Lòng thương xót với anh chị em di dân
***
Trong Sứ điệp Ngày Thế giới về Di dân và Tị nạn năm nay (2016) với chủ đề: “Người Di dân và Tị nạn chất vấn chúng ta: Lời giải đáp của Tin Mừng về Lòng Thương Xót”, Đức Thánh Cha Phan-xi-cô đã viết: “Trong thời đại của chúng ta, tình trạng di dân đang phát triển trên toàn thế giới. Những người tị nạn và những người phải đi khỏi quê hương của họ thách đố các cá nhân và các cộng đồng”. Điều này nhắc chúng ta về một xu thế của thời đại là hiện tượng di dân đang diễn ra khắp nơi trên thế giới và qua đó thực trạng này đặt ra cho chúng ta những trách nhiệm đối với những anh chị em di dân xung quanh.
Trên thế giới hiện nay, từng đoàn người tại các quốc gia vùng Trung Đông, Châu Phi, Châu Á vẫn không ngừng tuôn về các nước Châu Âu để thoát khỏi các cuộc chiến tranh, nạn buôn người và những cuộc khủng hoảng nhân đạo, làm cho nhiều người tỏ ra lo lắng, nhất là những quốc gia tiếp nhận. Rồi biết bao anh chị em phải rời bỏ quê hương xứ sở vì lý do kinh tế. Tại Việt Nam, số lượng anh chị em từ nông thôn lên thành thị để tìm việc làm cũng gia tăng không ngừng theo xu thế sản xuất của thời đại. Đó là thực trạng thách đố chúng ta.
- Người Di dân thách đố chúng ta: “Ta đứng trước cửa mà gõ” (Kh 3,20).
Khi nhập thế làm người, Chúa Giêsu đã sống trong hoàn cảnh của một di dân ngay từ lúc được sinh ra cho đến khi công khai rao giảng Tin Mừng (x.Mt 2, 13-15; 8,18). Đó là sự dấn thân của một Thiên Chúa làm người, Đấng đến để thi hành Thánh Ý Chúa Cha (x.Ga 4, 34). Ngài đồng phận với con người, để chia sẻ với những nỗi khổ đau của con người. Ngài là hiện thân của người di dân, sống nhờ sự đón tiếp của những người đón nhận. Ngài nhắc cho chúng ta nhớ đến bổn phận đối với những anh chị em di dân xung quanh.
Mỗi anh chị em di dân đều có một hoàn cảnh khác nhau. Nhưng cách chung, họ phải ra đi và xa cách nơi mà mình đã gắn bó. Khi tìm đến một chân trời mới, họ bước đi trong niềm hy vọng vào một cuộc sống tốt đẹp hơn. Tại nơi đến, anh chị em di dân thường gặp phải những khó khăn nhất định. Họ phải thay đổi một số cách sống cũ trước đó, phải tập thích ứng với môi trường mới, con người và hoàn cảnh mới.
Mặc khác, sự hiện diện của anh chị em di dân cũng đặt ra những thách đố về phía những người đón nhận. Sự hiện diện và lối sống của anh chị em di dân cũng sẽ tác động không nhỏ đến đời sống của những nơi và những người đón nhận. Thế nên, để có thể chấp nhận và xây dựng một cuộc sống hài hòa với những anh chị em di dân, những người đón nhận cần đến một sự thay đổi.
Sự thay đổi này được nhìn trong sự tôn trọng phẩm giá của anh chị em di dân đồng thời tránh sự phân biệt đối xử cũng như kỳ thị đi ngược lại với Đức ái Kitô giáo. Đàng khác, những người đón nhận được mời gọi xem đó là một cơ hội để làm phong phú đời sống và là điều kiện thuận lợi cho sự phát triển con người nhờ có thêm những nhân tố mới. Trên hết, tất cả những gì chúng ta suy nghĩ và hành động đều được nhìn trong ánh sáng Tin Mừng của Lòng thương xót.
- Lời giải đáp của Tin Mừng về lòng thương xót: “Hãy có lòng thương xót như Cha của anh em là Đấng hay thương xót”(Lc 6,36).
Chúa Giêsu đã sống trọn thân phận phàm nhân để cứu độ con người. Ngài tìm đến với những ai vất vả mang gánh nặng nề để bày tỏ lòng thương xót của Thiên Chúa đối với họ và Ngài vẫn luôn hiện diện trong những người nghèo khổ thiếu thốn vốn cần đến sự giúp đỡ của chúng ta (x.Mt 25,31-46). Qua những anh chị em di dân, Chúa Giê-su cho thấy sứ mạng thực thi lòng thương xót vẫn có nơi mỗi người chúng ta.
“Lòng thương xót là một quà tặng của Thiên Chúa là Cha, Đấng được mạc khải ở nơi Chúa Con. Lòng thương xót của Thiên Chúa làm gia tăng tâm tình tạ ơn hân hoan trước niềm hy vọng mở ra phía trước chúng ta mầu nhiệm của ơn cứu chuộc của chúng ta ngang qua Máu của Đức Kitô. Lòng thương xót nuôi dưỡng và củng cố tình liên đới hướng đến người khác như một sự đáp trả cần thiết trước tình yêu ân sủng của Thiên Chúa, ‘đã đổ tình yêu của Người vào lòng chúng ta, nhờ Thánh Thần mà Người ban cho chúng ta’ (Rm 5, 5)”[1]. Như thế, Thiên Chúa là tình yêu và Ngài đã thương xót ta trước, để đến lượt chúng ta cũng được mời gọi bày tỏ lòng thương xót anh chị em mình. Qua sự tôn trọng phẩm giá của những anh chị em di dân, chúng ta làm sáng lên Tin Mừng của lòng thương xót.
Trong ánh sáng của Tin Mừng, hai khía cạnh đón nhận người khác và đón nhận chính Thiên Chúa là không thể tách rời nhau: “Đón tiếp người khác có nghĩa là đón tiếp Thiên Chúa bằng con người cụ thể”[2]. Đón tiếp anh chị em di dân chính là đón tiếp chính Đức Ki-tô. Thế nên, chúng ta được mời gọi hãy mở lòng ra cho Chúa Giê-su, mở lòng ra với những anh chị em xung quanh cần đến sự giúp đỡ và để cho chính Chúa Ki-tô đến phá tan sự trầm lặng của tâm hồn, thức tỉnh lương tâm và lòng thương xót của chính bản thân mỗi người chúng ta.
Vì thế, trong khả năng và nhiệm vụ của mình, mỗi người được mời gọi góp phần làm sáng lên tình huynh đệ chân thành, gặp gỡ và lắng nghe những thao thức của anh chị em di dân, đón tiếp và trao đổi với nhau làm cho việc đối thoại tạo ra những cơ hội để sống và loan báo Tin Mừng trong hoàn cảnh hiện nay.
- Câu hỏi thảo luận:
Câu 1. Chúng ta đã cảm nhận thế nào về lòng thương xót của Thiên Chúa dành cho mình?
Câu 2. Chúng ta đã làm gì để thực thi lòng thương xót đối với anh chị em di dân xung quanh?
Câu 3. Chúng ta đã nhận ra những điểm tích cực nào của anh chị em di dân trong môi trường đang sống?
[1] ĐTC Phanxico, Sứ điệp Ngày Quốc Tế Di dân 2016
[2] Như trên
Ban Huấn Giáo GP. Bà Rịa