Thánh Giuse – Bạn Trăm Năm Đức Trinh Nữ Maria
Giuse, người công chính
Biệt hiệu ‘công chính’ luôn gắn liền với Giuse. Giuse công chính vì ông kính sợ Chúa, ông kính sợ Chúa nên ông tuân giữ luật Chúa cách trọn hảo, ông tuân giữ luật Chúa vì ông yêu mến Chúa, người yêu mến Chúa thì được kể là công chính. Tin Mừng ghi lại: “bạn của bà là người công chính, không muốn tố cáo bà, nên định tâm lìa bỏ bà cách kín đáo”(Mt 1,19). Ðây là câu chuyện duy nhất trong Tân Ước diễn tả trực tiếp về con người của thánh Giuse, một vị hôn phu không những là người đã giữ đức công bình mà còn trung thành chu toàn mọi bổn phận của một người chồng, người chủ gia đình.
Bạn hiền Trinh Nữ
Lần giở lại những trang Tin Mừng có liên quan đến thánh Giuse, chúng ta có thể khám phá ngay tính cao thượng trượng phu của ngài. Khi hay tin Maria mang thai, thánh Giuse không bối rối cũng không ẩn trốn. Nhưng ngài chỉ mới toan tính bỏ bà Maria cách kín đáo. Tuy nhiên, ngài không thực hiện ý định đó. Bởi sau khi được sứ thần Thiên Chúa đến mặc khải cho ngài qua giấc mộng: “Maria mang thai là bởi quyền năng của Chúa Thánh Thần”(Mt 1,20), ngài đã không còn “bán tín bán nghi” nữa. Trái lại, tín thác hoàn toàn vào lời của sứ thần, sẵn sàng đón Đức Maria về nhà làm bạn mình và phục vụ với lòng kính trọng, mến yêu.
Những biến cố xảy ra trong cuộc đời thánh Giuse; như mầu nhiệm nhập thể, cuộc trốn chạy sang Ai Cập trước ý định tìm giết Chúa Giêsu của vua Hêrôđê, việc lạc mất Chúa Giêsu, cũng như những tháng năm sống đời ẩn dật tại Nazaret, Giuse, bậc trượng phu đã đứng mũi chịu sào trong mọi tình huống: cùng bạn mình “đem Hài nhi lên Giêrusalem tiến dâng cho Chúa” (Lc 2,22); “đem Hài nhi và mẹ Ngài ban đêm mà trốn qua Ai Cập” (Mt 2,14); “đem Hài Nhi và Mẹ Ngài mà về đất Israel” (Mt 2,20 ); cùng với bạn đời sống âm thầm nơi thôn làng Nazaret, hàng năm cùng với Đức Maria đưa Chúa Giêsu lên đền thờ chầu lễ (x. Lc 2,41-43). Ngài thật xứng đáng là bạn hiền của Đức Nữ Trinh (x. Phần dẫn nhập Patris Corde).
Như thế, từ khi kết hôn với Mẹ Maria cho đến biến cố Chúa Giêsu 12 tuổi tại đền thờ Giêrusalem, ngài ân cần yêu thương đồng hành trong mọi lúc. Ngài ở cạnh Maria hiền thê của ngài trong những lúc thanh thản cũng như trong những lúc khó khăn của cuộc sống, trong hành trình đi Bêlem để kiểm tra dân số, và trong những giờ hồi hộp và vui mừng của cuộc sinh hạ;trong lúc bi thảm tị nạn sang Ai Cập và trong cuộc vất vả tìm con tại đền thờ; và rồi trong cuộc sống hằng ngày tại nhà Nagiaret, trong phòng làm việc nơi thánh nhân đã dạy nghề cho Chúa Giêsu (x. Patris Corde, số 6).
Thánh Giuse đã sống ơn gọi làm chồng của Đức Maria trong thinh lặng, kiên trì và trung tín hoàn toàn, cả khi ngài không hiểu. Ngài biết lắng nghe Thiên Chúa, để cho thánh ý Chúa hướng dẫn, và chính vì thế thánh nhân trở thành bạn hiền, người chồng mẫu mực của Đức Maria và người cha tận tụy đối với Chúa Giêsu, như thánh giáo hoàng Gioan Phaolô II đã nhấn mạnh: “Thánh Giuse, vì yêu thương chăm sóc Mẹ Maria và vui mừng tận tụy giáo dục Ðức Giêsu Kitô, như thế Ngài cũng giữ gìn và bảo vệ nhiệm thể của Ngài là Giáo Hội, mà Ðức Thánh Trinh Nữ là hình ảnh và gương mẫu”(x. Redemptoris Custos, số 1).
Sự tích cành hoa huệ trên tay thánh Giuse
Có rất nhiều bạn thắc mắc vì tại sao có nhiều ảnh hay tượng mà trên tay thánh Giuse lại có cành hoa huệ.
Theo dã sử, Trinh Nữ Maria đã dâng mình trong đền thờ và khấn đời sống khiết tịnh. Nhưng Thiên Chúa đã chọn Trinh Nữ làm mẹ Ngôi Hai Thiên Chúa. Trinh Nữ sẽ chịu thai bởi phép Chúa Thánh Thần chứ không theo tự nhiên của loài người. Là những bậc vị vọng trong đền thờ, các thầy cả thượng phẩm đã tổ chức một lễ tuyển chọn người “bạn đường” cho Maria. Các ngài đã ra lệnh cho tất cả các thanh niên trong thành, ai muốn cùng Maria kết nghĩa trăm năm, phải đến đền thờ khai tên tuổi và mang theo một cây gậy, trong số đó cũng có chàng thanh niên Giuse. Trước giờ tổ chức, các thầy cả thu thập những gậy lại và để trên bàn thờ. Cầu nguyện vừa xong, tự nhiên một cây gậy khô cằn, trên đầu đã nở một cành hoa huệ tươi mát, xem ra mới biết đó là gậy của Giuse.
Cây gậy trổ ra một bông huệ, tượng trưng cho sự thanh sạch. Hoa huệ nói lên sự tinh khiết, thanh sạch; cây gậy nói lên sự giản dị, tính ngay thẳng, sự khiêm nhường. Không phải những đức tính đó là của thánh Giuse hay sao!
Tại Âu châu, tượng thánh Giuse thường đi theo với cành hoa huệ trắng hay cành hoa hạnh nhân. Có thể hoa huệ trắng là hình ảnh thánh Giuse trong thế giới Mỹ-Tây Ban Nha với gốc rễ Thánh Kinh. Hoa huệ trắng trong Cựu Ước hay Tân Ước, là loại hoa thơm có cành dài với nhiều cánh hoa. Theo tương truyền, thánh Giuse cầm cành hoa huệ trắng đến xin hỏi cưới Mẹ Maria, hoa huệ tượng trưng cho sự tinh tuyền và tình yêu. Cựu Ước nhắc đến hoa huệ trong Diễm Ca (Dc 1,12; 4,13-14). Trong Tân Ước thì Phúc Âm thánh Mácô (Mc 14,3) và tthánh Gioan (Ga 12,3) nhắc đến hoa huệ.
Chúng ta hãy xin thánh Giuse từ trời cao trợ giúp cho chúng ta luôn sống ngay thẳng, chuẩn mực như cây gậy của thánh Giuse và tâm hồn được tinh khiết, đơn sơ và cao quý như bông huệ trắng trong tay thánh Giuse.
Lm. An-tôn Nguyễn Văn Độ