Người tín hữu làm chứng tá cho lòng thương xót
“Hãy thương xót như Cha các con là Đấng đầy lòng thương xót” (Lc 6, 36)
***
Dẫn nhập
Trong các bài trước, chúng ta đã chiêm ngắm và tìm hiểu Dung Mạo Lòng Thương Xót của Chúa Cha qua Chúa Giêsu Kitô. Và chúng ta biết rằng, ngày hôm nay, Giáo Hội cách chung và mỗi người tín hữu chúng ta cách riêng có sứ mạng “trở thành dấu chỉ hữu hiệu cho hành động của Chúa Cha”[1], đó là hãy “Thương xót như Chúa Cha”.
Đó cũng chính là lý do thúc đẩy Đức Thánh Cha Phanxicô công bố Năm Thánh ngoại thường này, “để chúng ta thực thi trong cuộc sống hằng ngày lòng thương xót mà Chúa Cha không ngừng ban cho chúng ta… Giáo Hội được mời gọi trước tiên trở nên chứng nhân đáng tin cậy của lòng thương xót, bằng cách tuyên xưng và sống lòng thương xót như là chủ điểm trong mặc khải của Chúa Giêsu Kitô”[2].
Dẫn giải
- “Hãy trở thành những hải đảo thương xót giữa lòng đại dương vô cảm”
Chúng ta đang sống trong một thế giới mà sự vô cảm, thái độ dửng dưng, tính ích kỷ của con người đang ngự trị nơi nhiều tâm hồn đến độ Đức Thánh Cha Phanxicô sánh ví nó như một “đại dương vô cảm” đã lan tràn đến mọi nơi, mọi ngõ ngách của các quốc gia đến mức nó đã trở thành “hiện tượng toàn cầu hóa thói vô cảm”. Trong bối cảnh đó, Đức Thánh Cha đã nhiều lần tha thiết kêu gọi mỗi người tín hữu của Đạo Yêu Thương là Giáo Hội Chúa Kitô phải làm sao để bất cứ nơi nào mình hiện diện, thì “nơi ấy sẽ trở thành những hải đảo thương xót giữa lòng đại dương vô cảm”; “thì ở đấy bất cứ ai cũng sẽ gặp thấy một tụ điểm chan hòa lòng thương xót”[3].
Và hơn nữa, khi công bố mở Năm Thánh ngoại thường về Lòng Thương Xót, Đức Thánh Cha mời gọi chúng ta suy niệm lời tiên tri Isaia 58, 6-11, nhất là trong mùa Chay tịnh rằng: “Cách ăn chay mà Ta ưa thích chẳng phải là thế này sao: bỏ xiềng xích bất công, mở dây tháo ách, giải thoát cho người bị áp chế, đập tan mọi gánh nặng? Nào chẳng phải là chia cơm bánh cho người đói, đón vào nhà những người nghèo túng lang thang; thấy kẻ mình trần thì cho áo che thân, không coi khinh anh em đồng loại? Bấy giờ ánh sáng ngươi sẽ bừng lên như rạng đông, ngươi sẽ được nhanh chóng chữa lành; và đức công chính sẽ đi trước mặt ngươi, vinh quang Chúa bao bọc lấy ngươi”[4].
Riêng tại Việt Nam, Năm Thánh Lòng Thương Xót trùng với Năm Phúc-Âm-hóa đời sống xã hội. Hội Đồng Giám Mục Việt Nam cũng nhận định rằng: “Trước những dấu hiệu đáng ngại trong xã hội ngày nay: gian dối, vô cảm, bất công, ma túy, bạo lực, phá thai, tự tử…, mỗi người Công giáo phải trở thành nhân tố tích cực trong việc xây đắp nền văn minh tình thương và văn hóa sự sống. Không có những chứng nhân của lòng thương xót, xã hội sẽ trở thành một sa mạc hoang vu, cằn cỗi, không sức sống”[5].
Có sống như thế chúng ta mới nên dấu chỉ yêu thương của Thiên Chúa giàu lòng xót thương rọi vào bóng đêm của sự dửng dưng vô cảm của cuộc sống hiện tại và nhất là làm cho ý nghĩa và biểu hiện của Năm Thánh, Năm Hồng Ân được thực sự ứng nghiệm cho cuộc sống con người hôm nay (x. Lc 4, 18-22).
- Cảm nghiệm lòng thương xót của Chúa với mình
Để có thể sống lòng thương xót, trước tiên chúng ta được mời gọi để chiêm ngắm và cảm nghiệm lòng thương xót của Thiên Chúa. “Chúng ta cần liên lỉ chiêm ngắm mầu nhiệm của lòng thương xót. Đây là suối nguồn tươi vui, tĩnh lặng và bình an. Đây là điều kiện để chúng ta lãnh nhận ơn cứu độ”[6].
Trong ý hướng đó, Đức Thánh Cha đề nghị một số cách thức cần thực hiện:
- Lắng nghe Lời Thiên Chúa: “Tái khám phá giá trị của sự thinh lặng, để suy niệm chính Lời đang muốn nói với chúng ta. Đó là cách thức để chúng ta có thể chiêm ngưỡng lòng thương xót của Thiên Chúa và biến lòng thương xót ấy thành nếp sống riêng của chúng ta”[7].
- Cử hành và lãnh nhận bí tích Hòa Giải để cảm nghiệm lòng thương xót của Thiên Chúa: “Chúng ta cần xác tín vững vàng về tầm quan trọng đặc biệt của bí tích Hòa Giải, một bí tích cho phép chúng ta như được chạm tay vào sự cao cả của lòng thương xót. Bí tích này là nguồn suối an bình nội tâm thực sự cho mọi hối nhân”[8].
- Hành hương bước qua Cửa Lòng Thương Xót: Cửa Lòng Thương Xót được mở tại các Giáo Hội địa phương. Đây là một dấu chỉ hữu hình cho tình hiệp thông toàn cầu của Giáo Hội, và đây cũng là điều ngoại thường để “bất cứ ai bước vào qua đó, sẽ cảm nghiệm được tình yêu của Thiên Chúa là Đấng an ủi, thứ tha và trao ban niềm hy vọng”[9].
- “Lãnh nhận ân xá của Năm Thánh chính là niềm vui hưởng lòng thương xót của Chúa Cha, với quyết tâm để cho ơn tha thứ của Ngài tác động trên toàn bộ đời sống người tín hữu… Chúng ta hãy sống Năm Toàn Xá này cách sốt sắng, hãy khẩn cầu Thiên Chúa tha thứ tội lỗi và tuôn đổ chan hòa ân xá đầy xót thương của Ngài trên chúng ta”[10].
- Sống chứng tá lòng thương xót với tha nhân
Sống chứng tá lòng thương xót không chỉ là bổn phận của người tín hữu Kitô từ khi nhận lãnh bí tích Rửa Tội, mà chúng ta cần nhớ rằng đó còn là tiêu chuẩn nhận diện con cái đích thực của Vua Tình yêu, bởi vì vào buổi xế chiều của đời sống, chúng ta sẽ bị xét xử về tình yêu và lòng thương xót ấy[11].
3.1. Về mặt tiêu cực:
– Đừng xét đoán, đừng lên án: “Trước tiên, Chúa dạy chúng ta đừng phán xét cũng đừng lên án… Những lời nói chứa đầy đố kỵ và ganh ghét đã gây ra biết bao tai hại. Nói xấu người anh chị em vắng mặt, chẳng khác gì đẩy người ấy vào bóng tối, làm mất thanh danh và gây tiếng xấu cho người ấy. Ai không đoán xét và lên án sẽ nhận được điều tốt vẫn có nơi mọi người, và không làm người khác đau khổ vì sự xét đoán bất cập và vì tính tự phụ của chúng ta, cho rằng mình biết hết mọi sự”[12].
– Chung tay phá đổ những rào cản của thái độ dửng dưng lãnh đạm: “Trong Năm Thánh này, Giáo Hội được mời gọi nhiều hơn để chữa trị và xoa dịu các thương tích bằng dầu an ủi, dùng lòng thương xót để băng bó, dùng tình liên đới để và thái độ ân cần quan tâm để chữa lành những vết thương ấy. Chúng ta đừng ngập ngừng trong thái dộ dửng dưng đáng xấu hổ, trong những thói quen thường ru ngủ tinh thần và cản trở chúng ta khám phá những điều mới mẻ, hay trong hành vi nhẫn tâm đang gây chia rẽ… Ước chi chúng ta có thể chung tay phá đổ những rào cản của thái độ dửng dưng lãnh đạm, vẫn thường được dùng để che giấu thói giả hình và tính ích kỷ.”[13]
3.2. Về mặt tích cực:
+ Trở thành khí cụ của ơn tha thứ: “Chúa Giêsu dạy chúng ta phải biết tha thứ và sẵn sàng cho đi. Hãy trở thành khí cụ của ơn tha thứ chúng ta đã từng lãnh nhận từ Thiên Chúa. Hãy quảng đại với tất cả mọi người, vì biết rằng Thiên Chúa đã vô cùng rộng lượng khi tuôn đổ lòng hảo tâm của Ngài trên chúng ta”[14]
+ Đón tiếp và giúp đỡ những người đang sống ngoài lề cuộc sống: “Trong Năm Thánh này, chúng ta có thể trải nghiệm việc mở lòng tiếp nhận những người đang sống tại những vùng ven xa xôi của kiếp nhân sinh, thường được tạo nên trong cảnh khốn cùng do chính thế giới ngày nay… Có biết bao vết thương trầm trọng nơi thân xác những người không còn tiếng nói, vì tiếng kêu than của họ bị lấn át và dìm tắt bởi thái độ thờ ơ, hờ hững của những dân tộc giàu có”[15].
+ Quan tâm đến những hành vi của lòng thương xót về phần hồn cũng như phần xác: Chúng ta hãy tái khám phá các hành vi của lòng thương xót, chẳng hạn Thương xác bảy mối, đó là cho kẻ đói ăn, cho kẻ khát uống, cho kẻ rách rưới ăn mặc, viếng kẻ liệt cùng kẻ tù rạc, cho khách đỗ nhà, chuộc kẻ làm tôi, chôn xác kẻ chết. Và chúng ta đừng quên Thương linh hồn bảy mối, đó là lấy lời lành mà khuyên người, mở dạy kẻ mê muội, yên ủi kẻ âu lo, răn bảo kẻ có tội, tha kẻ dể ta, nhịn kẻ mất lòng ta, cầu cho kẻ sống và kẻ chết”[16].
Đức Thánh Cha nhấn mạnh rằng: “Đây chính là cách thế để thức tỉnh lương tâm chúng ta, thường vẫn ngủ yên trước thảm họa nghèo khổ, và ngày càng đi sâu hơn vào trái tim của Tin Mừng, nơi những người nghèo được hưởng ưu quyền đặc biệt nơi lòng thương xót của Thiên Chúa. Chúa Giêsu dạy cho chúng ta biết các hành vi thương xót đó, để chúng ta biết mình có sống đúng là môn đệ của Người không”[17]
Bởi vì, “lòng thương xót là luật căn bản được đặt vào trái tim của những ai biết dùng đôi mắt chân thành để nhìn vào người anh em gặp thấy trên đường”[18]
Câu chuyện : Khi Nào Ngày Bắt Đầu
Trong cuốn Những Trang nhật Ký Của Một Linh Mục của tác giả Nguyễn Tầm Thường, đoản khúc 77 “Khi Nào Ngày Bắt Đầu” có thuật lại rằng, một vị đạo sĩ hỏi người học trò “Ðâu là lằn mức giữa đêm và ngày? Lúc nào ngày bắt đầu? Lúc nào đêm chấm dứt?” Người học trò im lặng, nhíu mày suy nghĩ. Không ngờ câu hỏi khó trả lời vậy. Anh nhủ thầm: “Ta nhìn bình minh biết bao lần, thức dậy biết bao buổi sáng, mấy mươi năm trong đời chưa một lần phân biệt: Lúc nào ngày bắt đầu, lúc nào đêm chấm dứt?”
Sau thời gian suy nghĩ, người học trò không sao vẽ được lằn mức giữa ngày và đêm. Ðợi người học trò thật yên tĩnh, nhà đạo sĩ nói: Bao nhiêu năm thiền niệm trên ngọn núi này, ngày ngày Thầy nhìn mặt trời mọc trên biển tìm câu trả lời. Thầy thức giấc nửa đêm trăn trở vì câu hỏi ấy. Thầy ra ghềnh đá chờ ánh mặt trời, Thầy lấy hết tâm trí nhìn bóng tối lui dần mà không vẽ nổi lằn ranh biên giới lúc nào ngày bắt đầu, lúc nào đêm chấm dứt… Không thể phân biệt được biên giới giữa đêm và ngày cũng như không phân biệt được bao nhiêu của cải là hạnh phúc, thiếu bao nhiêu là chưa đủ! Ngập ngừng đôi giây, vị đạo sĩ thổ lộ: Trong văn chương triết học, Thầy đã thất vọng, trong thần bí niệm tu, Thầy đã ráng sức cả đời. Càng suy nghĩ càng thấy mình nhỏ bé, sau cùng, Thầy chỉ còn biết xin Thượng Ðế thương xót, đừng hỏi nữa cho tâm hồn Thầy thảnh thơi. Khi nào ngày bắt đầu, lúc nào đêm chấm dứt?
Nào ngờ, chính lúc Thầy xin Thượng Ðế cất câu hỏi ấy đi, Ngài lại trả lời cho Thầy. Nhà đạo sĩ như phiêu du vào một vùng trời rất đỗi bình an. Con ạ, Thượng Ðế nói trong linh hồn Thầy rằng, lúc nào Thầy nhìn con, thấy bóng dáng Thượng Ðế trong con, lúc nào Thầy nhìn ai cũng chỉ thấy là bạn hữu, đó là ngày! Lúc nào Thầy nhìn người tức giận, ghét bỏ, tham lam, thù hận đấy là đêm! Ánh sáng phân biệt đêm và ngày là lòng từ ái nhân hậu. Ði giữa ban ngày trong trái tim trĩu nặng, vẫn là đêm, con ạ. Ngày và đêm không thể phân biệt bằng ánh sáng vật lý, chỉ có lòng từ ái bao dung.
Câu hỏi tự vấn:
Tôi đã thực sự phân biệt được lằn mức giữa đêm và ngày ấy chưa ?
——————
[1] ĐTC Phanxicô, Tông sắc Misericordiae Vultus, sổ 3.
[2] ĐTC Phanxicô, Tông sắc Misericordiae Vultus, sổ 25.
[3] x. ĐTC Phanxicô, Sứ điệp Mùa Chay 2015; Tông sắc Misericordiae Vultus, sổ 12.
[4] ĐTC Phanxicô, Tông sắc Misericordiae Vultus, sổ 17.
[5] HĐGM Việt Nam, Thư chung Gởi Cộng Đồng Dân Chúa, 17.09.2015, số 3.
[6] ĐTC Phanxicô, Tông sắc Misericordiae Vultus, sổ 2.
[7] ĐTC Phanxicô, Tông sắc Misericordiae Vultus, sổ 12.
[8] ĐTC Phanxicô, Tông sắc Misericordiae Vultus, sổ 17.
[9] ĐTC Phanxicô, Tông sắc Misericordiae Vultus, sổ 3.
[10] ĐTC Phanxicô, Tông sắc Misericordiae Vultus, sổ 22.
[11] ĐTC Phanxicô, Tông sắc Misericordiae Vultus, sổ 9.15.
[12] ĐTC Phanxicô, Tông sắc Misericordiae Vultus, sổ 14.
[13] ĐTC Phanxicô, Tông sắc Misericordiae Vultus, sổ 15.
[14] ĐTC Phanxicô, Tông sắc Misericordiae Vultus, sổ 15.
[15] ĐTC Phanxicô, Tông sắc Misericordiae Vultus, sổ 15.
[16] ĐTC Phanxicô, Tông sắc Misericordiae Vultus, sổ 15
[17] ĐTC Phanxicô, Tông sắc Misericordiae Vultus, sổ 15
[18] ĐTC Phanxicô, Tông sắc Misericordiae Vultus, sổ 2
BAN HUẤN GIÁO GP. BÀ RỊA