ĐTC PHANXICÔ: MÙA CHAY, THỜI GIAN ĐỂ TRỞ THÀNH ANH EM VÀ ĐỐI THOẠI
Vatican News (18.2.2021) – Hôm thứ Tư 17/02, Đức Thánh Cha gửi sứ điệp cho Chiến dịch Huynh đệ ở Brazil, khuyến khích “Chúng ta phải vượt qua đại dịch và chúng ta sẽ làm như vậy để có thể vượt qua những chia rẽ và để hiệp nhất với nhau”.
Chiến dịch Huynh đệ ở Brazil là một sự kiện truyền thống có từ hàng chục năm qua, với mục đích kết hợp tình liên đới và chiều kích đại kết.
Trong sứ điệp, Đức Thánh Cha nhắc lại những giá trị nền tảng của thời kỳ sám hối được bắt đầu vào thứ Tư Lễ Tro và sự liên hệ đầu tiên là với thực tế của đại dịch, đặc biệt tình trạng khắc nghiệt ở Brazil. Ngài viết: “Chúa Kitô mời gọi chúng ta cầu nguyện cho những người đã qua đời, chúc lành cho sự phục vụ quên mình của nhiều chuyên gia y tế và khuyến khích tình liên đới giữa những người thiện chí. Chúa mời gọi chúng ta quan tâm đến sức khỏe của chính mình và người khác, như dụ ngôn Người Samaritano Nhân hậu dạy chúng ta”.
Nói về chủ đề của Chiến dịch 2021, “Tình huynh đệ và đối thoại: dấn thân yêu thương”, hướng sự chú ý đến việc tìm kiếm sự hiệp thông với các Giáo hội Kitô ở Brazil, một cuộc đối thoại đã diễn ra trong 5 năm, Đức Thánh Cha chỉ ra rằng: “Các Kitô hữu là những người đầu tiên phải làm gương, bắt đầu từ việc thực hành đối thoại đại kết. Nó cho phép chúng ta mở lòng đón nhận người bạn đồng hành với chúng ta, không sợ hãi hay nghi ngờ, và trước hết để hướng đến những gì chúng ta đang tìm kiếm, đó là sự bình an trước Thiên Chúa độc nhất”.
Tới đây, Đức Thánh Cha trích dẫn Thông điệp Fratelli tutti để nhấn mạnh về mối tương quan của sự tôn trọng và chia sẻ. Điều này sẽ đóng góp quý giá vào việc xây dựng tình huynh đệ và bảo vệ công lý. Theo Đức Thánh Cha, bên trong chân trời này, Thông điệp là nỗ lực chung để vượt qua đại dịch. Khi thực hiện được điều này, chúng ta sẽ có thể vượt qua những chia rẽ và hiệp nhất với nhau.
Sau cùng, Đức Thánh Cha khuyến khích các thành viên của Chiến dịch sử dụng các công cụ của Mùa Chay: cầu nguyện, ăn chay và bố thí để tránh rơi vào cám dỗ tiêu thụ và các hình thức mới của việc bảo vệ bản thân một cách ích kỷ, khi đại dịch qua đi. (CSR_1221_2021)
Ngọc Yến