ĐTC CẢM ƠN CÁC TU SĨ VÀ GIÁO DÂN
GIÚP ĐỠ NHỮNG NGƯỜI BỊ NHIỄM HIV VÀ SIDA
Vatican News (17.11.2021) – Trong lá thư ngắn gửi cho ông Michael O’Loughlin, nhà báo và người dẫn chương trình podcast về công việc của một số đại diện của Giáo hội trong thời kỳ cao điểm của dịch HIV / SIDA vào những năm 1980 và 1990, Đức Thánh Cha ca ngợi “lòng thương xót” được thể hiện bởi những người này, những người chấp nhận đối mặt với nguy hiểm về nghề nghiệp và danh tiếng của họ.
Ông Michael O’Loughlin là tác giả của một ấn phẩm mới được phát hành có tiêu đề “Lòng thương xót ẩn giấu: SIDA, người Công giáo và những câu chuyện chưa kể về lòng trắc ẩn khi đối mặt với sợ hãi”.
ĐTC cảm ơn các tu sĩ và giáo dân giúp đỡ những người bị nhiễm HIV và SIDA
Những năm 1980 và 1990 là thời gian bùng phát dịch SIDA, khi virus HIV là loại virus chưa được biết đến và có tỷ lệ tử vong gần như 100%.
Lời cảm ơn của Đức Thánh Cha
Trong thư, Đức Thánh Cha cảm ơn nhiều linh mục, nữ tu và giáo dân đã giúp các bệnh nhân HIV và SIDA, ngay cả khi phải trả giá bằng mạng sống. Ngài viết: “Cảm ơn ông đã cho thấy rõ cuộc đời và chứng tá của nhiều linh mục, các nữ tu và giáo dân, những người đã chọn đồng hành, hỗ trợ và giúp đỡ những anh chị em của họ đang bị nhiễm HIV và SIDA dù rất nguy hiểm cho nghề nghiệp và danh tiếng của họ”.
Ngài viết tiếp: “Thay vì thờ ơ, xa lánh và thậm chí lên án, những người này đã để cho lòng thương xót của Chúa Cha đánh động mình và để cho nó trở thành công việc của cuộc đời họ; một lòng thương xót kín đáo, âm thầm và ẩn giấu, nhưng vẫn có khả năng duy trì và phục hồi sự sống cũng như lịch sử cho mỗi chúng ta”.
Định kiến và kỳ thị
Chăm sóc và giúp đỡ bệnh nhân SIDA, bao gồm hỗ trợ tinh thần, là một phần trong sứ mạng của Giáo hội ngày nay, tuy nhiên, trước đây không phải lúc nào cũng như vậy. Vào đầu những năm 1980, khi các nhà khoa học phát hiện ra ở một số bệnh nhân ở Hoa Kỳ sự khởi phát của căn bệnh mới gây chết người – không có triệu chứng ở giai đoạn đầu và rất dễ lây lan – một sự sợ hãi lan rộng nhanh chóng trong xã hội và kết quả là những người bị nhiễm, hay chỉ có khả năng nhiễm, đã bị phân biệt đối xử và kỳ thị.
Tại New York, nơi tỷ lệ mắc SIDA cao, bệnh nhân thậm chí không được nhập viện, đặc biệt là những người đồng tính. Ban đầu SIDA được gọi là “Hội chứng suy giảm miễn dịch liên quan đến người đồng tính”, và trong một thời gian dài, những người đồng tính bị sa thải khỏi nơi làm việc và bị loại khỏi các giáo xứ, vì có nhiều thành viên của hàng giáo phẩm gọi virus là “sự trừng phạt từ Chúa cho hành vi tình dục trái đạo đức”. Chỉ đến năm 1982 căn bệnh này mới được đặt tên là “Hội chứng suy giảm miễn dịch”.
Mẹ Têrêsa
Chính giữa bầu không khí bị từ chối và sợ hãi này, Giáng sinh năm 1985, Mẹ Teresa đã đến gặp Đức Hồng y Terence Cooke, Tổng Giám mục New York, và Mẹ đã thành lập cơ sở “Món quà tình yêu”, nơi đón tiếp và chăm sóc bệnh nhân SIDA.
Hồng Thủy
Nguồn: vaticannews.va/vi/