Lòng thương xót với anh chị em lương dân
***
Thiên Chúa muốn cứu độ không chỉ người Do thái, mà là toàn thể nhân loại như lời Đức Giêsu đã nói: “Tôi còn có những chiên khác không thuộc ràn này. Tôi cũng phải đưa chúng về. Chúng sẽ nghe tiếng tôi và sẽ chỉ có một đoàn chiên và một mục tử” (Ga 10,16). Đó là sứ mạng của Chúa Giêsu và cũng là nhiệm vụ của cả Giáo Hội.
Trong lời loan báo sẽ mở năm thánh lòng thương xót chiều 13.3.2015, Đức Thánh Cha Phanxicô cũng đã thao thức về sứ mạng này, ngài nói: “Tôi ủy thác việc tổ chức Năm Thánh này cho Hội đồng Tòa Thánh tái truyền giảng Tin Mừng, để có thể linh hoạt năm này như một giai đoạn mới trên hành trình của Giáo Hội trong sứ mạng mang Tin Mừng từ bi cho mỗi người”[1]. Qua lời tuyên bố này chúng ta thấy rõ Đức Thánh Cha nhắm đến dân ngoại như một đối tượng của lòng thương xót Chúa.
- Lòng thương xót của Thiên Chúa đối với dân ngoại.
Lòng thương xót của Thiên Chúa không chỉ dành riêng cho dân tộc Do thái mà còn trải rộng đến trên tất cả mọi người như câu chuyện về tiên tri Giô-na. Trong câu chuyện này, Giô-na có thể được coi như đại biểu của người Do thái. Ông không ưa những người dân ngoại và cũng không muốn hy sinh dấn thân rao giảng để họ được cứu. Trong khi đó, dân ngoại lại được tác giả trình bày với những nét thật dễ thương. Các thủy thủ ngoại giáo trên tàu là những người tốt bụng và có tâm tình tôn giáo. Vua và dân thành Ni-ni-vê là những người có lòng đạo đức và khiêm nhường. Họ sẵn sàng nhận lỗi, ăn chay hãm mình và cầu nguyện xin Chúa tha thứ, mặc dù họ chưa hề biết Chúa là ai. Chúa đã thương xót và tha thứ cho họ.
Giô-na bực tức vì ông không chấp nhận lòng thương xót và tha thứ của Thiên Chúa đối với dân thành Ni-ni-vê. Thiên Chúa lại phải kiên nhẫn giúp cho ông hiểu bằng một hành động tượng trưng. Ngài cho một cây thầu dầu mọc nhanh, cành lá tốt tươi che mát để ông nghỉ ngơi và lấy lại sức khỏe. Nhưng ngay ngày hôm sau, Ngài cho một con sâu cắn đứt gốc cây thầu dầu làm nó héo khô. Một lần nữa Giô-na lại bực tức, nhưng Chúa giải thích: “Ngươi, ngươi thương hại cây thầu dầu mà ngươi đã không vất vả vì nó và không làm cho nó lớn lên…Còn Ta, chẳng lẽ Ta lại không thương hại Ni-ni-vê, một thành phố lớn trong đó có hơn một trăm hai mươi ngàn người không phân biệt được bên phải hay bên trái và lại có rất nhiều thú vật hay sao?” (Gn 4,10-11).
Lòng thương xót của Thiên Chúa đối với dân ngoại trong Cựu Ước đã được lặp lại trong những trang đầu của Tân Ước khi cho ngôi sao lạ xuất hiện bên Đông phương. Với dấu chỉ nhằm loan báo cho dân ngoại biết Đấng Cứu Thế muôn dân trông đợi đã ra đời, ba đạo sĩ đại diện dân ngoại đã mau mắn lên đường đến Bê-lem để gặp gỡ và triều bái Người (x. Lc 2, 1-12). Trong thời gian ba năm rao giảng Tin Mừng, đã có nhiều lần Chúa Giêsu đi về phía dân ngoại cũng như có nhiều phép lạ chữa lành đã được Chúa Giêsu thực hiện cho những người ngoại giáo như câu chuyện về người phụ nữ và dân thành Sa-ma-ri (x. Ga 4,1-42).
Thật vậy, trong khi những người Do thái tỏ ra khinh bỉ những người xứ Sa-ma-ri và không giao thiệp với họ vì coi họ như quân ngoại đạo, thì Chúa Giêsu đã xóa bỏ sự khinh bỉ cũng như lấp đầy khoảng cách ấy. Chúa Giêsu đã tự hạ trở nên một người lữ hành xin nước uống với người phụ nữ thành Sa-ma-ri khiến chị phải ngạc nhiên bỡ ngỡ. Khi tự hạ trở nên một người lữ hành khát nước, Chúa Giêsu đã tự mặc khải chính mình và loan báo cho chị biết về tình yêu và lòng thương xót của Thiên Chúa (x. Ga 4,1-42).
Một cuộc truyền giáo gọn nhẹ nhưng kết quả thật tuyệt vời: Người phụ nữ đã tin ngay lập tức vì chị đã nhận ra khuôn mặt lòng thương xót của Thiên Chúa nơi người đang đối thoại với mình. Và cũng ngay lập tức như một kết quả dây chuyền, chị đã trở thành nhà truyền giáo cho dân thành của mình. Dân chúng đã tuôn ra khỏi thành và chạy đến với Chúa Giêsu. Họ đã ra khỏi những rào cản của mặc cảm vì bị khinh bỉ để đến với một vị Thiên Chúa đã tự xóa bỏ khoảng cách và đang chờ đời họ bên bờ giếng nước dưới dạng một kẻ lữ hành, để ban cho họ nước hằng sống mà họ từng khao khát.
Chúa Giêsu đã nhiều lần bằng lời nói và hành động, tự mặc khải như một vị mục tử nhân lành, thấy dân chúng lạc lõng như bầy chiên bơ vơ không có người chăn, Ngài muốn quy tụ và chăm lo cho họ: “Tôi còn có những chiên khác không thuộc ràn này. Tôi cũng phải đưa chúng về” (Ga 10,16). Để thực hiện chương trình của lòng thương xót ấy, trước khi về trời Chúa Giêsu đã truyền cho các tông đồ phải đi khắp tứ phương thiên hạ rao giảng Tin Mừng, làm phép rửa cho họ và dạy họ tuân giữ mọi điều người đã truyền cho các ông (x. Mt 28, 19 – 20; Mc 16, 15 – 16).
- Tình yêu Đức Kitô thúc bách chúng ta đến với anh chị em lương dân
Đem Tin Mừng tình thương của Thiên Chúa đến với mọi người, cụ thể là đến với anh chị em lương dân, những người sống “vùng ven”, vùng “ngoại vi” của Giáo Hội là nhiệm vụ, là ơn gọi của mỗi Ki-tô hữu.
Trong tông huấn niềm vui Tin Mừng, số 25, Đức Thánh Cha Phanxicô mời gọi: “Tôi hy vọng tất cả các cộng đoàn sẽ dành những cố gắng cần thiết để tiến tới theo con đường của một sự hoán cải mục vụ và truyền giáo, không thể để tình hình tiếp tục như hiện tại. Việc quản trị thuần túy đã trở nên bất cập. Trên khắp thế giới chúng ta phải thường xuyên trong trạng thái truyền giáo”[2].
Và ở số 49, ngài nói một cách mãnh mẽ hơn: “Tôi thà có một Hội Thánh bị bầm dập, mang thương tích và nhơ nhuốc vì đi ra ngoài đường hơn là một Hội Thánh ốm yếu vì bị giam hãm và bám víu vào sự an toàn của mình. Tôi không muốn một Hội Thánh chỉ lo đặt mình vào trung tâm để rốt cuộc bị mắc kẹt trong một mạng lưới các nỗi ám ảnh và các thủ tục. Nếu có cái gì đáng phải khiến chúng ta trăn trở, thì đó chính là sự kiện nhiều anh chị em chúng ta đang sống mà không có sức mạnh, ánh sáng và niềm an ủi phát sinh từ tình bạn với Đức Giêsu Kitô”[3].
Trong sứ điệp ngày thế giới truyền giáo 2015, Đức Thánh Cha Phan-xi-cô cũng đã viết: “Truyền giáo là niềm đam mê đối với Đức Giêsu và cũng là niềm đam mê đối với dân của Người. khi cầu nguyện trước tượng Chúa chịu nạn, chúng ta thấy được chiều sâu tình yêu của Người, tình yêu đó ban cho chúng ta phẩm giá và nâng đỡ chúng ta. Đồng thời chúng ta nhận ra rằng tình yêu tuôn chảy từ trái tim bị đâm thâu mở rộng ra để ôm ấp dân Chúa và toàn thể loài người”[4].
Như thế, việc truyền giáo phát xuất từ lòng thương xót của Chúa và kêu mời chúng ta cũng hãy thể hiện lòng thương xót ấy với anh chị em lương dân qua việc đến với họ và trao ban tình thương của Chúa cho họ.
Tình yêu Đức Kitô thúc bách chúng ta học với Ngài: hãy khiêm tốn, hạ mình, xóa bỏ đi khoảng cách, sự khinh bỉ với anh em lương dân. Tình yêu Đức Kitô thúc bách chúng ta: Hãy vui mừng chứ không tức giận như Giô-na trước lòng thương xót và sự tha thứ của Thiên Chúa với mọi người. Tình yêu Đức Kitô thúc bách chúng ta: hãy đến với anh chị em lương dân. Đến để đồng hành, để chia sẻ, để an ủi và cảm thông… đến bằng tình thương của lòng thương xót Chúa.
Câu chuyện của “Một bạn trẻ” [5]:
Uyên Lý, kỹ sư hóa tốt nghiệp Đại học Bách Khoa, làm việc cho một công ty sơn nổi tiếng. Công ty đang chuẩn bị cho cô đi tu nghiệp Singapore, tương lai đầy hứa hẹn… Bất thình lình cô bị tai nạn giao thông, cướp đi vĩnh viễn đôi chân… Người yêu lại bỏ cô đi xuất ngoại. Cô tuyệt vọng ê trề, chỉ nghĩ đến cái chết. Giữa tình thế sống không muốn sống, chết chưa chết được, cô buông xuôi tất cả và thấy mình đời thừa thãi. Trong lúc bế tắc ấy, cô gặp lại người bạn học cũ trong xóm Đạo. Anh rủ cô đi Tây nguyên một chuyến, thăm những bệnh nhân cùi. Từ chuyến đi này, Uyên Lý nhận ra: ‘mình tuy mất đôi chân nhưng vẫn còn may mắn hơn nhiều các bệnh nhân ở đây. Nhất là mình đọc được niềm hy vọng sống động, mãnh liệt của họ nơi Thiên Chúa”. Cô nhận ra Chúa Giêsu và tin theo Người, thấy đời thật ý nghĩa. Cô thấy Chúa thúc bách mình… Cuối cùng cô nảy ra ý tưởng lớp học đặc biệt, dành cho các em có hoàn cảnh éo le: Mồ côi, tàn tật, người lỡ trường lớp, dở dang cuộc đời… Ngày ngày, người ta thấy cô giáo tật nguyền trên chiếc xe lăn say sưa dạy các em, vui chơi với các em, thật ấm cúng, thật đáng yêu. Uyên Lý xác tín: “Từ một dòng đời nổi trôi vô định, tôi đã gặp Chúa nên tôi muốn rủ ai đang trôi nổi ngoài kia, ới ời họ cũng ghé bến bờ yêu thương nhân ái này với tôi”.
Kết:
Lạy Chúa Giêsu Kitô,
Chúa đã dạy chúng con phải thương xót như Cha trên trời, và cho chúng con biết: Ai thấy Chúa là thấy Chúa Cha. Xin Chúa gửi Thánh Thần đến và xức dầu thánh hiến mỗi người chúng con, để Năm Thánh Lòng Thương Xót này trở thành năm được Chúa ban ân sủng, để Hội Thánh Chúa được thêm lòng nhiệt thành mang Tin Mừng đến với người nghèo, loan báo tự do cho những người bị giam cầm và áp bức, và cho người mù lại được nhìn thấy. Chúa là Đấng hằng sống và hiển trị cùng với Chúa Cha và Chúa Thánh Thần, đến muôn thuở muôn đời. Amen.
Câu hỏi gợi ý:
- Bạn cảm nhận được lòng thương xót của Thiên Chúa dành cho bạn và cho mỗi người như thế nào?
- Theo bạn, làm thế nào để chúng ta đến và đem Tin Mừng tình thương của Chúa với anh chị em lương dân?
CHÚ THÍCH
[1]http://daminhvn.net/tin-giao-hoi-hoan-cau/duc-thanh-cha-tuyen-bo-mo-nam-thanh-dac-biet-nam-thanh-long-thuong-xot-10019.html
[2] x. ĐGH Phanxicô, Tông huấn Niềm Vui Tin Mừng, 24.11.2013, số 25.
[3] x. ĐGH Phanxicô, Tông huấn Niềm Vui Tin Mừng, 24.11.2013, số 49.
[4] x. ĐGH Phanxicô, sứ điệp ngày thế giới truyền giáo 2015, ban hành tại Vatican, ngày 24/5/2015 – Lễ Chúa Thánh Thần Hiện Xuống.
[5] x. M. Đặng Ngọc Thủy, Trong sứ mệnh Tông đồ Giáo dân đi tìm lãnh vực mới hay bước dấn thân mới? Tuyển tập Bốn mươi năm sau Vaticanô II nhìn lại, Hội Đồng Giám mục Việt Nam – UB Giám mục về Văn hóa, tài liệu hội thảo, lưu hành nội bộ, Mùa vọng 2002, tr.99.
Ban Huấn Giáo GP. Bà Rịa