Lòng thương xót đối với anh chị em
đau khổ thể xác và tinh thần
***
Năm Thánh là cơ hội để chúng ta tái khám phá lòng thương xót của Chúa đối với nhân loại nói chung và trong cuộc đời cụ thể của mỗi cá nhân, mỗi cộng đoàn, cũng như với những ai đang đau khổ về thể xác hay tinh thần nói riêng. Đức Thánh Cha Phan-xi-cô nhấn mạnh: “Lòng thương xót của Thiên Chúa không phải là một ý tưởng trừu tượng, nhưng là một thực tại cụ thể, qua đó Ngài mạc khải tình yêu của Ngài như của một người cha hay của một người mẹ, rung động đến tận những sâu thẳm của tình yêu dành cho con cái mình”[1].
Thật vậy,
- Phận người gánh chịu nhiều đau khổ tinh thần và thể xác.
– Có một miếng giấy nhỏ với nét chữ nghệch ngoạc viết lời khấn xin, kín đáo dán ở phía trong lồng chuông nam nơi nhà hài cốt của một giáo xứ kia: Xin Chúa giúp con thoát khỏi tệ nạn ma túy đang tàn phá cuộc đời của con và gây ra biết bao khổ đau cho gia đình cũng như xã hội. Một lời tuy vắn gọn và âm thầm, gởi vào một nơi thật lặng lẽ…, nhưng lại vang lên tiếng kêu gào thống thiết của phận người khổ đau, mong được giải cứu.
– “Ta không kết tội chị…” (x.Ga 8, 1 – 11). Một câu nói ngắn ngủi, nhẹ nhàng nhưng âm vang của nó thật sâu. Sâu đến tận thâm cung của linh hồn đang bị tội lỗi đè bẹp, sâu đến tận cõi lòng đang lo âu hãi hùng của người phụ nữ bị bắt quả tang phạm tội ngoại tình. Nếu đặt mình trong tâm trạng của người phụ nữ đang bị kết án, khi chung quanh chị chỉ toàn là những tiếng la ó, kết án, đòi giết chết chị, chúng ta có thể cảm nhận được phần nào nỗi sợ hãi đầy khổ đau của con mồi trước bày thú đang nhe răng nanh đòi cắn xé. Đồng thời, khi đặt mình trong tâm trạng của người phụ nữ bị lên án, chúng ta cũng sẽ cảm nhận được gánh nặng nề của tội lỗi cũng như sự khao khát mãnh liệt mong được xót thương và tha thứ: “Tôi không kết tội chị đâu! Thôi chị cứ về đi, và từ nay đừng phạm tội nữa!” (Ga 8,11).
– Ngày nay, chúng ta đang sống trong môi trường xã hội mà thái độ vô cảm và ích kỷ đã trở thành “hiện tượng toàn cầu hóa” như kiểu nói của Đức Thánh Cha Phan-xi-cô: vô cảm đối với tha nhân và với cả Thiên Chúa[2]. Phận người vốn đã phải gánh chịu nhiều đau khổ, nay lại phải sống trong một thế giới như thế đã làm cho những nỗi khốn khổ lầm than về vật chất, về luân lý và về tinh thần thêm trầm trọng hơn[3].
- Chúa Giêsu xót thương người khổ đau tinh thần và thể xác. ‘Phúc Âm Thánh Mác-cô tóm tắt sứ điệp của toàn bộ Tin Mừng qua lời rao giảng của Chúa Giê-su: “Thời kỳ đã mãn, và Triều Đại Thiên Chúa đã đến gần”(Mc 1,14). Với biến cố giáng trần của Chúa Giê-su, thời gian Nước Trời, Triều đại Thiên Chúa lên đường và đến gần. Nước Trời đến với những sự chữa lành những người đau yếu của mọi thứ bệnh hoạn. Nước Trời đến với sức mạnh tuyệt đối xua đuổi ma quỷ và sự dữ, kẻ gây ra biết bao đau khổ và bất hạnh cho cuộc sống của con người’[4].
‘Thánh Lu-ca còn nêu rõ hơn nữa, khi ngài diễn tả hình ảnh Chúa Giê-su giảng trong hội đường ở Na-da-rét: “Rồi Đức Giê-su đến Na-da-rét, là nơi Người sinh trưởng. Người vào hội đường như Người vẫn quen làm trong ngày sa-bát, và đứng lên đọc Sách Thánh. Họ trao cho Người cuốn sách ngôn sứ I-sai-a. Người mở ra, gặp đoạn chép rằng: Thần Khí Chúa ngự trên tôi, vì Chúa đã xức dầu tấn phong tôi, để tôi loan báo Tin Mừng cho kẻ nghèo hèn. Người đã sai tôi đi công bố cho kẻ bị giam cầm biết họ được tha, cho người mù biết họ được sáng mắt, trả lại tự do cho người bị áp bức, công bố một năm hồng ân của Chúa. Đức Giê-su cuộn sách lại, trả cho người giúp việc hội đường, rồi ngồi xuống. Ai nấy trong hội đường đều chăm chú nhìn Người. Người bắt đầu nói với họ: ‘Hôm nay đã ứng nghiệm lời Thánh Kinh quý vị vừa nghe’” (Lc 4, 16-21). Thánh Lu-ca đã nêu bật được hình ảnh của Chúa Giê-su với sứ mạng cao quý của Ngài, sứ mạng đến để đem Tin Mừng lòng thương xót của Thiên Chúa dành cho muôn người, và đặc biệt là những người nghèo khổ và bất hạnh’[5].
‘Trong Tin Mừng của Thánh Mát-thêu, chúng ta tìm thấy một đoạn tương tự. Khi các môn đệ của Gio-an Tẩy Giả đến với Chúa Giê-su và hỏi Ngài, “Thưa Thầy, Thầy có thật là Đấng phải đến không, hay là chúng tôi còn phải đợi ai khác?” (Mt 11,3). Ngài có phải là Đấng cần đến không. Chúa Giê-su đã liên hệ đến một câu trong sách của tiên tri I-sai-a (61,1) để diễn tả: “Các anh cứ về thuật lại cho ông Gio-an những điều mắt thấy tai nghe: Người mù xem thấy, kẻ què được đi, người cùi được sạch, kẻ điếc được nghe, người chết sống lại, kẻ nghèo được nghe Tin Mừng, và phúc thay người nào không vấp ngã vì tôi” (Mt 11, 4-6). Sứ mạng của Chúa Giê-su trong Phúc Âm của Mát-thêu là sứ mạng trao ban lòng thương xót của Thiên Chúa cho nhân loại, lòng thương xót có sức chữa lành và nâng đỡ. Cũng trong tinh thần này, Đấng Mê-si-a luôn luôn chú ý đến những người nghèo khổ, những người đang cần đến sự giúp đỡ và những anh chị em nhỏ bé không được chú ý tới’.
‘Như thế, theo tinh thần của các tác giả của Tin Mừng nhất lãm, chúng ta đọc được sự chú ý quan tâm của Chúa Giê-su dành cho những người nghèo khổ và thấp cổ bé miệng: “Phúc thay ai có tâm hồn nghèo khó, vì Nước Trời là của họ” (Mt 5, 3) và “Phúc cho anh em là những kẻ nghèo khó, vì Nước Thiên Chúa là của anh em” (Lc 6, 20). Với Mối Phúc này, Chúa Giê-su không chỉ hướng đến người nghèo về vật chất, mà Ngài hướng đến tất cả những người bất hạnh và phải gồng gánh nặng nề về mọi phương diện. “Tất cả những ai đang vất vả mang gánh nặng nề, hãy đến cùng tôi, tôi sẽ cho nghỉ ngơi bồi dưỡng” (Mt 11,28)’[6].
Thật vậy, khi chiêm ngưỡng Chúa dong duổi ngược xuôi với trái tim đong đầy tình thương xót để loan truyền Tin Mừng Cứu Độ, để thi ân giáng phúc cho muôn người, đặc biệt cho những người nghèo khó, những người sầu khổ, kẻ bị giam cầm, người mù tối, người bị áp chế… chúng ta nhận thấy, chẳng những Chúa quan tâm cứu giúp cuộc sống thể lý mà còn giải thoát họ khỏi những trói buộc kéo ghì đời sống họ trong tối tăm, lầm lạc và tội lỗi… Khi chiêm ngưỡng Chúa dong duổi ngược xuôi với trái tim trào tràn tình thương xót nên đã chạnh lòng và thương cảm hết mực sâu xa đối với đám đông dân chúng mệt mỏi và kiệt sức, lầm lạc và không ai chăn dắt (x.Mt 9,36). Với trái tim sục sôi tình thương xót ấy mà Chúa đã rung cùng nhịp đập với trái tim của những người gặp gỡ Chúa để đáp ứng nhu cầu thâm sâu nhất của họ. Chúa chạnh lòng thương xót bà góa thành Naim đang tràn trụa nước mắt khổ đau, và Chúa đã phục sinh kẻ chết rồi trao lại người con yêu dấu ấy làm cho bà mẹ đang than khóc hết sức sững sờ (x.Lc 7,15). Với trái tim sục sôi tình thương xót ấy mà Chúa chữa lành hết các bệnh hoạn tật nguyền (x.Mt 9,35) và làm cho tất cả những kẻ đau yếu đến với Chúa không ra về trong thất vọng (x.Mt 14,14). Với trái tim sục sôi tình thương xót ấy mà chỉ với một vài cái bánh và một ít cá nhỏ, Chúa đã làm no thỏa đám đông khổng lồ (x.Mt 15,37). Và cũng với trái tim sục sôi tình thương xót ấy mà Chúa đã kêu gọi ông Mát-thêu trong bối cảnh của lòng thương xót. Khi đi ngang qua quầy của người thu thuế, ánh mắt giàu tình xót thương của Chúa đã hòa nhập vào đôi mắt nhiều do dự, dè dặt của người thu thuế tên là Mátthêu, ánh mắt yêu thương chứ không loại trừ, ánh mắt tha thứ chữa lành ấy có sức mạnh thúc đẩy ông đứng dậy bước ra khỏi bàn thu thuế rồi đi theo và trở thành một trong nhóm mười hai cột trụ (x.Lc 5,32; Mc 2,17)[7].
Tóm lại, khi chiêm ngắm Chúa Giê-su là Mi-se-ri-cor-di-ae Vul-tus, “ Lòng Thương Xót” đã trở nên sống động và hữu hình nơi chính Chúa Giê-su[8], chúng ta nhận ra Thiên Chúa là Đấng xót thương hết thảy mọi người, đặc biệt là những khổ đau tinh thần và thể xác.
- Một vài áp dụng.
Đầu tiên, chúng ta cần chuyên chăm lắng nghe và thực hành Lời Chúa, nhờ đó, chúng ta được chiêm ngưỡng lòng thương xót của Chúa và đón nhận ánh sáng đó như lối sống của chúng ta[9].
Thứ đến, Thánh Gioan dạy, đừng làm ngơ và nhắm mắt trước nỗi khổ của anh chị em mình: “Nếu ai có của cải thế gian và thấy anh em mình lâm cảnh túng thiếu, mà chẳng động lòng thương, thì làm sao tình yêu Thiên Chúa ở lại trong người ấy được? Hỡi anh em là những người con bé nhỏ, chúng ta đừng yêu thương nơi đầu môi chót lưỡi, nhưng phải yêu thương cách chân thật và bằng việc làm” (1Ga 3,17-18). Các tín hữu vào thời kỳ đầu của Giáo Hội đã nhấn mạnh lòng thương xót qua việc tha thứ cho nhau (x.Cl 3,13), qua việc chia sẻ cho nhau tài sản và của cải (x.Cv 4,34-35), qua việc bố thí hay cứu trợ người nghèo khó (x.Cv 9,36; 10,2.4.31), qua lòng hiếu khách (x.1Tm 5,10), qua việc chôn cất người chết (x.Cv 8,2)[10].
Đức Thánh Cha Phan-xi-cô cũng tha thiết mời gọi mọi người, mọi thành phần trong giáo hội: “Hãy nhìn đến tình cảnh lầm than của anh chị em chúng ta, động chạm đến, gánh lấy và hoạt động cụ thể để thoa dịu những lầm than ấy”[11]. Ngài nhấn mạnh: “Nơi nào Giáo Hội hiện diện, đặc biệt là các giáo xứ và các cộng đoàn của chúng ta, nơi ấy sẽ trở thành những hải đảo thương xót giữa lòng đại dương vô cảm!”[12]
- Câu hỏi gợi ý để thảo luận.
– Làm thế nào để gặp gỡ và đến được với những anh chị em đang gặp khổ đau thử thách?
– Những việc cụ thể có thể làm?
————————————————-
[1] ĐTC Phanxicô, Tông sắc Misericordiae Vultus, sổ 6
[2] ĐTC Phanxicô, Sứ điệp Mùa Chay 2015, “Anh em hãy vững lòng” (Gc 5,8).
[3] ĐTC Phanxicô, Sứ điệp Mùa Chay 2014. “Ngài đã trở nên nghèo để làm cho chúng ta được giàu có nhờ cái nghèo của Ngài” (x. 2 Cr 8,9).
[4] Lm. GB. Nguyễn Ngọc Thế, SJ. Trang điện tử Dòng Tên Việt Nam ngày 20/10/2015: http://dongten.net/noidung/54431
[5] Lm. GB. Nguyễn Ngọc Thế, SJ. Trang điện tử Dòng Tên Việt Nam ngày 20/10/2015: http://dongten.net/noidung/54431
[6] Lm. GB. Nguyễn Ngọc Thế, SJ. Trang điện tử Dòng Tên Việt Nam ngày 20/10/2015: http://dongten.net/noidung/54431
[7] x. ĐTC Phanxicô, Tông sắc Misericordiae Vultus, sổ 8
[8] x. ĐTC Phanxicô, Tông sắc Misericordiae Vultus, sổ 1
[9] x. ĐTC Phanxicô, Tông sắc Misericordiae Vultus, sổ 13
[10] Lm. GB. Nguyễn Ngọc Thế, SJ. Trang điện tử Dòng Tên Việt Nam, ngày 20/10/2015: http://dongten.net/noidung/54431
[11] ĐTC Phanxicô, Sứ điệp Mùa Chay 2014.
[12] ĐTC Phanxicô, Sứ điệp Mùa Chay 2015.
Ban Huấn Giáo GP. Bà Rịa