Thánh Giuse:
“Người mẫu” quản gia
***
I. Quản gia cơ động
Suy niệm cuộc đời thánh Giuse, ta thấy có 3 cuộc dịch chuyển lớn do thánh ý Thiên Chúa.
1. Trở về nguyên quán
Khi hoàng đế Augúttô ra lệnh kiểm tra dân số, vị hôn phu thu xếp cùng người vợ trẻ khăn gói rời miền Galilê vào Giuđêa làm giấy tờ. Giuse để Maria – đang mang thai hài nhi -, ngồi trên lưng lừa, còn anh lội bộ đi trước dẫn chú lừa. Rõ là “vợ chúa, chồng tôi”! Giuse hành động như thế vì vâng lời sứ thần truyền báo, anh để cho “Chúa đặt đâu, anh ngồi đó” và đón Maria về nhà mình. Vì tôn trọng thiên ý, nên đồng thời anh cũng trân trọng vợ quý. Có điều chăm sóc vợ chu đáo trong tình trạng di động như thế chẳng đơn giản chút nào!
2. Di dân sang Ai Cập
Theo dự tính, hai vợ chồng chỉ vào Nam bộ một thởi gian ngắn để khai sổ bộ rồi trở lại miền Bắc, nên hành lý mang theo chẳng có chi ngoài vài bộ quần áo và ít vật dụng cá nhân. Thánh ý Thiên Chúa nhiệm mầu, tâm trí loài người làm sao hiểu thấu! Khổ nỗi Maria lại trở dạ giữa đường mà vẫn chưa tìm được nơi tạm trú, Giuse đành vội đưa nàng vào hang gia súc và trợ giúp nàng vượt cạn. Thử tưởng tượng tình huống một người đàn ông con trai, thiếu thốn phương tiện, lại ở xa nhà và lần đầu tiên phải làm cái việc hộ sinh bất đắc dĩ này, mới thấy thương cho dưỡng phụ của Đức Giêsu, với sự lúng túng và lo toan cho vợ con. Rồi vừa được an ủi, nhẹ nhõm với các đoàn mục đồng và đạo sĩ viếng thăm. Được tiếp tế chút lương thực khi lương khô vừa cạn. Chúa thật quan phòng! Bỗng dưng thiên sứ lại truyền di tản sang Ai Cập để bảo toàn sinh mạng con trẻ. Thân sơ thất sở, anh bắt đầu lại cuộc sống mới, vất vả lao động nuôi 3 miệng ăn nơi đất khách quê người và tập thích nghi với môi trường mới. Là người Việt di cư, có lẽ chúng ta dễ đồng cảm với thánh Giuse trong hoàn cảnh này, vì đã trải nghiệm thế nào là người tản cư, di dân.
3. Hồi hương về Do Thái
“Từ Ai Cập Ta đã gọi con Ta về” (Hs 11, 1). Lời Kinh thánh ứng nghiệm 100% nơi cuộc đời trần thế của Chúa Cứu thế, nhưng ta đang đặt mình vào tâm trạng của bố Giuse. Cuộc sống mới vừa ổn định tại đất khách quê người, thì này sứ thần lại báo mộng yêu cầu Giuse đưa cả gia đình trở về cố hương. Chuyến hồi hương này xem ra an toàn và có định hướng rõ ràng hơn lúc di tản, tuy nhiên, đã thêm tuổi và chắc không khỏi dao động tâm lý, vì lại phải bắt đầu lại từ con số “0”. Hẳn ai cũng có ít nhiều kinh nghiệm dọn nhà của gia đình mình hay thân hữu: càng thêm tuổi, người ta càng ngại đổi chỗ ở, thay nơi ăn ngủ.
II. Sống như quản gia
1. Xin Vâng bằng hành động
Đọc lại cuộc đời đầy sóng gió và hành trình tâm linh của thánh Giuse, theo Kinh Thánh, ta có thể tự hỏi: Vì sao ý Chúa được truyền đạt cho Giuse qua các giấc mơ, đang trinh nữ Maria và tư tế Giacaria đều được sứ thần Thiên Chúa hiển thị tại nhà hay trong đền thờ?
Thiên Chúa có cách thế bày tỏ ý muốn yêu thương của Ngài dành cho mỗi người khác nhau. Một tình yêu duy nhất, nhưng cách biểu hiện tình thương của chúng ta đối với vợ, chồng, con cái, cha mẹ, bằng hữu… có như nhau đâu! Chúa bày tỏ ý định cho Giuse khi ngài đang nghỉ ngơi trong Chúa.
Người ta dễ rơi vào tâm trạng bất ổn hay bất an khi được gợi ý / yêu cầu làm một điều gì đó mới mẻ hay khác với sở thích cá nhân. Phản ứng bột phát là phản kháng, dẫu biết đó là điều tốt, hữu ích cho bản thân. Lối phản xạ này có thể do – một cách vô thức -, ý muốn duy trì tình trạng ổn định hoặc nhằm bảo vệ tự do cá nhân (tôi muốn tự định đoạt cuộc đời của mình). Không ngờ khi hành xử như thế có nghĩa là “Tôi là Chúa” của mình, chứ không ai khác. Hậu quả là không những ta tự giam hãm đời mình trong “cái tôi”, mà còn xúc phạm đến Thiên Chúa nữa, khi từ chối đề nghị sống theo cách thế Ngài mong đợi.
2. Để Chúa đổi đời mình
Ai cũng muốn đổi mới đời sống cho tốt đẹp hơn, từ vật chất đến tinh thần. Đối với người tin, thì chính Chúa cũng muốn hoàn thiện đời sống của chúng ta và chỉ mình Ngài mới có khả năng đổi mới toàn diện cuộc đời. Ngài hứa:“Ta sẽ tặng các ngươi một quả tim mới, sẽ đặt thần khí mới vào lòng. Lấy khỏi mình các ngươi quả tim chai đá, và sẽ ban tặng một quả tim biết yêu thương” (Ed 36, 26).
Khi để Chúa biến đổi qua cầu nguyện và đời sống bí tích, được thanh thản tâm hồn, nghỉ ngơi trong Chúa, ta sẽ dễ dàng nhận ra Thánh Ý và mau mắn thực thi, như thánh Giuse.
3. Trở lại nơi xuất phát
Hành trình địa lý Nadarét – Bêlem – Ai Cập – Nadarét có thể được chiêm ngắm như một cuộc trở về liên tục nơi xuát phát, tình yêu thuở ban đầu, nơi định cư “Gốc”. Chúng ta xuất phát từ Thiên Chúa và sẽ trở về cùng Thiên Chúa, bất chấp các truân chuyên trong cuộc hành trình đức tin này.
Trở lại Quê Nhà cũng là mời gọi lên đường thường trực dành cho từng thành viên trong gia đình, cộng đoàn và giáo xứ. Mỗi người nỗ lực đi ra khỏi chính mình, thực hiện các đề nghị của Thiên Chúa – qua các sứ giả của Ngài – để có thể đổi mới cuộc sống cá nhân và tạo lập mái ấm gia đình-Thiên Chúa.
Ba lần di chuyển nơi cư trú của người quản gia thánh làm nổi bật các chiều kích của một thánh gia thất: (1) nâng niu người Bạn đời và bảo vệ sự sống Hài nhi, (2) can đảm thay đổi và thích nghi với môi trường mới (3) đưa gia đình về Cội Nguồn Tình yêu.
III. Ưu tư và nguyện ước
Đối chiếu 3 cột trụ thánh thiêng của gia đình Nadarét với thực trạng xã hội hiện nay, ta chợt cảm thấy đau lòng và nặng trĩu ưu tư. Hiện trạng vũ phu và hành hạ trẻ con vẫn tồn tại ở thế kỷ XXI này. Theo Hội Kế hoạch hóa gia đình Việt Nam, bình quân mỗi năm có khoảng 300.000 trường hợp nạo phá thai nơi trẻ vị thành niên (trên tổng số 1,5 triệu ca), cao nhất so với các nước Đông Nam Á và thứ 5 thế giới. Tình hình nạo phá thai có xu hướng tăng trong những năm gần đây. Số liệu này được đưa ra dịp kỷ niệm ngày Dân số thế giới với chủ đề “Mang thai ở tuổi vị thành niên”, diễn ra tại Tp. HCM hôm 11.7.2013 (*).
Bảo vệ sự sống và môi trường sống là hai thách đố lớn hiện nay mà từng gia đình, cả xã hội và Giáo hội đều phải đối diện và tìm cách giải đáp.
Làm sao các người quản trị gia đình và cộng đồng đạo đời biết tận tâm tận lực kiến tạo/tái tạo một môi sinh lành mạnh cho trẻ thơ/giới trẻ, từ lĩnh vực văn hóa, giải trí đến phong cách ứng xử, nơi trường học cũng như trên đường phố…?
Các bậc phụ huynh có dám chịu khó vì sự thành nhân của con (chứ không chỉ nhắm thành công) và thay đổi việc làm, nơi cư trú để bảo vệ gia đình mình khỏi mọi thứ “ô nhiễm” trong môi trường sống hiện tại không?
Và nếu bất khả đổi thay chỗ ở, thì làm thế nào thay đổi nhịp sinh hoạt gia đình, để các thành viên được dịp ăn uống, giải trí và cầu nguyện chung với nhau nhiều hơn?
Nhờ lời thánh Cả chuyển cầu, xin Thiên Chúa cho mỗi phần tử trong gia đình hay cộng đoàn, được trở nên quản gia tín trung như ý Chúa, đối với những người mình có trách nhiệm yêu thương, chăm sóc hay giáo dưỡng. Nguyện cho tình yêu liên vị nơi Ba Ngôi được thể hiện trong các mối tương quan giữa anh chị em chúng ta.
Lạy thánh Giuse – Bổn mạng Giáo hội tại Việt Nam -, xin bảo trợ và gìn giữ từng mái ấm gia đình chúng con. Xin giúp Kitô hữu biết quản lý cuộc đời mình theo Lời Chúa, để thuyền đời của mỗi người cũng như con thuyền Giáo hội có thể vượt qua mọi trở lực, cùng nhau hồi hương Thiên Quốc và cập bến Bình An.
Mai Phúc
——————-
(*) Thiên Chương, Tỷ lệ nạo phá thai ở Việt Nam cao nhất Đông Nam Á: doisong.vnexpress.net/tin-tuc/suc-khoe/ty-le-nao-pha-thai-o-viet-nam-cao-nhat-dong-nam-a-2847862.html