Toàn văn Sứ điệp của ĐTC nhân Ngày Thế giới Người nghèo lần thứ IV
***
SỨ ĐIỆP CỦA ĐỨC THÁNH CHA
NHÂN NGÀY THẾ GIỚI NGƯỜI NGHÈO LẦN THỨ IV
CHÚA NHẬT XXXIII THƯỜNG NIÊN
15/11/2020
“Hãy rộng tay cứu giúp người nghèo khó.” (x. Hc 7,32)
“Hãy rộng tay cứu giúp người nghèo khó” (x. Hc 7,32). Sự khôn ngoan lâu đời đã đề xuất những lời này như một quy tắc thánh thiêng để thực hành trong cuộc sống. Ngày nay những lời này vẫn còn hợp thời hơn bao giờ hết. Chúng giúp chúng ta chú tâm vào những gì là thiết yếu và vượt qua những rào cản của sự thờ ơ. Sự nghèo khổ luôn xuất hiện dưới nhiều hình thức, và kêu gọi chú ý đến từng tình huống cụ thể. Trong tất cả những điều này, chúng ta có cơ hội gặp gỡ Chúa Giêsu, Đấng đã tỏ cho biết Người hiện diện nơi những người thấp bé nhất trong số các anh chị em của Người (x. Mt 25,40).
1. Chúng ta hãy cầm lấy cuốn sách Huấn Ca trong Cựu Ước, trong đó chúng ta tìm thấy những lời của một nhà hiền triết sống khoảng hai trăm năm trước Chúa Kitô. Ông tìm kiếm sự khôn ngoan giúp cho con người có khả năng hiểu tốt và sâu sắc hơn về các vấn đề của cuộc sống. Ông đã làm điều này vào thời điểm khi dân Israel gặp thử thách nghiêm trọng, vào thời kỳ đau khổ, đau buồn và nghèo đói do sự thống trị của các thế lực ngoại bang. Là một người có đức tin mạnh mẽ, được đâm rễ sâu từ các truyền thống của các bậc tiền bối, suy nghĩ đầu tiên của ông là chạy đến với Chúa và cầu xin Người ban cho ơn khôn ngoan. Chúa đã không từ chối giúp đỡ ông.
Từ những trang đầu tiên của cuốn sách, tác giả trình bày lời khuyên của mình về nhiều tình huống cụ thể trong cuộc sống, một trong số đó là sự nghèo khổ. Ông khẳng định rằng ngay cả khi gặp khó khăn, chúng ta phải tiếp tục tin tưởng vào Chúa: “Đừng bấn loạn khi con gặp khốn khổ. Hãy bám lấy Người chứ đừng lìa bỏ, để cuối đời, con được cất nhắc lên. Mọi chuyện xảy đến cho con, con hãy chấp nhận, và trải qua bao thăng trầm, con hãy cứ kiên nhẫn. Vì vàng phải được tôi luyện trong lửa, còn những người sáng giá thì phải được thử trong lò ô nhục. Hãy tin vào Người, thì Người sẽ nâng đỡ con. Đường con đi, hãy giữ cho ngay thẳng và trông cậy vào Người. Hỡi ai kính sợ Đức Chúa,hãy trông đợi lòng lân tuất của Người, đừng lìa xa Người kẻo ngã. (2,2-7)
2. Hết trang này sang trang khác, chúng ta khám phá ra một bản tóm tắt lời khuyên quý giá về cách hành động dưới ánh sáng của mối quan hệ mật thiết với Thiên Chúa, Đấng Sáng tạo và yêu thương công trình sáng tạo, Đấng công bình và quan phòng cho tất cả con cái của mình. Tuy nhiên, việc không ngừng đề cập đến Thiên Chúa này không có nghĩa là không quan tâm cụ thể đến nhân loại. Trái lại, cả hai khía cạnh được kết nối chặt chẽ.
Điều này được thể hiện rõ ràng qua đoạn sach mà chủ đề của Sứ điệp năm nay được trích dẫn (x. 7,29-36). Cầu nguyện với Thiên Chúa và liên đới với người nghèo và người đau khổ không thể tách rời nhau. Để thực hiện một hành vi thờ phượng được Thiên Chúa chấp nhận, chúng ta phải nhận ra rằng mỗi người, ngay cả những người nghèo nhất và bị coi thường, đều được tạo dựng theo hình ảnh Thiên Chúa. Phúc lành của Thiên Chúa đến từ nhận thức này; nó được ban nhờ sự quảng đại của chúng ta đối với người nghèo. Thời gian dành cho cầu nguyện không bao giờ có thể trở thành cái cớ để phớt lờ người lân cận nghèo khổ. Trong thực tế điều ngược lại rất đúng: phúc lành của Thiên Chúa ban xuống trên chúng ta và việc cầu nguyện đạt được mục tiêu khi đi kèm với việc phục vụ người nghèo.
3. Giáo huấn cổ xưa này cũng thật hợp thời với chúng ta! Thật vậy, lời của Thiên Chúa vượt qua không gian và thời gian, tôn giáo và văn hóa. Sự quảng đại trong việc giúp đỡ những người yếu đuối, an ủi những người đau khổ, xoa dịu đau khổ và phục hồi phẩm giá cho những người bị tước mất phẩm giá, là điều kiện cho một cuộc sống tràn đầy của con người. Quyết định chăm sóc người nghèo, vì nhiều nhu cầu khác nhau của họ, không thể bị lệ thuộc bởi thời gian rảnh rỗi hoặc bởi lợi ích riêng tư, hoặc bởi các dự án xã hội hoặc mục vụ vô hồn, không thích ứng với thực tế. Sức mạnh của ân sủng của Thiên Chúa không thể bị kìm hãm bởi khuynh hướng ích kỷ luôn đặt bản thân lên hàng đầu.
Luôn đặt quan tâm vào người nghèo là điều khó khăn, nhưng việc chúng ta định hướng đúng đắn cho cuộc sống cá nhân và cuộc sống của xã hội thì cần thiết hơn bao giờ hết. Đó không phải là vấn đề của những lời nói tốt đẹp nhưng là một cam kết cụ thể được truyền cảm hứng từ đức ái của Thiên Chúa. Mỗi năm, vào Ngày Thế giới Người nghèo, tôi nhắc lại sự thật cơ bản này trong đời sống của Giáo hội, vì người nghèo đang và sẽ luôn ở bên chúng ta để giúp chúng ta chào đón sự hiện diện của Chúa Kitô vào cuộc sống hàng ngày của chúng ta (x. Ga 12,8 ).
4. Việc gặp gỡ người nghèo và những người khốn khổ không ngừng thách thức chúng ta và buộc chúng ta phải suy nghĩ. Làm thế nào chúng ta có thể giúp loại bỏ hoặc ít nhất là làm giảm bớt sự thiệt thòi và đau khổ của họ? Làm thế nào chúng ta có thể giúp họ trong nhu cầu tâm linh của họ? Cộng đồng Kitô giáo được kêu gọi tham gia vào loại chia sẻ này và nhận ra rằng việc này không thể được ủy thác cho người khác. Để giúp đỡ người nghèo, chính chúng ta cần phải sống kinh nghiệm về nghèo khó theo Tin Mừng. Chúng ta không thể cảm thấy bình an, thoải mái khi bất kỳ thành viên nào trong gia đình nhân loại bị bỏ lại phía sau và trong bóng tối. Mọi nơi và mọi lúc, Dân Chúa phải đáp lại tiếng khóc thầm lặng của rất nhiều người nghèo, các phụ nữ và trẻ em nghèo, bằng nỗ lực mang lại cho họ tiếng nói, để bảo vệ và hỗ trợ họ khi đối mặt với sự giả hình và rất nhiều lời hứa không được thực hiện, và mời họ chia sẻ vào đời sống của cộng đồng.
Giáo hội chắc chắn không có giải pháp toàn diện để đề nghị, nhưng nhờ ân sủng của Chúa Kitô, Giáo hội có thể đưa ra chứng tá và cử chỉ bác ái của mình. Giáo hội cũng cảm thấy buộc phải lên tiếng thay cho những người thiếu nhu cầu cơ bản của cuộc sống. Nhắc nhở mọi người về giá trị to lớn của lợi ích chung là một dấn thân sống còn của các Kitô hữu; nó được thể hiện trong nỗ lực không lãng quên bất cứ người nào trong số những người mà nhân phẩm bị xúc phạm trong các nhu cầu cơ bản.
5. Khả năng đưa tay cứu giúp của chúng ta cho thấy chúng ta có một khả năng bẩm sinh để hành động theo những cách mang lại ý nghĩa cho cuộc sống. Chúng ta nhìn thấy bao nhiêu bàn tay đưa ra mỗi ngày! Đáng buồn thay, ngày càng có nhiều trường hợp mà tốc độ điên cuồng của cuộc sống khiến chúng ta rơi vào một cơn lốc thờ ơ, đến mức chúng ta không còn biết cách nhận ra những điều tốt đẹp được thực hiện cách âm thầm mỗi ngày và với sự quảng đại tuyệt vời xung quanh chúng ta. Chỉ khi điều gì đó xảy ra làm đảo lộn cuộc sống của chúng ta, đôi mắt của chúng ta mới có khả năng nhìn thấy sự tốt lành của các vị thánh “ở nhà bên cạnh”, của “những người sống ở giữa chúng ta, họ phản chiếu sự hiện diện của Thiên Chúa” (Gaudete et Exsultate, 7), nhưng không phô trương. Các tin xấu lấp đầy các trang báo, trang web và màn hình tivi, đến mức sự ác dường như thống trị. Nhưng không phải như thế. Chắc chắn rằng cuộc sống bị bao bọc bởi sự ác và bạo lực, lạm dụng và tham nhũng, nhưng nó cũng được đan xen với những hành động tôn trọng và quảng đại; những điều này không chỉ bù đắp cho sự ác, mà còn truyền cảm hứng cho chúng ta bước thêm một bước và lấp đầy trái tim với hy vọng.
6. Một bàn tay được đưa ra là một dấu hiệu; một dấu hiệu ngay lập tức nói lên sự gần gũi, liên đới và tình yêu. Trong những tháng này, khi cả thế giới là con mồi của một loại virus mang đến nỗi đau và cái chết, tuyệt vọng và hoang mang, chúng ta đã thấy bao nhiêu bàn tay đưa ra! Bàn tay đưa ra của các bác sĩ, người quan tâm đến từng bệnh nhân và cố gắng tìm ra phương pháp chữa trị phù hợp. Bàn tay đưa ra của những y tá, những người làm thêm giờ, hàng giờ liền để chăm sóc người bệnh. Bàn tay đưa ra của các quản trị viên, những người đưa ra cách thức để cứu nhiều người nhất có thể. Bàn tay đưa ra của các dược sĩ, những người liều bản thân để đáp ứng nhu cầu khẩn thiết của mọi người. Bàn tay đưa ra của các linh mục, những người với trái tim đau khổ khi họ ban phước lành. Bàn tay đưa ra của những tình nguyện viên giúp đỡ những người sống trên đường phố và những người có nhà cửa nhưng không có gì để ăn. Bàn tay đưa ra của những người nam nữ, những người tiếp tục làm việc để cung cấp các dịch vụ thiết yếu và an ninh. Chúng ta có thể tiếp tục nói về rất nhiều bàn tay đưa ra khác, tất cả chúng tạo thành một danh sách tuyệt vời của các hành động tốt. Những bàn tay đó đã bất chấp sự lây lan và sợ hãi để đưa ra sự hỗ trợ và an ủi.
7. Đại dịch này đến bất ngờ khi chúng ta không chuẩn bị, gây ra cảm giác hoang mang và bất lực mạnh mẽ. Tuy nhiên, các bàn tay không bao giờ ngừng đến với người nghèo. Điều này làm cho tất cả chúng ta nhận thức hơn về sự hiện diện của người nghèo ở giữa chúng ta và nhu cầu được giúp đỡ của họ. Các tổ chức bác ái, các công việc của lòng thương xót, không thể ngẫu hứng. Cần tổ chức và đào tạo không ngừng, dựa trên việc nhận ra nhu cầu của chính chúng ta là cần một bàn tay đưa ra.
Kinh nghiệm hiện tại đã thách thức nhiều giả định của chúng ta. Chúng ta cảm thấy nghèo hơn và kém tự chủ hơn vì chúng ta đã nhận ra những giới hạn của mình và sự hạn chế của tự do của chúng ta. Việc mất việc làm và cơ hội để gần gũi với những người thân yêu và những người quen biết thường gặp của chúng ta đã đột ngột mở mắt chúng ta trước những chân trời mà từ lâu chúng ta đã cho là điều hiển nhiên. Câu hỏi về các nguồn lực tinh thần và vật chất của chúng ta được đặt ra và chúng ta thấy mình đang trải qua nỗi sợ hãi. Trong sự im lặng của ngôi nhà của chúng ta, chúng ta đã khám phá lại tầm quan trọng của sự đơn giản và luôn để ý những điều thiết yếu. Chúng ta nhận ra rằng chúng ta cần một ý nghĩa mới về tình huynh đệ mới biết bao nhiêu, để giúp đỡ và quý trọng lẫn nhau. Bây giờ là thời điểm tốt để khôi phục lại niềm tin rằng chúng ta cần nhau, rằng chúng ta có trách nhiệm chung với những người khác và thế giới. Chúng ta đã có đủ sự vô đạo đức và sự nhạo báng về đạo đức, lòng tốt, đức tin và sự trung thực. Khi nền tảng của đời sống xã hội bị xói mòn, những gì xảy ra là những cuộc chiến vì những xung đột lợi ích, những hình thức bạo lực và tàn bạo mới, và những trở ngại cho sự phát triển của một nền văn hóa thực sự chăm sóc cho môi trường (Laudato Si’, 229). Nói một cách dễ hiểu, bao lâu chúng ta chưa ý thức lại trách nhiệm của mình đối với người lân cận và đối với mỗi người, các cuộc khủng hoảng kinh tế, tài chính và chính trị nghiêm trọng sẽ vẫn tiếp tục.
8. Do đó, chủ đề của năm nay – “Hãy rộng tay cứu giúp người nghèo” – mời gọi trách nhiệm và sự dấn thân của những người nam nữ, những người là thành phần của gia đình nhân loại của chúng ta. Nó khuyến khích chúng ta vác đỡ gánh nặng của những người yếu đuối nhất, theo lời của thánh Phaolô: “Hãy lấy đức mến mà phục vụ lẫn nhau. Vì tất cả Lề Luật được nên trọn trong điều răn duy nhất này là: Ngươi phải yêu người thân cận như chính mình… Anh em hãy vác đỡ gánh nặng cho nhau, và như thế là chu toàn lề luật của Chúa Kitô (Gl 5,13-14; 6,2). Thánh tông đồ dạy rằng sự tự do được ban nhờ sự chết và sự phục sinh của Chúa Giêsu Kitô khiến chúng ta có trách nhiệm cá nhân trong việc phục vụ người khác, đặc biệt là những người yếu đuối nhất. Đây không phải là một lựa chọn, mà là một dấu hiệu của tính xác thực của đức tin mà chúng ta tuyên xưng.
Một lần nữa, sách Huấn ca có thể giúp chúng ta. Nó đề nghị những cách cụ thể để hỗ trợ những người dễ bị tổn thương nhất và nó sử dụng những hình ảnh đánh động. Đầu tiên, nó yêu cầu chúng ta cảm thông với những người đang đau buồn: “Đừng ngoảnh mặt không nhìn những ai đang than khóc (7,34). Thời gian đại dịch buộc chúng ta sống trong tình trạng cô lập nghiêm ngặt, thậm chí không thể nhìn thấy và an ủi bạn bè và người quen đau buồn về sự mất mát những người thân yêu của họ. Tác giả sách thánh cũng nói: “Đừng ngại thăm nom người đau yếu” (7,35). Chúng ta đã không thể gần gũi với những người đau khổ, đồng thời chúng ta đã nhận thức rõ hơn về sự mong manh của sự sống của chính chúng ta. Lời Chúa không cho phép tự mãn; nó liên tục thúc đẩy chúng ta thực hiện những hành động của tình yêu.
9. Đồng thời, mệnh lệnh: “Hãy rộng tay giúp đỡ người nghèo” thách thức thái độ của những người thích giữ tay trong túi và không bị lay chuyển bởi những tình cảnh nghèo khó mà họ thường đồng lõa. Sự thờ ơ và yếm thế là lương thực hàng ngày của họ. Thật là một sự khác biệt so với đôi tay quảng đại mà chúng ta đã mô tả! Nếu họ đưa tay ra, là để chạm vào bàn phím máy vi tính để chuyển các khoản tiền từ bên này thế giới sang phía bên kia, và bảo đảm sự giàu có của một số ít người ưu tú và sự nghèo đói khủng khiếp của hàng triệu người và sự hủy hoại của toàn thể các quốc gia. Một số bàn tay được đưa ra để tích lũy tiền bằng cách bán vũ khí mà những người khác, bao gồm cả những đứa trẻ, sử dụng để gieo rắc cái chết và nghèo đói. Những bàn tay khác đưa ra để giải quyết những cái chết trong những con hẻm tối để làm giàu và sống xa hoa và dư thừa hoặc để lặng lẽ chuyển hối lộ để tìm lợi ích nhanh chóng và tham nhũng. Còn có những người khác, bằng cách trưng ra một sự tôn trọng giả tạo, họ đặt ra những luật lệ mà chính họ không tuân theo.
Giữa tất cả các hoàn cảnh này, “những người bị loại trừ vẫn đang chờ đợi. Để duy trì một lối sống loại trừ người khác, hoặc để duy trì sự nhiệt tình cho lý tưởng ích kỷ đó, một sự toàn cầu hóa thờ ơ đã phát triển. Nếu như không nhận thức được điều đó, chúng ta sẽ đi đến chỗ không có khả năng cảm thấy thương cảm trước sự phẫn nộ của người nghèo, không có khả năng khóc vì nỗi đau của người khác và không cảm thấy cần phải giúp đỡ họ, như thể tất cả điều này là trách nhiệm của người khác chứ không phải của chính chúng ta ( Evangelii Gaudium, 54). Chúng ta không thể hạnh phúc cho đến khi những đôi tay gieo cái chết được biến thành công cụ của công lý và hòa bình cho toàn thế giới.
10. “Trong mọi lời ăn tiếng nói, hãy nghĩ đến đời con chung cuộc thế nào” (Hc 7,36). Đây là những từ cuối cùng của chương này của sách Huấn ca. Chúng có thể được hiểu theo hai cách. Trước tiên, cuộc sống của chúng ta sớm hay muộn cũng sẽ kết thúc. Ghi nhớ số phận chung của chúng ta có thể giúp dẫn đến một cuộc sống quan tâm đến những người nghèo hơn chúng ta hoặc không có những cơ hội như chúng ta. Thứ hai, cũng có một kết thúc hoặc mục tiêu mà mỗi chúng ta đang hướng đến. Và điều này có nghĩa là cuộc sống của chúng ta là một dự án và một quá trình. Mục tiêu của mọi hành động của chúng ta chỉ có thể là tình yêu. Đây là mục tiêu cuối cùng của hành trình của chúng ta và không có gì có thể làm chúng ta không chú tâm đến nó. Tình yêu này là tình yêu chia sẻ, cống hiến và phục vụ, được nảy sinh từ nhận thức rằng chúng ta được yêu thương trước và được thức tỉnh để yêu thương. Chúng ta thấy điều này trong cách trẻ em đón nhận nụ cười của người mẹ và cảm thấy được yêu thương, chỉ đơn giản bằng cách sống. Một nụ cười mà chúng ta có thể chia sẻ với người nghèo cũng là nguồn tình yêu và cách lan truyền tình yêu. Tiếp đến, một bàn tay đưa ra có thể luôn được phong phú thêm bởi nụ cười của những người đưa ra sự giúp đỡ, âm thầm và không khoe khoang, nhưng chỉ được truyền cảm hứng từ niềm vui sống như một môn đệ của Chúa Kitô.
Trong hành trình gặp gỡ hàng ngày với người nghèo này, Mẹ Thiên Chúa luôn ở bên chúng ta. Hơn ai hết, Mẹ là Mẹ của Người Nghèo. Đức Trinh Nữ Maria biết rõ những khó khăn và đau khổ của những ngườ bị gạt ngoài lề, vì chính Mẹ đã sinh ra Con Thiên Chúa trong một chuồng thú vật. Do mối đe dọa của vua Hêrôđê, Mẹ đã trốn sang một quốc gia khác cùng với thánh Giuse, người phối ngẫu của Mẹ, và với Hài Nhi Giêsu. Trong nhiều năm, Thánh Gia sống như những người tị nạn. Xin cho lời chúng ta cầu nguyện với Mẹ Maria, Mẹ của Người Nghèo, hợp nhất những người này, những đứa con yêu dấu của Mẹ, với tất cả những người phục vụ họ nhân Danh Chúa Kitô. Và xin cho lời cầu nguyện đó làm cho những bàn tay đưa ra trở thành một vòng tay của tình huynh đệ được chia sẻ và tái khám phá.
Roma, đền thờ thánh Gioan Laterano, ngày 13/06/2020
Lễ nhớ thánh Antôn thành Padua.
(Bản dịch của Hồng Thủy – Vatican News)
Nguồn: vaticannews.va