Đức Thánh Cha tiếp kiến chung
Ngày 28.4.2021
ĐỨC THÁNH CHA: SUY NIỆM LÀ MỘT CÁCH ĐỂ GẶP CHÚA GIÊSU
vietnamese.rvasia (28.4.2021) Như thường lệ, sáng thứ Tư, 28/4/2021, Đức Thánh Cha Phanxicô đã thực hiện buổi tiếp kiến chung dưới dạng trực tuyến, vẫn tại thư viện ở dinh Tông Tòa. Tuy nước Ý đã nới rộng các biện pháp hạn chế y tế, nhưng vẫn chưa mở ra cho du khách, nên không có tín hữu hành hương từ nơi khác.
Tôn vinh Lời Chúa
Buổi tiếp kiến mở đầu lúc 9 giờ 15 phút sáng với bài đọc ngắn, trích từ Tin mừng theo thánh Gioan (14,25-26; 16,12-15), ghi lại rằng:
Khi ấy Chúa Giêsu nói với các môn đệ: “Thầy nói với các con những điều ấy khi Thầy còn ở với các con. Nhưng Đấng Bào Chữa, là Thánh Linh mà Cha sẽ sai đến nhân danh Thầy, sẽ dạy các con mọi sự và nhắc nhớ cho các con tất cả những gì Thầy đã nói với các con. […] Có nhiều điều Thầy còn cần nói với các con, nhưng trong lúc này các con không có lãnh hội hết được. Khi Thánh Thần Chân Lý đến, Người sẽ hướng dẫn các con đến sự thật trọn vẹn.”
Bài huấn giáo
Trong bài giáo lý tiếp đó, Đức Thánh Cha đã tiếp tục loạt bài về việc cầu nguyện và bài thứ 31 ngài trình bày hôm 28/4 có chủ đề là: “việc suy niệm”. Đức Thánh Cha nói: Anh chị em thân mến, chào anh chị em!
Ý nghĩa sự suy niệm
Hôm nay, chúng ta nói về một hình thức cầu nguyện là suy niệm. Đối với một Kitô hữu, “suy niệm” là tìm kiếm một tổng hợp: có nghĩa là đặt mình trước trang sách lớn của Mạc Khải để tìm cách biến trang ấy thành của chúng ta, hấp thụ hoàn toàn trang ấy. Và Kitô hữu, sau khi đón nhận Lời Chúa, không khép kín trang ấy trong mình, vì Lời Chúa phải được gặp gỡ một “cuốn sách khác” mà Sách Giáo lý gọi là “cuốn sách cuộc sống” (SGLCG 2705). Đó là điều chúng ta cố gắng làm, mỗi khi chúng ta suy niệm Lời Chúa.
Suy niệm nói chung
Việc thực hành suy niệm được chú ý nhiều trong những năm gần đây. Không phải chỉ các tín hữu Kitô mới nói về vấn đề này: hầu như trong tất cả các tôn giáo trên thế giới cũng thực hành việc suy niệm. Nhưng đây là một hoạt động cũng phổ biến cả nơi những người không có quan niệm tôn giáo về cuộc sống. Tất cả chúng ta đều cần suy niệm, suy tư, tìm lại chính mình. Nhất là trong thế giới dồn dập ở Tây phương, người ta tìm kiếm sự suy niệm vì nó là một con đê cao chống lại sự căng thẳng thường nhật và cái trống rỗng lan tràn khắp nơi. Vì thế, có hình ảnh những người trẻ và người lớn ngồi tịnh niệm, trong thinh lặng, đôi mắt khép lại… Những người ấy đang làm gì thế? Thưa họ suy niệm. Đó là một hiện tượng được nhìn với thiện cảm: thực vậy chúng ta không được tạo thành để liên tục chạy, chúng ta có một đời sống nội tâm không luôn luôn có thể bị chà đạp. Vì thế, suy niệm là một nhu cầu của mọi người.
Suy niệm Kitô giáo
Nhưng chúng ta nhận thấy rằng từ suy niệm này, một khi được đón nhận trong bối cảnh Kitô giáo, có một đặc tính không được xóa bỏ. Cánh cửa lớn, qua đó kinh nguyện của một tín hữu đã chịu phép rửa tiến qua chính là Chúa Giêsu Kitô. Đó là điều chúng ta cần nhớ. Cả việc thực hành suy niệm cũng theo con đường ấy. Kitô hữu, khi cầu nguyện, không mong mỏi sự sáng tỏ hoàn toàn về bản thân, không tìm kiếm một cốt lõi sâu xa nhất của bản ngã; kinh nguyện Kitô trước tiên là cuộc gặp gỡ với một Đấng khác. Nếu kinh nghiệm về cầu nguyện mang lại cho chúng ta an bình nội tâm, hoặc tự chủ, hoặc sáng suốt về con đường phải theo, ta có thể nói những kết quả ấy là những công hiệu phụ của ơn thánh do kinh nguyện Kitô là cuộc gặp gỡ với Chúa Giêsu mang lại.
Từ “suy niệm” qua dòng lịch sử có những ý nghĩa khác nhau. Cả trong Kitô giáo, nó cũng chỉ những kinh nghiệm thiêng liêng khác nhau. Nhưng ta có thể vạch ra vài đường hướng chung, và trong lãnh vực này Sách Giáo lý cũng giúp chúng ta, khi khẳng định rằng: “Có nhiều phương pháp suy niệm, cũng như có nhiều thầy dạy linh đạo. […] Nhưng một phương pháp không phải là một nhà hướng đạo; điều quan trọng là tiến bước, với Thánh Linh, trên con đường duy nhất của sự cầu nguyện: đó là Chúa Giêsu Kitô” (n.2707).
Các phương pháp suy niệm
Vì thế, có bao nhiêu phương pháp suy niệm Kitô giáo: một số phương pháp đơn giản, có những phương pháp khác phức tạp hơn; một số nhấn mạnh chiều kích trí thức của con người, một số khác nhấn mạnh hơn chiều kích tình cảm và cảm xúc. Tất cả đều quan trọng và đáng được thực hành, vì chúng có thể giúp kinh nguyện đức tin trở thành một hành vi hoàn toàn là của con người: không phải chỉ có tâm trí con người cầu nguyện, cũng như không phải chỉ có tình cảm cầu nguyện. Cổ nhân thường nói rằng, cơ quan cầu nguyện là con tim, và qua đó, họ giải thích rằng, trọn con người, từ nội tâm, đều đi vào trong tương quan với Thiên Chúa, chứ không phải vài cơ năng của con người mà thôi. Vì thế, ta phải luôn nhớ rằng, phương pháp là một con đường, chứ không phải là mục đích, bất kỳ phương pháp nào, nếu muốn có đặc tính Kitô, đều phải là thành phần của việc theo Chúa Kitô, là điều thiết yếu trong đức tin của chúng ta. Sách Giáo lý cũng minh xác rằng: “Suy niệm khởi động tư tưởng, trí tưởng tượng, cảm xúc và ước muốn. Sự động viên này là cần thiết để đào sâu những xác tín đức tin, khơi lên sự hoán cải tâm hồn và củng cố ý chỉ theo Chúa. Kinh nguyện Kitô ưu tiên dừng lại suy niệm “các mầu nhiệm Chúa Kitô” (n.2708)
Tương quan với Chúa Kitô
Vì thế, ơn cầu nguyện Kitô là: Chúa Kitô không ở xa, nhưng luôn ở trong tương quan với chúng ta. Không có khía cạnh nào trong con người của Ngài, – vừa là Chúa và là con người – mà không thể trở thành nơi cứu độ và hạnh phúc cho chúng ta. Mỗi lúc trong cuộc sống trần thế của Chúa Giêsu, qua ơn cầu nguyện, đều có thể trở thành đồng thời với chúng ta. Nhờ Thánh Linh, cả chúng ta cũng hiện diện nơi sông Giordan, khi Chúa Giêsu dìm mình xuống đó để chịu phép rửa. Cả chúng ta cũng là thực khách trong tiệc cưới Cana, khi Chúa Giêsu ban rượu ngon hơn, để mưu hạnh phúc cho đôi tân hôn. Cả chúng ta cũng kinh ngạc chứng kiến hàng ngàn cuộc chữa lành do Chúa làm. Và trong kinh nguyện, chúng ta là người phong cùi được thanh tẩy, người mù Bartimeo được sáng mắt, ông Lazzaro ra khỏi mồ… Không có đoạn Tin mừng nào mà không có chỗ cho chúng ta trong đó. Đối với các Kitô hữu chúng ta, suy niệm là một cách để gặp Chúa Giêsu. Và như thế, và chỉ như thế, chúng ta mới tìm lại được chính mình.
Chào thăm và nhắn nhủ
Nối tiếp bài giáo lý bằng tiếng Ý trên đây, tám linh mục thông dịch viên lần lượt tóm tắt bài huấn giáo và những lời chào thăm của Đức Thánh cha qua các sinh ngữ chính.
Đặc biệt, khi chào bằng tiếng Ba Lan, Đức Thánh Cha nhắc nhở cho các tín hữu nước này rằng ngày 3/5 tới đây là lễ trọng kính Đức Maria Nữ Vương Ba Lan. Ngay từ thế kỷ XVII, dân tộc Ba Lan đã tôn kính Mẹ Thiên Chúa với tước hiệu này, phó thác bản thân cho sự bảo vệ của Mẹ và dấn thân trung thành phục vụ chính nghĩa Nước của Chúa Con. Nhớ đến những lời khấn hứa của cha ông anh chị em tại Đền thánh Jasna Gora, cả trong thời điểm khó khăn hiện nay, anh chị em hãy trung thành tuân theo lời mời gọi luôn thời sự của Đức Mẹ: “Hãy làm điều Chúa Giêsu dạy các con!” (Ga 2,5). Xin phúc lành của Mẹ đồng hành với mỗi người trong anh chị em, các gia đình và toàn thể dân tộc Ba Lan!
Sau cùng bằng tiếng Ý, Đức Thánh Cha nói rằng: “trong mùa Phục Sinh này, tôi mời gọi anh chị em hãy quảng đại canh tân quyết tâm phục vụ Thiên Chúa và những người anh chị em.
“Sau cùng, như mọi khi, tôi nghĩ đến những người già, người trẻ, các bệnh nhân và các đôi tân hôn. Anh chị em hãy trở thành những chứng nhân can đảm của Chúa Kitô Phục Sinh, Đấng đã tỏ cho các môn đệ các vết thương cuộc khổ nạn của Ngài, nay đã trở nên vinh hiển.”
Buổi tiếp kiến kết thúc với Kinh Lạy Cha và phép lành của Đức Thánh Cha.
Giuse Trần Đức Anh, O.P.
Nguồn: vietnamese.rvasia
#tiepkienchung #ducthanhchatiepkienchung