Ủy Ban Giáo Dân
Hội đồng Giám Mục Việt Nam
Ban Nghiên Huấn
PHẦN TU ĐỨC
SỬA SAI VÀ KHÍCH LỆ ( Lc 10,38-42)
Chị Mác-ta thật đảm đang, tay làm cùng lúc nhiều việc và con mắt cũng cùng lúc quản nhiều việc. Cũng chính ở điểm này mà chị cần được lời Chúa Giêsu đụng chạm, chữa lành và biến đổi. Có như vậy, chị mới tìm lại được niềm vui và bình an.
Chị Mác-ta đón Đức Giêsu vào nhà. Ngôi nhà của ba chị em Mác-ta, Maria, và La-da-rô tràn ngập niềm vui vì được đón tiếp Đức Giêsu và các môn đệ Người. Sau khi Đức Giêsu vào nhà, cô Maria cứ ngồi bên chân Chúa mà nghe lời Người dạy; còn cô Mác-ta từ “tất bật lo việc phục vụ”. Một khung cảnh rất đỗi bình thường, thân thương, ấm cúng: mỗi người trong nhà, mỗi người mỗi việc, cùng nhau đón tiếp khách quý.
Trên nhà, Maria ngồi “thưa chuyện” với Đức Giêsu; dưới bếp, Mác-ta “tất bật” chuyện bếp núc. Hãy dừng lại quan sát, nhìn ngắm, lắng nghe chị Mác-ta trải lòng, có khi là lời nói trong lòng hoặc lời lẩm bẩm một mình. Câu chuyện của chị Mác-ta diễn tả chuyển biến nội tâm của chị, có thể chia thành ba giai đoạn như sau: lúc đầu, chị chú tâm lo liệu việc phục vụ với niềm vui, làm vì Chúa Giêsu; sau đó, chị “nhìn ngang, ngó dọc”, nhìn những việc mình phải làm và so sánh với những người xung quanh; sau cùng, chị bỏ bếp đi lên nhà trên, không kìm giữ hay lẩm bẩm nữa: “Em con để mình con phục vụ, mà Thầy không để ý tới sao? Xin Thầy bảo nó giúp con một tay!”.
Câu nói của chị Mác-ta hàm chứa hai lời trách móc: trách em và trách Thầy; chị trách móc bởi suy đoán dựa trên hai sự kiện khách quan: Maria chỉ biết ngồi đó nghe, còn Đức Giêsu thì chỉ biết ngồi đó nói. Chị Mác-ta thật có lý và hẳn là thành viên Hội đồng mục vụ giáo xứ chúng ta cũng có kinh nghiệm này khi tham gia phục vụ giáo xứ; đôi khi chúng ta cũng ứng xử như chị. Tuy nhiên, biểu hiện của chị Mác-ta cho thấy một tấm lòng nhiệt thành nhưng tổn thương. Chị cần được lời Chúa chữa lành và hoán cải: “Mác-ta! Mác-ta ơi! Chị băn khoăn lo lắng nhiều chuyện quá. Chỉ có một chuyện cần thiết mà thôi. Maria đã chọn phần tốt nhất và sẽ không bị lấy đi”.
Đức Giêsu yêu mến chị Mác-ta; Người gọi tên chị hai lần: “Mác-ta! Mác-ta ơi!”. Dường như Người đề cao việc lắng nghe lời Chúa: “Chỉ có một chuyện cần thiết mà thôi…”. Tuy nhiên, ở trường hợp khác, Đức Giêsu cũng nhấn mạnh việc phục vụ: “Ai muốn làm lớn giữa anh em, thì phải làm người phục vụ anh em”(Mt 20,26-28); “Anh em hãy rửa chân cho nhau, như Thầy rửa chân cho anh em” (Ga 13,14). Hơn nữa, nếu chị Maria ngồi dưới chân Đức Giêsu, nhưng không tập trung vào Đức Giêsu và lời Người, lòng trí cũng “băn khoăn lo lắng nhiều chuyện”, chuyện dưới bếp, chuyện ngoài sân… thì liệu chị có “chọn phần tốt nhất và sẽ không bị lấy đi” hay không?! Nếu chúng ta chia trí trong các giờ thiêng liêng, vẫn ngồi đó bên Chúa, nhưng lòng trí “băn khoăn lo lắng nhiều chuyện” như chị Mác-ta thì sao!?
Thật ra, lời Đức Giêsu không nhắm đến sự việc, việc phục vụ hay việc cầu nguyện, nhưng nhắm đến thái độ nội tâm của con người. Đức Giêsu không phủ nhận giá trị việc phục vụ của Mác-ta, cũng như Người không phủ nhận việc phục vụ của chúng ta, nhưng vấn đề là thái độ nội tâm của chị Mác-ta và của chúng ta, đó là thái độ “băn khoăn và lo lắng”; đó là “bệnh nhiều chuyện”. Làm việc phục vụ, nhưng đôi mắt lại “nhìn ngang, ngó dọc”, so sánh với người này kẻ nọ, rồi ghen tị và khó chấp nhận sự khác biệt… “Chỉ có một điều cần thiết mà thôi”, đó là quy hướng đời sống về Đức Giêsu, lắng nghe lời Chúa trong mọi sự, dù đang ở đâu hay làm việc gì.
Hồi tâm.
Tôi có từng giúp đỡ tha nhân vì bác ái, có quan tâm nỗi đau hay vấn đề của người khác? Tôi có ghen ghét hay ác cảm với ai không và khi người đó cần tôi giúp đỡ, tôi ứng xử thế nào?
Tôi thường có tâm tình và thái độ như thế nào khi làm việc phục vụ trong giáo xứ? Tôi ứng xử thế nào trước những ý kiến trái chiều, cách làm khác biệt… của anh chị em, khi cùng nhau phục vụ?
Lm Toma Vũ Ngọc Tín, SJ.
*****************
PHẦN QUẢN TRỊ MỤC VỤ
CỐNG HIẾN, LÃNH NHẬN… KHÔNG CẰN NHẰN…
“Họ vừa lãnh vừa cằn nhằn gia chủ: ‘Mấy người sau chót này chỉ làm có một giờ, thế mà ông lại coi họ ngang hàng với chúng tôi là những người đã phải làm việc nặng nhọc cả ngày, lại còn bị nắng nôi thiêu đốt’”. (Mt 20,11-12)
Dẫn vào
Trong sinh hoạt theo tổ (per group) dịp Tổng hội AsIPA VIII vừa qua (18/10-24/10/2018) tại Batam của In-đô-nê-xi-a, một số thành viên tích cực mở rộng chủ đề của tổng hội là “Các cộng đoàn Ki-tô hữu nhỏ Phúc âm hóa các gia đình hướng đến hiệp thông và sứ vụ” thành: “Các cộng đoàn Ki-tô hữu nhỏ Phúc âm hóa từng cá vị để Phúc âm hóa các gia đình, để Phúc âm hóa các giáo xứ, để Phúc âm hóa các giáo phận… hướng đến hiệp thông và sứ vụ”.
Tầm nhìn về Phúc âm hóa theo lối này – với văn phong “biền ngẫu pháp” – không chỉ bao quát các đối tượng cộng đồng, cộng đoàn là những khách thể được tác động, đồng thời cũng là chủ thể hành động của những “chiều rộng” (Phúc âm hóa các giáo xứ, để Phúc âm hóa các giáo phận…),“chiều sâu” (Phúc âm hóa từng cá vị để Phúc âm hóa các gia đình…) trong định hướng loan báo Tin Mừng.
Theo đó, để Phúc âm hóa các cấp độ tổ chức, quý chức các giới, các hội đoàn nói chung, hội đồng mục vụ giáo xứ nói riêng, hãy mang lấy tầm nhìn này: dù chỉ lãnh nhận “một quan tiền”, đừng cằn nhằn… “chiều rộng”, “chiều sâu”.[1]
Cống hiến và lãnh nhận… không cằn nhằn…
Để hướng đến hiệp thông và sứ vụ, công cuộc loan báo Tin Mừng không chỉ nhằm Phúc âm hóa các gia đình, các giáo xứ, các giáo phận… mà còn phải căn cội hơn hướng về chiều ngược lại, khởi đi từ từng cá vị, từng gia đình. Sứ vụ hiệp thông không nên bao hàm việc vừa lãnh nhận vừa cằn nhằn “gia chủ”: “Mấy người sau chót này chỉ làm có một giờ…”;[2] cũng đừng than thở: “Phải làm việc nặng nhọc cả ngày…”.[3]
Vất vả vẫn vui vẻ chính là phụng sự Chúa và Giáo hội trong hân hoan; vất vả vẫn vui vẻ là phong cách cần có của người tông đồ.[4]
Thật vậy, khi nhắc lại Tông huấn Evangelii gaudium (Niềm vui Tin Mừng), Đức Giáo hoàng Phan-xi-cô đã hữu ý nhấn mạnh đến khía cạnh tu đức và rất mục vụ bằng những từ ngữ tích cực – đối nghĩa với cằn nhằn, than thở… – trong Tông huấn Gaudete et Exsultate (Hãy vui mừng hân hoan). Cụ thể, số 125 của Tông huấn Gaudete et Exsultate đã viết:: “Những thời khắc khó khăn có thể sẽ đến, khi thập tự giá ập xuống, nhưng không gì có thể…”
… hủy diệt được niềm vui siêu nhiên, một niềm vui biết “thích ứng và thay đổi, nhưng luôn luôn tồn tại, dù chỉ như một ngọn đèn leo lét phát sinh từ sự vững chắc của nhân vị là chúng ta được Thiên Chúa yêu thương vô cùng, mặc cho lời nói nào hay sự việc gì có xảy ra”.[5]
Nói khác đi, khi tham gia vào công việc mục vụ trong xứ đạo, các thành viên hội đồng mục vụ giáo xứ không bao giờ được quên: “Quản trị viên ra sức làm mọi việc cho đúng cách; nhà lãnh đạo cố gắng làm những việc đúng, việc phải…; vị mục tử riêng không chỉ nỗ lực làm những việc đúng, việc phải mà còn cần nỗ lực làm những việc ấy sao cho đúng cách nữa”.[6] Theo đó, ta hãy phụng sự trong hân hoan. Theo đó, ta hiểu “chiều rộng”, “chiều sâu”. Theo đó, ta có thể nghĩ về “Quyền lợi khi còn sống”, “Quyền lợi khi qua đời” của các thành viên hội đồng mục vụ giáo xứ.
Lãnh nhận “một quan tiền”
Với cái nhìn trần thế, theo tâm lý tự nhiên, ý tưởng “một quan tiền” vẫn thường xuất hiện trong tâm trí người tông đồ, người môn đệ. Điều khác biệt là cách thức đón nhận: không cằn nhằn… “chiều rộng”, “chiều sâu”.[7] Quý chức các hội đồng, hội đoàn giáo xứ hãy trực diện với vấn đề cách trung dung, thanh thản, cởi mở lòng.
Quyền lợi khi còn sống: “Các thành viên hội đồng mục vụ giáo xứ khi còn sống, được: (1) học hỏi, huấn luyện, bồi dưỡng cách hệ thống qua tập huấn, thường huấn, chuyên huấn… nhằm nâng cao tinh thần và năng lực phục vụ; (2) bồi dưỡng cách riêng qua các dịp tĩnh tâm, đặc biệt là dịp nhận chức và chuẩn bị mừng trọng thể lễ bổn mạng hội đồng mục vụ giáo xứ; (3) linh mục chính xứ dâng lễ cầu nguyện cho dịp lễ bổn mạng hội đồng mục vụ giáo xứ;[8] (4) cộng đoàn giáo xứ bày tỏ thái độ trân trọng, biết ơn, cầu nguyện và chung tay cộng tác để xây dựng Giáo hội Chúa; (5) cấp vi bằng, khi hoàn thành nhiệm vụ cách mỹ mãn, theo quy định của giáo phận”.[9]
Quyền lợi khi qua đời: “Vì các thành viên hội đồng mục vụ giáo xứ đã từng cộng tác chặt chẽ và thường xuyên với linh mục chính xứ trong việc quản trị giáo xứ, khi: (1) đến dịp lễ các linh hồn (2-11), các thành viên đã qua đời có quyền được giáo xứ trích quỹ hội đồng mục vụ giáo xứ để xin một thánh lễ cầu nguyện cho; (2) một thành viên đương nhiệm hoặc đã mãn nhiệm qua đời: * Thành viên ban thường vụ hội đồng mục vụ giáo xứ và trưởng các giáo họ: (1*) trong giáo xứ: (1**) ban thường vụ hội đồng mục vụ giáo xứ đến viếng xác, (2**) hội đồng mục vụ giáo xứ trích quỹ xin một thánh lễ và thông báo cho cộng đoàn dự lễ an táng; (2*) ngoài giáo xứ (ở xa): hội đồng mục vụ giáo xứ xin một thánh lễ và ban thường vụ hội đồng mục vụ giáo xứ thông báo cho cộng đoàn hiệp ý cầu nguyện. * Thành viên khác thuộc hội đồng mục vụ giáo xứ: (1*) trong giáo xứ: (1**) các thành viên hội đồng mục vụ giáo xứ đến viếng xác, (2**) hội đồng mục vụ giáo xứ trích quỹ xin một thánh lễ và thông báo cho cộng đoàn dự lễ an táng; (2*) ngoài giáo xứ (ở xa): hội đồng mục vụ giáo xứ xin một thánh lễ và thông báo cho cộng đoàn hiệp ý cầu nguyện. A/ Người bạn đời của một thành viên đương nhiệm hoặc đã mãn nhiệm qua đời:[10] * Người bạn đời của thành viên ban thường vụ hội đồng mục vụ giáo xứ và của trưởng các giáo họ: (1*) trong giáo xứ: (1**) ban thường vụ hội đồng mục vụ giáo xứ đến viếng xác, (2**) hội đồng mục vụ giáo xứ trích quỹ xin một thánh lễ và thông báo cho cộng đoàn dự lễ an táng; (2*) ngoài giáo xứ (ở xa): hội đồng mục vụ giáo xứ xin một thánh lễ và ban thường vụ hội đồng mục vụ giáo xứ thông báo cho cộng đoàn hiệp ý cầu nguyện. * Người bạn đời của thành viên khác thuộc hội đồng mục vụ giáo xứ: (1*) trong giáo xứ: (1**) đại diện hội đồng mục vụ giáo xứ đến viếng xác, (2**) hội đồng mục vụ giáo xứ trích quỹ xin một thánh lễ và thông báo cho cộng đoàn dự lễ an táng; (2*) ngoài giáo xứ (ở xa): hội đồng mục vụ giáo xứ xin một thánh lễ và thông báo cho cộng đoàn hiệp ý cầu nguyện. B/ Cha hoặc mẹ của một thành viên đương nhiệm hoặc đã mãn nhiệm qua đời: * Cha hoặc mẹ của thành viên ban thường vụ hội đồng mục vụ giáo xứ và của trưởng các giáo họ: (1*) trong giáo xứ: ban thường vụ hội đồng mục vụ giáo xứ đến viếng xác và dự lễ an táng; (2*) ngoài giáo xứ (ở xa): ban thường vụ hội đồng mục vụ giáo xứ thông báo cho cộng đoàn hiệp ý cầu nguyện. * Cha hoặc mẹ của thành viên khác thuộc hội đồng mục vụ giáo xứ: (1*) trong giáo xứ: thành viên hội đồng mục vụ giáo xứ đến viếng xác và dự lễ an táng; (2*) ngoài giáo xứ (ở xa): hội đồng mục vụ giáo xứ thông báo cho cộng đoàn hiệp ý cầu nguyện.[11]
Để kết
Nếu như ngạn ngữ Pháp có câu: “Một ông thánh buồn là một ông thánh đáng buồn”,[12] thì có lẽ, các tiểu mục: “Không cằn nhằn… ‘chiều rộng’, ‘chiều sâu’”, “Lãnh nhận ‘một quan tiền’” có thể giúp chúng ta hân hoan sống đời mục vụ, góp phần vào công cuộc loan báo Tin Mừng, mà luôn đặc biệt nhớ đến nội dung của Lời Chúa trong Mát-thêu 20,11-12, dẫu có phải “làm việc nặng nhọc cả ngày, lại còn bị nắng nôi thiêu đốt”.[13] Vì thế, để Phúc âm hóa các cấp độ tổ chức, quý chức các giới, các hội đoàn nói chung, hội đồng mục vụ giáo xứ nói riêng hãy sẵn sàng cho “Những thời khắc khó khăn có thể sẽ đến, khi thập tự giá ập xuống, nhưng không gì có thể hủy diệt được niềm vui siêu nhiên…”.[14]
Câu hỏi giúp thảo luận
1-Bạn nghĩ thế nào về tâm thế cần có khi dấn thân phục vụ: cống hiến và “lãnh nhận… không cằn nhằn…”?
2-Nếu định hướng “Các cộng đoàn Ki-tô hữu nhỏ Phúc âm hóa từng cá vị để Phúc âm hóa các gia đình, để Phúc âm hóa các giáo xứ, để Phúc âm hóa các giáo phận… hướng đến hiệp thông và sứ vụ” được quảng bá và áp dụng, thì đâu sẽ là những việc làm cụ thể, bạn nghĩ, chúng ta nên thực hiện trước nhất?
28-11-2018, GTHH
***************************
PHẦN HUẤN GIÁO
Phần III: GIÁO DÂN TRONG CHIẾU KÍCH THÁNH HÓA CỦA HỘI THÁNH
GIÁO DÂN TRONG HỘI THÁNH HIỆP THÔNG
1-Hiệp thông trong Hội Thánh là gì?
Thiết tưởng không phải là thừa khi chúng ta được nhắc nhở ngay từ bài 01 rằng: Hội Thành tiên quyết là một sự hiệp thông vĩ đại.
Quả thật hiệp thông là ý tưởng chính yếu và nền tảng của các văn kiện Công Đồng, đặc biệt hiến chế Lumen Gentium.Quả vậy, yếu tồ hiệp thông của Đoàn Dân Thiên Chúa phải là đặc điểm của Hội Thánh, một tập thể mang tính lịch sử được qui tụ trong Chúa Thánh Thần, lấy chính Chúa Ba Ngôi làm bản gốc, được tạo thành theo hình ảnh trung thực của Chúa Ki-tô Giê-su, trong đó các phần tử, tuy nhiều nhưng làm thành một thân thể duy nhất là chính Đức Ki-tô.
Tông huấn Christi Fideles Laici (Người Ki-tô Hữu Giáo Dân) số 18 còn triển khai tư tưởng này rõ ràng hơn nữa: “Sự hiệp thông giữa Chúa Con và Chúa Cha trong ân huệ Chúa Thánh Thần chính là kiểu mẫu, nguồn mạch và cùng đích cho sự hiệp thông giữa các Ki-tô Hữu với Đức Giê-su. Nhờ được kết hiệp với Chua Con, trong sợi giây tình yêu của Chúa Thánh Thần, các Ki-tô hữu được kết hiệp với Chúa Cha”.
Đúng thế, Kinh Thánh đã dùng nhiều hình ảnh khác nhau để diễn tả thực tại phong phú này, như chuồng chiên, đàn chiên, cây nho, tòa nhà thiên liêng, nhiệm thể Đức Ki-tô, đoàn dân Thiên Chúa… Mỗi hình ảnh giúp ta hiểu một số khía cạnh khác nhau của Mầu Nhiệm Hiệp Thông cao cả.
2-Giáo Dân và Mầu Nhiệm Hội Thánh Hiệp Thông
‘Giáo Dân’ ở đây mang nghĩa rộng nhất, nghĩa là tất cả những ai đã được lãnh nhận bí tích Thánh Tẩy, cửa ngõ đi vào sự hiệp thông cao cả này. Kể từ đó mẫu số chung của họ sẽ là:
Họ có cùng một vị thủ lãnh là Đức Ki-tô – Người Con chí ái của Chúa Cha, Đấng mà họ nỗ lực hiệp thông vớicách chặt chẽ, nhất là qua việc cử hành Thánh Thể. Từ đó họ nhận được phẩm giá là được làm con Thiên Chúa
Họ sẽ cùng nhau san sẻ một Giới Răn mới là “yêu thương nhau như chính Đức Ki-tô yêu thương và thí mạng mình vì chúng ta”
Đời sống họ sẽ cùng nhau hứớng tới một cứu cánh duy nhất là phát triển Nước Thiên Chúa trong tác động mạnh mẽ của Chúa Thánh Thần.
Thượng Hội Đồng đặc biệt được triệu tập vào năm 1985, kỷ niệm 20 năm bế mạc Công Đồng Va-ti-can II đã khẳng định rằng ‘nhờ khám phá lại được thực tại thậm sâu này, mà Hội Thánh đã hiểu rõ hơn về bản tính thâm sâu của mình; và vạch ra cho con cái mình một hướng đi đúng đắn và rõ rệt.’
3-Chúa Thánh Thần là nguyên lý của Hiệp Thông trong đa diện
Trong kinh Tin Kính chúng ta tuyên xưng “Tôi tin Hội Thánh duy nhất…” tuy nhiên trong thực tế, ta lại thấy Hội Thánh gồm đủ mọi hạng người khác biệt nhau từ quốc tịch, mầu da, lứa tuổi… Vậy đâu là yếu tố giúp Hội Thánh đạt tới sự hiệp thông trong một sự hiệp nhất bắt đầu từ một tình trạng đa diện như thế?
Hiệp thông không phải là đồng nhất (các phần tử hiệp thông vẫn bảo tồn những gì là của riêng mình với các nét độc đáo), nhưng là kết hiệp nên một với các phần tử đa diện khác nhau nhờ mộtyếu tố có một không hai là Chúa Thành Thần, Đấngtừ muôn thuở đã liên kết nên một sự khác biệt của chính Ba Ngôi Thiên Chúa. Quả vậy, Chúa Thánh Thần chính là nguyên lý của mọi khác biệt và hiệp thông trong Hội Thánh. Chinh Ngài ban các ân điển khác nhau để làm ích cho Hội Thánh, cũng như chinh Ngài liên kết các chi thể lại với nhau. Sự liên kết đó mật thiết tới nỗi “nếu một chi thể nào đau đớn thì tất cả mọi chi thể khác đều chịu đau đớn, và nếu một chi thể nào được vinh dự, thì tất cả các chi thể khác cùng chung vui” (1 Cr 12: 26)
Chúa Thánh Thần còn là sự sống của Hội Thánh. “Nhờ sức mạnh của Tin Mừng, Ngài làm cho Hội Thánh được luôn tươi trẻ, không ngừng canh tân, và dẫn đưa Hội Thánh đến hiệp thông trọn vẹn với Phu Quân của mình” (CFL số 20)
4-Giáo Dân trong Hội Thánh hiệp thông
Sự hiệp thông là một hồng ân lớn lao của Chúa Thánh Thần mà mọi thành phần Dân Chúa, trong đó, đặc biệt là Giáo Dân phải làm cho sinh hoa kết trái bằng việc tích cực tham gia vào đời sống và sứ vụ của Hội Thánh. Do đó, mọi Giáo Dân không có quyền khép kín mình lại, nhưng phải mở rộng lòng và bàn tay để chia sẻ trách nhiệm trong Hội Thánh, với ý thức rõ ràng rằng mình có cùng một phẩm giá Ki-tô hữu như nhau, và ngoài ra, còn được Chúa Thánh Thần ban thêm những hồng ân đặc biệt khác để phụcvụ. Thực vậy, Tông Huấn ‘Người Ki-tô Hữu Giáo Dân số 24 đã khẳng định ‘để đáp ứng muôn vàn đòi hỏi trong lịch sử của Hội Thánh trên trần, Chúa Thánh Thần đã ban cho các tín hữu, ngoài ơn đoàn sủng dành cho mọi người, còn rất nhiều đặc sủng khác nữa: người thì Chúa Thánh Thần ban cho được ơn khôn ngoan để giảng dạy, người thì được ban ơn hiểu biết để trình bày… kẻ khác thì được ơn nói các tiếng lạ. Tất cả các đặc sủng đó đều nhằm xây dựng Hội Thánh, đem lại thiện ích cho con người, và đáp ứng các nhu cầu đa diện của thế giới. Vì thế những ai đón nhận những hồng ân đó phải sử dụng chúng để toàn thể Hội Thánh được tiến triển.
Sách Tin Mừng Gio-an đã dùng hình ảnh cây nho và cánh nho hầu giúp ta hiểu cách sâu xa hơn về sự hiệp thông giữa các khác biệt đa diện trong Hội Thánh. Các cành nho tuy có khác nhau, nhưng có cùng chung một nhựa sống luân chuyển liên tục trong toàn thân.
Ôi, sự hiệp thông vô cùng độc đáo và linh thánh!
Câu hỏi gợi ý:
1-Tại sao sự hiệp thông giữa mọi phần tử trong Hội Thánh lại phải xuất phát từ sự thông hiệp của Ba Ngôi Thiên Chúa, qua lời chào: ‘nguyện xin ân sủng của Đức Giê-su Ki-tô, Chúa chúng ta, và tình yêu của Chúa Cha, và ơn thông hiệp của Chúa Thánh Thần hằng ở cùng anh chị em’
2-Theo bạn, đâu là dấu chỉ hiệp thông hữu hiệu nhất, mà các Ki-tô hữu có thể diễn tả trong cuộc sống hàng ngày của mình, trước hết cho chính mình, thứ đến cho các tín hữu khác, và sau hết cho mọi người sống quanh bạn?
Lm. Gioan Nguyễn Văn Ty, SBD
******************************
PHẦN MỤC VỤ
Bài 7: Cuộc hội nhập văn hoá
của các tín hữu Công giáo thời trước
Nhân dịp kỷ niệm 30 năm ngày 117 vị tử đạo Việt Nam được tuyên thánh, chúng ta hãy ôn lại những giá trị cao quý mà những tín hữu Công giáo thời các ngài đã làm chứng và trao lại cho dân tộc Việt Nam khi theo Chúa Giêsu Kitô. Từ đó ta sẽ nhận ra mình cần phải làm gì để làm chứng cho Người.
1-Bản sắc dân tộc Việt và nền văn hoá Trung Quốc
Dân tộc Việt Nam, sau hơn 1000 năm bị người Trung Quốc đô hộ, từ năm 111 TCN cho đến năm 938, đã được độc lập khi Ngô Quyền chiến thắng quân Nam Hán trên sông Bạch Đằng. Nhưng từ đó cho đến đầu thế kỷ XX, người dân Việt vẫn chịu ảnh hưởng nặng nề của nền văn hoá Trung Quốc. Nền quân chủ chuyên chế của các đời vua Việt, lấy Khổng giáo làm nền tảng để nắm giữ vương quyền, đã kìm hãm sự phát triển của dân tộc suốt cả ngàn năm qua.
Ngoại trừ tiếng Việt và niềm tin vào Trời còn giữ được như bản sắc dân tộc, người Việt hầu như sống theo những giá trị văn hoá Trung Quốc. Người Việt dùng chữ Hán trong việc học hành, thi cử. Sau này với tinh thần phản kháng, người Việt phát minh ra chữ Nôm nhưng căn bản vẫn là những chữ Hán được thêm vào ít nét để tạo thành chữ riêng cho dân tộc. Những phong tục cưới xin, cúng giỗ, lễ tết, ma chay, ăn mặc, cấy cày, nghề nghiệp hầu như đều là sản phẩm từ Trung Quốc nhập vào.
Luân lý xã hội đặt nền tảng trên 3 mối tương quan chính: vua tôi, cha con, chồng vợ, gọi là tam cương (quân thần, phụ tử, phu phụ), và thêm mối 2 tương quan khác là anh em, bạn hữu, gọi là ngũ thường (huynh đệ, bằng hữu) . Vua là thiên tử, là con trời, thay trời trị dân nên vua có toàn quyền sinh sát trong tay. Vua bảo chết mà bầy tôi không chết thì bị coi là bất trung. Xã hội coi trọng người đàn ông, tạo nên sự bất bình đẳng nam nữ, cho phép người đàn ông có nhiều vợ. Còn người phụ nữ phải giữ tam tòng, tứ đức: “ở nhà thì theo cha, lấy chồng thì theo chồng, chồng chết thì theo con” nên suốt đời sống lệ thuộc vào người khác[15].
Cách học từ chương của người Trung Quốc lấy Tứ Thư, Ngũ Kinh làm nền tảng, chỉ quanh quẩn với những bài văn, bài thơ xoay quanh vài ba chủ đề hẹp hòi, ca tụng chế độ, không dám đi sâu vào bất cứ điều gì, vì nếu lỡ lời, dùng chữ không đúng là có thể bị ghép vào tội phản loạn, khi quân và bị giết cả dòng họ. Vì thế, xã hội chẳng biết gì đến khoa học, kỹ thuật, đến những giá trị mới mẻ, tiến bộ của loài người.
2-Những giá trị cao quý và mới mẻ
Chỉ từ khi những nhà truyền giáo phương Tây đến Việt Nam từ thế kỷ XVI, nhất là các linh mục dòng Tên, từ năm 1615-1665, dân tộc ta mới biết đến những giá trị mới mẻ và cao quý vượt lên trên nền văn hoá Trung Quốc. Đó là những giá trị về dân chủ, về hôn nhân một vợ một chồng, về bình đẳng nam nữ, về khoa học kỹ thuật, về chữ viết căn cứ vào âm vị học thay cho thứ chữ tượng thanh, tượng hình của người Tàu. Nhưng, thay vì cả dân tộc đón nhận những giá trị mới, lại chỉ có một số ít người tin vào lời rao giảng của các nhà truyền giáo mà đi theo Đức Giêsu Kitô và họ đã phải trả giá rất đắt cho các giá trị này.
Ý niệm dân chủ bắt nguồn từ việc nhận biết có một Đức Chúa Trời là cha chung của muôn loài, nên tất cả đều là anh em với nhau. Vì thế, không ai có quyền sinh sát trên người khác. Hơn nữa, Đức Giêsu là Con Một Chúa Trời, là Thiên Tử, mà còn chịu chết trên thập giá để đền tội thay cho mọi người, thì mọi người đều phải thương yêu nhau và dám chết cho nhau. Nhưng ý niệm người dân làm chủ đất nước này không được các vua chúa chấp nhận vì nó đi ngược với chế độ quân chủ chuyên chế, độc tài.
Trong đại gia đình Thiên Chúa mọi người đều bình đẳng với nhau về giá trị con người, dù họ là nam hay nữ, già hay trẻ, giàu hay nghèo, là vua hay bầy tôi. Ai nấy đều được tôn trọng, được học hành, làm việc như nhau. Tuy nhiên, cộng đồng vẫn giữ tôn ti trật tự trong xã hội.
Gia đình Công giáo chỉ có một vợ một chồng, không có cảnh “chồng chúa, vợ tôi”, “vợ cả, vợ lẽ”, “con bà, con tôi” nên trong nhà luôn an vui hạnh phúc và đấy ắp tiếng cười.
Dân Việt thời đó do không hiểu biết nhiều về khoa học, chưa biết giữ vệ sinh, nên nhiều trẻ thơ bị chết yểu, nhiều sản phụ bị chết khi sinh con do bị nhiễm trùng. Hằng ngày người ta dùng nước ao tù để tắm rửa, ăn uống nên dễ bị các bệnh toét mắt, ghẻ lở, giun sán, đường ruột. Còn người Công giáo, nhờ các giáo sĩ Tây Phương dạy các khoa học thường thức nên biết lọc nước bằng than cát sỏi để dùng, biết nấu nước chín để uống, biết giữ vệ sinh nên trở thành những người khoẻ mạnh, xinh đẹp, thông minh, tài giỏi.
Tuy nhiên, các tín hữu Công giáo thời đó, ngay từ thế kỷ XVIII, đã phải trả giá rất đắt cho những giá trị mới mẻ này. Vua chúa thù ghét họ về ý niệm dân chủ. Quan lại và những người trí thức được đào tạo theo Khổng giáo thù ghét họ vì thứ chữ viết gọi là chữ Quốc ngữ mà cả dân tộc ta đang dùng. Những đám dân nghèo ghen tức, chỉ muốn cướp phá các làng trù phú của người Công giáo, vì các tín hữu giàu có nhờ biết dạy nghề cho nhau, buôn bán thật thà. Hàng chục ngàn người đã bị giết trong thế kỷ XVIII. Nhất là từ khi người Pháp xâm lăng nước ta, hàng trăm ngàn người đã bị giết từ năm 1840-1886 do Phong trào Văn Thân lấy lý do là người Công giáo cộng tác với kẻ thù. Với số dân đông đúc và sự giàu mạnh, người Công giáo thời đó đủ sức nhờ người Pháp mua tàu chiến, súng đạn để chống lại kẻ giết hại mình. Nhưng họ đã cam lòng chịu chết mà không oán hận để noi gương Chúa Giêsu làm chứng cho lòng mình yêu mến quê hương[16].
3-Những giá trị mới cần người Công giáo thời nay làm chứng
Công trình làm chứng cho Đức Giêsu về những giá trị mới mẻ của nền văn hoá Công giáo như đang mời gọi các tín hữu Công giáo dấn thân vào một giai đoạn mới từ năm 1945 đến nay. Sau khi cả dân tộc Việt đón nhận những giá trị mới về dân chủ, bình đẳng nam nữ, hôn nhân một vợ một chồng, khoa học hiện đại và chữ Quốc Ngữ, nhiều tín hữu tưởng rằng mình đã đạt được mục đích. Họ vui mừng, hãnh diện và ngủ quên trong chiến thắng, trong khi Đức Giêsu mời gọi họ tiếp tục làm chứng cho Người: “Ai xấu hổ vì tôi và vì những lời của tôi, thì Con Người cũng sẽ xấu hổ vì kẻ ấy, khi Người ngự đến trong vinh quang của mình, của Chúa Cha và các thánh thiên thần” (Lc 9,26).
Những giá trị mới mẻ được tìm thấy trong lời dạy của Chúa Giêsu, nhất là qua Tám Mối Phúc: đó là “tinh thần nghèo khó, hiền hoà, thánh thiện, trong sạch, liêm chính, yêu thương, quảng đại, hy sinh vì đại nghĩa” và nhiều giá trị khác được Giáo Hội giới thiệu qua Công đồng Vaticanô II, qua sách Giáo lý Hội thánh Công giáo, qua sách Tóm lược Học thuyết Xã hội Công giáo.
Dân tộc Việt Nam chúng ta đang đứng trước những nguy cơ mới, tai hại và khốc liệt hơn cả thời trước đây. Người ta đang cổ vũ cho nền văn hoá sự chết khi dùng các phương tiện truyền thông xã hội để thúc đẩy con người bỏ đi niềm tin vào Trời là Đấng linh thiêng soi thấu lòng người và thưởng phạt công minh. Người ta hô hào một xã hội duy vật trong đó con người chỉ biết kiếm tìm danh lợi, hưởng thụ vật chất bằng bất cứ giá nào khiến cho đạo đức suy đồi, tham nhũng, bất công, phá thai, nghiện ngập, lừa dối xảy ra ở khắp nơi có thể dẫn đến hiểm hoạ diệt vong cho dân tộc.
Lời kết
Vì thế, chúng ta hãy cầu xin Chúa Cha rộng ban Thánh Thần tình yêu và sức mạnh cho chúng ta, qua lời chuyển cầu của các thánh Tử đạo Việt Nam, để chúng ta noi gương các bậc tổ tiên anh hùng làm chứng cho Đức Giêsu Kitô. Chúng ta quyết tâm xây dựng nền văn hoá Công giáo hằng những hành động cụ thể để cho mọi người cảm nghiệm được Nước Trời đang ở giữa họ, nước “tràn đầy sự thật và sự sống, sự thánh thiện và ân sủng, tràn đầy công lý, bình an và tình yêu”[17].
Câu hỏi gợi ý
- Các tín hữu Công giáo thời xưa đã sống như thế nào để thu phục đồng bào tin theo Chúa Giêsu Kitô?
- Tín hữu thời nay nên sống cụ thể tích cực ra sao để làm chứng cho Nước Trời?
Lm. Antôn Nguyễn Ngọc Sơn, HKK
________________________________________
[1] X. Thomas Vijay Sac, et Agnes Chauramma Chawadi, Bước đi trên con đường mới (Dịch giả: Gio-an Lê Quang Vinh) (TP. HCM: Nxb. Tôn Giáo, 2018), 87-106.
[2] Mt 20,11-12.
[3] Ibid.
[4] X. Mt 5,12; Gaudete et Exsultate, số 1.
[5] Tông huấn Evangelii Gaudium (ngày 24-11-2013), 6: AAS 105 (2013), 1221.
[6] Ta, A Training Program to Promote Collaborative Leadership… (Washington, DC: The Catholic University of America, 2005), 95.
[7] X. Sac, et Chawadi, Bước đi trên con đường mới (Dịch giả: Gio-an Lê Quang Vinh), 173-88.
[8] Linh mục chính xứ cầu nguyện cho tất cả các vị phục vụ giáo xứ ở các cấp, đương nhiệm và đã mãn nhiệm.
[9] Tòa giám mục cấp cho các thành viên ban thường vụ và các trưởng ban chấp hành các giáo họ (theo đề xuất của linh mục chính xứ). Linh mục chính xứ cấp cho các thành viên khác. (Điều 20)
[10] Tương tự như số (2) của điều này.
[11] Điều 21.
[12] Un saint triste est un triste saint!
[13] Mt 20,11-12.
[14] Tông huấn Evangelii Gaudium (24-11-2013), 6: AAS 105 (2013), 1221.
[15] X. Hội đồng Giám mục Việt Nam (HĐGMVN), Niên Giám 2016 Giáo hội Công giáo Việt Nam, NXB Tôn Giáo, tr 179-182.
[16] X. HĐGMVN, Niên Giám 2016 Giáo hội Công giáo Việt Nam, NXB Tôn Giáo, tr 182-185.
[17] X. Sách lễ Rôma, Kinh Tiền Tụng Lễ Chúa Kitô, Vua Vũ trụ; Cđ. Vat. II, Hiến chế Gaudium et Spes, số 39.