ĐTC PHANXICÔ THÚC ĐẨY TIẾN ĐỘ PHONG THÁNH CHO MỘT LINH MỤC ĐÃ CỨU NGƯỜI DO THÁI TRONG THẾ CHIẾN THỨ II
WHĐ (31.8.2021) – Giống như Thánh Maximilian Kolbe, Cha Cortese là một tu sĩ dòng Phanxicô, người đã điều hành một ấn phẩm Công giáo và bị Đức quốc xã tra tấn và sát hại.
Cha Placido Cortese, Dòng Phanxicô viện tu (1907-1944). (ảnh: Il Messprisro di Sant’Antonio qua Wikimedia (CC BY-SA 3.0). / Il Messdowro di Sant’Antonio qua Wikimedia (CC BY-SA 3.0))
Đức Thánh Cha Phanxicô đã thúc đẩy tiến độ vụ án phong thánh cho một tu sĩ dòng Phanxicô, người đã giúp giải cứu rất nhiều người Do Thái trong suốt thời kỳ họ bị truy bắt để đưa vào các trại tập trung.
Cha Placido Cortese được nhớ đến vì đã sử dụng tòa giải tội của mình tại Vương cung thánh đường Thánh An-tôn ở Padua để liên lạc bí mật với một mạng lưới ngầm giúp người Do Thái và tù nhân chiến tranh Anh thoát khỏi sự chiếm đóng của Đức Quốc xã ở Ý.
Được biết đến tại địa phương với cái tên “Cha Kolbe người Ý”, vị linh mục này hiện được Giáo hội Công giáo tôn vinh là đấng “đáng kính” sau khi Đức Thánh Cha công nhận ngài đã sống một cuộc đời “chứng tá đức tin anh hùng” vào ngày 30 tháng 8.
Giống như Thánh Maximilian Kolbe, Cha Cortese là một tu sĩ dòng Phanxicô. Ngài đã điều hành một ấn phẩm Công giáo và bị Đức quốc xã tra tấn và giết chết.
Ngài sinh ra tại Nicolò Cortese vào năm 1907 trên đảo Cres, ngày nay là một phần của Croatia. Năm 13 tuổi, ngài vào tiểu chủng viện với Dòng Phan sinh Viện tu và lấy tên là Placido sau khi tuyên khấn vào năm 1924.
Cha Cortese học thần học tại Trường Thần học St. Bonaventure ở Rôma và được thụ phong linh mục năm 1930 ở tuổi 23. Cha dâng thánh lễ đầu tiên tại Vương cung thánh đường Đức Bà Cả.
Ngài đã dành vài năm phục vụ tại Vương cung thánh đường Thánh An-tôn ở Padua, nơi ngài được bổ nhiệm làm giám đốc tạp chí Công giáo Ý Il Messdowro di Sant’Antonio (Sứ giả của Thánh Antôn), với số lượng độc giả tăng 500.000 dưới sự lãnh đạo của ngài. .
Sau khi quân Đức chiếm đóng Padua, Cha Cortese gia nhập một nhóm ngầm có liên hệ với quân Kháng chiến, sử dụng máy in của mình để làm các tài liệu giả nhằm giúp người Do Thái và binh lính Đồng minh đến được nơi an toàn ở Thụy Sĩ.
Vào tháng 10 năm 1944, hai sĩ quan Đức quốc xã đã lừa Cha Cortese rời khỏi tu viện ở Padua, nơi được bảo vệ như một lãnh thổ ngoài lãnh thổ của Tòa thánh, với lý do giả là có người cần sự giúp đỡ của ngài.
Cha Cortese ngay lập tức bị bắt và đưa đến một trại tập trung ở Trieste, nơi ngài bị tra tấn dã man. Nhưng ngài không tiết lộ tên của bất kỳ cộng sự viên nào của mình, theo lời cha Giorgio Laggioni, phụ tá của ngài.
Sau nhiều tuần bị tra tấn, ngài qua đời trong ngục tù của Đức quốc xã vào tháng 11 năm 1944 ở tuổi 37. Tòa giải tội của ngài tại Vương cung thánh đường Thánh Antôn tại Padua vẫn tiếp tục là nơi cầu nguyện cho đến ngày nay.
Trong một lá thư gửi gia đình, Cha Cortese viết:
“Tôn giáo là một gánh nặng mà người ta không bao giờ thấy mệt mỏi khi mang, nhưng càng ngày càng khiến tâm hồn say mê hướng tới những hy sinh lớn lao hơn, thậm chí đến mức hiến mạng sống của mình để bảo vệ đức tin, thậm chí đến mức chết giữa những cực hình như các vị tử đạo của đạo Thiên Chúa ở những miền đất hải ngoại xa xôi”.
Trong sắc lệnh của Bộ Phong thánh liên quan đến vụ án của Cha Cortese, có hai nữ giáo dân cũng được công nhận vì đức tính anh hùng của họ.
Enrica Beltrame Quattrocchi, một nữ giáo dân người Ý đã qua đời vào năm 2012, cũng đang trong tiến trình phong thánh, cùng với cha mẹ của cô, hai Chân phúc Luigi và Maria Beltrame Quattrocchi, cùng được phong chân phước vào tháng 10 năm 2001.
Không giống như ba người anh chị em của mình, những người từng đi theo ơn gọi tu trì, Enrica sống đức tin Công giáo của mình với tư cách là một người giáo dân độc thân, từng là một giáo viên trung học, một tình nguyện viên giúp đỡ người nghèo và một người chăm sóc cha mẹ khi họ về già.
Trải qua bệnh tật và khó khăn về kinh tế, Enrica vẫn trung thành tham dự thánh lễ hàng ngày và chuyên tâm phục vụ người khác. Bà qua đời ở tuổi 98 sau khi chứng kiến cha mẹ mình được phong chân phước.
Sắc lệnh cũng công nhận Maria Cristina Cella Mocellin (1969-1995), một người mẹ Công giáo đã chọn không hóa trị ung thư khi đang mang thai để cứu sống đứa con thứ ba trong bụng.
“Con là một món quà đối với bố mẹ… Con thật quý giá và khi nhìn vào con, mẹ nghĩ rằng không có đau khổ nào trên thế giới không đáng giá đối với một đứa trẻ”, Maria Cristina viết trong một bức thư gửi cho con mình.
Bà mẹ người Ý này chỉ bắt đầu hóa trị ngay khi con trai bà, Riccardo, chào đời năm 1994, nhưng căn bệnh ung thư đã di căn đến phổi. Cô mất vào ngày 22 tháng 10 năm 1995, ở tuổi 26, để lại ba đứa con thơ.
“Tôi tin rằng Chúa sẽ không cho phép sự đau đớn nếu ngài không muốn có được một điều gì đó và điều ấy là có thật. Tôi tin rằng tôi không thể thực hiện được điều gì vĩ đại hơn là nói với Chúa: Xin Ý Cha được hoàn tất,” cô viết.
“Tôi tin rằng một ngày nào đó tôi sẽ hiểu được ý nghĩa của những đau khổ của mình và tôi sẽ cảm ơn Chúa vì điều đó. Tôi tin rằng nếu không có nỗi đau của tôi, vốn được chịu đựng với sự thanh thản và phẩm giá, thì sự hài hòa của vũ trụ sẽ thiếu đi một thứ gì đó.”
Duc Trung Vu, CSsR, theo National Catholic Register (30.8.2021)