DIỄN VĂN CỦA ĐỨC PHANXICÔ CHO TỔ CHỨC CENTESIMUS ANNUS – PRO PONTIFICE:
HỌC THUYẾT XÃ HỘI, MỘT KHO TÀNG CỦA TRUYỀN THỐNG GIÁO HỘI
Hôm 23/10/2021, trong buổi tiếp kiến các tham dự viên của hội nghị quốc tế của Tổ chức Centesimus Annus – Pro Pontifice, được tổ chức tại Vatican từ 21 đến 22 tháng Mười năm 2021, với chủ đề: “Liên đới, hợp tác và trách nhiệm: những phương thuốc để đấu tranh chống lại những bất công, bất bình đẳng và loại trừ”, Đức Phanxicô đã kêu gọi “trên mảnh đất bị ô nhiễm bởi sự thống trị của tài chính, chúng ta cần nhiều hạt giống nhỏ làm nảy mầm một nền kinh tế công bằng và ích lợi, nhân bản và xứng đáng với con người”.
Và Đức Thánh Cha mời gọi thực hiện điều đó bằng cách lấy cảm hứng từ học thuyết xã hội của Giáo hội, vốn là “một kho tàng của truyền thống Giáo hội” và cần đưa vào thực hành.
Ngài cũng cho thấy ba từ “liên đới, hợp tác, trách nhiệm” là “ba trục của học thuyết xã hội, một học thuyết coi nhân vị, vốn mở ra cho các mối tương quan, như là đỉnh cao của công trình tạo dựng và là trung tâm của hoạt động xã hội, kinh tế và chính trị. Với cái nhìn quan tâm đến con người và nhạy cảm với các năng động lịch sử cụ thể, học thuyết xã hội đóng góp vào một cái nhìn về thế giới đối lập với cái nhìn của chủ nghĩa cá nhân, trong chừng mực nó được xây dựng trên sự liên kết giữa con người và có mục đích là công ích. Và đồng thời, nó đối lập với cái nhìn chủ nghĩa tập thể, mà ngày nay tái hiện trong một phiên bản mới, được ẩn giấu nơi các dự án hợp thức hóa kỹ trị.”
Đức Thánh Cha nêu rõ: “Đây không phải là một “chuyện chính trị”: học thuyết xã hội bén rễ sâu trong Lời Chúa, để định hướng các tiến trình thăng tiến con người từ niềm tin vào Thiên Chúa làm người. Đó là lý do tại sao chúng ta phải tuân theo nó, yêu thích nó và phát triển nó: một lần nữa chúng ta hãy trở nên say mê học thuyết xã hội, hãy làm cho nó được biết đến vì đó là một kho tàng của truyền thống Giáo hội ! Chính khi nghiên cứu nó mà anh chị em cũng đã cảm thấy được mời gọi dấn thân chống lại những bất bình đẳng đang làm tổn thương cách đặc biệt những người mong manh nhất, và hành động vì một tình huynh đệ thực sự và hiệu quả.” Và đó là “sứ mạng của học thuyết xã hội”.
Tổ chức “Centesimus Annus” này lấy lại tựa đề của thông điệp “Centesimus Annus” (Bách chu niên) của Đức Gioan-Phaolô II, năm 1991, một thông điệp xã hội nhằm kỷ niệm 100 năm ngày thông điệp xã hội đầu tiên ra đời: thông điệp “Rerum novarum” (Tân Sự) của Đức Lêô XIII, năm 1891.
Dưới đây là diễn văn của Đức Thánh Cha:
Anh chị em thân mến, chào anh chị em !
Tôi vui mừng được gặp anh chị em trong khuôn khổ hội nghị quốc tế của anh chị em. Cảm ơn bà Chủ tịch về những lời tốt đẹp của bà – và rõ ràng, như bà vẫn thường làm, rõ ràng -. Trong những ngày này, anh chị em đã bàn về những chủ đề lớn và quan trọng: liên đới, hợp tác và trách nhiệm như là phương thuốc cho sự bất công, bất bình đẳng và loại trừ.
Đó là những suy tư quan trọng, vào một thời kỳ mà sự thiếu chắc chắn và bấp bênh đánh dấu cuộc sống của biết bao con người và cộng đồng càng bị nghiêm trọng hơn bởi một hệ thống kinh tế tiếp tục gạt bỏ mạng sống nhân danh thần tiền bạc, bằng cách khắc sâu những thái độ tham lam đối với tài nguyên của Trái Đất và nuôi dưỡng nhiều hình thức bất công. Đối diện với điều đó, chúng ta không thể dửng dưng. Nhưng câu trả lời cho những bất công và việc bóc lột không chỉ là tố giác ; trước tiên đó là tích cực cổ võ sự thiện: tố giác sự dữ nhưng cổ võ sự thiện.
Và về điều đó, tôi bày tỏ lòng biết ơn đối với anh chị em: đối với các hoạt động mà anh chị em đang thực hiện, đặc biệt trong lãnh vực giáo dục và đào tạo, cách riêng trong việc dấn thân tài trợ cho việc học tập và nghiên cứu đối với giới trẻ về các mô hình phát triển kinh tế và xã hội mới, được cảm hứng từ học thuyết xã hội của Giáo hội. Đây là điều quan trọng, chúng ta cần đến điều đó: trên mảnh đất bị ô nhiễm bởi sự thống trị của tài chính, chúng ta cần nhiều hạt giống nhỏ làm nảy mầm một nền kinh tế công bằng và ích lợi, nhân bản và xứng đáng với con người. Chúng ta cần những khả năng trở thành những thực tại, và những thực tại có thể mang lại hy vọng. Điều đó có nghĩa là đưa học thuyết xã hội của Giáo hội vào thực hành.
Tôi lấy lại từ “sự thống trị của tài chính”. Cách đây bốn năm, một nữ kinh tế gia lớn đã đến gặp tôi , bà cũng có một công việc trong một chính phủ. Và bà đã nói với tôi rằng bà từng cố gắng tạo ra cuộc đối thoại giữa kinh tế, chủ nghĩa nhân văn và đức tin, tôn giáo, và điều đó đã diễn ra tốt đẹp, đó là một cuộc đối thoại diễn ra tốt đẹp và tiếp tục diễn ra tốt đẹp, trong một nhóm suy tư. Bà đã nói với tôi: tôi đã tìm kiếm điều tương tự với tài chính, chủ nghĩa nhân văn và tôn giáo, và chúng tôi thậm chí đã không thể khởi động. Thật thú vị. Điều đó đã làm cho tôi suy nghĩ. Người phụ nữ này đã khiến tôi cảm thấy rằng tài chính là thứ gì đó khó chơi, thứ gì đó “lỏng”, “khí” mà kết thúc giống như một chuỗi thư thánh Antôn (*)…Tôi kể cho anh chị em kinh nghiệm này, có lẽ nó có thể hữu ích cho anh chị em.
Ba từ mà anh chị em đã chọn – liên đới, hợp tác và trách nhiệm – biểu thị ba trục của học thuyết xã hội của Giáo hội, một học thuyết coi nhân vị, vốn mở ra cho các mối tương quan, như là đỉnh cao của công trình tạo dựng và là trung tâm của hoạt động xã hội, kinh tế và chính trị. Với cái nhìn quan tâm đến con người và nhạy cảm với các năng động lịch sử cụ thể, học thuyết xã hội đóng góp vào một cái nhìn về thế giới đối lập với cái nhìn của chủ nghĩa cá nhân, trong chừng mực nó được xây dựng trên sự liên kết giữa con người và có mục đích là công ích. Và đồng thời, nó đối lập với cái nhìn chủ nghĩa tập thể, mà ngày nay tái hiện trong một phiên bản mới, được ẩn giấu nơi các dự án hợp thức hóa kỹ trị.
Nhưng đây không phải là một “chuyện chính trị”: học thuyết xã hội bén rễ sâu trong Lời Chúa, để định hướng các tiến trình thăng tiến con người từ niềm tin vào Thiên Chúa làm người. Đó là lý do tại sao chúng ta phải tuân theo nó, yêu thích nó và phát triển nó: một lần nữa chúng ta hãy trở nên say mê học thuyết xã hội, hãy làm cho nó được biết đến vì đó là một kho tàng của truyền thống Giáo hội ! Chính khi nghiên cứu nó mà anh chị em cũng đã cảm thấy được mời gọi dấn thân chống lại những bất bình đẳng đang làm tổn thương cách đặc biệt những người mong manh nhất, và hành động vì một tình huynh đệ thực sự và hiệu quả.
Liên đới, hợp tác, trách nhiệm: ba từ mà anh chị em đặt ra trong những ngày này như là những trụ cột của những suy tư của anh chị em và nhắc nhớ chính mầu nhiệm của Thiên Chúa Ba Ngôi. Thiên Chúa là sự hiệp thông của các ngôi vị và hướng dẫn chúng ta nhận ra chính mình thông qua sự quảng đại mở ra cho người khác (liên đới), qua việc cộng tác với người khác (hợp tác), qua sự cam kết với người khác (trách nhiệm). Và hướng dẫn chúng ta thực hiện điều đó trong mọi biểu hiện của đời sống xã hội, xuyên qua các mối tương quan, lao động, sự dấn thân dân sự, tương quan với công trình tạo dựng, chính trị: trong tất cả các lãnh vực, ngày nay hơn bao giờ hết, chúng ta bó buộc phải chứng tỏ việc quan tâm đến người khác, ra khỏi chính mình, dấn thân cách nhưng không trong sự phát triển một xã hội công bằng và bình đẳng hơn, trong đó thói ích kỷ và những lợi ích đảng phái không chiếm ưu thế. Và đồng thời chúng ta được mời gọi bảo đảm sự tôn trọng nhân vị, sự tự do của nó, bảo vệ phẩm giá bất khả xâm phạm của nó. Đây là sứ mạng thực hiện học thuyết xã hội của Giáo hội.
Các bạn thân mến, khi thăng tiến các giá trị và phong cách sống này – chúng ta biết – chúng ta thường lội ngược dòng, nhưng – chúng ta hãy luôn nhớ – chúng ta không đơn độc. Thiên Chúa đã trở nên gần gũi với chúng ta. Không phải bằng lời nói, nhưng bằng sự hiện diện của Ngài: trong Chúa Giêsu, Thiên Chúa đã nhập thể. Và với Chúa Giêsu, Đấng đã trở nên người Anh của chúng ta, chúng ta nhận ra nơi mỗi người nam người nữ là một người anh em, chị em. Được sinh động bởi sự hiệp thông phổ quát này, với tư cách là cộng đồng tín hữu, chúng ta có thể cộng tác mà không sợ hãi với mỗi người vì thiện ích của mọi người: không khép kín, không có cái nhìn loại trừ, không thành kiến.
Với tư cách là Kitô hữu, chúng ta được mời gọi đến một tình yêu không biên giới và không giới hạn, một dấu chỉ và chứng tá rằng chúng ta có thể vượt qua các bức tường của sự ích kỷ và lợi ích cá nhân và quốc gia ; vượt lên trên quyền lực của tiền bạc vốn thường quyết định các nguyên nhân của các dân tộc ; vượt lên trên các rào chắn ý thức hệ, vốn chia rẽ và khuếch đại lòng hận thù ; vượt lên trên mọi rào chắn lịch sử và văn hóa và , nhất là, vượt lên trên sự dửng dưng, nền văn hóa dửng dưng này, bất hạnh thay, đang diễn ra hàng ngày. Chúng ta đều có thể tất cả là anh chị em, và vì thế chúng ta có thể và chúng ta phải suy nghĩ và làm việc như là anh chị em của mọi người. Điều đó có vẻ là một điều không tưởng bất khả thực hiện. Thay vào đó, chúng ta muốn tin rằng đó là một ước mơ khả thi, vì đó chính là ước mơ của Thiên Chúa duy nhất và Ba Ngôi. Với sự trợ giúp của Ngài, đó là một ước mơ cũng có thể bắt đầu được thực hiện trên thế giới này.
Vì thế, việc xây dựng một thế giới liên đới hơn, công bằng hơn và bình đẳng hơn là một nhiệm vụ lớn lao. Đối với một tín hữu, đây không phải là điều gì đó thực tế tách rời với giáo thuyết, nhưng đó là cách thể hiện đức tin, thể hiện lời ca ngợi Thiên Chúa, Đấng yêu thương con người, yêu thương sự sống. Vâng, anh chị em thân mến, thiện ích mà anh chị em làm cho mỗi người trên trái đất đều làm vui lòng Thiên Chúa ở trên trời. Hãy tiếp tục con đường của anh chị em cách can đảm. Tôi đồng hành với anh chị em trong lời cầu nguyện của tôi và tôi chúc lành cho anh chị em và sự dấn thân của anh chị em. Và xin đừng quên cầu nguyện cho tôi. Cảm ơn anh chị em.
Tý Linh chuyển ngữ từ fr.zenit.org (23.10.2021)
Ảnh: Vatican Media