SỰ CHẬM CHẠP CỦA NHỮNG CHÍNH SÁCH VỀ MÔI TRƯỜNG
WGPQN (13.9.2020) – Diễn từ trong cuộc tiếp kiến thứ Năm ngày 3 tháng 9 năm 2020 của Đức Phanxicô với nhóm giáo dân cộng tác với Hội đồng giám mục Pháp về chủ đề Laudato Si’.
Tôi rất vui mừng đón tiếp các bạn và chào mừng đã đến với Rôma. Cám ơn Đức Tổng giám mục Moulins Beaufort đã có sáng kiến tổ chức cuộc gặp gỡ này sau những suy tư của Hội đồng Giám mục Pháp về Thông điệp Laudato Si’, với nhiều tham luận viên quan tâm đến vấn đề sinh thái.
Chúng ta là thành phần của một gia đình nhân loại duy nhất, được mời gọi sống trong ngôi nhà chung đang xuống cấp cách đáng lo ngại. Cơn khủng hoảng mà hiện nay nhân loại đang trải qua nhắc nhớ tính mỏng dòn của chúng ta. Chúng ta hiểu rằng mọi người được nối kết với nhau, trong một thế giới mà chúng ta cùng nhau chia sẻ tương lai, và rằng sự đối xử tệ hại chỉ đem đến những hậu quả nghiêm trọng, không chỉ về môi trường mà còn về xã hội và nhân sinh nữa.
Thật đáng vui khi ý thức về sự khẩn cấp của hiện trạng đã được cảm nhận khắp nơi và chủ đề sinh thái ngày càng thấm nhập vào não trạng của mọi người ở mọi cấp độ và bắt đầu gây ảnh hưởng trên những chọn lựa chính trị và kinh tế dù rằng vẫn còn nhiều việc phải làm và vẫn còn quá chậm chạp cũng như có những bước sai lầm. Về phần mình, Giáo hội Công giáo muốn dấn thân trọn vẹn để bảo vệ ngôi nhà chung. Giáo hội không có những giải pháp có sẵn để đề nghị và không phải là không biết đến những khó khăn về mặt kỹ thuật, kinh tế và chính trị, cũng như những nỗ lực mà sự dấn thân này đòi hỏi. Nhưng Giáo hội muốn hành động cách cụ thể ở nơi nào có thể được và trên hết là muốn giáo dục lương tâm để nhằm đến một sự hoán cải sinh thái sâu xa và bền vững, và đó là điều duy nhất có thể đáp ứng cho những thách đố mà chúng ta gặp phải.
Về vấn đề hoán cải sinh thái này, tôi muốn chia sẻ cách mà đức tin dâng hiến cho các kitô hữu những động cơ mạnh để bảo vệ thiên nhiên cũng như những anh chị em dễ bị tổn thương nhất, vì tôi chắc chắn rằng khoa học và đức tin có thể triển khai một cuộc đối thoại hiệu quả (cf. Laudato Si’, số 62).
Kinh Thánh dạy chúng ta rằng thế giới không phát sinh từ hỗn mang và ngẫu nhiên, nhưng từ quyết định của Thiên Chúa đã vì tình yêu thương mà kêu mời thế giới hiện hữu. Thế giới thật tốt và đẹp mà khi chiêm ngắm nó ta nhận thấy cái mỹ và cái thiện của Tác Giả đã tạo ra nó. Mỗi thụ tạo, dù là phù du nhất, cũng đều là đối tượng cho sự âu yếm dịu dàng của Thiên Chúa Cha, Đấng đã cho nó một chỗ đứng trong thế giới. Kitô hữu chỉ có thể tôn trọng công trình của Cha mình, đấng đã giao thế giới cho mình như một khu vườn để canh tác, bảo vệ và phát triển theo khả năng của mình. Và nếu con người có quyền sử dụng sử dụng thiên nhiên cho mục đích của mình thì dù cách gì đi chăng nữa họ cũng không thể nào cho mình là chủ sở hữu hay kẻ toàn quyền mà chỉ là người quản lý phải tính sổ những hành động của mình. Trong khu vườn mà Thiên Chúa giao cho, con người được mời gọi sống hài hòa với nó trong công bình, hòa bình và tình huynh đệ, lý tưởng Tin Mừng mà Đức Giêsu đề nghị cho chúng ta (cf. Laudato Si’, số 82). Và khi ta xem thiên nhiên chỉ như là đối tượng để trục lợi – một nhãn quan củng cố cho ý muốn của kẻ mạnh nhất – thì sự hài hòa bị đổ vỡ và xuất hiện những điều bất bình đẳng, bất công và đau khổ.
Thánh giáo hoàng Gioan Phaolô II đã khẳng định rằng: “Không phải chỉ có trái đất được Thiên Chúa ban cho con người và con người phải sử dụng nó trong sự tôn trọng ý hướng nguyên thủy, tốt đẹp của Đấng Tạo Hóa, nhưng cả con người cũng được Thiên Chúa ban cho chính mình và như vậy con người phải tôn trọng cấu trúc tự nhiên và luân lý mà mình đã lãnh nhận” (Thông điệp Centesimus Annus, số 38). Tất cả đều được nối kết với nhau. Chính sự lãnh đạm, tính vị kỷ, lòng tham, sự kiêu hãnh, sự tự phụ cho rằng mình là chủ và là người thống trị thế giới, những điều đó đã làm cho con người: một đàng, hủy diệt các giống loài, cướp bóc những nguồn tài nguyên thiên nhiên, và đàng khác, khai thác những kẻ khốn cùng, lợi dụng lao động phụ nữ và trẻ em, lật ngược những luật lệ của tế bào gia đình, không còn tôn trọng quyền sống của con người từ khi thụ thai cho đến khi kết thúc cách tự nhiên.
Vì thế, “Nếu cuộc khủng hoảng sinh thái hiện nay là một dấu hiệu bên ngoài của cuộc khủng hoảng đạo đức, văn hoá và tinh thần của thời hiện đại, thì chúng ta không thể giả vờ chữa lành mối tương quan với thiên nhiên và môi trường mà không chữa lành tất cả các mối tương quan nhân loại nền tảng” (Laudato Si’, số 119). Như vậy sẽ không có mối liên hệ mới với thiên nhiên mà không trở thành con người mới, và chính khi chữa trị tâm hồn con người thì ta mới có thể hy vọng chữa lành thế giới khỏi những rối loạn về xã hội và môi trường.
Các bạn thân mến, tôi khuyến khích những nỗ lực bảo vệ môi trường của các bạn. Trong khi tình trạng của hành tinh này dường như đã là thảm họa và một vài hiện trạng vô phương cứu chữa, thì chúng ta là những Kitô hữu phải luôn giữ vững niềm hy vọng vì chúng ta luôn hướng nhìn về Đức Giêsu Kitô. Ngài là Thiên Chúa, là Đấng Tạo Dựng trong ngôi vị đã đến viếng thăm công trình tạo dựng của Ngài và cư ngụ giữa chúng ta (cf. Laudato Si’, các số 96-100), để chữa lành và làm cho chúng ta tìm lại sự hài hòa mà ta đã đánh mất, sự hài hòa với anh em mình, hài hòa với thiên nhiên. “Ngài không bỏ rơi chúng ta, Ngài không bỏ mặc chúng ta đơn độc, vì Ngài đã tháp nhập vĩnh viễn với trái đất của chúng ta, và tình yêu của Ngài luôn thúc bách chúng ta tìm kiếm những cách thế mới để tiến bước” (Laudato Si’, số 245).
Xin Chúa chúc lành cho các bạn và xin cầu nguyện cho tôi.
Lm. Phaolô Nguyễn Minh Chính chuyển ngữ
Từ: L’Osservatore Romano, số 36, thứ Ba, 8 tháng Chín 2020, tr. 6/7
Nguồn: gpquinhon.org