Để trang hoàng nhà cửa và để thưởng Xuân, trước đây từ các nhà nho cho tới những người bình dân vẫn còn trọng tục treo “câu đối đỏ” nhân ngày Tết. Những câu đối này được viết bằng chữ nho (màu đen hay vàng) trên những tấm giấy đỏ hay hồng đào nên thường được gọi chung là câu đối đỏ.
Chữ nghĩa ở các câu đối này thường là những chúc tụng nhân năm mới, chẳng hạn như:
Phước thâm tự hải (hạnh phúc nhiều sâu như biển)
Lộc cao như sơn (của cải nhiều cao như núi)
Hay:
Thiên tăng tuế nguyệt, nhân tăng thọ
(Trời đất ngày gia tăng ngày tháng ví như con người mỗi năm tăng thêm tuổi thọ)
Xuân mãn càn khôn, phúc mãn đường
(mùa xuân về đầy trong Trời đất ví như hạnh phúc đầy nhà)
Câu đối cũng còn được gọi là liễn. Liễn thường là những dải giấy màu đỏ hay hồng đào, hai đầu dải giấy có làm trục bằng gỗ hay bằng tre để khi treo lên thì dải câu đối được ngay ngắn. Cũng có khi liễn không cần có trục và chỉ là những dải giấy để tiện dán vào những nơi cần treo như ở hai bên bàn thờ, các cột nhà cửa, cổng hay ngõ…
Trước đây ở chốn thôn quê, mỗi khi Tết đến, người ta còn cẩn thận dán liễn đỏ ở cửa chuồng lợn, trâu, bò hoặc ở thân cây dừa, nhãn, ổi, na… để ngụ ý cầu mong cho mọi sự được tốt đẹp như lợn, trâu, bò hay ăn chóng lớn, sinh đẻ đầy đàn… các cây thì sai trái.
Những nhà không có đủ khả năng và phương tiện viết câu đối ăn Tết thường phải nhờ những cụ đồ nho chuyên viết và bán những câu đối Tết.
Các văn nhân nhân dịp Tết cũng thường làm câu đối để bày tỏ ý chí của mình hoặc chỉ trích những thói hư tật xấu của người đời, chẳng hạn:
Thiên hạ xám rồi còn đốt pháo
Nhân tình bạc thế, lại bôi vôi
(Trần Tế Xương)
Hay:
Tối ba mươi khép cánh càn khôn
Ních chặt lại kẻo ma vương đưa quỷ tới
Sáng mồng một, lỏng theo tạo hóa
Mở toang ra, cho thiếu nữ đón xuân vào
(Hồ Xuân Hương)
Trích 100 điều nên biết về phong tục VN