“Fratelli Tutti”: Đức Thánh Cha Phanxicô kêu gọi sự hiệp nhất trong thông điệp mới
Thành phố Vatican, ngày 4 tháng 10 năm 2020 / 04:17 sáng (CNA) – Đức Thánh Cha Phanxicô đã trình bày tầm nhìn của mình về việc vượt qua những chia rẽ ngày càng gia tăng trên thế giới, do cuộc khủng hoảng coronavirus gây ra, trong thông điệp mới Fratelli Tutti, được công bố hôm Chủ nhật.
Đức Giáo Hoàng Phanxicô cầu nguyện tại lăng mộ của Thánh Phanxicô Assisi ngày 3 tháng 10 năm 2020. Nguồn: Vatican Media
Trong bức thư phát hành ngày 4 tháng 10, Đức Giáo Hoàng kêu gọi những người có thiện chí thúc đẩy tình huynh đệ thông qua đối thoại, đổi mới xã hội bằng cách đặt tình yêu dành cho người khác lên trên lợi ích cá nhân.
Xuyên suốt thông điệp, Đức Thánh Cha nhấn mạnh đến vị trí ưu tiên của tình yêu thương, trong cả bối cảnh xã hội lẫn chính trị.
“Fratelli Tutti”, cụm từ mở đầu của văn bản, có nghĩa là “Tất cả anh em” trong tiếng Ý. Những từ này được trích từ các tác phẩm của Thánh Phanxicô Assisi, là người được Đức Giáo Hoàng tỏ lòng tôn kính ở đầu thông điệp, mô tả ngài là “vị thánh của tình yêu huynh đệ”.
Đức Giáo Hoàng cho biết Ngài rất ngạc nhiên thấy rằng, khi Thánh Phanxicô gặp Quốc vương Ai Cập Al-Kamil vào năm 1219, thánh nhân “kêu gọi tránh tất cả các hình thức thù địch hoặc xung đột và hãy thể hiện sự “khuất phục” khiêm tốn và huynh đệ đối với những người không chia sẻ đức tin của vị ấy”.
Đức Giáo Hoàng viết, “Thánh Phanxicô không gây chiến bằng lời lẽ nhằm áp đặt các học thuyết; Ngài chỉ đơn giản là loan truyền tình yêu của Thiên Chúa… Bằng cách này, Ngài trở thành một người cha của tất cả mọi người và truyền cảm hứng cho tầm nhìn về một xã hội huynh đệ”.
Đức Thánh Cha Phanxicô giải thích rằng thông điệp mới của ngài đã tập hợp nhiều suy tư trước đây của ngài về tình huynh đệ giữa con người và tình bạn xã hội, và cũng mở rộng các chủ đề có trong “Tài liệu về Tình huynh đệ con người vì hòa bình thế giới và việc Chung sống”, mà Ngài đã ký với vị lãnh đạo Hồi Giáo Ahmed el-Tayeb, Đại Giáo Chủ của Al-Azhar, ở Abu Dhabi vào năm 2019.
Ngài viết: “Những trang sau đây không nhằm đưa ra một giáo huấn hoàn chỉnh về tình yêu thương huynh đệ, mà là để xem xét phạm vi phổ quát của nó, sự cởi mở của nó đối với mọi người nam và nữ. Tôi đưa ra thông điệp xã hội này như một đóng góp khiêm tốn để tiếp tục suy ngẫm, với hy vọng rằng trước những nỗ lực thời nay nhằm loại bỏ hoặc phớt lờ người khác, chúng ta có thể chứng tỏ khả năng đáp ứng một tầm nhìn mới về tình huynh đệ và tình bạn xã hội, không dừng lại ở mức độ lời nói.”
Đức Giáo Hoàng đã ký thông điệp tại Assisi vào ngày 3 tháng 10. Ngài được cho là vị giáo hoàng đầu tiên ký thông điệp bên ngoài Rôma trong hơn 200 năm, kể từ khi Đức Piô VII ban hành văn bản Il trionfo tại thành phố Cesena của Ý vào năm 1814.
Đức Thánh Cha Phanxicô lưu ý rằng, trong khi Ngài đang viết thư này, “đại dịch COVID-19 bất ngờ bùng phát, phơi bày sự an toàn giả tạo của chúng ta”.
Ngài nói: “Ngoài những cách khác nhau mà các quốc gia khác nhau ứng phó với cuộc khủng hoảng, việc họ không thể làm việc chung với nhau đã trở nên khá rõ ràng. Bất kể tất cả những siêu kết nối của chúng ta, chúng ta đã chứng kiến sự phân mảnh khiến cho việc giải quyết các vấn đề có ảnh hưởng đến tất cả chúng ta trở nên khó khăn hơn.”
Đức Giáo Hoàng đã chia thông điệp thứ ba của mình, sau Lumen fidei năm 2013 và Laudato si’ năm 2015, thành tám chương.
Trong chương mở đầu, Ngài đã đặt ra những thách thức mà nhân loại phải đối mặt trong bối cảnh cuộc khủng hoảng coronavirus, đã giết chết hơn một triệu người trên toàn thế giới. Ngài trích dẫn các cuộc chiến tranh, “văn hóa vứt bỏ” bao gồm phá thai và an tử, bỏ bê người già, phân biệt đối xử với phụ nữ và chế độ nô lệ, cùng những mối đe dọa khác. Ngài cũng đưa ra lời phê bình về cuộc tranh luận chính trị đương đại, cũng như giao tiếp trực tuyến, mà theo Ngài thường bị hủy hoại bởi “bạo lực lời nói.”
Ngài viết: “Trong thế giới ngày nay, cảm giác thuộc về một gia đình nhân loại đang mờ dần, và ước mơ làm việc cùng nhau vì công lý và hòa bình dường như là một điều không tưởng đã lỗi thời, Thay vào đó, điều ngự trị là sự thờ ơ lãnh đạm, đem lại thoải mái và toàn cầu hóa, sinh ra từ sự vỡ mộng sâu sắc được che giấu đằng sau một ảo tưởng lừa dối: nghĩ rằng chúng ta là toàn năng, mà không nhận ra rằng tất cả chúng ta đều ở trên cùng một con thuyền.”
Trong chương thứ hai, Đức Thánh Cha Phanxicô suy tư về Dụ ngôn Người Samaritanô nhân lành, trình bày người Samaritanô đã giúp đỡ một lữ khách bị bỏ rơi cho chết như một hình mẫu của tình huynh đệ nhân loại, trái ngược với những người khác chỉ đơn giản đi qua.
Ngài nói: “Chúng ta cần thừa nhận rằng chúng ta thường xuyên bị cám dỗ phớt lờ người khác, đặc biệt là những người yếu thế. Chúng ta hãy thừa nhận rằng, bất kể tất cả những tiến bộ mà chúng ta đã đạt được, chúng ta vẫn còn ‘mù chữ’ khi đồng hành, chăm sóc và hỗ trợ những thành viên yếu đuối và dễ bị tổn thương nhất trong các xã hội phát triển của chúng ta.”
Ngài lưu ý rằng những người đạo đức đã không thể giúp đỡ người lữ khách khi nói rằng: “Thật nghịch lý, những người tự xưng là không tin đôi khi lại có thể thực hiện ý muốn của Thiên Chúa tốt hơn những người tin Chúa.”
Ngài khuyến khích những ai đọc thông điệp này làm theo lời dạy của Chúa Giêsu bằng cách đừng đặt ra những giới hạn về những người mà họ coi là người lân cận. Ngài nói thêm rằng đôi khi Ngài tự hỏi tại sao “phải mất quá nhiều thời gian để cho Giáo hội dứt khoát lên án chế độ nô lệ và các hình thức bạo lực khác nhau”.
Ngài viết, “Ngày nay, với sự phát triển của linh đạo và thần học, chúng ta không có lý do gì để bào chữa. Tuy nhiên, có những người dường như cảm thấy được đức tin của họ khuyến khích hoặc ít nhất cho phép ủng hộ các loại chủ nghĩa dân tộc hẹp hòi và bạo lực, bài ngoại và khinh miệt, và thậm chí cả việc ngược đãi những người khác biệt”.
Trong chương ba, Đức Thánh Cha nhấn mạnh tầm quan trọng của một thái độ yêu thương căn bản khi đối mặt với nghèo đói và bất bình đẳng.
Ngài nói rằng “tầm vóc tinh thần của cuộc đời một người được đo bằng tình yêu thương,” nhưng “một số tín hữu nghĩ rằng điều đó bao gồm việc áp đặt ý thức hệ của họ lên mọi người khác, hoặc bằng cách bảo vệ sự thật một cách bạo lực, hoặc bằng cách biểu thị sức mạnh sao cho ấn tượng”.
Ngài tiếp tục: “Tất cả chúng ta, là những người tin Chúa, cần phải nhận ra rằng tình yêu phải được đặt lên hàng đầu: tình yêu không bao giờ bị đẩy vào chỗ vào rủi ro, và mối nguy hiểm lớn nhất nằm ở việc không thể yêu thương”.
Đức Giáo Hoàng nhấn mạnh rằng nạn phân biệt chủng tộc vẫn còn là một mối đe dọa, Ngài so sánh nó với một loại virus “nhanh chóng biến đổi và thay vì biến mất, lại trốn tránh và ẩn nấp chờ đợi”. Ngài cũng nói rằng “những người sống trong cảnh lưu đày trốn tránh”, chẳng hạn như người khuyết tật, nên được khuyến khích tham gia đầy đủ vào xã hội.
Ngài cho rằng chủ nghĩa cá nhân “không làm cho chúng ta tự do hơn, bình đẳng hơn, huynh đệ hơn.” Ngài nói, điều cần thiết là một “tình yêu phổ quát” nhằm nâng cao phẩm giá của mỗi con người.
Tình yêu này cũng nên được áp dụng cho những người di cư, Đức Giáo Hoàng viết, trích dẫn thư mục vụ năm 2018 của các giám mục Hoa Kỳ chống phân biệt chủng tộc, “Open Wide Our Hearts, Hãy mở rộng trái tim của chúng ta”, trong đó nói rằng có những quyền cơ bản “có trước bất kỳ xã hội nào bởi vì những quyền đó xuất phát từ phẩm giá được ban cho mỗi người vì được Thiên Chúa tạo ra.”
Trong chương thứ tư, dành cho chủ đề di cư, Đức Giáo Hoàng kêu gọi các quốc gia “chào đón, bảo vệ, thúc đẩy và hội nhập” những người mới đến. Ngài kêu gọi các chính phủ thực hiện một loạt “các bước không thể thiếu” để giúp đỡ những người tị nạn. Những điều này bao gồm “tăng và đơn giản hóa việc cấp thị thực,” cũng như “tự do đi lại và khả năng có việc làm,” và “hỗ trợ đoàn tụ gia đình”.
Nhưng ngay cả những bước này cũng sẽ không đủ, Ngài nói, nếu cộng đồng quốc tế không phát triển được “một hình thức quản trị toàn cầu liên quan đến các phong trào di dân”.
Trong chương thứ năm, Đức Giáo Hoàng kêu gọi các quốc gia áp dụng các chính sách thúc đẩy lợi ích chung, phê phán cả chủ nghĩa dân túy “không lành mạnh” và chủ nghĩa tự do cá nhân quá mức. Ngài nói rằng chủ nghĩa dân túy có thể che giấu sự thiếu quan tâm đến những người dễ bị tổn thương, trong khi chủ nghĩa tự do có thể được sử dụng chỉ để phục vụ lợi ích kinh tế của những người có quyền lực.
Ngài cũng chỉ trích niềm tin rằng thị trường có thể giải quyết mọi vấn đề, gọi đó là “tín điều của đức tin tân tự do”.
Đức Giáo Hoàng than thở rằng thế giới đã không nắm bắt được cơ hội do cuộc khủng hoảng tài chính 2007-2008 đem lại để phát triển các nguyên tắc đạo đức mới điều hành nền kinh tế. Thay vào đó, điều tiếp theo sau là “chủ nghĩa cá nhân lớn hơn, ít hội nhập hơn và gia tăng tự do cho những người thực sự nắm quyền lực, những người luôn tìm cách thoát đi mà không bị thiệt hại”.
Ngài thúc giục cải cách cả hệ thống tài chính quốc tế và các tổ chức đa phương như Liên hợp quốc, nói rằng điều quan trọng đối với các quốc gia là “phải thiết lập các mục tiêu chung và đảm bảo việc tuân thủ một số chuẩn mực thiết yếu trên toàn thế giới”.
Đề ra đề xuất đổi mới, Đức Thánh Cha Phanxicô nói rằng các nhà lãnh đạo nên tập trung vào lợi ích chung lâu dài, làm cho công việc của họ thấm đẫm điều mà Ngài gọi là “tình yêu chính trị”.
Ngài nhấn mạnh: “Thừa nhận rằng tất cả mọi người đều là anh chị em của chúng ta, và tìm kiếm các hình thức tình bằng hữu xã hội bao gồm tất cả mọi người, không phải là điều thuần túy không tưởng”.
Ngài cũng làm nổi bật “nhu cầu cấp bách phải chống lại tất cả những gì đe dọa hoặc vi phạm các quyền cơ bản của con người”, đặc biệt là nạn đói và nạn buôn người, mà Ngài gọi là “nguồn gốc xấu hổ của nhân loại”.
Trong chương thứ sáu, Đức Giáo Hoàng khuyến khích mọi người tham gia vào cuộc đối thoại đích thực, điều mà Ngài nói không giống với những tranh luận trên mạng xã hội, vốn thường là “những cuộc độc thoại song song”.
Ngài đề xuất rằng, trong một xã hội đa nguyên, đối thoại là phương tiện để xã hội xác định những chân lý phải luôn được khẳng định và tôn trọng. Ngài trích dẫn một dòng trong bài hát “Samba da bênção” của nghệ sĩ người Braxin Vinícius de Moraes: “Cuộc sống, trong tất cả các cuộc đối đầu, là nghệ thuật của sự gặp gỡ.”
Cũng cần phải hình thành một “giao ước” giữa mọi thành viên trong xã hội, giàu cũng như nghèo, trong đó bắt buộc mọi người phải từ bỏ một số điều vì lợi ích chung.
Ngài viết: “Không ai có thể nắm được toàn bộ sự thật hoặc thỏa mãn mọi mong muốn của mình, vì kỳ vọng đó sẽ dẫn đến việc vô hiệu hóa những người khác bằng cách từ chối các quyền của họ”.
Trên tất cả, Ngài nói, chúng ta cần khám phá lại lòng tốt.
Trong chương bảy, Ngài thảo luận về các điều kiện cho hòa bình và hòa giải, bày tỏ sự bất công của chiến tranh và kêu gọi chấm dứt việc sử dụng hình phạt tử hình trên toàn thế giới.
Ngài lưu ý rằng Giáo lý của Giáo hội Công giáo thừa nhận khả năng phòng vệ chính đáng của quân đội. Nhưng Ngài nói rằng điều này thường được hiểu quá rộng, lập luận rằng “ngày nay rất khó viện dẫn các tiêu chuẩn hợp lý được trau chuốt tỉ mỉ trong các thế kỷ trước để nói về khả năng xảy ra một cuộc ‘chiến tranh chính nghĩa’.”
Một dòng ghi chú kèm theo cho biết: “Thánh Augustinô, là người đã đề ra một khái niệm về ‘chiến tranh chính nghĩa’ mà chúng ta không còn đề cao vào thời của chúng ta nữa, cũng nói rằng ‘việc chiến đấu bằng lời nói và tìm kiếm hoặc duy trì hòa bình bằng hòa bình, chứ không phải bằng chiến tranh, sẽ là một vinh quang cao hơn là giết người bằng gươm’”.
Đức Giáo Hoàng kêu gọi các chính phủ sử dụng tiền nhằm mua vũ khí nên đưa vào cho “một quỹ toàn cầu để cuối cùng có thể chấm dứt nạn đói và hỗ trợ phát triển các nước bị bần cùng hóa nhất.”
Ngài cũng nhấn mạnh rằng án tử hình ngày hôm nay là “không thể chấp nhận được” khi nhắc lại sự thay đổi năm 2018 của Ngài đối với huấn giáo trong Giáo lý về chủ đề này.
Trong chương thứ tám và cuối cùng, Ngài nhấn mạnh vai trò của các cộng đoàn tôn giáo trong việc xây dựng một thế giới huynh đệ hơn, bằng cách từ chối bạo lực và tham gia vào đối thoại, như được nêu trong “Tài liệu về tình huynh đệ của con người”.
Trong phần kết luận của thông điệp, Đức Thánh Cha Phanxicô nói rằng bản văn được truyền cảm hứng không chỉ bởi Thánh Phanxicô, mà còn bởi những người không Công giáo như Martin Luther King, Desmond Tutu và Mahatma Gandhi, cũng như vị truyền giáo Công giáo người Pháp là Chân phúc Charles de Foucauld, người mà Đức Giáo Hoàng dự định sẽ phong thánh.
Đức Phanxicô kết thúc tông thư bằng một lời cầu nguyện đại kết và một “Lời cầu nguyện lên Đấng Tạo Hóa”, trong đó có đoạn:
“Lạy Chúa là Cha của gia đình nhân loại chúng con, Chúa đã tạo ra tất cả mọi người bình đẳng về phẩm giá: xin hãy tuôn đổ vào tâm hồn chúng con một tinh thần huynh đệ và soi dẫn nơi chúng con một giấc mơ về gặp gỡ, đối thoại, công lý và hòa bình được đổi mới.”
“Xin hãy thúc đẩy chúng con làm ra các xã hội lành mạnh hơn và một thế giới phẩm giá hơn, một thế giới không còn đói khát, nghèo khổ, bạo lực và chiến tranh”.
“Xin cho trái tim chúng con mở ra với tất cả các dân tộc và các quốc gia trên trái đất. Xin cho chúng con nhận ra những điều tốt đẹp mà Chúa đã gieo vào mỗi người chúng con, và nhờ thế chúng con tạo nên những mối dây đoàn kết, những dự án chung và cùng nhau chia sẻ những ước mơ. Amen.”
Chuyển ngữ: Phêrô Phạm Văn Trung
Từ: catholicnewsagency.com