ĐTC cử hành Thánh lễ trọng thể hai thánh Phê-rô và Phao-lô tông đồ
Tham dự Thánh lễ cũng có phái đoàn của Tòa Thượng phụ Chính Thống Constantinople do Đức tổng giám mục Emmanuel Adamakis dẫn đầu, theo truyền thống, hàng năm về Roma tham dự lễ hai thánh Phê-rô và Phao-lô.
Năm nay, 34 tân tổng giám mục sẽ được trao dây Pallium đến từ các nước, Philippines, Brazil (4), Guatemala, Ý (5), Hy Lạp (2), Tây Ban Nha (3), Colombia (3), Pháp, Indonesia, Ấn Độ (4), Canada (2), Thổ Nhĩ Kỳ, Ai Len, Bờ Biển Ngà, Pakistan, Ba Lan, Congo và Nam Phi; nhưng chỉ 12 vị có thể hiện diện trực tiếp trong Thánh lễ.
Làm phép dây Pallium
Bắt đầu Thánh lễ, 4 phó tế xuống trước mộ thánh Phê-rô lấy các dây Pallium đã được đặt trước ở đó và mang lên đặt trước cửa cầu thang xuống hầm mộ.
Dây Pallium là một dây làm bằng lông chiên màu trắng, bề ngang chừng 5 centimét, có 6 hình thánh giá kết bằng tơ màu đen, được đeo ở cổ, có 2 giải ngắn một ở phía trước ngực và một ở phía sau lưng. Len để làm dây Pallium được lấy từ những con chiên màu trắng được các tu sĩ thuộc một tu viện tại giáo xứ thánh Anê, ở đường Nomentana, Roma, nuôi, và hàng năm, cứ đến ngày lễ thánh nữ Anê tử đạo, 21/1, họ mang chiên tới trao cho Đức Thánh Cha và ngài trao lại cho các nữ tu dòng Biển Đức thuộc đan viện thánh Cecilia gần Vatican nuôi để xén lấy lông làm len và đan thành dây Pallium.
Dây Pallium là biểu hiệu cổ kính nhất của Giám Mục. Dây này cũng biểu hiệu sự hiệp thông giữa vị Tổng giám mục chính tòa với Tòa Thánh Phêrô.
Đức Thánh Cha đã làm phép các dây Pallium và sau đó trao cho các tân tổng giám mục vào cuối Thánh lễ và các ngài sẽ chính thức nhận dây này trong một Thánh lễ tại giáo phận của các ngài.
Tự do vì đã được giải thoát
Trong bài giảng, suy tư về chứng tá đức tin của hai vị đại Tông đồ của Tin Mừng và hai cột trụ quan trọng của Giáo hội: Phêrô và Phaolô, Đức Thánh Cha nhận định rằng “ở trung tâm lịch sử của các ngài không phải là tài năng và khả năng của các ngài nhưng là cuộc gặp gỡ với Chúa Kitô, Đấng đã thay đổi cuộc đời các ngài. Các ngài đã sống kinh nghiệm tình yêu chữa lành và giải thoát và vì thế các ngài trở thành các tông đồ và các thừa tác viên giải phóng tha nhân”. Đức Thánh Cha nhấn mạnh rằng hai thánh Phêrô và Phaolô tự do bởi vì các ngài đã được giải thoát.
Thánh Phê-rô được giải thoát khỏi cảm giác bất xứng và thất bại
Đức Thánh Cha giải thích rằng Thánh Phêrô, người ngư phủ ở Galilê, trên hết, được giải thoát khỏi cảm giác bất xứng và cay đắng của thất bại nhờ tình yêu thương vô điều kiện của Chúa Giêsu. “Dù là một ngư phủ chuyên nghiệp, đã nhiều lần giữa đêm đen, thánh nhân nếm trải mùi vị cay đắng của sự thất bại vì không đánh bắt được gì (x. Lc 5, 5; Ga 21, 5) và trước những tấm lưới trống rỗng, ngài bị cám dỗ buông mái chèo; dù mạnh mẽ và nóng nảy, ngài thường bị khuất phục trước nỗi sợ hãi (x. Mt 14, 30); mặc dù là môn đệ nhiệt thành của Chúa, ngài vẫn tiếp tục suy luận theo kiểu thế gian và không thể hiểu và chấp nhận ý nghĩa của Thập giá Chúa Kitô (x. Mt 16,22); dù ngài nói sẵn sàng hiến mạng sống vì Chúa, nhưng chỉ cần bị nghi ngờ là người của Chúa cũng đủ khiến ngài sợ hãi và chối bỏ Thầy (x. Mc 14, 66-72).”
Chúa Giêsu đã yêu thánh Phêrô một cách nhưng không và đặt cược vào ngài
“Tuy nhiên, Chúa Giêsu đã yêu thánh Phêrô một cách nhưng không và đặt cược vào ngài. Chúa khuyến khích ngài đừng bỏ cuộc, hãy thả lưới xuống biển lần nữa, bước đi trên mặt nước, can đảm nhìn vào sự yếu đuối của mình, bước theo Chúa trên con đường Thập giá, hy sinh mạng sống vì anh em mình, chăn dắt đoàn chiên của Người. Vì vậy, Chúa đã giải thoát ngài khỏi nỗi sợ hãi, khỏi những tính toán chỉ dựa trên sự chắc chắn của con người, khỏi những lo lắng của thế gian, ban cho ngài can đảm để mạo hiểm và niềm vui cảm nhận mình là người chài lưới con người. Chúa kêu gọi chính ngài củng cố đức tin cho các anh em (x. Lc 22,32).
Do đó, lịch sử của thánh Phêrô là lịch sử của giải thoát, bẻ gãy xiềng xích, ra khỏi ngục tù giam kín ngài, như lịch sử của dân Israel được giải phóng khỏi ách nô lệ của Ai Cập. Thánh Phêrô sống kinh nghiệm của lễ Vượt Qua: Chúa đã giải thoát ngài.”
Thánh Phaolô được giải thoát khỏi cái tôi, khỏi sự nhiệt thành tôn giáo cứng nhắc
Tiếp tục bài giảng, Đức Thánh Cha nhận xét rằng cả thánh Phaolô cũng cảm nghiệm được sự giải thoát của Chúa Kitô. “Ngài đã được giải phóng khỏi chế độ nô lệ áp bức nhất, của cái tôi của ngài, và khỏi Saulô, tên của vị vua đầu tiên của Israel, để trở thành Phaolô, có nghĩa là “nhỏ bé”. Ngài cũng được giải thoát khỏi lòng nhiệt thành tôn giáo đã khiến ngài nhiệt thành bảo vệ các truyền thống của cha ông (xem Gl 1, 14) và bách hại các Kitô hữu khốc liệt.
Những yếu đuối khó khăn giúp sứ vụ của thánh nhân đạt kết quả hơn
“Việc tuân giữ tôn giáo chính thức và kiên quyết bảo vệ truyền thống, thay vì giúp ngài mở lòng đón nhận tình yêu của Chúa và của anh em, lại khiến ngài trở nên cứng nhắc. Thiên Chúa đã giải thoát ngài khỏi điều này; tuy thế Chúa không miễn chuẩn cho ngài khỏi những yếu đuối và khó khăn, và những điều này giúp cho sứ vụ loan báo Tin Mừng của ngài đạt nhiều thành quả hơn: những vất vả của việc tông đồ, đau bệnh thể lý (x. Gl 4, 13-14); bạo lực và bách hại, đắm tàu, đói khát (x. 2Cr 12, 7-10).
Như thế thánh Phaolô hiểu rằng “những gì thế gian cho là yếu kém, thì Thiên Chúa đã chọn để hạ nhục những kẻ hùng mạnh” (1Cr 1,27); chúng ta có thể làm mọi việc nhờ Người, Đấng ban sức mạnh cho chúng ta (x. Pl 4, 13); và không điều gì có thể tách chúng ta khỏi tình yêu của Nguời (x. Rm 8,35-39). Thánh Phaolô đã có kinh nghiệm về lễ Vượt Qua: Chúa đã giải thoát ngài.”
Được giải thoát nhờ cuộc gặp gỡ Chúa Ki-tô
Từ đó Đức Thánh Cha khẳng định rằng hai vĩ nhân của đức tin này “đã giải phóng quyền năng của Tin Mừng trên thế giới, chỉ vì trước hết các ngài được giải thoát nhờ cuộc gặp gỡ với Chúa Kitô. Nguời không phán xét các ngài, không sỉ nhục các ngài, nhưng yêu thương, gần gũi chia sẻ cuộc sống của các ngài, nâng đỡ các ngài bằng lời cầu nguyện của chính Người và đôi khi nhắc nhở các ngài để giúp các ngài hoán cải. Chúa Giêsu cũng làm như thế với chúng ta: Người bảo đảm với chúng ta về sự gần gũi của Người bằng cách cầu nguyện cho chúng ta và chuyển cầu với Chúa Cha; và nhẹ nhàng trách móc khi chúng ta mắc sai lầm, để chúng ta tìm thấy sức mạnh để đứng dậy và tiếp tục cuộc hành trình.”
Chúng ta luôn cần được giải thoát để được tự do
Đức Thánh Cha nhắc nhở cộng đoàn: “Chúng ta cũng được Chúa chạm đến; chúng ta cũng được giải thoát. Tuy nhiên chúng ta luôn cần được giải phóng, bởi vì chỉ có một Giáo hội tự do mới là một Giáo hội đáng tin cậy. Giống như thánh Phêrô, chúng ta được kêu gọi để được giải thoát khỏi cảm giác thất bại khi đối mặt với việc đánh cá đôi khi không thành công của chúng ta; để thoát khỏi nỗi sợ hãi đang làm chúng ta bất động và khiến chúng ta sợ hãi, khép kín trong sự chắc chắn của chúng ta và cướp đi sự can đảm của lời ngôn sứ. Giống như thánh Phao-lô, chúng ta được kêu gọi để thoát khỏi thói hư vinh giả hình; thoát khỏi sự cám dỗ khoe mình với sức mạnh của thế gian hơn là với sự yếu đuối dành chỗ cho Thiên Chúa; thoát khỏi một tôn giáo khiến chúng ta cứng nhắc và thiếu linh hoạt; thoát khỏi những liên kết mơ hồ với quyền lực và nỗi sợ bị hiểu lầm và tấn công.”
Giáo hội yếu đuối nhưng mạnh mẽ trong sự hiện diện của Thiên Chúa
Đức Thánh Cha nói thêm: “Hai thánh Phê-rô và Phao-lô để lại cho chúng ta hình ảnh một Giáo hội được giao phó trong tay chúng ta, nhưng được Chúa hướng dẫn bằng lòng trung thành và tình yêu dịu dàng. Một Giáo hội yếu đuối, nhưng lại tìm thấy sức mạnh trong sự hiện diện của Thiên Chúa. Một Giáo hội được giải phóng tự do và có khả năng mang lại cho thế giới sự tự do mà tự thế giới không thể mang lại: tự do khỏi tội lỗi và sự chết, khỏi sự cam chịu, khỏi cảm giác bất công và mất hy vọng làm cuộc sống của những người trong thời đại của chúng ta không xứng với nhân phẩm.”
“Chúng ta hãy hỏi: các thành phố của chúng ta, xã hội của chúng ta và thế giới của chúng ta cần tự do ở mức độ nào? Bao nhiêu xiềng xích phải được phá vỡ và bao nhiêu cánh cửa đã đóng bấy lâu nay cần được mở! Chúng ta có thể giúp mang lại sự tự do này, nhưng chỉ khi trước tiên chúng ta để cho mình được tự do bởi sự mới mẻ của Chúa Giê-su, và bước đi trong sự tự do của Chúa Thánh Linh.”
Dây Pallium: nhắc nhớ sứ mệnh của mục tử
Kết thúc bài giảng, Đức Thánh Cha hướng về các tân Tổng Giám mục nhận dây Pallium. Ngài nói: “Dấu hiệu hiệp nhất với thánh Phê-rô này nhắc lại sứ mệnh của người mục tử, người hiến mạng sống mình vì đàn chiên. Chính khi hiến mạng sống của mình, mục tử được tự do, trở thành phương tiện mang lại tự do cho anh chị em của mình.”
Dấu hiệu của sự hiệp nhất
Sau đó, chào Phái đoàn từ Tòa Thượng Phụ Constantinople, đại diện cho Đức Thượng phụ Bartolomeo, Đức Thánh Cha nói: “Sự hiện diện được chào đón của anh em là một dấu hiệu quý giá của sự hiệp nhất trên hành trình giải thoát chúng ta khỏi những khoảng cách khiến các tín đồ trong Chúa Ki-tô chia rẽ một cách gương mù gương xấu.”
Vào cuối Thánh lễ, Đức Thánh Cha đã cùng Đức tổng giám mục Emmanuel xuống cầu nguyện trước mộ thánh Phê-rô và sau đó dừng lại cầu nguyện trước tượng đồng thánh Phê-rô ở gian chính đền thờ.
Hồng Thủy
nguồn: Vatican News Tiếng Việt
#ducthanhchacuhanhthanhletrongthe #thanhletrongthehaithanhtongdopherovaphalo