúng ta đều biết : mầu nhiệm Giáng Sinh là mầu nhiệm Thiên Chúa đến trong thế gian qua con đường của lòng khiêm tốn. Ngài đã làm người : sự hạ mình (synkatabasis) sâu thẳm này. Thời đại này dường như đã quên đi sự khiêm tốn, hay có vẻ đơn giản đã xếp nó vào một hình thức của chủ nghĩa đạo đức, bằng cách làm cạn kiệt sức mạnh gây đảo lộn vốn được phú cho nó.
Nhưng nếu chúng ta phải diễn tả toàn bộ mầu nhiệm Giáng Sinh bằng một từ duy nhất, thì tôi tin rằng từ « khiêm tốn » sẽ là từ có thể giúp ích nhiều nhất cho chúng ta. Các Tin Mừng gợi lên một khung cảnh nghèo khó và giản dị, không mấy thích hợp cho việc đón tiếp một phụ nữ sắp sinh con. Thế nhưng, Đức Vua của các vua đến trong thế giới này không phải bằng cách thu hút sự chú ý, nhưng bằng cách khơi dậy một sức hút nhiệm mầu nơi tâm hồn của những người cảm thấy sự hiện diện gây đảo lộn của một sự mới mẻ sắp thay đổi lịch sử. Đó là lý do tại sao tôi thích nghĩ và nói rằng sự khiêm tốn đã là cửa vào của Ngài và Ngài mời gọi tất cả chúng ta vượt qua nó. Tôi nhớ đến đoạn này trong tập Linh Thao : chúng ta không thể tiến tới nếu không có sự khiêm tốn, và chúng ta không thể tiến tới, trong sự khiêm tốn, mà không có sự sỉ nhục. Và thánh Inhaxiô bảo chúng ta hãy cầu xin sự sỉ nhục.
Hiểu khiêm tốn là gì không phải dễ. Nó là kết quả của một sự thay đổi mà chính Chúa Thánh Thần hoạt động trong chúng ta xuyên qua lịch sử mà chúng ta đang sống, chẳng hạn như điều đó đã xảy ra cho Naaman người Syria (x. 2V 5). Vào thời ngôn sứ Êlisê, người này rất nổi tiếng. Ông là một vị tướng dũng cảm của quân đội Aram, đã nhiều lần cho thấy sự anh dũng và lòng can đảm của mình. Nhưng bên cạnh danh tiếng, sức mạnh, sự quý trọng, danh dự và vinh quang, người này buộc phải sống với một bi kịch khủng khiếp : ông mắc bệnh phung hủi. Bộ áo giáp của ông, chính nó đã mang lại cho ông vinh quang, trên thực tế, đang che đậy một nhân tính mong manh, bị tổn thương, bệnh tật. Chúng ta thường nhận thấy sự mâu thuẫn này trong cuộc sống của chính mình : đôi khi những năng khiếu tuyệt vời lại là chiếc áo giáp che đậy những mong manh to lớn.
Naaman hiểu được một chân lý cơ bản : chúng ta không thể sống cả đời mình để ẩn núp sau một chức vụ, một vai trò, một sự công nhận của xã hội : cuối cùng, nó sẽ làm hại chúng ta. Có lúc trong cuộc sống, mỗi người đều ao ước không còn sống dưới vỏ bọc hào quang của thế giới này nữa, nhưng trong một cuộc sống chân thành tròn vẹn, không cần thêm áo giáp hay mặt nạ nữa. Ao ước này thúc đẩy vị tướng anh dũng Naaman đi tìm một người có thể giúp đỡ mình, và ông làm như thế theo gợi ý của một nữ nô lệ, một tù nhân chiến tranh người Do Thái, người này nói về một vị Thiên Chúa có khả năng chữa lành những mâu thuẫn như thế.
Sau khi chuẩn bị vàng bạc, Naaman lên đường và đến trước mặt ngôn sứ Êlisê. Ngôn sứ yêu cầu Naaman, như là điều kiện duy nhất để ông được chữa lành, cử chỉ đơn giản là cởi quần áo và tắm rửa bảy lần trong sông Giođan. Không vinh quang, không danh dự, không vàng, không bạc ! Ân sủng cứu độ là ơn nhưng không, nó không bị giảm thiểu thành giá trị của những thứ trên đời này.
Naaman kháng cự lại lời yêu cầu này, đối với ông, nó có vẻ quá tầm thường, quá đơn sơ, quá dễ chấp nhận được. Dường như sức mạnh của sự đơn sơ không có chỗ trong trí tưởng tượng của ông. Nhưng lời của những người đầy tớ của ông khiến ông đổi ý : « Giả như ngôn sứ bảo cha làm một điều gì khó, chẳng lẽ cha lại không làm? Phương chi ngôn sứ chỉ nói: Ông hãy đi tắm, thì sẽ được sạch » (2V 5, 13). Naaman chịu thua và, bằng một cử chỉ khiêm tốn, ông « đi xuống », cởi bỏ áo giáp và dìm mình vào dòng sông Giođan, « lúc đó da thịt ông lại trở nên như da thịt một trẻ nhỏ. Ông đã được sạch ! » (2V 5, 14). Bài học thật lớn lao ! Lòng khiêm tốn bóc trần con người của mình, theo lời của Chúa, đã mang lại sự chữa lành cho Naaman.
Câu chuyện của Naaman nhắc cho chúng ta rằng lễ Giáng Sinh là một thời điểm mà mỗi người chúng ta phải có can đảm cởi bỏ áo giáp của mình, trút bỏ bộ áo chức vụ của mình, bộ áo của sự công nhận xã hội, của ánh hào quang trần thế này, và đảm nhận sự hèn mọn của mình. Chúng ta có thể làm điều này từ một mẫu gương mạnh mẽ hơn, thuyết phục hơn và có uy tín hơn : mẫu gương của con Thiên Chúa, Đấng đã không ngại khiêm tốn « đi xuống » trong lịch sử bằng cách làm người, trở nên một hài nhi mong manh, được vấn tã và nằm trong máng cỏ (x. Lc 2, 16). Trút bỏ bộ áo, những đặc ân đặc quyền, vai trò và chức danh của chúng ta, tất cả chúng ta đều là những người phung hủi, tất cả chúng ta cần được chữa lành. Lễ Giáng Sinh là ký ức sống động về nhận thức này và nó giúp chúng ta hiểu ký ức này sâu xa hơn.
Anh chị em thân mến, nếu chúng ta quên con người của chúng ta, thì chúng ta chỉ sống nhờ những danh dự của bộ áo giáp của mình. Thế nhưng, Chúa Giêsu nhắc cho chúng ta một chân lý khó chịu và gây bối rối : « Vì được cả thế giới mà phải thiệt mất mạng sống, thì người ta nào có lợi gì? » (Mc 8, 36).
Đó là mối cám dỗ nguy hiểm – tôi đã nhắc lại nó trong những dịp khác – về tính trần tục thiêng liêng mà, khác với tất cả các cám dỗ khác, thật khó để lột mặt nạ bởi vì nó được che đậy bởi tất cả những gì thường trấn an chúng ta : chức vụ của chúng ta, phụng vụ, giáo thuyết, lòng đạo. Tôi đã viết trong Evangelii gaudium : « Trong bối cảnh này, được nuôi dưỡng thói hư danh của những người bằng lòng với việc có chút quyền lực nào đó và thích làm tướng quân đội thất trận hơn là chỉ làm lính quèn của một đại đội tiếp tục chiến đấu. Biết bao lần chúng ta mơ mộng về những kế hoạch tông đồ, bành trướng, tỉ mỉ và bài bản, điển hình của những bại tướng ! Như thế chúng ta chối bỏ lịch sử Giáo hội của chúng ta, một lịch sử vinh quang vì nó là lịch sử của những hy sinh, của hy vọng, của cuộc chiến đấu hàng ngày, của cuộc đời tiêu hao trong phục vụ, của sự kiên trì trong công việc vất vả, bởi vì mọi công việc đều được thực hiện với « mồ hôi nước mắt của chúng ta ». Ngược lại, chúng ta kề cà như những kẻ kiêu căng dạy bảo những gì « chúng ta phải làm » – tội « chúng ta phải làm » – như những bậc thầy tu đức và các chuyên viên mục vụ đưa ra những chỉ dẫn trong khi vẫn ở ngoài cuộc. Chúng ta không ngừng nuôi dưỡng trí tưởng tượng của mình và chúng ta mất liên lạc với thực tại đau đớn của đoàn dân tín hữu của chúng ta » (số 96).
Khiêm tốn là khả năng biết ở với nhân tính của chúng ta mà không tuyệt vọng, nhưng cách hiện thực, vui tươi và hy vọng ; sự khiêm tốn này được Chúa yêu thích và chúc lành. Khiêm tốn hệ tại hiểu rằng chúng ta không được hổ thẹn về sự mong manh của mình. Chúa Giêsu dạy chúng ta biết nhìn vào sự khốn khổ của chúng ta bằng chính tình yêu và sự dịu dàng mà chúng ta dành cho một em bé mỏng manh đang cần mọi thứ. Không có lòng khiêm tốn, chúng ta sẽ tìm cách trấn an bản thân, và có lẽ chúng ta sẽ đạt được điều đó, nhưng chắc chắn chúng ta sẽ không tìm thấy điều gì cứu chúng ta, điều gì có thể chữa lành chúng ta. Muốn tự trấn an mình là kết quả đồi bại nhất của tính trần tục thiêng liêng vốn cho thấy sự thiếu đức tin, đức cậy và đức mến, và trở nên không có khả năng phân định chân lý của sự việc. Nếu Naaman tự bằng lòng tiếp tục tích trữ huân chương để gắn lên áo giáp của mình, thì cuối cùng ông hẳn bị bệnh phung hủi nuốt chửng : nhìn bề ngoài là đang sống, vâng, nhưng đang bị nhốt kín và cô lập trong căn bệnh của mình. Ông can đảm tìm kiếm những gì có thể cứu ông chứ không phải những gì làm ông thỏa lòng trong tức thời.
Tất cả chúng ta đều biết rằng trái ngược với khiêm tốn là kiêu ngạo. Một câu nói của ngôn sứ Malakhi, một câu đã đánh động tôi rất nhiều, trái lại giúp chúng ta hiểu sự khác biệt giữa con đường khiêm tốn và con đường kiêu ngạo : « Vì này Ngày ấy đến, đốt cháy như hỏa lò. Mọi kẻ kiêu ngạo và mọi kẻ làm điều gian ác sẽ như rơm rạ. Ngày ấy đến sẽ thiêu rụi chúng – Đức Chúa các đạo binh phán – không còn chừa lại cho chúng một rễ hay cành nào » (3, 19).
Ngôn sứ sử dụng một hình ảnh gợi hình để mô tả rõ thói kiêu ngạo : ông nói, nó giống như rơm rạ. Khi gặp lửa, rơm biến thành tro, nó cháy, nó biến mất. Và ông cũng nói với chúng ta rằng những ai sống cậy dựa vào thói kiêu ngạo sẽ thấy mình bị tước đi những gì quan trọng nhất đối với chúng ta : gốc rễ và chồi non. Gốc rễ gợi lên mối liên hệ sống động của chúng ta với quá khứ mà từ đó chúng ta rút ra nhựa sống để có thể sống hiện tại. Chồi non là hiện tại không chết đi nhưng trở thành ngày mai, tương lai. Sống trong hiện tại mà không có gốc rễ hay chồi non, đó là sống sự kết thúc. Như thế, kẻ kiêu ngạo, khép kín trong thế giới nhỏ bé của mình không còn quá khứ hay tương lai nữa, họ không còn gốc rễ hay chồi non nữa, họ sống với mùi vị cay đắng của nỗi buồn chán cằn cỗi vốn đang xâm chiếm tâm hồn như là « thứ tinh túy phong phú nhất của ma quỷ » (G. Bernanos, Journal d’un curé de campagne, Paris 1974, p. 135.). Trái lại, người khiêm tốn sống liên lỉ được hướng dẫn bởi hai động từ : nhớ lại – gốc rễ – và sinh sản, hoa trái của gốc rễ và chồi non, và do đó họ sống sự cởi mở vui tươi của sự phong nhiêu.
Về mặt từ nguyên, nhớ lại có nghĩa là « mang trở lại trái tim », [ri-cordare]. Ký ức sống động mà chúng ta có về Truyền Thống, về cội nguồn của chúng ta, không phải là sự sùng bái quá khứ nhưng là một chuyển động nội tâm qua đó chúng ta liên lỉ mang mang trở lại trái tim những gì đã đi trước chúng ta, những gì đã ngang qua lịch sử của chúng ta, những gì đã dẫn chúng ta đến ngày hôm nay. Nhớ lại không có nghĩa là lặp lại, nhưng là rút ra bài học, làm sống lại và, cách biết ơn, để cho sức mạnh của Chúa Thánh Thần hun nóng tâm hồn ta, như các môn đệ đầu tiên (x. Lc 24, 32).
Nhưng để việc nhớ lại không trở thành một ngục tù của quá khứ, chúng ta cần một động từ khác : sinh sản. Người nam người nữ khiêm tốn cũng quan tâm đến tương lai, chứ không chỉ đến quá khứ, bởi vì họ biết nhìn về phía trước, họ biết nhìn thấy những chồi non, với một ký ức đầy lòng biết ơn. Người khiêm tốn sinh sản, mời gọi và thúc đẩy đến những gì chưa được biết đến. Trái lại, kẻ kiêu ngạo lặp đi lặp lại, cứng nhắc – sự cứng nhắc là một sự bại hoại, đó là một sự bại hoại có tính thời sự – và tự nhốt mình trong sự lặp đi lặp lại của mình, họ cảm thấy chắc chắn về những gì mình biết và sợ sự mới mẻ bởi vì họ không thể làm chủ được nó. Họ cảm thấy mình bất ổn trước sự mới mẻ…bởi vì họ đã đánh mất ký ức.
Người khiêm tốn chấp nhận bị đặt vấn đề, họ mở ra cho sự mới mẻ, và họ làm như thế bởi vì họ cảm thấy mình mạnh mẽ về những gì đi trước mình, về cội nguồn của mình, về sự thuộc về của mình. Hiện tại của họ được cưu mang bởi một quá khứ vốn mở họ ra với tương lai trong hy vọng. Trái với kẻ kiêu ngạo, họ biết rằng không phải công trạng cũng không phải « những thói quen tốt » của họ là nguyên lý và nền tảng của hiện hữu của họ ; vì thế, họ có khả năng tin tưởng ; kẻ kiêu căng không có điều đó.
Tất cả chúng ta đều được mời gọi đến sự khiêm tốn vì chúng ta được kêu gọi nhớ lại và sinh sản, chúng ta được kêu gọi tái khám phá mối tương quan đúng đắn của chúng ta với cội rễ và chồi non. Không có chúng, chúng ta sẽ bệnh hoạn và phải biến mất.
Khi đến trong trần gian qua con đường khiêm tốn, Chúa Giêsu mở ra một con đường. Ngài chỉ ra cho chúng ta một cách làm, Ngài cho chúng ta thấy một mục đích.
Anh chị em thân mến, nếu quả thực không có lòng khiêm tốn, thì chúng ta không thể gặp được Thiên Chúa cũng như không thể cảm nghiệm về ơn cứu độ, cũng đúng là nếu không có lòng khiêm tốn, thì chúng ta không thể gặp được tha nhân, người anh em chị em bên cạnh chúng ta.
Ngày 17 tháng Mười vừa qua, chúng ta đã khai mạc tiến trình hiệp hành vốn dấn thân chúng ta trong hai năm tới. Ở đây một lần nữa, chỉ sự khiêm tốn mới có thể đặt chúng ta vào điều kiện thích hợp để gặp gỡ nhau và lắng nghe nhau, để đối thoại và phân định, để cùng nhau cầu nguyện, như Đức Hồng y Niên Trưởng đã chỉ ra. Nếu mỗi người vẫn khép kín trong những xác tín của riêng mình, trong vốn sống của riêng mình, trong vỏ sò của cảm xúc duy nhất của mình và của những ý tưởng cá nhân của mình, thì sẽ thật khó có chỗ cho kinh nghiệm về Chúa Thánh Thần này mà, như thánh Tông đồ đã nói, được gắn liền với xác tín rằng tất cả chúng ta đều là con cái của « một Thiên Chúa duy nhất, Cha của mọi người, Đấng ngự trên mọi người, qua mọi người và trong mọi người » (Êp 4, 6).
« Mọi người » không phải là một từ khó hiểu ! Óc giáo sĩ trị, một cám dỗ như thế – bại hoại – len lỏi trong chúng ta hàng ngày, khiến chúng ta luôn nghĩ đến một Thiên Chúa chỉ nói với một số người, trong khi những người khác chỉ phải lắng nghe và thực thi. Thượng hội đồng tìm cách trở nên kinh nghiệm cảm thấy rằng tất cả chúng ta đều là những thành viên của một dân lớn lao hơn : Dân Thánh trung tín của Thiên Chúa, và do đó các môn đệ, những người lắng nghe và, chính nhờ sự lắng nghe này, cũng có thể hiểu được thánh ý của Thiên Chúa luôn được biểu lộ theo cách thức không thể dự kiến. Tuy nhiên, sẽ là một sai lầm khi nghĩ rằng Thượng hội đồng sẽ là một biến cố dành riêng cho Giáo hội như là một thực thể trừu tượng và xa rời chúng ta. Tính hiệp hành là một phong cách mà chúng ta phải đi theo, nhất là chúng ta, những người đang ở đây và đang sống kinh nghiệm phục vụ Giáo hội hoàn vũ qua công việc ở Giáo triều Rôma.
Và Giáo triều – chúng ta đừng quên – không chỉ là một công cụ hậu cần và hành chính cho các nhu cầu thiết yếu của Giáo hội hoàn vũ, nhưng còn là cơ quan đầu tiên được mời gọi làm chứng. Chính vì thế mà nó luôn có uy tín và hữu hiệu hơn khi chính nó đảm nhận những thách thức của cuộc hoán cải hiệp hành mà nó cũng được mời gọi. Việc tổ chức mà chúng ta phải triển khai thực hiện không phải theo mô hình của doanh nghiệp, nhưng theo mô hình của Tin Mừng.
Đó là lý do tại sao, nếu Lời Chúa nhắc cho toàn thế giới giá trị của sự nghèo khó, thì chúng ta, các thành viên của Giáo triều, chúng ta phải là những người đầu tiên dấn thân vào cuộc hoán cải theo lối sống giản dị. Nếu Tin Mừng loan báo công lý, thì chúng ta phải là những người đầu tiên tìm cách sống minh bạch, không thiên vị và không thân hữu vụ lợi. Nếu Giáo hội đi theo con đường hiệp hành, thì chúng ta phải là những người đầu tiên hoán cải theo một phong cách làm việc khác, cộng tác, hiệp thông. Và điều đó chỉ có thể thông qua con đường của sự khiêm tốn. Không có sự khiêm tốn, chúng ta sẽ không thể thực hiện điều đó.
Lúc khai mạc Thượng hội đồng, tôi đã sử dụng ba từ khóa : tham gia, hiệp thông và sứ mạng. Và chúng sinh ra từ một tâm hồn khiêm tốn : không có sự khiêm tốn, chúng ta không thể tham gia, hiệp thông hay sứ mạng. Những từ này là ba đòi hỏi mà tôi muốn chỉ ra như là phong cách khiêm tốn mà cần phải hướng tới, ở đây, tại Giáo triều. Ba cách thức để tiến tới trong sự khiêm tốn, một con đường cụ thể cần đưa vào thực hành.
Trước tiên, sự tham gia. Nó phải được diễn tả qua một phong cách đồng trách nhiệm. Chắc chắn, trong sự đa dạng của các vai trò và thừa tác vụ, trách nhiệm là khác nhau, nhưng điều quan trọng là mỗi người cảm thấy mình được dự phần, đồng trách nhiệm trong công việc, mà không cảm thấy mất tư cách khi thực hiện một chương trình do người khác thiết lập. Tôi luôn bị đánh động khi tôi bắt gặp được tính sáng tạo ở Giáo triều – tôi thực sự thích điều đó – nó thường được biểu lộ, nhất là ở nơi chúng ta giao và tìm thấy chỗ cho mỗi người, ngay cả những người mà, về mặt phẩm trật, xem ra chiếm một chỗ ngoài rìa. Tôi cảm ơn anh chị em về những mẫu gương này – tôi nhận thấy chúng, và tôi thích điều đó – và tôi khuyến khích anh chị em làm việc để chúng ta có thể tạo ra các động lực cụ thể trong đó tất cả mọi người đều cảm thấy mình tham gia tích cực vào sứ mạng cần được hoàn thành. Quyền bính trở thành phục vụ khi nó chia sẻ, bao hàm và giúp lớn lên.
Từ thứ hai là hiệp thông. Nó không được diễn tả theo ngôn ngữ đa số hay thiểu số, nhưng, về cơ bản, nó nảy sinh từ mối tương quan với Chúa Kitô. Chúng ta sẽ không bao giờ có một phong cách Tin Mừng trong môi trường của chúng ta nếu không phải bằng cách đặt Chúa Kitô ở trung tâm chứ không phải phe nay hay phe kia, ý kiến này hay ý kiến kia : Chúa Kitô ở trung tâm. Chúng ta đông người làm việc với nhau, nhưng những gì củng cố sự hiệp thông, đó là cũng có thể cầu nguyện với nhau, lắng nghe Lời Chúa với nhau, xây dựng các mối tương quan vốn không chỉ thuộc phạm vi công việc mà còn củng cố các mối liên hệ tốt đẹp, các mối liên hệ tốt đẹp giữa chúng ta, bằng cách giúp đỡ lẫn nhau. Không có điều đó, chúng ta có nguy cơ chỉ là những người xa lạ cộng tác, những đối thủ cạnh tranh đang tìm cách nâng cao vị thế của bản thân. Tệ hơn nữa, ở đâu các mối tương quan được thiết lập, thì chúng dường như mang thêm hình thức của một sự đồng lõa dựa trên những lợi ích cá nhân, quên đi lý do chung quy tụ chúng ta. Sự đồng lõa tạo ra chia rẽ, tạo ra phe phái, tạo ra kẻ thù ; sự cộng tác đòi hỏi lòng cao thượng chấp nhận phần hợp tác của chúng ta, cũng như sự mở ra cho công việc nhóm ngay cả với những người không suy nghĩ như chúng ta. Trong sự đồng lõa, chúng ta cùng nhau nhắm đạt được một kết quả bên ngoài. Trong sự cộng tác, chúng ta ở cùng nhau bởi vì chúng ta quan tâm đến thiện ích của người khác và, do đó, của toàn Dân Thiên Chúa mà chúng ta được kêu gọi để phục vụ : chúng ta đừng quên khuôn mặt cụ thể của con người, đừng quên cội nguồn của chúng ta, khuôn mặt cụ thể của những người đã là thầy dạy đầu tiên của chúng ta trong đức tin. Thánh Phaolô đã nói với Timôthê : « Anh hãy nhớ đến mẹ của anh, hãy nhớ đến bà của anh ».
Viễn cảnh hiệp thông đồng thời bao hàm việc nhìn nhận tính đa dạng nơi chúng ta như là một ân huệ của Chúa Thánh Thần. Mỗi lần chúng ta đi lạc khỏi con đường này và chúng ta lẫn lộn giữa hiệp thông và đồng nhất, thì chúng ta làm suy yếu và làm câm lặng sức mạnh ban sự sống của Chúa Thánh Thần ở giữa chúng ta. Thái độ phục vụ yêu cầu chúng ta, thậm chí tôi có thể nói là đòi hỏi, sự hào hiệp và lòng quảng đại nhìn nhận và sống cách vui tươi sự phong phú đa dạng của dân Thiên Chúa ; và không có sự khiêm tốn, thì điều đó là bất khả. Tôi thấy hữu ích khi đọc lại phần đầu của Hiến chế Lumen gentium, các số 8, 12… : dân thánh trung thành của Thiên Chúa. Lấy lại những chân lý này là dưỡng khí cho tâm hồn.
Từ thứ ba là sứ mạng. Nó là điều ngăn chúng ta khép kín nơi chính mình. Người khép kín nơi chính mình « nhìn từ trên cao và từ xa, họ khước từ lời ngôn sứ của anh chị em, họ loại bỏ người cầu xin họ, họ liên tục nêu lên những sai lầm của người khác và bị ám ảnh bởi vẻ bề ngoài. Họ giảm thiểu sự quy chiếu của tâm hồn vào chân trời khép kín của tính nội tại và những lợi ích của họ và, do đó, họ không học được gì từ những tội lỗi của mình và không thực sự mở lòng ra cho ơn tha thứ. Đó là hai dấu hiệu của một người « khép kín » : họ không học được từ tội lỗi của mình và không mở lòng ra cho ơn tha thứ. Đó là một sự bại hoại khủng khiếp dưới vỏ bọc của sự thiện hảo. Cần phải tránh điều đó bằng cách đặt Giáo hội vào chuyển động đi ra khỏi chính mình, vào chuyển động của sứ mạng tập trung vào Chúa Giêsu Kitô, chuyển động dấn thân cho người nghèo » (Evangelii gaudium, số 97). Chỉ một tâm hồn mở ra cho sứ mạng mới bảo đảm rằng tất cả những gì chúng ta làm ad intra (đối nội) và ad extra (đối ngoại) đều luôn được đánh dấu bởi sức mạnh tái sinh từ tiếng gọi của Chúa. Và sứ mạng luôn bao hàm niềm đam mê dành cho người nghèo, tức là cho những ai đang « thiếu thốn » : những người « thiếu thốn » điều gì đó, không chỉ về mặt vật chất, mà còn tinh thần, tình cảm và đạo đức. Ai đói bánh ăn và khao khát ý nghĩa cũng đều là người nghèo. Giáo hội được mời gọi ra đi để gặp gỡ mọi loại người nghèo khổ, Giáo hội được kêu gọi loan báo Tin Mừng cho mọi người bởi vì tất cả chúng ta, cách này hay cách khác, đều là người nghèo, chúng ta đều thiếu thốn. Nhưng Giáo hội cũng đến gặp gỡ họ vì chúng ta thiếu thốn họ : chúng ta thiếu thốn tiếng nói của họ, sự hiện diện của họ, những vấn đề và những thảo luận của họ. Người có tâm hồn truyền giáo cảm thấy rằng họ thiếu thốn người anh em của mình và, với thái độ của người hành khất, họ đến gặp gỡ người anh em. Sứ mạng khiến chúng ta dễ bị tổn thương – điều đó thật là đẹp, sứ mạng khiến chúng ta dễ bị tổn thương – nó giúp chúng ta nhớ lại thân phận môn đệ của chúng ta và luôn cho phép chúng ta tái khám phá niềm vui của Tin Mừng.
Tham gia, sứ mạng và hiệp thông là những đặc điểm của một Giáo hội khiêm tốn lắng nghe Chúa Thánh Thần và đặt trung tâm của mình ở bên ngoài chính mình. Henri de Lubac đã nói : « Trước con mắt thế gian, Giáo hội, giống như Chúa của mình, luôn có dáng vẻ của một nô lệ. Giáo hội hiện hữu tại thế dưới hình dạng của một người nô bộc. […] Giáo hội không phải là một viện hàn lâm của các nhà khoa học, cũng không phải một hội những nhà tâm linh tinh tế, cũng không phải là tập hợp những siêu nhân. Giáo hội hoàn toàn ngược lại. Những người tàn tật, dị dạng, khốn khổ đủ loại đều tập hợp ở đó, những kẻ xoàng xĩnh tầm thường đều chen chúc ở đó […] ; đối với con người tự nhiên, bao lâu một sự biến đổi tận căn chưa được thực hiện nơi nó, thì thật khó, hay đúng hơn là không thể, nhận ra nơi thực tế này sự hoàn thành của việc tự hủy mang lại ơn cứu độ, dấu vết tuyệt vời của sự khiêm tốn của Thiên Chúa » (Méditations sur l’Eglise, tr. 352).
Để kết thúc, tôi muốn chúc anh chị em, và cho tôi trước tiên, hãy để cho bản thân được phúc âm hóa bằng sự khiêm tốn, bằng sự khiêm tốn của lễ Giáng Sinh, bằng sự khiêm tốn của máng cỏ, của sự nghèo khó và đơn sơ qua đó Con Thiên Chúa đã đi vào trần gian này. Ngay cả các Đạo sĩ, mà chúng ta có thể nghĩ rằng họ khá giả hơn Đức Maria và thánh Giuse hay các mục đồng ở Bêlem, đều phủ phục thờ lạy khi đến trước Hài Nhi (x. Mt 2, 11). Họ phủ phục thờ lạy. Đó không chỉ là một cử chỉ thờ lạy, đó là một cử chỉ khiêm tốn. Các Đạo sĩ ở cùng bình diện như Thiên Chúa khi phủ phục sát đất. Và sự tự hủy (kénose) này, sự cúi xuống, sự hạ mình (synkatabasis) này cũng chính là điều mà Chúa Giêsu đã thực hiện vào tối cuối cùng trong cuộc sống trần thế của mình, khi Ngài « đứng dậy, rời bàn ăn, cởi áo ngoài ra, và lấy khăn mà thắt lưng. Rồi Đức Giê-su đổ nước vào chậu, bắt đầu rửa chân cho các môn đệ và lấy khăn thắt lưng mà lau » (Ga 13, 4-5). Sự hốt hoảng mà cử chỉ ngày gây ra đã làm cho Phêrô phản ứng, nhưng cuối cùng chính Chúa Giêsu đã cho các môn đệ chìa khóa đúng đắn để đọc cử chỉ này : « Anh em gọi Thầy là “Thầy”, là “Chúa”, điều đó phải lắm, vì quả thật, Thầy là Thầy, là Chúa. Vậy, nếu Thầy là Chúa, là Thầy, mà còn rửa chân cho anh em, thì anh em cũng phải rửa chân cho nhau. Thầy đã nêu gương cho anh em, để anh em cũng làm như Thầy đã làm cho anh em » (Ga 13, 13-15).
Anh chị em thân mến, khi nhớ lại căn bệnh phung hủi của chúng ta, khi chạy trốn những lôgíc của tính trần tục vốn lấy đi khỏi chúng ta những gốc rễ và chồi non, chúng ta hãy để cho bản thân được phúc âm hóa bởi sự khiêm tốn của Hài Nhi Giêsu. Chỉ khi phục vụ và xem công việc của mình như là một sự phục vụ thì chúng ta mới thực sự có thể hữu ích cho mọi người. Chúng ta ở đây – tôi là người đầu tiên – để học quỳ gối và thờ lạy Chúa trong sự khiêm tốn của Ngài, chứ không phải những vị chúa khác trong sự giàu có trống rỗng của họ. Chúng ta giống như các mục đồng, chúng ta giống như các Đạo sĩ, chúng ta giống như Chúa Giêsu. Đó là bài học của lễ Giáng Sinh : sự khiêm tốn là điều kiện to lớn của đức tin, của đời sống thiêng liêng, của sự thánh thiện. Xin Chúa ban ơn đó cho chúng ta, từ sự biểu lộ đầu tiên của Chúa Thánh Thần trong chúng ta : lòng ao ước. Những gì chúng ta không có, ít ra chúng ta có thể bắt đầu ao ước nó. Và cầu xin Chúa ơn có thể ao ước, trở nên những người nam và người nữ có lòng ao ước lớn lao. Và lòng ao ước, đó là Chúa Thánh Thần đã hoạt động trong mỗi người chúng ta.
Chúc mọi người Giáng Sinh vui vẻ ! Và tôi xin anh chị em cầu nguyện cho tôi. Cảm ơn anh chị em !
Để nhớ đến lễ Giáng Sinh này, tôi muốn để lại một số cuốn sách… Nhưng để đọc chúng, chứ không cất chúng trong thư viện, cho những người thân của chúng ta sẽ tiếp nhận gia sản !Trước tiên, cuốn sách của một nhà thần học lớn, vô danh vì quá khiêm tốn, phó thư ký của Bộ Giáo lý Đức tin, Đức cha Armando Matteo, ngài đã suy tư một chút về một hiện tượng xã hội và theo cách thức mà nó liên quan đến việc mục vụ. Cuốn sách có tên Convertir Peter Pan. Về số phận của đức tin trong xã hội của tuổi trẻ vĩnh hằng này. Nó rất khiêu khích, nó hữu ích. Cuốn sách thứ hai là cuốn sách về các nhân vật thứ yếu hay bị quên lãng của Thánh Kinh, của Cha Luigi Maria Epicoco : La pierre rejetée, và phụ đề Quand les oubliés se sauvent. Thật hay. Nó dành cho suy niệm, cho cầu nguyện. Khi đọc nó, nó đã nhắc cho tôi câu chuyện của Naaman người Syria mà tôi đã nói đến. Và cuốn thứ ba là của Đức Khâm sứ Tòa Thánh, Đức cha Fortunatus Nwachukwu, mà anh chị em đều biết rõ. Ngài đã suy tư về những câu chuyện ngồi lê đôi mách, và tôi thích những gì ngài đã trình bày : các chuyện ngồi lê đôi mách làm cho căn tính « tan chảy ». Tôi để cho anh chị em ba cuốn sách này, và tôi hy vọng rằng chúng sẽ giúp tất cả chúng ta tiến tới. Cảm ơn anh chị em ! Cảm ơn về công việc và sự cộng tác của anh chị em. Cảm ơn.
Và chúng ta xin Mẹ của sự khiêm tốn dạy cho chúng ta trở nên khiêm tốn : « Kính mừng Maria đầy ơn phúc… »
[Phép lành]
Tý Linh chuyển ngữ từ vatican.va