Kinh Truyền Tin với ĐTC: Đừng bao giờ trò chuyện với ma quỷ
***
Trong buổi đọc Kinh Truyền Tin trưa Chúa Nhật 01/03/2020, Đức Thánh Cha Phanxicô đã nói về những cơn cám dỗ Chúa Giê-su đã trải qua trong sa mạc. Bí quyết chiến thắng của Người là: đuổi hắn đi và dùng Lời của Thiên Chúa để nói với hắn. Đức Thánh Cha cũng xin mọi người cầu nguyện cho những anh chị em đang phải trốn chạy vì chiến tranh. Ngài cũng xin mọi người cầu nguyện cho tuần linh thao của Giáo triều bắt đầu từ chiều Chúa Nhật hôm nay.
Đức Thánh Cha bắt đầu bằng việc giải thích đoạn Tin Mừng của Chúa Nhật I Mùa Chay trích từ Mt 4,1-11.
Ba lần cám dỗ, ba chiến thuật mỗi lúc một tinh vi của ma quỷ
Trong Chúa Nhật thứ nhất Mùa Chay, Tin Mừng (x. Mt 4,1-11) kể rằng Chúa Giêsu, sau khi chịu phép rửa ở sông Giođan, đã “được Thần Khí dẫn vào hoang địa, để chịu quỷ cám dỗ” (câu 1). Ngài chuẩn bị bắt đầu sứ mạng của mình với tư cách là người loan báo Nước Trời và, như Môsê và Elia trong Cựu Ước (x. Xh 24,18; 1V 19,8), Ngài thực hiện bằng việc ăn chay bốn mươi ngày.
Khi sắp hết thời gian ăn chay này, kẻ cám dỗ, ma quỷ, đã xuất hiện và ba lần cố gắng đặt ra những thử thách cho Chúa Giêsu. Cám dỗ đầu tiên đến từ thực tế là Chúa Giêsu đang đói, và ma quỷ gợi ý cho Ngài: “Nếu ông là Con Thiên Chúa, thì truyền cho những hòn đá này hoá bánh đi!” (câu 3). Đó là một thử thách. Nhưng câu trả lời của Chúa Giêsu rất rõ ràng: “Đã có lời chép rằng: Người ta sống không chỉ nhờ cơm bánh, nhưng còn nhờ mọi lời miệng Thiên Chúa phán ra.” (4,4). Ngài gợi nhớ lại Môsê, khi ông nhắc mọi người về hành trình dài trong sa mạc, nơi đó ông học được rằng cuộc sống của ông phụ thuộc vào Lời Chúa (x. Dt 8,3).
Rồi ma quỷ cám dỗ lần thứ hai (câu 5-6) một cách tinh vi hơn khi hắn cũng trích dẫn Kinh Thánh. Chiến lược rất rõ ràng: nếu ông tin tưởng vào quyền năng của Thiên Chúa, thì anh hãy sống kinh nghiệm ấy đi. Thật vậy, chính Kinh Thánh nói rằng bạn sẽ được các thiên thần giúp đỡ (câu 6). Nhưng ngay cả trong trường hợp này, Chúa Giêsu cũng không để mình bối rối, bởi vì bất cứ ai tin thì đều biết rằng Thiên Chúa không đặt ra bài thử đối với mình, nhưng để mình tin vào lòng nhân hậu của Ngài. Do đó, dựa vào lời Kinh Thánh, bị diễn giải bởi satan, Chúa Giêsu trả lời bằng một câu trích khác: “Nhưng cũng đã có lời chép rằng: Ngươi chớ thử thách Đức Chúa là Thiên Chúa của ngươi.” (câu 7).
Cuối cùng, cám dỗ thứ ba (câu 8-9) cho thấy suy nghĩ thực sự của ma quỷ: bởi vì Nước Trời đến đánh dấu sự khởi đầu thất bại của nó, ma quỷ muốn lái Chúa Giêsu khỏi việc thực hiện sứ mạng của Ngài, bằng cách đưa ra một viễn cảnh của chủ nghĩa thiên sai chính trị. Nhưng Chúa Giê-su gạt bỏ việc thờ ngẫu tượng sức mạnh và vinh quang của con người, và cuối cùng, Ngài xua đuổi kẻ cám dỗ bằng cách nói: “Xa-tan, xéo đi! Vì đã có lời chép rằng: Ngươi phải bái lạy Đức Chúa là Thiên Chúa của ngươi, và phải thờ phượng một mình Người mà thôi.” (câu 10). Và chính lúc đó, Chúa Giêsu khi tin tưởng trao mình cho Chúa Cha, thì các thiên thần đến để phục vụ Người. (xem câu 11)
Cách đáp trả của Chúa Giê-su
Đoạn Tin Mừng này dạy chúng ta một điều: Chúa Giêsu không đối thoại với ma quỷ. Người đáp lại ma quỷ bằng Lời của Thiên Chúa, chứ không phải bằng lời của mình. Trong cơn cám dỗ, nhiều khi chúng ta bắt đầu nói chuyện với ma quỷ, với cám dỗ: Đúng, tôi có thể làm điều này, rồi sau đó tôi đi xưng tội, và rồi hết điều này đến điều khác…” Đừng nói chuyện với ma quỷ. Chúa Giêsu làm hai việc với ma quỷ: Người đuổi hắn đi và trả lời bằng Lời Chúa. Anh chị em hãy cẩn thận: đừng bao giờ nói chuyện với cơn cám dỗ, đừng nói chuyện với ma quỷ.
Cám dỗ là chạy theo con đường khác với con đường của Thiên Chúa
Ngày nay satan cũng xâm nhập vào cuộc sống của con người để cám dỗ họ bằng những đề nghị hấp dẫn của nó; nó xen lẫn với nhiều tiếng nói khác để tìm cách chế ngự lương tâm. Những lời mời mọc đến từ khắp nơi, mời mọc ta hãy “để mình bị cám dỗ”, hãy để mình trải nghiệm cảm giác sa ngã. Kinh nghiệm của Chúa Giêsu dạy chúng ta rằng cám dỗ là cố chạy theo những con đường khác với những con đường của Thiên Chúa: “Làm điều này không vấn đề gì đâu, Chúa tha hết ấy mà! Một ngày vui vẻ thôi mà – Nhưng đó là tội mà – Ôi chà! Không vấn đề gì đâu!”. Đó là những con đường cho ta cảm giác về sự tự đủ, tận hưởng cuộc sống vì lợi ích của riêng mình. Nhưng tất cả điều đó chỉ là ảo tưởng: chúng ta sớm nhận ra rằng càng xa cách Chúa, chúng ta càng cảm thấy không chống chọi được và bất lực trước những vấn đề lớn của sự sống.
Xin Đức Trinh Nữ Maria, Mẹ của Ngài đã đạp nát đầu con rắn, giúp chúng ta trong thời gian Mùa Chay này biết cảnh giác trước những cám dỗ, không chịu khuất phục trước bất kỳ thần tượng nào của thế giới này, để bước theo Chúa Giêsu trong cuộc chiến chống lại sự ác; và chúng ta cũng sẽ chiến thắng như Chúa Giêsu.
Cầu nguyện cho các anh chị em di dân đau khổ vì chiến tranh
Trước khi chào các tín hữu, Đức Thánh Cha cầu chúc mọi người sống hành trình Mùa Chay với nhiều hoa trái Thánh Thần và những việc lành. Ngài cũng bày tỏ đau buồn vì được biết có rất nhiều người, nhất là các trẻ em phải ly tán vì chiến tranh, nhiều người di cư tìm nơi trú ngụ và họ cần được giúp đỡ. Tình trạng này đang trở nên trầm trọng hơn trong những ngày này, và ngài nói: chúng ta cần cầu nguyện cho họ.
Đức Thánh Cha không tham dự cuộc linh thao cùng Giáo triều
Ngài cũng xin các tín hữu cầu nguyện cho Giáo Triều trong tuần linh thao bắt đầu từ chiều Chúa Nhật hôm nay tại Ariccia. Vì bị cảm, Đức Thánh Cha không tham gia đợt linh thao này trong năm nay, nhưng ngài sẽ thực hiện các bài cầu nguyện ngay tại Vatican, và hiệp ý thiêng liêng với giáo triều và tất cả những ai làm cuộc linh thao này.
Đức Thánh Cha bị cảm trong những ngày qua nên đã hoãn các buổi tiếp kiến trong tuần dành cho các nhóm. Tuy nhiên, bệnh không quá nặng như một số suy đoán trên mạng xã hội, dù việc cầu nguyện cho ngài là điều luôn cần mọi lúc. Ngài vẫn dâng Thánh Lễ buổi sáng hằng ngày cho cộng đoàn tại nhà nguyện thánh Marta.
Văn Yên, SJ – Vatican News