ĐTC ca ngợi hai Giáo hội Myanmar và Bangladesh sinh động và tươi trẻ
***
Giáo Hội tại hai nước Myanmar và Bangladesh rất sinh động, trẻ trung, có nhiều ơn gọi linh mục tu sĩ, và đang dấn thân góp phần xây dựng hoà bình, hoà giải, thăng tiến tự do, đối thoại, giáo dục và thịnh vượng cho mọi thành phần xã hội. Đặc biệt nơi gương mặt tươi vui của giới trẻ trong cả hai nước tôi trông thấy tương lai của toàn Á châu: một tương lai được xây dựng bởi những ai gieo vãi tình huynh đệ, chứ không phải bởi những người chế tạo và sử dụng vũ khí.
Kính thưa quý vị thính giả, ĐTC Phanxicô đã nói như trên với 8.000 tín hữu và du khách hành hương năm châu trong buổi tiếp kiến sáng thứ tư hôm qua tại đại thính đường Phaolô VI. Trong số các phái đoàn hiện diện cũng có một nhóm tín hữu Việt Nam.
Như quý vị đã biết, ĐTC vừa mới công du hai nước Myanmar và Bangladesh về, nên trong bài huấn dụ ngài đã chia sẻ các tâm tình và cảm nghiệm của ngài với tín hữu. ĐTC đã cám ơn chính quyền và HĐGM hai nước đã mời ngài viếng thăm, chuẩn bị và tiếp đón ngài một cách nồng nhiệt. Ngài đặc biệt cám ơn dân tộc của cả hai nước đã chứng tỏ niềm tin và lòng trìu mến đối với ngài. Liên quan tới Myanmar ĐTC nói đây là lần đầu tiên một người kế vị thánh Phêrô viếng thăm nước này sau khi mới thiết lập bang giao giữa hai bên. ĐTC nói:
Nhân dịp này tôi cũng đã muốn bầy tỏ sự gần gũi của Chúa Kitô và của Giáo Hội với một dân tộc đã đau khổ vì các xung khắc và đàn áp, và đang từ từ bước tới một điều kiện tự do và hoà bình mới. Một dân tộc trong đó Phật giáo đâm rễ rất sâu, với các nguyên lý tinh thần và luân lý đạo đức, và là nơi các kitô hữu hiện diện như một đoàn chiên nhỏ bé và như men của Nước Thiên Chúa. Tôi đã vui sướng củng cố Giáo Hội sinh động và sốt mến này trong đức tin và tình hiệp thông, trong buổi gặp gỡ các Giám Mục và hai buổi cử hành Thánh Thể. Buổi cử hành thứ nhất ở khu vực thể thao tại Yangon. Bài Tin Mừng hôm đó nhắc cho biết rằng các bách hại vì niềm tin vào Chúa Giêsu là bình thường đối với các môn đệ Ngài, như là dịp làm chứng, nhưng “ngay cả một sợi tóc của họ cũng sẽ không mất đi” (x Lc 21,12-19).
** Thánh Lễ thứ hai, sinh hoạt cuối cùng tại Myanmar, dành cho giới trẻ là một dấu chỉ của hy vọng và là một món quà đặc biệt của Đức Trinh Nữ Maria, trong nhà thờ chính toà mang tên Mẹ. Trên các gương mặt của những người trẻ tràn đầy tươi vui này tôi đã trông thấy tương lai của Á châu: một tương lai sẽ được làm nên không phải bởi người chế tạo vũ khí, mà bởi người gieo vãi tình huynh đệ. Vẫn trong dấu chỉ của niềm hy vọng tôi đã làm phép 16 viên đá đầu tiên của 16 nhà thờ, của chủng viện và của Toà Sứ Thần.
Ngoài cộng đoàn công giáo tôi cũng đã gặp gỡ chính quyền Myanmar, và khích lệ các nỗ lực hoà bình và hoà giải đất nước, bằng cách cầu mong rằng tất cả mọi thành phần khác nhau của quốc gia, không loại trừ ai, có thể góp phần vào tiến trình đó trong việc tôn trọng nhau. Trong tinh thần này tôi cũng đã muốn gặp gỡ đại diện của các cộng đoàn tôn giáo khác nhau hiện diện tại Myanamar. Cách riêng với Hội đồng các nhà sư phật giáo tôi đã biểu lộ sự quý trọng của Giáo Hội đối với truyền thống tinh thần cổ xưa của họ, và sự tin tưởng rằng các kitô hữu và các tín đồ phật giáo có thể cùng nhau trợ giúp con người, yêu thương Thiên Chúa và tha nhân, bằng cách từ bỏ mọi bạo lực và chống lại sự ác bằng sự thiện.
Sau khi rời Myanmar tôi đã tới Bangladesh, nơi tôi đã kính viếng những người đã chết trong cuộc chiến đấu giành độc lập và “Người cha của quốc gia”. Đại đa số dân Bangladesh là tín hữu hồi, và vì thế chuyến viếng thăm của tôi – theo gót chân phước Giáo Hoàng Phaolô VI và thánh Gioan Phaolô II – đã ghi dấu một bước tiến nữa đối với sự tôn trọng và đối thoại giữa Kitô giáo và Hồi giáo.
Tôi đã nhắc cho chính quyền nước này nhớ rằng Toà Thánh, ngay từ đầu, đã ủng hộ ý chí của nhân dân Banglale thành lập một quốc gia độc lập, cũng như đòi buộc rằng trong đó quyền tự do tôn giáo luôn luôn được tôn trọng. Tiếp đến ĐTC đã nhắc tới thảm cảnh của người tỵ nạn Rohingya như sau:
Đặc biệt tôi đã có thể bầy tỏ tình liên đới với Bangladesh trong nỗ lực cứu giúp người tỵ nạn Rohingya ồ ạt trốn chạy sang vùng đất của mình, nơi mật độ dân số đã là một trong các vùng đông dân nhất thế giới.
** ĐTC nói thêm trong bài huấn dụ: Thánh Lễ cử hành tại công viên lịch sử Dhaka đã được thêm phong phú với việc truyền chức Linh Mục cho 16 tiến chức, và đây đã là một trong các biến cố ý nghĩa và vui tươi nhất của chuyến công du. Thật thế, tại Bangladesh cũng như bên Myanmar nhờ ơn Chúa, không thiếu các ơn gọi, dấu chỉ của các cộng đoàn sống động, nơi vang lên tiếng Chúa mời gọi theo Ngài. Tôi đã chia sẻ niềm vui này với các Giám Mục Bangladesh, và tôi đã khích lệ các vị trong công việc quảng đại của các vị cho các gia đình, cho người nghèo, cho việc giáo dục, đối thoại và hoà bình xã hội. Và tôi đã chia sẻ niềm vui này với biết bao nhiêu linh mục, tu sĩ nam nữ cũng như chủng sinh, và tập sinh nam nữ, mà nơi họ tôi trông thấy các mầm non của Giáo Hội trên vùng đất này.
Tại Dhaka chúng tôi đã sống một lúc đối thoại liên tôn và đại kết sâu đậm, cho tôi có dịp nhấn mạnh tầm quan trọng của việc rộng mở con tim như nền tảng của nền văn hoá gặp gỡ, của sự hoà hợp và hoà bình. Ngoài ra tôi cũng đã viếng thăm “Nhà của Mẹ Têrêxa”, nơi thánh nữ đã sống khi ở trong thành phố này, và là nơi tiếp đón rất nhiều trẻ mồ côi và người tàn tật. Tại đây theo đặc sủng của mình các nữ tu sống mỗi ngày trong lời cầu nguyện thờ lậy và việc phục vụ Chúa Kitô nghèo khó và khổ đau. Không bao giờ thiếu nụ cười trên môi của họ: các nữ tu cầu nguyện nhiều biết bao, và liên tục phục vụ những người khổ đau với nụ cười trên môi. Thật là một chứng tá đẹp. Tôi cám ơn các nữ tu bé nhỏ này rất nhiều.
Biến cố cuối cùng đã là buổi gặp gỡ người trẻ Bangladesh, với nhiều chứng từ, thánh ca và vũ điệu. Những người Bengale này vũ thật hay! Họ biết múa nhảy hay thật. Một lễ hội biểu lộ niềm vui của Tin Mừng được nền văn hoá tại đây đón nhận; một niềm vui được phong phú bởi các hy sinh của biết bao nhiêu thừa sai, các giáo lý viên và phụ huynh kitô. Hiện diện trong cuộc gặp gỡ cũng có các người trẻ hồi giáo và người trẻ của các tôn giáo khác: một dấu chỉ của niềm hy vọng cho Bangladesh, cho Á chầu và cho toàn thế giới.
Linh Tiến Khải