Trong quan niệm dân gian, mặc dù ông bà đã chết nhưng linh hồn vẫn còn sống về phù hộ cho con cháu mạnh khỏe, làm ăn phát đạt. “Sự tử như sự sinh, sự vong như sự tồn”, nên những dịp lễ Tết, người ta hay mời ông bà về chung vui với mình. Đó là sợi dây vô hình nối giữa người còn sống và người đã chết.
Thờ cúng tổ tiên, ông bà là tấm lòng biết ơn của người còn sống đối với tiền nhân – những người đã có công sinh thành, dưỡng dục, dạy dỗ mình nên người. Ngoài ra, nó còn là một nét đẹp truyền thống, đạo lý sâu xa của dân tộc về việc giáo dục chữ hiếu, nguồn cội cho cháu con, nhắc nhở họ nhớ về những kỷ niệm, công đức của ông bà.
Chính vì lẽ đó mà từ nhà giàu sang cho đến gia đình nghèo khó đều đặt bàn thờ gia tiên ở nơi trang trọng nhất, ngay chính giữa nhà, như là sự tôn kính tuyệt đối của mình đối với vong linh những vị tổ tiên trong gia đình.
Theo nhà văn Sơn Nam, ngày xưa ở Nam bộ, cái bàn thờ ông bà còn gọi là cái giường thờ. Đem cái giường mà cha mẹ thường nằm để thờ ngay giữa nhà, giữ nguyên vị trí cái ô trầu, cái gối.
Phía trước giường thờ, xưa kia bố trí cái bàn bốn chân. Trên mặt bàn chưng bộ lư, chân đèn, vùa hương. Gọi đó là cái “bàn nghi”, để phủ dưới chân bàn dùng tấm vải đỏ, thêu rồng phượng hoặc chữ Hán, chúc phước.
Lúc cúng giỗ, dọn thức ăn lên giường thờ, trên “bàn nghi” thì thắp nhang. Nhưng lần hồi, đơn giản hóa, cái giường thờ thu hẹp, như cái bàn nhỏ chừng 30cm, đủ dọn bốn món cúng.
Ngoài những ngày giỗ, việc cúng tổ tiên còn được tổ chức vào các ngày đầu năm mới. Đây cũng là dịp cúng long trọng vì con cháu tề tựu đông đủ.
Đúng giao thừa, người ta đặt những thức cúng lên bàn thờ gia tiên, thắp hương tưởng niệm, khấn vái, rước ông bà về nhà cùng con cháu vui xuân. Các ngày tiếp theo, người ta đều cúng cơm cho đến hết Tết, làm lễ tiễn ông bà thì việc thờ cúng gia tiên trong ngày Tết mới coi là xong.
Tục rước ông bà của người Nam bộ xưa rất cầu kỳ. Sau khi dọn mâm cỗ lên bàn thờ, người chủ nhà phải mặc áo dài, khăn đóng, kính cẩn hai tay bưng khay lễ có trầu, rượu ra tận cổng hoặc phần mộ để mời tổ tiên vào nhà. Cùng đi có hai đứa trẻ cầm hai cây mía chừa lá ngọn buộc túm lại, gọi là gậy ông bà. Vào đến nhà, cặp gậy ông bà được cột đứng hai bên bàn thờ. Người chủ nhà bắt đầu dâng hương, rót rượu mời tổ tiên và báo cáo ngày hôm sau là ngày Nguyên đán, mời ông bà cùng về vui với con cháu.
Song song với các sản vật được đặt lên bàn thờ của tổ tiên là mâm ngũ quả được bày biện gọn gàng, đẹp mắt trên một cái dĩa to, chiếm một nơi trang trọng ở bàn thờ.
Theo như tên gọi thì mâm ngũ quả phải có đủ 5 loại trái cây. Việc chọn các loại quả cũng có sự khác nhau theo từng vùng. Có nơi người ta dùng ý nghĩa của màu sắc để thể hiện quan niệm tốt lành của mình trong ngày Tết, như: màu xanh tượng trưng cho sức sống mãnh liệt (chuối xanh), màu vàng tượng trưng cho sự ấm no (bưởi, đu đủ)… Có nơi lại dùng ý nghĩa tên gọi của từng loại quả để thể hiện ước vọng của mình trong ngày xuân, như: hồng, quýt tượng trưng cho sự thành đạt, phật thủ tượng trưng cho sự an lành…
Riêng ở Nam bộ, mâm ngũ quả vẫn cứ như truyền thống gồm: mãng cầu, sung, dừa xiêm, đu đủ, xoài, mà quan niệm dân gian thường gửi gắm một ước mơ đơn sơ: cầu sung vừa đủ xài, hay cầu vừa đủ xài mà thôi.
Mâm ngũ quả ngày Tết thể hiện sự phong phú của hoa trái thiên nhiên, thành quả lao động mệt nhọc sau một năm gặt hái. Đồng thời cũng thể hiện đạo lý nhớ về cội nguồn “ăn quả nhớ kẻ trồng cây”, có lộc trời thì thành kính dâng lên tổ tiên, tạ ơn trời đất…
Tín ngưỡng thờ cúng tổ tiên ở Việt Nam có truyền thống lâu đời, là một biểu hiện của văn hóa dân tộc, đến mức nâng lên thành đạo – đạo thờ ông bà, đạo làm con.
Trần Ngu Lạc
Nguồn : thanhnien.com.vn