Ki-tô hữu cần lòng can đảm như ngôn sứ Ê-li-a
Vatican News (7.10.2020) – Đức Thánh Cha mời gọi các tín hữu theo gương ngôn sứ Ê-li-a, kiên trì trong cầu nguyện, kiên nhẫn phân định ý Chúa mỗi ngày trong cuộc sống để chính chúng ta sẽ tìm được sự hiện diện an ủi và chăm sóc quan phòng của Chúa, sẽ có can đảm lên án những bất công như ngôn sứ Ê-li-a.
Sau hai tháng dành các bài giáo lý trong các buổi tiếp kiến chung để chia sẻ những suy tư về ảnh hưởng của đại dịch Covid-19, trong bài giáo lý trong buổi tiếp kiến chung sáng thứ Tư 7/10 tại đại thính đường Phao-lô VI, Đức Thánh Cha tiếp tục loạt bài giáo lý về chủ đề cầu nguyện. Cụ thể, ngài suy tư về cuộc đời của vị đại ngôn sứ Ê-li-a.
Trong Tin Mừng, ngôn sứ Ê-li-a xuất hiện trong biến cố Chúa biến hình, làm chứng rằng Chúa Giê-su là Đấng hoàn thành các lời ngôn sứ trong Cựu Ước. Ngôn sứ Ê-li-a được truyền thống đan tu tôn kính như gương mẫu cầu nguyện và đức tin không lay chuyển giữa những thử thách. Cầu nguyện và chiêm niệm nâng đỡ ông không chỉ trong thành công mà cả khi đối mặt với thù địch và bách hại. Theo Đức Thánh Cha, ngôn sứ dạy chúng ta rằng cầu nguyện kết hiệp với Chúa không thể tách rời với việc quan tâm đến nhu cầu của tha nhân. Ngôn sứ tìm được ý Chúa trong cầu nguyện và nhờ đó ông có lòng can đảm lên án bất công. Đức Thánh Cha bắt đầu bài giáo lý như sau:
Ngôn sứ Ê-li-a và Kinh Thánh
Hôm nay, chúng ta tiếp tục các bài giáo lý về cầu nguyện, và chúng ta gặp một trong những nhân vật hấp dẫn nhất trong toàn bộ Kinh Thánh: ngôn sứ Ê-li-a. Ông vượt qua các ranh giới của thời đại của ông và chúng ta có thể thấy sự hiện diện của ông ngay cả trong một số đoạn Phúc âm. Ông hiện ra bên cạnh Chúa Giêsu, cùng với ông Mô-sê, khi Chúa Giê-su biến hình (x. Mt 17,3). Chính Chúa Giêsu đã nói đến ông Ê-li-a để công nhận lời chứng của Gioan Tẩy Giả (x. Mt 17, 10-13).
Đức Thánh Cha giải thích về nguồn gốc và sứ mạng của ngôn sứ Ê-li-a: Trong Kinh thánh, ông Ê-li-a xuất hiện đột ngột, một cách bí ẩn, đến từ một ngôi làng nhỏ, hoàn toàn xa xôi (x. 1V 17,1); và cuối cùng ông rời đi, trước mắt của môn đệ Ê-li-sê, trên một cỗ xe lửa sẽ đưa ông vào thiên đàng (x. 2V 2,11-12). Do đó, ông là một người không có nguồn gốc chính xác, và trên hết là không có điểm kết thúc, được đưa lên thiên đàng: vì lý do này, ông được mong đợi trở lại trước khi Đấng Cứu Thế đến, như một vị tiền hô. Vì vậy, Ê-li-a được mong đợi trở lại.
Đức Thánh Cha nhận xét: Kinh thánh trình bày với chúng ta về ông Ê-li-a như một người có đức tin kết tinh: chính tên của ông, có thể có nghĩa là “Gia-vê là Thiên Chúa”, chứa đựng bí mật về sứ mệnh của ông. Trong suốt cuộc đời ông sẽ là: một người chính trực, không có khả năng thỏa hiệp với những điều nhỏ nhặt tầm thường. Biểu tượng của ông là lửa, hình ảnh của quyền năng thanh tẩy của Thiên Chúa. Ông sẽ là người đầu tiên bị thử thách khắc nghiệt và vẫn trung thành. Ông là tấm gương của tất cả những người có đức tin, đã biết đến những cám dỗ và đau khổ, nhưng không ngừng sống đến cùng lý tưởng mà vì đó họ được sinh ra.
Đời sống cầu nguyện
Đức Thánh Cha nhấn mạnh vai trò của cầu nguyện trong đời sống ngôn sứ Ê-li-a: Cầu nguyện là nhựa sống không ngừng nuôi sống ông. Đây là lý do tại sao ông là một trong những người được yêu quý nhất của truyền thống đan tu, đến nỗi một số đã chọn ông làm cha thiêng liêng của đời sống thánh hiến cho Thiên Chúa. Ông Ê-li-a là người của Thiên Chúa, là người bảo vệ quyền tối thượng của Đấng Tối Cao. Tuy nhiên, ông cũng phải đối phó với sự yếu đuối của chính mình. Khó có thể nói những kinh nghiệm nào hữu ích nhất đối với ông: có phải là sự thất bại của các tiên tri giả trên núi Carmel (x. 1V 18,20-40), hay sự bối rối khi ông ghi nhận rằng “ông không hơn các tổ phụ của mình” (x. 1V 19,4). Trong tâm hồn của những người cầu nguyện, cảm giác về sự yếu đuối của bản thân quý giá hơn những khoảnh khắc được tôn vinh, khi dường như cuộc sống là một chuỗi của những chiến thắng và thành công.
Chia sẻ kinh nghiệm cầu nguyện, Đức Thánh Cha nói: Trong lúc cầu nguyện, luôn xảy ra điều này: chúng ta cảm thấy có những thời khắc cầu nguyện đưa chúng ta lên cao, và cả sự nhiệt thành; và có những giây phút cầu nguyện đau đớn, khô khan, thử thách… Cầu nguyện là như thế này: hãy để Chúa nâng mình lên và hãy để bản thân bị đánh bởi những tình huống xấu và thậm chí bởi những cám dỗ. Đây là một thực tế rằng cầu nguyện là như thế, được tìm thấy trong nhiều ơn gọi khác trong Kinh Thánh, ngay cả trong Tân ước, ví dụ chúng ta hãy nghĩ về thánh Phê-rô và thánh Phao-lô. Cuộc đời các ngài là như thế: có những giây phút hân hoan và cũng có những thời khắc chìm xuống, đau khổ.
Đời sống hoạt động xuất phát từ chiêm niệm
Ông Ê-li-a là người có đời sống chiêm niệm, đồng thời là người hoạt động, quan tâm đến các biến cố của thời đại mình, dám đả kích vua và hoàng hậu sau khi họ đã giết ông Na-bốt để chiếm vườn nho của ông (x. 1V 21,1-24). Qua điều này, Đức Thánh Cha nhắn nhủ: Các tín hữu chúng ta, những Ki-tô hữu nhiệt thành cũng cần điều này biết bao để có lòng can đảm của ông Ê-li-a, phản ứng trước người có trách nhiệm lãnh đạo, dám nói: “Không được làm điều này! Điều này là giết người!” Chúng ta cần tinh thần của ông Ê-li-a. Vì vậy, ông cho chúng ta thấy rằng không được có sự phân đôi trong đời sống của những người cầu nguyện, không có sự khác nhau: họ đứng trước mặt Chúa và đi gặp anh em mà Người sai họ đi.
Cầu nguyện và hành động; hành động sau khi cầu nguyện
Từ gương mẫu của ngôn sứ Ê-li-a, Đức Thánh Cha nhắc nhở các tín hữu: Cầu nguyện không phải là đóng kín chỉ mình với Chúa để trang điểm cho tâm hồn mình. Đây là cầu nguyện giả vờ. Cầu nguyện là gặp Chúa và để chính mình được sai đi để phục vụ anh chị em. Thử thách của việc cầu nguyện là tình yêu cụ thể đối với tha nhân. Và ngược lại: các tín hữu hành động trong thế giới sau khi đã thinh lặng và cầu nguyện; nếu không thì hành động của họ là bốc đồng, thiếu sáng suốt, đó là sự vội vã điên cuồng mà không có mục tiêu. Khi các tín hữu làm như thế, họ làm những điều bất công, bởi vì họ không đến với Chúa trước để cầu nguyện, để phân định điều gì phải làm.
Kinh nghiệm đức tin
Đức Thánh Cha nói tiếp: Các trang của Kinh thánh cho phép chúng ta giả định rằng ngay cả đức tin của Ê-li-a cũng có sự tiến triển: ông cũng lớn lên trong lời cầu nguyện, trau dồi nó từng chút một. Trên hành trình, gương mặt Thiên Chúa trở nên rõ ràng hơn đối với ông. Cho đến khi đạt đến đỉnh điểm trong kinh nghiệm phi thường đó, khi Thiên Chúa hiện ra với ông Ê-li-a trên núi Hô-rép (x. 1V 19,9-13). Thiên Chúa không hiện ra trong gió bão cuồng nộ, không ở trong trận động đất hay ngọn lửa thiêu rụi, mà trong “tiếng gió nhẹ hiu hiu” (c. 12). Chính bằng dấu hiệu khiêm nhường này mà Thiên Chúa giao tiếp với Ê-li-a, khi đó là một nhà tiên tri bỏ trốn, mất bình an. Thiên Chúa đến gặp một con người mệt mỏi, một người tưởng rằng mình đã thất bại trên mọi mặt trận, và với làn gió nhẹ hiu hiu ấy, với chuỗi thinh lặng trầm lắng, tâm hồn ông tìm lại sự bình tĩnh và bình yên.
Câu chuyện Ê-li-a là câu chuyện dành cho tất cả chúng ta
Liên hệ với cuộc sống, Đức Thánh Cha nhận định rằng: Đây là câu chuyện về Ê-li-a, nhưng có vẻ như nó được viết cho tất cả chúng ta. Trong một vài chiều tối, chúng ta có thể cảm thấy mình vô dụng và đơn độc. Chính lúc đó lời cầu nguyện sẽ đến và gõ cửa trái tim chúng ta. Tất cả chúng ta đều có thể nhận lấy một mảnh áo choàng của Ê-li-a, như môn đệ Ê-li-sê của ông đã nhận lấy nửa tấm áo choàng của ông. Và ngay cả khi chúng ta đã làm sai điều gì đó, hoặc chúng ta cảm thấy bị đe dọa và sợ hãi, khi trở về với Chúa bằng lời cầu nguyện, sự thanh thản và bình an cũng sẽ trở lại như thể bởi một phép lạ. Đây là điều Ê-li-a dạy chúng ta.
Hồng Thủy
Nguồn: vaticannews.va/vi