Bí tích Hòa Giải,
Dấu chỉ lòng thương xót của Thiên Chúa
***
Trong Năm Thánh Lòng Thương xót, Đức Thánh Cha Phanxicô nhấn mạnh đến Bí Tích Hòa Giải như dấu chỉ của lòng thương xót của Thiên Chúa.
Thật vậy, Bí tích Hòa giải là phương thức hiệu quả nhất để qua đó lòng thương xót của Thiên Chúa đến với phận người tội lỗi. Ngang qua Bí tích Hòa giải, tội nhân thực sự được giao hòa với Thiên Chúa và Hội Thánh. Sức mạnh của Lòng Thương xót đã được Đức Giêsu minh chứng cách tột đỉnh nơi cái chết và sự phục sinh của Người. Đức Thánh Cha Phanxicô đã khẳng định trong Tông sắc Misericordiae Vultus (Dung mạo Lòng Thương xót) số 22: “Nhờ sự chết và sự phục sinh của Đức Giêsu Kitô, Thiên Chúa bày tỏ tình yêu của Ngài, tình yêu xóa bỏ tội lỗi của con người. Việc giao hòa với Thiên Chúa trở nên khả thi nhờ mầu nhiệm Vượt qua và qua trung gian của Giáo Hội. Thiên Chúa luôn sẵn sàng để thương xót, và không bao giờ mệt mỏi trong việc thương xót với những cách thức mới mẻ và bất ngờ.” Chúng ta cùng tìm hiểu về Bí Tích Hòa Giải.
- Danh xưng của Bí Tích Hòa Giải[1]
Bí tích Hòa giải có nhiều danh xưng:
– Bí tích này gọi là bí tích Giao Hòa hay Hòa Giải vì ban cho tội nhân được ơn giao hòa với Chúa Cha và với Hội Thánh.
– Bí tích của sự hối cải: Vì bí tích này thực hiện lời mời gọi hối cải của Chúa Giêsu: “thời kỳ đã mãn, và Triều Đại Thiên chúa đã đến gần. Anh em hãy ăn năn sám hối và tin vào Tin Mừng” (Mc 1, 15).
– Bí tích Thống Hối, bởi vì nó dẫn đưa tội nhân đến một tiến trình hối cải có chiều kích cá nhân và Giáo Hội, cho tội nhân thống hối và đền tội.
– Bí tích ban ơn tha thứ, vì nhờ lời xá giải của vị tư tế, Thiên Chúa ban ơn tha thứ và bình an cho hối nhân.
– Bí tích xưng tội: bởi vì việc thú nhận các tội lỗi. Hối nhân xưng thú các tội lỗi trước một tư tế là yếu tố căn bản của bí tích này.
- Hiệu quả của bí tích Hòa Giải[2]
– Một là ban ơn tha tội để giao hòa ta với Thiên Chúa và Hội Thánh.
– Hai là tha hình phạt muôn đời do các tội trọng đã gây ra và tha một phần hình phạt tạm.
– Ba là ban sự bình an và gia tăng sức mạnh cho cuộc chiến đấu thiêng liêng cuả người Kitô hữu.
- Ân xá
“Năm Thánh cũng bao gồm việc ban các ân xá. Thực hành này sẽ có được một ý nghĩa càng quan trọng hơn trong Năm Thánh Lòng thương xót. Sự tha thứ của Thiên Chúa không có giới hạn”[3].
Ân xá là việc tha thứ khỏi những hình phạt tạm đáng chịu vì những tội chúng ta đã phạm, dù những tội này đã được tha thứ[4].
Có hai thứ ân xá:
– Một là ơn tiểu xá là tha một phần các hình phạt tạm.
– Hai là ơn Đại xá là tha tất cả các hình phạt tạm.
Trong năm thánh Lòng Thương xót, ĐTC nói đến thực hành việc hành hương để tỏ lòng sám hối[5], và lãnh nhận ân xá, và ân xá này có thể chuyển cho các linh hồn. Bởi vì các tín hữu đã qua đời đang chịu thanh luyện cũng là những thành viên trong mầu nhiệm các thánh thông công, nhờ đó họ được tha các hình phạt tạm họ đang phải chịu do tội lỗi của họ[6] và được hưởng ơn cứu độ.
- Cử hành bí tích Hòa Giải
Cũng như tất cả các bí tích, bí tích Hòa Giải hay Thống Hối là một hành động phụng vụ. Những yếu tố thông thường của việc cử hành gồm:
- Xét mình
- Ăn năn tội và dốc lòng chừa
- Xưng tội
- Làm việc đền tội
Trong các hành vi của hối nhân, trước hết cần để tâm hồn mình lắng đọng trước mặt Chúa. Xét lại cách sống, các hành vi của mình đối với Chúa, đối với chính mình và với người khác, những lỗi phạm của mình và những trường hợp làm cho tội ra nặng hơn. Sau đó là dục lòng ăn năn tội. Thái độ của hối nhân là đau đớn vì những tội lối của mình đã xúc phạm đến Chúa và anh em, vì vậy cúi mình trước mặt Chúa để xin lỗi Chúa, cùng quyết tâm từ nay xa tránh tội và dịp tội. Thứ đến là việc xưng thú tội mình với một vị linh mục, đây là việc làm cụ thể nói đến quyết tâm của hối nhân, không thể xưng tội qua điện thoại, qua internet….Hối nhân phải xưng tất cả các tội trọng nhớ được mà chưa xưng, không được cố tình che dấu một tội trọng nào vì như vậy tội không được tha mà còn phạm sự thánh. Ngoài ra, Hội Thánh còn khuyên chúng ta nên xưng các tội nhẹ giúp chúng ta có được một lương tâm ngay thẳng, và chiến đấu chống lại các khuynh hướng xấu, nhờ đó được Đức Kitô chữa lành và tiến tới trên đường nhân đức. Và sau cùng hối nhân làm việc đền tội là làm các việc đạo đức cha giải tội dạy làm để đền bù những thiệt hại do tội lỗi gây ra[7].
Kết luận thực hành
Trong mùa chay và đặc biệt trong Năn Thánh Lòng Thương Xót, việc sám hối và lãnh nhận bí tích Hòa Giải là cần thiết như ĐTC có nói: việc lãnh nhận Bí tích Hòa giải như là đụng chạm vào lòng thương xót của Thiên Chúa và với mỗi hối nhân bí tích này trở nên nguồn bình an nội tâm thật sự[8]. Giáo Hội khuyên ta xưng tội một năm ít là một lần, tuy nhiên việc giữ mình khỏi mọi tội lỗi và sống xứng đáng đẹp lòng Chúa là điều Chúa mong muốn nơi mỗi người. Vì vậy việc thường xuyên lãnh nhận bí tích Hòa giải là điều tốt và giúp ta tiến bước trên đường trọn lành đồng thời là dấu chỉ cho thấy ta luôn sẵn sàng.
Mấy điểm cụ thể:
- Khi vào tòa giải tội nói vắn tắt dã xưng tội được bao lâu.
- Khi xưng tội là xưng tội của chính mình, tránh kể tội người khác.
Câu hỏi thảo luận:
- Bạn có cảm thấy bình an và niềm vui khi xưng tội xong?
- Khi được Chúa thứ tha bạn có quyết tâm đổi đời và tha thứ cho anh chị em mình không?
[1] x. GLHTCG 1423, 1424.
[2] GLHT 308.
[3] x.ĐTC Phanxicô, Tông sắc Misericordiae Vultus, số 22.
[4] GLHT 310
[5] x.ĐTC Phanxicô, Tông sắc Misericordiae Vultus, số 14.
[6] x. GLHTCG 1479.
[7] x. GLHT 297-304.
[8] x. ĐTC Phanxicô, Tông sắc Misericordiae Vultus, số 17.
Ban Huấn Giáo GP. Bà Rịa